Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trải qua 92 năm với 13 kỳ Đại hội, ở mỗi giai đoạn lịch sử, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam luôn chú trọng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và nhu cầu nguyện vọng của hội viên, phụ nữ.
Trước hết có thể khẳng định, khát vọng đổi mới và phát triển của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là sự tiếp nối, kế thừa những thành tựu của các thế hệ cán bộ Hội, hội viên, phụ nữ Việt Nam đã dựng xây, hun đúc trong suốt thời gian qua. Khát vọng đó thể hiện trong Chiến lược phát triển Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2035; trong xây dựng mục tiêu của nhiệm kỳ, xác định khâu đột phá, nhiệm vụ, giải pháp; trong lựa chọn phát động các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động phù hợp, thiết thực. Sau 20 năm thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, để đáp ứng yêu cầu mới, nhiệm kỳ 2022 - 2027, Hội phát động cán bộ, hội viên, phụ nữ cả nước thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới”gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”1 có sự thay đổi về nội hàm để đáp ứng yêu cầu của bối cảnh mới theo hướng toàn diện hơn, thí điểm xây dựng gia đình “5 có, 3 sạch”2 tại các địa bàn thực hiện nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; Tập trung nguồn lực thực hiện hai khâu đột phá mang tính chất giải pháp thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ, gồm: 1) Đổi mới phương thức hoạt động, trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin; 2) Tập trung xây dựng cơ sở Hội vững mạnh.
Sự đổi mới, sự quyết tâm của Hội được thể hiện trong cách thức, quá trình chỉ đạo triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc XIII. Ngay trong thời gian diễn ra Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc XIII (tháng 3/2022), các đoàn đại biểu đã thảo luận xây dựng các sáng kiến hành động vì phụ nữ và trẻ em với hơn 5.700 sáng kiến, tập trung vào các lĩnh vực đảm bảo quyền của phụ nữ và trẻ em; chăm sóc về vật chất, tinh thần cho phụ nữ. Các đoàn đại biểu cũng đã xác định 260 hoạt động cụ thể để triển khai nghị quyết. Trong đó có 47 hoạt động nhằm xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới; 47 hoạt động nhằm xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; 46 hoạt động nhằm hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; 45 hành động nhằm xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả; 85 hoạt động để tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và tăng cường công tác đối ngoại và hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế.
|
Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022 - 2027.
ẢNH: VŨ ĐỨC |
Việc chỉ đạo tổ chức các hoạt động chào mừng thành công Đại hội đại biểu Phụ nữ Việt Nam lần thứ XIII được đổi mới theo hướng thực chất, hiệu quả, bền vững và quan tâm chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho phụ nữ. Trung ương Hội đã hướng dẫn các tỉnh, thành Hội phát động cán bộ, hội viên, phụ nữ cả nước hưởng ứng thực hiện 3 nội dung: hưởng ứng “Tuần lễ Áo dài”, trồng cây xanh và nhắn tin ủng hộ đồng hành cùng phụ nữ biên cương đạt được kết quả đáng ghi nhận với hơn 9,2 nghìn công trình và 6,6 triệu cây xanh được trồng (gấp hơn 50 lần chỉ tiêu ban đầu đề ra; nhắn tin ủng hộ chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đạt gần 19 tỉ đồng3; “Tuần lễ Áo dài” được đông đảo cán bộ, hội viên, phụ nữ trên cả nước tích cực hưởng ứng, nhiều sự kiện tôn vinh giá trị áo dài, Hội thi duyên dáng áo dài, trao tặng áo dài cho phụ nữ khó khăn. Tỉnh Quảng Trị đã trao tặng 7.000 bộ áo dài cho nữ công nhân, viên chức, lao động có hoàn cảnh khó khăn. Tỉnh Thừa Thiên - Huế, Liên hoan Dân vũ “Xinh tươi Việt Nam” với hơn 500 hội viên, phụ nữ cộng đồng “Duyên dáng Áo dài”. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Gia Lai tặng 32 áo dài trị giá 6,4 triệu đồng cho cán bộ Hội; Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Anh Sơn, thành phố Vinh, Nam Đàn, Nghệ An đã thành lập "Tủ Áo dài truyền thống" với hơn 2.000 bộ áo dài tặng hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.
Thực hiện chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, lấy hạnh phúc và lợi ích của phụ nữ là mục tiêu, Hội đã và đang chủ động giám sát, phản biện xã hội và đề xuất với Chính phủ và các cấp chính quyền các chính sách về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Điển hình trong thời gian qua, Hội đề xuất và chủ trì thực hiện các Đề án 938 “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027” và Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”. Đặc biệt, Hội đã tích cực phát huy vai trò trong thực hiện và đề xuất lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; chủ trì Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Trong giai đoạn 2017 - 2022, thông qua thực hiện các Đề án, Chương trình mục tiêu quốc gia và vận động xã hội hóa, các cấp Hội đã hỗ trợ gần 13 triệu gia đình hội viên phụ nữ đạt tiêu chí gia đình “5 không, 3 sạch”, hỗ trợ thành lập gần 12.000 mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ tham gia quản lý và gần 800 hợp tác xã; hỗ trợ gần 482 tỷ đồng ủng hộ cán bộ, hội viên, phụ nữ và Nhân dân chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19. Từ năm 2018 đến nay, đã có 255 xã khu vực biên giới đã được nhận hỗ trợ từ Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” với tổng nguồn lực huy động hỗ trợ gần 210 tỉ đồng. Trên 118.000 mô hình vận động hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội được xây dựng và nhân rộng. Trên 14.000 công trình, phần việc xây dựng nông thôn mới đã được các cấp Hội triển khai hiệu quả ở cơ sở.
