Tỉnh Gia Lai tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới

Trong xu thế phát triển triển mạnh mẽ của nền kinh tế tri thức, kinh tế số, sự bùng nổ của khoa học - công nghệ, việc xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ là vấn đề cấp thiết hiện nay. Xác định tầm quan trọng đó, Đảng bộ tỉnh Gia Lai tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các nội dung trọng tâm về công tác cán bộ, chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đạt được những kết quả tích cực. Bài viết đăng trên Tạp chí Cộng sản.

Công tác cán bộ chuyển biến toàn diện, tích cực, hiệu quả

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XV (nhiệm kỳ 2015 - 2020) và Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018, của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, công tác cán bộ của tỉnh Gia Lai được triển khai đồng bộ, toàn diện trên các lĩnh vực, tạo được sự chuyển biến tích cực, hiệu quả. Hệ thống văn bản lãnh đạo về công tác cán bộ được ban hành, sửa đổi, bổ sung ngày càng đầy đủ, cụ thể, chặt chẽ, phù hợp với thực tế. Công tác quy hoạch cán bộ được triển khai thực hiện theo đúng phương châm “động” và “mở”, chủ động tạo nguồn, bố trí cán bộ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được quan tâm, từng bước gắn với vị trí việc làm, chức danh cán bộ đang đảm nhiệm và quy hoạch, sử dụng cán bộ. Công tác bố trí, sử dụng, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử được thực hiện công khai, dân chủ, khách quan, đúng nguyên tắc, quy trình, quy định. Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường. Việc thẩm định, thẩm tra, xác minh, kết luận tiêu chuẩn chính trị được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ. Chính sách cán bộ được quan tâm, thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định.

Tỉnh Gia Lai hiện có 5.744 cán bộ; trong đó, cấp tỉnh có 862 người (chiếm 15%), cấp huyện có 2.676 người (chiếm 6,59%), cấp xã có 2.206 người (chiếm 38,41%); cán bộ nữ có 2.069 người (chiếm 36,02%), cán bộ là người dân tộc thiểu số (DTTS) có 1.033 người (chiếm 17,98%). Về chuyên môn, nghiệp vụ: Cán bộ trình độ thạc sĩ, tiến sĩ có 506 người (chiếm 8,81%), trình độ đại học có 4.169 người (chiếm 72,58%). Về lý luận chính trị: Cán bộ trình độ trung cấp có 3.711 người (chiếm 64,61%), trình độ cao cấp, cử nhân có 1.414 người (chiếm 24,62%). Cơ cấu đội ngũ cán bộ từng bước được bố trí hợp lý, trình độ các mặt của đội ngũ cán bộ ngày càng được nâng cao; tỷ lệ cán bộ nữ tăng 5,97%, tỷ lệ cán bộ là người DTTS giảm 1,53% so với cuối năm 2015. Về chuyên môn, nghiệp vụ: Tỷ lệ cán bộ trình độ thạc sĩ, tiến sĩ tăng 1,72%, trình độ đại học tăng 9,2%. Về lý luận chính trị: Tỷ lệ cán bộ trình độ trung cấp tăng 8,53%, trình độ cao cấp, cử nhân tăng 1,59%. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ các cấp tỉnh Gia Lai được rèn luyện qua thực tiễn, trưởng thành về mọi mặt, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Điểm nổi bật trong thời gian qua là công tác tuyển chọn cán bộ được chú trọng, việc tổ chức các kỳ tuyển dụng công chức, viên chức được thực hiện nghiêm túc, minh bạch, đúng quy định. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được quan tâm, không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng; tổ chức hiệu quả các lớp đào tạo cán bộ nguồn, cán bộ quy hoạch cấp ủy, các chức danh bí thư cấp ủy và lãnh đạo chính quyền cấp huyện, lãnh đạo cấp sở, ngành; các lớp đào tạo ngoại ngữ, công nghệ thông tin, chuyên môn sâu,... Việc bảo đảm kinh phí cho công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện đúng theo quy định.

Đồng chí Hồ Văn Niên, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai (thứ 2 từ trái sang) trao đổi với các đại biểu bên lề kỳ họp thứ 4, Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai khóa XII_Ảnh: baogialai.com.vn 
Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành nhiều văn bản quan trọng(1). Theo đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường triển khai thực hiện công tác đánh giá cán bộ. Việc đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức hằng năm và trước khi quy hoạch, giới thiệu ứng cử, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển được thực hiện theo quy định về phân cấp và quản lý cán bộ.

