|
Đoàn công tác Trung ương tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm nông nghiệp của người dân làng Wâu tại Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc. Ảnh: Đức Thụy |
Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị
Phương thức lãnh đạo của Đảng
Trong Từ điển Tiếng Việt, “phương thức” có nghĩa là “cách thức và phương pháp (nói tổng quát)”1. Thuật ngữ “phương thức” được sử dụng trong một số khái niệm cụ thể: phương thức sản xuất (trong khoa học kinh tế), phương thức tác chiến (trong khoa học quân sự), phương thức đào tạo (trong khoa học giáo dục - sư phạm)… Như vậy, phương thức thường gắn với hoạt động (hoặc lĩnh vực hoạt động) trong xã hội.
Phương thức lãnh đạo của Đảng là hệ thống phương pháp, hình thức, biện pháp mà Đảng vận dụng để tác động vào hệ thống chính trị và xã hội nhằm đạt được mục tiêu, nội dung lãnh đạo của Đảng2.
Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản cầm quyền là lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện. Trong hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa "Đảng vừa là lực lượng lãnh đạo, vừa là trung tâm quyền lực chính trị và là người tổ chức, điều hành cao nhất"3. Đảng là người đề ra đường lối, chủ trương, chính sách, vừa là người trực tiếp chỉ đạo, trực tiếp tổ chức lực lượng, bố trí cán bộ, chỉ đạo phong trào quần chúng thực hiện các đường lối, chính sách thành hiện thực. Phương thức lãnh đạo của Đảng thời kỳ nào phải phù hợp với thời kỳ ấy, nhằm bảo đảm đường lối, chủ trương của Đảng được thực hiện thông suốt, có hiệu quả để giành thắng lợi.
Các phương thức lãnh đạo cơ bản của Đảng
Là lực lượng lãnh đạo chính trị, Đảng không bao biện, làm thay, mà tôn trọng và phát huy vai trò của Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội. Sự lãnh đạo của Đảng được thực hiện thông qua các phương thức cơ bản sau:
Một là, Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, đường lối, những chủ trương, chính sách lớn, thể hiện bằng hình thức các nghị quyết của Đảng. Đó là sự định hướng chính trị, xây dựng và hoạt động của hệ thống chính trị, phát triển đất nước; là nhân tố đầu tiên, quyết định đảm bảo thắng lợi của sự nghiệp cách mạng.
Hai là, Đảng lãnh đạo thông qua hoạt động của hệ thống tổ chức Đảng và đội ngũ đảng viên. Thông qua đó, cụ thể hóa và hiện thân hóa sự lãnh đạo của Đảng trong hệ thống chính trị.
Đảng có hệ thống tổ chức các cấp bộ Đảng được lập tương ứng các cấp tổ chức hành chính quốc gia, với các tổ chức cơ sở Đảng được lập tại các đơn vị cơ sở hành chính, sự nghiệp, kinh tế hoặc công tác; trong các cơ quan lãnh đạo của Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội (cấp Trung ương và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) có các Đảng đoàn, ban cán sự Đảng; đồng thời còn có hệ thống tổ chức Đảng trong Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân Việt Nam. Các tổ chức của Đảng ở các cấp, các thành tố, các khâu của hệ thống chính trị cụ thể hoá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, lãnh đạo toàn diện và tổ chức thực hiện ở cấp mình, địa phương, đơn vị mình, đảm bảo Cương lĩnh, đường lối của Đảng thành hoạt động thực tế của các bộ phận trong hệ thống chính trị.
Đảng có đội ngũ hàng triệu đảng viên công tác trong các thành tố, ở các cấp của hệ thống chính trị. Sự lãnh đạo của Đảng được “hiện thân hoá” ở vai trò tiền phong, gương mẫu, ở vai trò vận động, thuyết phục quần chúng trên cương vị công tác của mỗi đảng viên.
Ba là, Đảng lãnh đạo bằng công tác chính trị tư tưởng nhằm xác lập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thành nền tảng tư tưởng, tạo động lực tinh thần cho xã hội.
Công tác tư tưởng tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng tạo sự thống nhất về phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và bước đi để mọi thành tố, mọi cấp có nhận thức đúng, phát huy tính chủ động, tự giác tạo thành phong trào cách mạng thực hiện đường lối của Đảng.
Bốn là, Đảng lãnh đạo bằng công tác tổ chức và công tác cán bộ đối với toàn bộ hệ thống chính trị. Đảng nắm cả bộ máy lẫn con người, đảm bảo tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị.
Bằng công tác tổ chức, Đảng nắm được bộ máy của hệ thống chính trị, để bộ máy đó phục vụ thực hiện đường lối của Đảng. Mặt khác, bộ máy của hệ thống chính trị gắn liền với đội ngũ cán bộ. Là đảng cầm quyền lãnh đạo toàn bộ hệ thống chính trị, Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý cán bộ của toàn bộ hệ thống chính trị; đồng thời phát huy trách nhiệm các thành tố, thực hiện đúng quy trình, thủ tục, pháp luật của Nhà nước và điều lệ của các đoàn thể chính trị - xã hội và các đoàn thể xã hội. Trên cơ sở chiến lược cán bộ, Đảng xác định quan điểm, tiêu chuẩn cán bộ và chính sách cán bộ; lãnh đạo, tổ chức thực hiện quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, bố trí, luân chuyển đội ngũ cán bộ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ chủ chốt, cán bộ chiến lược trong hệ thống chính trị.
