Tiêu chí đạo đức đảng viên trong giai đoạn mới - vì sao cần?

Tọa đàm khoa học về việc xây dựng tiêu chí chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới đã được Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức vào ngày 6/4 để làm cơ sở tham mưu cho Đảng xem xét ban hành các nghị quyết, chỉ thị xây dựng Đảng về đạo đức và văn hóa. Vì sao chúng ta cần xây dựng tiêu chí mới về chuẩn mực đạo đức đối với cán bộ, đảng viên và chuẩn mực mới đòi hỏi những tiêu chí gì?
 Quang cảnh Toạ đàm xây dựng tiêu chí về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, chiều 6/4/2022. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Bối cảnh mới - thách thức mới

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam luôn dành sự quan tâm rất lớn đến giáo dục, rèn luyện đạo đức cho cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, trước đây Đảng ta không tách riêng nội dung xây dựng Đảng về đạo đức mà để chung trong nội dung xây dựng Đảng về tư tưởng. Tại Đại hội XII, lần đầu tiên Đảng đưa công tác xây dựng Đảng về đạo đức ngang hàng với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Điều này là có nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI (12/1986) của Đảng Cộng sản Việt Nam tạo bước ngoặt trong cơ chế quản lý kinh tế ở nước ta, quyết định đổi mới cơ chế quản lý kinh tế trên cơ sở đổi mới cơ cấu kinh tế, chấp nhận kinh tế nhiều thành phần và chuyển sang nền sản xuất hàng hóa; xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp. Từ đó đến nay cơ chế quản lý kinh tế cũ từng bước bị xóa bỏ, cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa dần dần được hình thành. Sự đổi mới kinh tế đạt được nhiều thành tựu hết sức to lớn.

Cùng với việc chuyển hướng sang cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa thì nền kinh tế nước ta cũng ngày càng hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh tới đòi hỏi “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả”.

Bên cạnh những mặt tích cực không thể phủ nhận thì việc chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường và sự hội nhập toàn cầu cũng đặt ra những thách thức mới đối với đất nước nói chung, cũng như đối với cán bộ, đảng viên nói riêng. Đó là sự xuống cấp đạo đức xã hội, trong đó có sự sa sút đạo đức cách mạng của một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Theo Giáo sư, Tiến sỹ, Nhà giáo Nhân dân Trần Văn Bính, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), từ một nước chậm phát triển, Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển và có nhịp độ tăng trưởng kinh tế khá ấn tượng. Sự tăng trưởng kinh tế về mặt lý thuyết lẽ ra phải tạo điều kiện để duy trì và phát triển những giá trị tinh thần tốt đẹp mà dân tộc và cách mạng đã sáng tạo ra. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đã xuất hiện một bộ phận không ít người quay lưng lại với các giá trị đó, thậm chí trở thành những nạn nhân thảm hại của chủ nghĩa cá nhân.

Kinh tế thị trường thúc đẩy sức sản xuất nhưng cũng có nhiều mặt trái dung dưỡng cho nhiều thói hư tật xấu, đặc biệt là chủ nghĩa cá nhân, sự sùng bái vật chất và lãng quên các giá trị tinh thần.

Theo nghiên cứu của Tiến sỹ Lê Việt Trung và các cộng sự ở Viện Khoa học tổ chức, cán bộ (Ban Tổ chức Trung ương), nền kinh tế thị trường và bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay vừa tạo ra cơ hội, vừa tạo ra những nguy cơ, thách thức mới, làm sâu sắc thêm những nguy cơ vốn có đối với cán bộ, đảng viên.

Nguy cơ đáng lo ngại nhất là phai nhạt lý tưởng, đánh mất bản sắc văn hóa, xói mòn những giá trị truyền thống của dân tộc, xuất hiện tình trạng “nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị". Một bộ phận cán bộ, đảng viên, phần lớn còn trẻ tuổi, giảm sút niềm tin, phai nhạt lý tưởng cách mạng, sống thực dụng, xa rời truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Tiếp đến là nguy cơ suy thoái về đạo đức lối sống, tham ô, tham nhũng, lãng phí. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược, thiếu gương mẫu, uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm. Trong đó, tham nhũng là vấn đề nhức nhối với nhiều hình thức mới, như tham nhũng chính sách, tham nhũng đất đai, tham nhũng trong công tác cán bộ.

Hình thức “tự chuyển hóa mới” - lợi ích nhóm

Các Đại hội Đảng, hội nghị Trung ương gần đây đã chỉ rõ, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", trong đó có cả một số cán bộ cấp cao.

Trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, hơn 1.300 tổ chức đảng và gần 70.000 đảng viên đã bị thi hành kỷ luật. Riêng Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 10 tổ chức đảng, 229 đảng viên.

Năm 2021 có 618 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái (tăng 132 đảng viên so với năm 2020). Nhiều cán bộ cấp cao bị kỷ luật do tham nhũng, tiêu cực, trong đó có 32 trường hợp thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (tăng 15 trường hợp so với năm 2020).

Bước sang năm 2022, nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực gây hậu quả nghiêm trọng tiếp tục được xử lý nghiêm minh, nhằm trừng trị thích đáng, đồng thời ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức trong cán bộ, đảng viên. Liên quan đến sai phạm tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á, nhiều tổ chức đảng và cán bộ lãnh đạo, quản lý, tướng lĩnh cấp cao phải chịu trách nhiệm tập thể, cá nhân về hành vi vi phạm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và phải nhận các hình thức kỷ luật đảng như cảnh cáo, cách chức, khai trừ ra khỏi đảng, bị truy tố, bắt tạm giam.