Có thể khẳng định, công tác đánh giá cán bộ ngày càng được đổi mới, có nhiều chuyển biến về nội dung, phương pháp; quy trình đánh giá được thực hiện chặt chẽ, dân chủ, khách quan, kết hợp đánh giá cán bộ, công chức với phân loại đảng viên cuối năm thông qua hình thức bỏ phiếu kín tại Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp, từng bước góp phần xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp đổi mới. Công tác đánh giá, nhận xét cán bộ được tiến hành đúng quy trình, thực chất, giúp cán bộ nhìn nhận được ưu, khuyết điểm của bản thân, từ đó, có kế hoạch, biện pháp khắc phục, sửa chữa.

Cùng với đó, cán bộ được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, giới thiệu ứng cử cơ bản bảo đảm các tiêu chuẩn, điều kiện, có phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao; không còn tình trạng điều động cán bộ bị kỷ luật, không hoàn thành nhiệm vụ ở đơn vị này sang giữ chức vụ cao hơn ở đơn vị khác. Đối với những đơn vị trì trệ, yếu kém, có biểu hiện mất đoàn kết đều được củng cố tổ chức trước khi tiến hành bổ nhiệm cán bộ.

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Gia Lai ngày càng được nâng lên, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân và doanh nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực, làm gia tăng mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp trong các giao dịch hành chính, dịch vụ hành chính công, góp phần hoàn thành nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.

Một số hạn chế, yếu kém

 Quá trình lãnh đạo nâng cao chất lượng cán bộ các cấp ở tỉnh Gia Lai còn một số hạn chế, yếu kém sau:

Một là, công tác nhận xét, đánh giá, xếp loại cán bộ còn chung chung, chưa lượng hóa cụ thể và lấy kết quả công tác làm thước đo để đánh giá cán bộ. Công tác quy hoạch cán bộ ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa bảo đảm theo phương châm “động” và “mở”, biểu hiện “khép kín” chưa được khắc phục.

Hai là, chưa thật sự chủ động trong công tác luân chuyển cán bộ, còn nhầm lẫn giữa luân chuyển với điều động, bố trí cán bộ. Chưa phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của các tổ chức đảng, đảng viên trong hệ thống chính trị và nhân dân trong công tác kiểm tra, giám sát đối với công tác cán bộ.

 Ba là, chế độ, chính sách đối với cán bộ còn bất cập; công tác quản lý cán bộ còn một số sơ hở, hạn chế. Tình trạng cán bộ vừa thừa, vừa thiếu cục bộ vẫn chưa được khắc phục; trình độ, năng lực chưa đồng đều; tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ là người DTTS còn thấp; một số cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm, chưa thật sự tâm huyết với công việc, có biểu hiện sa sút về đạo đức, lối sống, có cán bộ còn vi phạm quy chế làm việc, quy trình công tác,...

Những hạn chế, yếu kém nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân: 1Gia Lai là một tỉnh miền núi, có diện tích rộng, dân số đông, nhưng chủ yếu tập trung ở thành phố, thị xã, thị trấn; tỷ lệ đồng bào DTTS cao, trình độ dân trí không đồng đều, kết cấu hạ tầng kỹ thuật phát triển chưa đồng bộ, ngân sách còn khó khăn; 2- Nhận thức và ý thức trách nhiệm của một số cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu về cán bộ và công tác cán bộ chưa đầy đủ, sâu sắc và toàn diện; 3- Chưa phát huy đầy đủ vai trò giám sát của cơ quan dân cử; giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội đối với cán bộ; 4- Hệ thống cơ quan tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ chậm được kiện toàn, củng cố; trình độ, năng lực, phẩm chất, uy tín của một số cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; 5- Ý thức tự giác học tập nâng cao trình độ, năng lực công tác và tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống của một số cán bộ chưa cao.

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ - khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2020 - 2025

Chú trọng phát hiện, tuyển chọn, bố trí và sử dụng cán bộ, nhất là cán bộ là người dân tộc thiểu số tại chỗ (Trong ảnh: Đồng chí Rah Lan Lal, Phó Bí thư Đảng ủy xã Ia Tul, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai (ngồi giữa) tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân địa phương)_Ảnh: TTXVN 
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020 - 2025), Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 28-6-2021, “Về tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tỉnh Gia Lai đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Nghị quyết nhấn mạnh, tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng; có đạo đức trong sáng, lối sống trung thực, khiêm tốn, giản dị; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; bản thân không tham nhũng, quan liêu, cơ hội, vụ lợi và tích cực đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; có tầm nhìn và tư duy đổi mới, có năng lực thực tiễn; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; có phương pháp làm việc khoa học, sáng tạo; bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ.  