Năm là, Đảng lãnh đạo bằng công tác kiểm tra việc thực hiện đường lối của Đảng trong hệ thống chính trị, đảm bảo đường lối của Đảng được thực hiện, giữ nghiêm kỷ luật; đồng thời phát hiện nhân tố mới để bổ sung, phát triển đường lối.
Đảng kiểm tra các tổ chức các cấp của Đảng đã quán triệt và thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, kiểm tra đảng viên đang hoạt động trong hệ thống chính trị trong việc chấp hành điều lệ Đảng, pháp luật Nhà nước, thực hiện nhiệm vụ. Qua kiểm tra, Đảng kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh những sai phạm, lệch lạc, đảm bảo đường lối, chính sách của Đảng được thực hiện trong thực tế. Đồng thời, thấy cả những sáng kiến, kinh nghiệm, những nhân tố mới của hệ thống chính trị trong việc triển khai thực hiện đường lối, từ đó bổ sung, hoàn thiện, phát triển đường lối của Đảng.
Sự lãnh đạo của Đảng bộ địa phương đối với hệ thống chính trị ở cơ sở
Sự lãnh đạo của Đảng bộ địa phương
Sự lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị bao quát trên phạm vi cả nước, định hướng và tổ chức các hoạt động của toàn bộ hệ thống chính trị, nhằm đạt được mục tiêu chính trị trong mỗi giai đoạn cách mạng. Sự lãnh đạo của Đảng không chỉ được thực hiện ở cấp Trung ương, với hoạt động của các cơ quan lãnh đạo cấp Trung ương (Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chấp hành Trung ương) của Đảng, mà còn được thực hiện cụ thể trên các lĩnh vực và nhất là ở các địa phương. Sự lãnh đạo của Đảng bộ địa phương thể hiện cụ thể sự lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị ở từng địa phương.
Sự lãnh đạo của Đảng bộ địa phương cũng chính là sự thể hiện cụ thể phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị thông qua hoạt động của hệ thống các tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên. Đảng bộ địa phương là một cấp trong hệ thống cơ cấu tổ chức của Đảng. Thông qua hoạt động của Đảng bộ địa phương, Cương lĩnh, đường lối, chủ trương, chiến lược của Đảng được cụ thể hóa thành các quyết sách, quyết định chính trị phù hợp với đặc điểm, điều kiện của địa phương và được hiện thực hóa trong hoạt động thực tiễn của hệ thống chính trị ở địa phương. Sự lãnh đạo của Đảng không chỉ là những “định hướng trừu tượng”, mà được thể hiện sống động bằng hoạt động của đội ngũ đảng viên. Đội ngũ đảng viên của Đảng phần lớn sinh hoạt, hoạt động, công tác trong các Đảng bộ địa phương, trong hệ thống chính trị ở địa phương. Với tính tiền phong, gương mẫu trên cương vị, vị trí công tác ở địa phương, các đảng viên được quần chúng tin cậy sẽ vận động, thuyết phục được quần chúng, tập hợp và tổ chức quần chúng thực hiện các hoạt động của hệ thống chính trị. Đội ngũ đảng viên (nhất là những cán bộ của Đảng) ở địa phương chính là “hiện thân” sự lãnh đạo của Đảng trong thực tiễn, nhất là ở các đơn vị cơ sở.
Phương thức lãnh đạo của Đảng bộ địa phương
Thứ nhất, ở cấp địa phương, Đảng bộ không đề ra cương lĩnh, đường lối chiến lược vĩ mô, mà đề ra những chủ trương, chính sách định hướng chính trị của địa phương. Các nghị quyết của Đảng bộ tập trung trí tuệ của toàn Đảng bộ, cụ thể hóa Cương lĩnh, đường lối của Đảng; thể hiện tầm nhìn, phản ánh khát vọng định hướng phát triển của địa phương trong chiến lược phát triển chung của đất nước, phù hợp đặc điểm, điều kiện của địa phương.
Thứ hai, Đảng bộ địa phương thực hiện sự lãnh đạo thông qua hoạt động của hệ thống các tổ chức Đảng (cấp tỉnh, cấp huyện và cấp cơ sở, đến từng chi bộ) ở tất cả các tổ chức thành tố của hệ thống chính trị, ở các tổ chức, đơn vị trên các lĩnh vực ở địa phương. Các tổ chức Đảng (đại diện là các cấp ủy) cụ thể hóa định hướng chính trị của Đảng bộ địa phương và triển khai tổ chức các hoạt động của hệ thống chính trị ở địa phương thành hiện thực trong đời sống thực tiễn.
Thứ ba, Đảng bộ địa phương thực hiện sự lãnh đạo bằng công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng của Đảng bộ địa phương tập trung quán triệt quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến toàn bộ đội ngũ cán bộ, đảng viên và toàn thể quần chúng nhân dân ở địa phương; nâng cao nhận thức, xây dựng khát vọng phát triển địa phương, tạo sự thống nhất trong hành động của toàn hệ thống chính trị. Nội dung giáo dục chính trị tư tưởng chú trọng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác, phê phán tư tưởng sai trái, thù địch, uốn nắn những nhận thức lệch lạc; đấu tranh phòng, chống khuynh hướng cơ hội, xét lại, bảo thủ, giáo điều, bè phái; đấu tranh với những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Phương thức giáo dục chính trị tư tưởng của Đảng bộ cần linh hoạt, đa dạng, hấp dẫn, tạo sức hút, lôi cuốn trong hệ thống chính trị. Trong điều kiện ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, “cách mạng 4.0”, cần chú ý sử dụng và phát huy vai trò của các phương tiện thông tin truyền thông kỹ thuật số, mạng xã hội…
Thứ tư, bằng công tác tổ chức, Đảng bộ địa phương (đại diện là cấp ủy) xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, cơ chế hoạt động của từng thành tố hệ thống chính trị; xây dựng cơ chế vận hành chung, sự phối hợp giữa các thành tố của hệ thống chính trị ở địa phương. Đối với công tác cán bộ, cấp ủy (của Đảng bộ) đề ra nguyên tắc, những tiêu chuẩn của các chức danh và quy trình “khung” của các khâu trong xây dựng đội ngũ cán bộ (nhất là bố trí, sử dụng cán bộ). Trên cơ sở đó, các thành tố của hệ thống chính trị, các tổ chức Đảng trực thuộc cụ thể hóa thành các quy chế, quy định hoạt động xây dựng tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ của mình. Đảng bộ (cấp ủy) địa phương lãnh đạo hệ thống chính trị ở địa phương xây dựng tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, nhưng không bao biện, làm thay, mà vẫn phát huy vai trò chủ động theo chức năng của các thành tố, của từng cấp trong hệ thống chính trị ở địa phương.
Sự lãnh đạo của Đảng bộ địa phương được thực hiện ở tất cả các khâu của công tác cán bộ (tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, quản lý, chế độ chính sách).
Thứ năm, Đảng bộ địa phương lãnh đạo bằng công tác kiểm tra Đảng. Công tác kiểm tra của Đảng bộ địa phương bao gồm các hoạt động kiểm tra của cấp ủy cấp trên, của cơ quan chuyên trách (Ủy ban Kiểm tra) và tự kiểm tra của từng tổ chức đảng, đảng viên. Về nội dung, tập trung kiểm tra việc chấp hành Điều lệ, Cương lĩnh, việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và việc thực hiện các quyết sách, quy định của Đảng bộ. Công tác kiểm tra Đảng không chỉ phát hiện những sai phạm, mà còn phải xử lý; không chỉ là phát hiện, xử lý các sai phạm (mặc dù là rất quan trọng), mà còn phát hiện những vấn đề nảy sinh trong hoạt động thực tiễn của hệ thống chính trị ở địa phương, để từ đó bổ sung, hoàn thiện và phát triển các quyết định, quyết sách của Đảng bộ, đảm bảo sát hợp với sự vận động thực tiễn ở địa phương.
Công tác kiểm tra Đảng (của Đảng bộ) cần được phối hợp chặt chẽ với thanh tra của chính quyền, hoạt động giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, sự giám sát của Nhân dân (nhất là các phương tiện thông tin đại chúng) đối với hoạt động của các tổ chức và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị ở địa phương.
Với tư cách là hạt nhân lãnh đạo ở địa phương, Đảng bộ địa phương cần thực hiện tốt những nội dung, nhằm tạo sự đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng bộ đối với hệ thống chính trị ở địa phương, cụ thể hóa theo đối tượng lãnh đạo, cấp lãnh đạo, nội dung và lĩnh vực lãnh đạo; vừa đảm bảo vai trò và hiệu quả lãnh đạo của Đảng, vừa phát huy tốt hơn tính chủ động, sáng tạo của các tổ chức, các thành tố trong hệ thống chính trị. Qua đó, phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Đó là cơ sở, điều kiện đảm bảo tất cả quyền lực thuộc về Nhân dân, thực hiện thành công mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Chú thích:
1. Viện Ngôn ngữ học (Hoàng Phê chủ biên): Từ điển Tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển, 2002, tr.793.
2. Vũ Hữu Ngoạn (chủ biên), Ngô Văn Dụ… (2001), Tìm hiểu một số khái niệm trong Văn kiện Đại hội IX của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. tr.48.
3. Trần Đình Huỳnh (2001), Phương thức Đảng lãnh đạo Nhà nước, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.114.
Tài liệu tham khảo
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2017.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2018.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 1, tập 2.
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tập 9.
5. Trần Đình Huỳnh, Phương thức Đảng lãnh đạo Nhà nước, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021.
Vũ Thị Như Hoa
Tiến sĩ, Học viện Chính trị khu vực I