Vụ Việt Á gây bức xúc trong dư luận vì những vi phạm nghiêm trọng liên quan đến phạm trù đạo đức và pháp luật - một loạt cán bộ, đảng viên lợi dụng dịch COVID-19 để trục lợi, tham ô công quỹ, lừa dối trong nghiên cứu khoa học, gây mất lòng tin của người dân đối với các biện pháp chống dịch từ phía chính quyền, cơ quan chức năng, ảnh hưởng đến công cuộc phòng, chống dịch COVID-19 mà cả nước đang tập trung toàn lực…

Một vấn đề đáng lo ngại trong vụ Việt Á là vấn đề lợi ích nhóm, sự câu kết của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm trục lợi, thu vén lợi ích cá nhân, thờ ơ vô cảm đối với lợi ích của cộng đồng, đất nước.

"Lợi ích nhóm" luôn gắn với hành vi tham nhũng của những người có chức, có quyền, gắn với quyền lực nhà nước tạo nên "nhóm lợi ích" ở cấp độ cao hơn, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hơn, chi phối các cá nhân có thẩm quyền, ảnh hưởng đến cả các chủ trương, chính sách, quyết định của chính quyền, vì thế tính chất nguy hiểm đối với xã hội càng cao hơn.

Theo Trung tướng Nguyễn Ngọc Tương, nguyên Phó Chính ủy Học viện Quốc phòng, sự cấu kết, lôi kéo những người có chức, có quyền bằng vật chất ngày càng chặt chẽ, khép kín, đủ sức lũng đoạn từ tập thể nhỏ đến tập thể lớn, từ kinh tế đến chính trị. Lợi dụng chính sách, pháp luật, nhân danh lợi ích xã hội, quy định của pháp luật để trục lợi. Dưới danh nghĩa lợi ích tập thể, lợi ích quốc gia để giành giật, chiếm đoạt lợi ích vật chất, danh tiếng, quyền lực cho bản thân và gia đình, mà không đếm xỉa đến lợi ích của nhân dân, quốc gia, dân tộc… nó được tổ chức chặt chẽ, thủ tục hợp pháp, rất khó phát hiện.

“Lợi ích nhóm” rất nguy hiểm đối với lợi ích chính đáng của tập thể, đất nước. Bởi vậy, kiên quyết chống lại sự hình thành “nhóm lợi ích” phải là một phẩm chất cần có của cán bộ, đảng viên trong tình hình mới.

Chuẩn mực đạo đức đảng viên trong giai đoạn mới

 Toàn cảnh Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Những con số về các vụ đảng viên bị kỷ luật nêu trên cho thấy, trong công cuộc đổi mới kinh tế và hội nhập quốc tế, các cán bộ, đảng viên phải đối mặt với không ít những tác động tiêu cực, trong đó tác động trực tiếp và mạnh nhất đối với họ chính là mặt trái của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế.

Điều cần đặc biệt lưu ý là mặt trái của quyền lực thường kết hợp với mặt trái của kinh tế thị trường, tạo thành một sự cộng hưởng gây nên những tiêu cực, suy thoái về đạo đức trong cán bộ, đảng viên hết sức nghiêm trọng. Tình hình đó đòi hỏi tiêu chí về chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên phải có sự phát triển phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nêu yêu cầu “Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các giá trị đạo đức cách mạng theo tinh thần Đảng ta là đạo đức, là văn minh cho phù hợp với điều kiện mới và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc”.

Tiến sỹ Lê Thị Hằng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) đề xuất một số phẩm chất đạo đức tiêu biểu cần có ở mỗi cán bộ, đảng viên hiện nay.

Thứ nhất, về bản lĩnh chính trị, đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay là thành viên của đảng cầm quyền, đảng lãnh đạo giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn dân tộc đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Sứ mệnh đó đòi hỏi Đảng và mỗi đảng viên phải rất vững vàng, độc lập, sáng tạo trong việc đề ra và tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách, cũng như xây dựng nội bộ Đảng đoàn kết, vững mạnh; không dao động trước khó khăn, thử thách.

Phẩm chất thứ hai - ham học hỏi, cầu tiến bộ. Công cuộc Đổi mới mà Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo thực hiện là một cuộc vận động mang tính cách mạng toàn diện và sâu sắc, diễn ra trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội. Đó là một quá trình khó khăn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, chưa có mô hình định sẵn.

Thứ ba, phẩm chất giữ vững kỷ luật Đảng và nghiêm chỉnh thực thi pháp luật của Nhà nước. Cán bộ, đảng viên càng có công thì càng phải khiêm tốn, đảng viên giữ vị trí càng cao, càng phải gương mẫu và nếu mắc sai phạm càng phải chịu kỷ luật nghiêm khắc.

Thứ tư, trọng dân, yêu dân, tin dân, gần dân, học dân.

Thứ năm, phòng, chống chủ nghĩa cá nhân. Trong điều kiện Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng lãnh đạo duy nhất và nhất là từ khi nước ta chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường thì chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa thực dụng có điều kiện phát triển.

Cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền, nếu thiếu tu dưỡng đạo đức cách mạng thì rất dễ bị cám dỗ và sa ngã bởi lợi ích vật chất "che mắt", việc lợi dụng chức quyền, thu vén cá nhân, tham nhũng, làm giàu bất chính sẽ dẫn đến suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, biến chất về phẩm chất chính trị là hệ quả tất yếu.

Theo Trần Quang Vinh (TTXVN)

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều