Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thứ Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương trao Giấy Chứng nhận tốt nghiệp cho các học viên Lớp bồi dưỡng kiến thức mới cho cán bộ quy hoạch cấp chiến lược khóa XIII_Ảnh: TTXVN
Quy định số 214-QĐ/TW, ngày 2-1-2020, về “Khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”, đưa ra 5 nhóm tiêu chuẩn, trong đó nhóm tiêu chuẩn đầu tiên là về chính trị, tư tưởng.
Tiêu chuẩn chính trị là những đòi hỏi về phẩm chất chính trị, bao gồm nhận thức chính trị và hành vi chính trị. Tiêu chuẩn tư tưởng là đòi hỏi về phẩm chất tư tưởng thể hiện ở lời nói và việc làm của người lãnh đạo. Nội hàm tiêu chuẩn chính trị, tư tưởng của người lãnh đạo cao cấp được Đảng cụ thể hóa trong Quy định 214-QĐ/TW gồm:
“Tuyệt đối trung thành với lợi ích của Đảng, của quốc gia - dân tộc và nhân dân; kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đường lối đổi mới của Đảng. Có lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị vững vàng; kiên quyết bảo vệ nền tảng tư tưởng, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Có tinh thần yêu nước nồng nàn, sâu sắc; luôn đặt lợi ích của Đảng, quốc gia - dân tộc, nhân dân lên trên lợi ích của ngành, địa phương, cơ quan và cá nhân; sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Tuyệt đối chấp hành sự phân công của tổ chức, yên tâm công tác; giữ nghiêm kỷ luật phát ngôn theo đúng nguyên tắc, quy định của Đảng”.
Vấn đề đặt ra trên hai phương diện: Một là, yêu cầu đối với người được xem xét bổ nhiệm lãnh đạo phải nhận thức đúng và tự giác hành xử theo những tiêu chuẩn trên; hai là, yêu cầu đối với những cá nhân, tập thể làm công tác tổ chức cán bộ phải nhận biết đúng, khách quan, phẩm chất, năng lực của đương sự và chịu trách nhiệm về sự tham mưu của mình đối với việc bổ nhiệm nhân sự đó. Làm tốt cả hai phương diện này khi tiến hành xem xét cán bộ thì mới có thể bổ nhiệm chính xác, đúng người, bảo đảm chất lượng cao nhất.
Đối với người được xem xét bổ nhiệm lãnh đạo cấp cao phải có nhận thức và hành xử đúng theo các tiêu chuẩn chính trị, tư tưởng
Phẩm chất “Tuyệt đối trung thành với lợi ích của Đảng, của quốc gia - dân tộc và nhân dân” trong tiêu chuẩn chính trị, tư tưởng cần được nhận thức rằng, mục đích của Đảng là xây dựng nước Việt Nam hoà bình, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản. “Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc thì Đảng không có lợi ích gì khác”, “Vì lợi ích của Đảng tức là lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc”, “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân”. “Đảng không có lợi ích tự thân”. Lợi ích của người lãnh đạo hòa chung trong lợi ích của quốc gia - dân tộc, nhân dân. Người lãnh đạo không được tự cho mình quyền đặt lợi ích của mình và gia đình lên trên, lên trước lợi ích quốc gia - dân tộc, nhân dân.
Đại hội XII của Đảng xác định, bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi. Lợi ích quốc gia và lợi ích dân tộc là đồng nhất; lợi ích quốc gia - dân tộc của Việt Nam được xác định trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi, không phải là những lợi ích dân tộc vị kỷ, hẹp hòi; bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc phải là nguyên tắc tối thượng, là tiêu chí hàng đầu đánh giá hiệu quả của mọi hoạt động.
Lợi ích quốc gia - dân tộc được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định từ rất sớm, thể hiện ở mục tiêu xuyên suốt là “Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng và nhân dân ta đặt quyền lợi độc lập dân tộc cao hơn hết thảy, khi mà quyền lợi dân tộc chưa đòi được, thì quyền lợi giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được(1). Cho nên, khi thời cơ đến, dù có phải “đốt cháy cả dãy Trường Sơn” cũng phải giành cho được độc lập dân tộc. Khi đã giành được độc lập dân tộc, phải quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy. Khi đất nước ta bị chủ nghĩa thực dân mới - đế quốc Mỹ xâm lược, non sông bị chia cắt làm đôi, thì lợi ích cao nhất của dân tộc là: Tổ quốc độc lập, thống nhất nước nhà. Trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế, hơn lúc nào hết phải coi trọng lợi ích quốc gia - dân tộc và nhân dân trong từng chính sách phát triển. Đảng ta khẳng định: “Phải đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết; kiên định độc lập, tự chủ, đồng thời chủ động và tích cực hội nhập quốc tế trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi; kết hợp phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”(2).
“Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc” trở thành kim chỉ nam trong mọi hoạt động hội nhập quốc tế của đất nước ta. Lợi ích quốc gia - dân tộc là lợi ích tối cao của hơn 96 triệu nhân dân Việt Nam ở trong nước và hơn 4,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài trên tất cả các phương diện: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc là cơ sở để xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; và xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh là phù hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc và là điều kiện để thực hiện các lợi ích đó. Đảng ta khẳng định: “Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hoá, đa phương hoá trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế,… nhằm phục vụ mục tiêu giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân; nâng cao vị thế, uy tín của đất nước và góp phần vào sự nghiệp hoà bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới(3). Đó là tiêu chuẩn trước nhất thuộc về chính trị, tư tưởng, phải được thể hiện ở cả nhận thức và hành động của người lãnh đạo cấp cao.
Hội nghị lần thứ mười hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã xem xét, quyết định phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII_Ảnh: TTXVN
Phẩm chất “Kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đường lối đổi mới của Đảng” trong tiêu chuẩn chính trị, tư tưởng là đòi hỏi người lãnh đạo cấp chiến lược phải am tường sâu sắc, kiên định và sáng tạo khi vận dụng vào mọi công tác lãnh đạo của mình. Sở dĩ người lãnh đạo cấp cao phải thỏa mãn phẩm chất đó, là vì chủ nghĩa Mác - Lê-nin là hệ thống lý luận thống nhất, kết tinh và phát triển trên một tầm cao mới trí tuệ của nhân loại, là lý luận cách mạng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và loài người tiến bộ nhằm giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc và giải phóng con người. Tư tưởng Hồ Chí Minh là kết tinh sự vận dụng, phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại. Bởi đó là nền tảng khoa học, cách mạng; mục tiêu của nó phù hợp với khát vọng nhân văn của dân tộc ta: Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Những người Việt Nam chân chính, những người có lương tri trên thế giới đều nhận thức rõ ràng điều này và thực tế lịch sử cách mạng Việt Nam đã và đang minh chứng. Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại, nắm vững quy luật khách quan, xu thế thời đại và thực tiễn của đất nước để đề ra Cương lĩnh chính trị, đường lối cách mạng đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Vì những lẽ đó, hơn ai hết, đòi hỏi người lãnh đạo cấp chiến lược phải đứng vững trên lập trường của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh để vận dụng vào công tác lãnh đạo của mình một cách kiên định, sáng tạo, không xa rời định hướng xã hội chủ nghĩa của công cuộc đổi mới.
Phẩm chất “Có lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị vững vàng” là yêu cầu về bản ngã, lòng tuyệt đối trung thành của người lãnh đạo cao cấp đối với lý tưởng, mục tiêu, tổ chức mà mình đã thấm nhuần, đã xác định, đã đứng trong hàng ngũ của Đảng để tự nguyện cống hiến. Lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị của người lãnh đạo, nhất là lãnh đạo cao cấp phải dựa vào phẩm chất trí tuệ, là khoa học, là tài năng và phẩm chất đạo đức, “là cái gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, cái gì có hại cho dân phải hết sức tránh”, “giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục”. Đó là phẩm chất cần thiết và cũng là điểm tựa giúp người lãnh đạo vượt qua mọi khổ ải, khó khăn để hoàn thành sứ mệnh lãnh đạo cao cả mà Đảng giao phó, nhân dân ủy thác, tin tưởng.