Đặc biệt, vừa qua nhân dịp kỷ niệm 92 năm thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (tháng 10/2022), Hội đã tham mưu tổ chức Hội nghị đối thoại của Thủ tướng Chính phủ để hội viên, phụ nữ và cán bộ Hội các cấp bày tỏ nguyện vọng, kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm, tạo điều kiện phát huy vai trò, sự đóng góp của phụ nữ vào sự phát triển chung của đất nước. Các kiến nghị, đề xuất tập trung vào 3 nhóm vấn đề lớn: (1) Phụ nữ với phát triển kinh tế; (2) Phụ nữ và các vấn đề an sinh xã hội, bình đẳng giới; (3) Phụ nữ và thế hệ tương lai. Qua đối thoại, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan tổng hợp đầy đủ các ý kiến, rà soát lại toàn bộ chính sách về bình đẳng giới, chính sách đối với phụ nữ để tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện trong đó nhấn mạnh Chính phủ sẽ nghiên cứu, xây dựng chính sách để đảm bảo an sinh xã hội cho phụ nữ, nhất là các nhóm phụ nữ đặc thù, phụ nữ làm việc ở khu vực phi chính thức, làm việc tại các khu công nghiệp, trong đó, có chính sách về lao động, đào tạo, bảo hiểm, nhà ở, nhà trẻ, trường học…
Với phương châm Trung ương định hướng chiến lược, Tỉnh vận dụng sáng tạo, Huyện đồng hành cơ sở, Xã nắm chắc hội viên, Chi thấu hiểu phụ nữ, nhiều nội dung định hướng của Trung ương Hội đã được các cấp Hội vận dụng sáng tạo, hiện thực hóa sinh động và lan tỏa trong thực tiễn thông qua việc chủ động triển khai, vận động phụ nữ tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động của Chính phủ, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ngành, các cấp phát động với nhiều cách thức sáng tạo, linh hoạt. Sự đổi mới, sáng tạo càng được thể hiện rõ nét trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động sâu sắc đến cuộc sống của người dân và công tác Hội. Các cấp Hội phụ nữ đã phát huy vai trò tiên phong hỗ trợ người dân và các lực lượng tuyến đầu với các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ nhu yếu phẩm, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, chăm sóc trẻ em, thai phụ, duy trì các mô hình gian hàng 0 đồng…. Chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Hội khởi xướng đã thu hút được sự chung tay của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân với hơn 11 nghìn trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có hơn 2.000 trẻ mồ côi do Covid-19 được kết nối hỗ trợ, đỡ đầu, tổng số tiền, quà vận động trên 43 tỷ đồng, qua đó, góp phần lan tỏa giá trị nhân văn, truyền thống tương thân tương ái của con người Việt Nam với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Xác định hội viên là nhân tố sống còn, tổ chức Hội là nhân tố chủ chốt, Hội tiếp tục thực hiện phương châm “ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động Hội”, đa dạng hóa các hình thức thu hút, tập hợp phụ nữ; có các mô hình, hoạt động phù hợp với các nhóm phụ nữ đặc thù. Ở cấp Trung ương, Hội đã ký kết các chương trình phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam để tăng cường thu hút, tập hợp các đối tượng nữ cán bộ, công chức, viên chức, nữ thanh niên và phụ nữ cao tuổi tham gia hoạt động Hội. Đồng thời, tiếp tục phát huy vai trò của các tổ chức thành viên và công nhận hội viên của các tổ chức thành viên là Hội Nữ trí thức Việt Nam và Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam. Trên cơ sở định hướng của Trung ương, Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh, thành ký kết chương trình phối hợp với các tổ chức cùng cấp đồng thời chủ động, sáng tạo xây dựng các đề án, giải pháp tập hợp các đối tượng phụ nữ. Hội Liên hiệp Phụ nữ Thừa Thiên Huế thu hút hội viên, phụ nữ thông qua các mô hình phát huy giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa Huế. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh xây dựng đề án và ban hành Nghị quyết của Ban Chấp hành về “Tăng cường công tác thu hút, tập hợp phụ nữ vùng khó khăn, đặc thù tham gia tổ chức Hội giai đoạn 2022 - 2027 và những năm tiếp theo”.
Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khẳng định vị thế tổ chức tiên phong hành động vì hạnh phúc của phụ nữ, có tầm ảnh hưởng trong khu vực và quốc tế, Hội đẩy mạnh các hoạt động hợp tác song phương, đa phương; tổ chức thành công nhiều hoạt động đối ngoại có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt là các hoạt động nhân kỷ niệm quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước Lào, Campuchia, Hàn Quốc (năm 2022). Trước yêu cầu hội nhập, Hội đã kịp thời xây dựng và ban hành Nghị quyết 18/NQ-BCH về hỗ trợ phụ nữ hội nhập đến năm 2030.
Bước sang nhiệm kỳ 2022 - 2027, để góp phần thực hiện được các mục tiêu phát triển đất nước, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xác định đây là nhiệm kỳ của tinh thần đổi mới, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập và phát triển nhằm phát huy cao độ truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam. Quyết tâm xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, phấn đấu vì hạnh phúc, tiến bộ của phụ nữ, vì sự phồn vinh của đất nước..
Chú thích:
1. 5 “Không” gồm: Không đói nghèo, không có người thân vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không vi phạm chính sách dân số, không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học; 3 “Sạch” gồm: Sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ.
2. 5 “Có” gồm: Có ngôi nhà an toàn, có sinh kế bền vững, có sức khỏe, có kiến thức, có nếp sống văn hóa.
3. Mục tiêu phấn đấu trồng và đảm bảo sống ít nhất 130.000 cây xanh, xây dựng 130 mô hình sinh kế, tổng giá trị 13 tỷ đồng cho phụ nữ vùng biên giới.
Hà Thị Nga
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.