Phẩm chất “Kiên quyết bảo vệ nền tảng tư tưởng, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch” là sự đòi hỏi phải bảo vệ cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn của sự nghiệp cách mạng mà Đảng, nhân dân đồng thuận nhận thức và lựa chọn dựa trên tính khoa học, tính cách mạng, tính nhân văn, tính phù hợp của nó. Đó là lý luận mác xít, là con đường cách mạng vô sản, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội… Trên cơ sở nền tảng tư tưởng đó mà Đảng xác định Cương lĩnh, đường lối, nhân dân xây dựng nên Hiến pháp và pháp luật làm căn cứ, làm khuôn thước để người lãnh đạo tổ chức và dẫn dắt nhân dân tiến hành sự nghiệp cách mạng. Đó là bảo vệ cái hợp lý đã được Đảng và dân đồng thuận xác lập. Bảo vệ cái đúng, cái tốt, cái thiện đồng thời, phải thẳng thắn, kiên quyết phản bác, đẩy lùi cái sai, cái xấu, cái ác mà các thế lực thù địch luôn luôn chĩa vào cách mạng là phẩm chất song hành cần thiết cấu thành nhân cách người lãnh đạo cấp cao.
Phẩm chất “Có tinh thần yêu nước nồng nàn, sâu sắc; luôn đặt lợi ích của Đảng, quốc gia - dân tộc, nhân dân lên trên lợi ích của ngành, địa phương, cơ quan và cá nhân” là phẩm chất căn bản cần có của người lãnh đạo. Bởi lẽ, yêu nước là thứ tình cảm thiêng liêng, là sự tôn trọng, tôn thờ, ghi khắc trong tim đối với đất nước của mình. Một người có lòng yêu nước là người có những tình cảm cao đẹp, trong sáng và luôn vì sự phát triển của đất nước mà cống hiến hết mình, là thước đo để đánh giá phẩm chất, đạo đức một con người, dù ở đâu, làm gì, thì trong tim vẫn luôn hướng về cội nguồn, đất nước. Trước khi trở thành người lãnh đạo phải là một người yêu nước. Người lãnh đạo cấp cao càng phải là người yêu nước thiết tha, nếu không sẽ không có sự xả thân vì dân, vì nước, không thể tập hợp, thu phục, tổ chức được những người Việt Nam yêu nước. Lòng yêu nước, yêu dân chính đáng tự nó đã chứa đựng phẩm chất biết đặt lợi ích của Đảng, quốc gia - dân tộc, nhân dân lên trên lợi ích của ngành, địa phương, cơ quan và cá nhân trong mọi hành xử của mình. Chỉ có đủ những phẩm chất và hành xử theo phẩm chất “lo trước thiên hạ, hưởng sau thiên hạ, khổ trước thiên hạ, sướng sau thiên hạ”, “Tổ quốc trên hết, nhân dân trên hết, mình là công bộc, là đầy tớ của dân”… thì mới đủ phẩm chất cần có của những người dẫn dắt quốc gia, dân tộc.
Phẩm chất “Sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân; tuyệt đối chấp hành sự phân công của tổ chức, yên tâm công tác” đòi hỏi người lãnh đạo phải tự nguyện, tự giác xả thân cho lý tưởng cao cả của người cách mạng, cho khát vọng chính đáng của nhân dân, gian khó không quản, hy sinh tính mệnh không từ. Hồ Chí Minh đã từng nhắc nhở người lãnh đạo, người cách mạng, người cộng sản rằng, không ai bắt ai vào Đảng cả, nếu cảm thấy trách nhiệm vẻ vang của người cộng sản thì tự nguyện mà đứng vào để hy sinh cho dân, cho nước nhiều hơn. Và đã là đầy tớ, công bộc của dân, là con người của tổ chức có kỷ luật sắt thì phải tuyệt đối chấp hành sự phân công của tổ chức, vì đó là mệnh lệnh của Đảng, của dân, của trái tim yêu nước, thương dân. Đó là trách nhiệm vẻ vang, là sự gương mẫu cần thiết của người lãnh đạo cấp cao.
Phẩm chất “Giữ nghiêm kỷ luật phát ngôn theo đúng nguyên tắc, quy định của Đảng” là đòi hỏi của tổ chức, là sự thấm nhuần, tự giác của người lãnh đạo. Đảng ta là một tổ chức nghiêm minh, tự giác, có kỷ luật sắt, đòi hỏi mỗi đảng viên của Đảng viết, nói, phát ngôn theo Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, Nhà nước, thống nhất giữa nói và làm. Kỷ luật phát ngôn đối với cán bộ, đảng viên nhằm giữ vững tính Đảng, bảo vệ bí mật của Đảng và Nhà nước; yêu cầu cán bộ, đảng viên giữ vững quan điểm, lập trường, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ trên từng vị trí công tác. Cương vị lãnh đạo càng cao càng phải phát ngôn đúng, chuẩn mực, giữ vững lập trường. Giữ kỷ luật phát ngôn chính là giữ vững kỷ luật Đảng, giữ phẩm chất đảng viên, là bảo vệ cái đúng, cái thống nhất của Đảng. Hơn ai hết người lãnh đạo phải gương mẫu trong phẩm chất này.
Trách nhiệm của những người làm công tác cán bộ trong tham mưu để bổ nhiệm lãnh đạo cao cấp
“Cán bộ là cái gốc của mọi công việc"(4), “muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”(5). Việc lựa chọn được đội ngũ lãnh đạo cấp chiến lược lại càng hệ trọng, có ý nghĩa thành bại đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân, của Đảng. Vì thế, cần được phân định, xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, trách nhiệm của tập thể trong mỗi công đoạn và trách nhiệm cuối cùng của việc bổ nhiệm lãnh đạo.
Đối với người làm công tác cán bộ, ngoài yêu cầu về phẩm chất, năng lực đặc biệt, có hai trách nhiệm cần được xác định bằng một quy định mang tính pháp lý:
Một là, nhất thiết phải nhận biết đúng phẩm chất, năng lực người cán bộ được xem xét để tham mưu bổ nhiệm lãnh đạo cao cấp. Xây dựng đội ngũ lãnh đạo, nhất là cấp chiến lược là công việc rất hệ trọng, ảnh hưởng đến muôn dân, đến công cuộc cách mạng nên phải được tiến hành một cách thật khoa học, chặt chẽ, tỉ mỉ, chắc chắn, chính xác. Bố trí, sử dụng lãnh đạo là khâu rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến sự thành, bại của sự nghiệp cách mạng. Bởi, nếu phân công, bố trí lãnh đạo không đúng với năng lực, sở trường và lòng nhiệt huyết đối với công việc đó thì sẽ dẫn đến lãng phí nguồn lực, làm “thui chột” tài năng, thậm chí làm hỏng việc. Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Phải khéo dùng cán bộ. Không có ai cái gì cũng tốt, cái gì cũng hay. Vì vậy, chúng ta phải khéo dùng người, sửa chữa những khuyết điểm cho họ, giúp đỡ ưu điểm của họ. Thường chúng ta không biết tuỳ tài mà dùng người. Thí dụ: thợ rèn thì bảo đi đóng tủ, thợ mộc thì bảo đi rèn dao. Thành thử hai người đều lúng túng. Nếu biết tùy tài mà dùng người, thì hai người đều thành công”, …“Phải phân phối cán bộ cho đúng. Thí dụ: trong một nơi quan trọng ở một thành thị to thì phải phái những cán bộ có quan hệ khăng khít với quần chúng. Họ là người trong quần chúng mà ra, có sáng kiến, tinh thần, chắc chắn, chí khí vững vàng. Phải dùng người đúng chỗ, đúng việc”(6).
Công tác cán bộ có nhiều khâu, trách nhiệm thuộc về nhiều người, nhiều tổ chức, song khâu nào cũng có vai trò quan trọng nhất của cơ quan tham mưu - cơ quan tổ chức. Những cá nhân và tổ chức thuộc cơ quan chức năng trực tiếp làm công tác cán bộ trong quy trình bổ nhiệm lãnh đạo cao cấp phải có trách nhiệm chủ yếu trong việc nhận biết thật chính xác về phẩm chất, năng lực của cán bộ được xem xét bổ nhiệm. Có nghĩa là, cán bộ tổ chức phụ trách nhân sự nào phải hiểu biết đúng, chính xác về nhân sự đó. Chỉ hiểu đúng mới tiến hành công tác cán bộ. Xác định rõ trách nhiệm sẽ khắc phục được tình trạng bổ nhiệm cán bộ kém chất lượng. Muốn làm được việc này phải có quy định xác định rõ nhiệm vụ cụ thể trong từng công đoạn, từng khâu, từng việc làm để cán bộ tổ chức phải đi sâu, đi sát với các phương pháp làm việc, cách tiếp cận phù hợp, để có được những nhận biết chân xác về người lãnh đạo cần bổ nhiệm. Chỉ xem xét bổ nhiệm cán bộ khi cá nhân và tổ chức làm công tác cán bộ khẳng định đúng về nhân cách đương sự.
Hai là, phải chịu trách nhiệm về sự tham mưu của mình đối với từng trường hợp được bổ nhiệm lãnh đạo cao cấp. Đầu tư xây dựng đội ngũ lãnh đạo là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững. Vì thế, một yêu cầu hết sức quan trọng không kém yêu cầu về tiêu chuẩn đối với người được xem xét bổ nhiệm lãnh đạo cao cấp là yêu cầu từ phía những người làm công tác cán bộ của Đảng. Công tác cán bộ không có tâm trong sáng, tư tưởng bè cánh, nhóm lợi ích chi phối dẫn tới thiếu khách quan, trách nhiệm không cao, không toàn tâm, toàn ý vì nước, vì dân, vì Đảng thì những cánh hẩu, những thứ “ệ”(7) lại lên ngôi. Vì thế, cần phải có những quy chế pháp lý về tiêu chuẩn, về trách nhiệm đối với những cá nhân, tập thể trực tiếp làm công tác cán bộ. Họ phải là những người có đủ phẩm chất, năng lực và là người chịu trách nhiệm chính về “sản phẩm” của công tác cán bộ mà họ tham gia làm nên(8). Quy chế phải quy định những tiêu chuẩn cụ thể của cán bộ làm công tác tổ chức - cán bộ để nhân dân, sau đó là cấp ủy lựa chọn và chịu trách nhiệm về sự lựa chọn này; và quy định về trách nhiệm cụ thể của cá nhân, tập thể làm công tác cán bộ trong việc tham mưu bổ nhiệm lãnh đạo đối với từng trường hợp lãnh đạo cao cấp. Nếu không có quy chế quy định trách nhiệm đối với người làm công tác cán bộ là thiếu căn cứ pháp lý đối với một công việc cực kỳ quan trọng này.
Sự thỏa mãn tiêu chuẩn chính trị, tư tưởng trên đây, cùng với bốn nhóm tiêu chuẩn khác của Quy định 214/QĐ-TW (về đạo đức, lối sống; về trình độ; về năng lực và uy tín; sức khoẻ, độ tuổi và kinh nghiệm) ở người lãnh đạo, kết hợp với nhận thức và trách nhiệm của cá nhân, tập thể làm công tác cán bộ của Đảng sẽ lựa chọn được những người lãnh đạo cao cấp xứng tầm trước thềm đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng./.
---------------------
1. Hội nghị Trung ương 8, Khóa I, (từ ngày 10 đến ngày 19-5-1941) quyết định tiến hành công cuộc giải phóng dân tộc
2. Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn 30 năm đổi mới (1986 - 2016), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr. 200-201
3. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.34-35
4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 309
5. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 280
6. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 314
7. Tiền tệ, quan hệ, hậu duệ, đồ đệ
8. Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã nhấn mạnh những đặc trưng chủ yếu của người cán bộ tổ chức đó là “Tuyển chọn những người công tâm, trung thực, trong sáng, có kinh nghiệm làm công tác cán bộ”.
Theo PGS, TS. ĐOÀN THẾ HANH/Tạp chí Cộng sản