 Phấn đấu đến năm 2025, thực hiện đạt 8 nhóm chỉ tiêu: 1- Bảo đảm 100% cán bộ đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực quy định với cơ cấu hợp lý; 2- Đối với cấp tỉnh: Từ 60% trở lên cấp trưởng, phó các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh, đơn vị sự nghiệp thuộc Tỉnh ủy, chính quyền tỉnh và các phòng, ban, cơ quan, đơn vị trực thuộc dưới 40 tuổi có trình độ chuyên môn từ thạc sĩ trở lên; từ 60% trở lên cấp trưởng, phó các phòng, ban, cơ quan, đơn vị trực thuộc các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh và đơn vị sự nghiệp thuộc Tỉnh ủy, chính quyền tỉnh có trình độ cao cấp lý luận chính trị; từ 20% trở lên cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh ở những vị trí công việc thường xuyên có quan hệ quốc tế phải có đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế; 3Đối với cấp huyện: Từ 95% trở lên đối với ủy viên ban chấp hành đảng bộ cấp huyện và từ 30% trở lên cấp trưởng, phó các phòng, ban, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội huyện và đơn vị sự nghiệp thuộc cấp ủy, chính quyền cấp huyện có trình độ cao cấp lý luận chính trị; 4- Đối với cấp xã: Từ 50% trở lên cán bộ chủ chốt cấp xã (bí thư, phó bí thư, chủ tịch hội đồng nhân dân, chủ tịch ủy ban nhân dân) có trình độ cao cấp lý luận chính trị; từ 95% trở lên đối với phó chủ tịch hội đồng nhân dân, phó chủ tịch ủy ban nhân dân, cấp trưởng Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp xã có trình độ trung cấp lý luận chính trị; 5- 100% cán bộ sau khi quy hoạch chức danh lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội và từ 90% trở lên cán bộ sau khi quy hoạch chức danh lãnh đạo, quản lý trong các đơn vị sự nghiệp được đào tạo trình độ lý luận chính trị, trình độ quản lý nhà nước (hoặc bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp) đạt tiêu chuẩn theo chức vụ được quy hoạch; 6- Hoàn thành việc bố trí bí thư cấp ủy cấp huyện không phải là người địa phương và khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác, nhất là chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện nếu có điều kiện; 7- Thực hiện công tác quản lý, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu về công tác cán bộ bằng ứng dụng công nghệ thông tin; 8- Hằng năm, có từ 30% trở lên cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới theo quy định; có từ 80% trở lên cán bộ được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó, từ 15% trở lên cán bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Phấn đấu đến năm 2030, thực hiện đạt 4 nhóm chỉ tiêu: 1- Đối với cấp tỉnh: Từ 15% trở lên cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh dưới 40 tuổi; từ 25% trở lên cán bộ lãnh đạo, quản lý ở những vị trí công việc thường xuyên có quan hệ quốc tế phải có đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế; 2- Đối với cấp huyện: Có cán bộ trẻ (dưới 40 tuổi) làm cán bộ lãnh đạo chủ chốt hoặc ủy viên ban thường vụ cấp ủy cấp huyện; 3- Đối với cấp xã: 100% cán bộ chuyên trách cấp xã có trình độ đại học trở lên và được chuẩn hóa về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng công tác; 4- Phải có cán bộ nữ cơ cấu trong ban thường vụ cấp ủy tỉnh, cấp huyện và 60% trở lên ban thường vụ cấp ủy cấp xã phải có cán bộ nữ cơ cấu trong ban thường vụ đảng ủy; phấn đấu tỷ lệ nữ cấp ủy viên cấp xã trở lên đạt từ 20% trở lên; phải có cán bộ lãnh đạo là người DTTS phù hợp với cơ cấu dân cư của địa phương.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ, chỉ tiêu đề ra, Đảng bộ tỉnh Gia Lai tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên.

Tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao đạo đức cách mạng, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân cho đội ngũ cán bộ, đảng viên; chú trọng nội dung xây dựng Đảng về đạo đức, truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc; kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa giáo dục với rèn luyện trong thực tiễn. Thực hiện nghiêm chế độ học tập, bồi dưỡng lý luận chính trị và cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị, “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Hai là, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ.

Rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản về công tác cán bộ nhằm đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, bảo đảm liên thông và thực hiện đồng bộ, nhất quán trong hệ thống chính trị. Tập trung xây dựng đồng bộ, toàn diện đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu. Chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, tính chuyên nghiệp, tinh thần phục vụ nhân dân và kiến thức về công tác cán bộ cho đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là người đứng đầu. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả công tác cán bộ và tạo môi trường, điều kiện để xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ. Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các khâu của công tác cán bộ. Tiến hành cơ cấu, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành theo vị trí việc làm, khung năng lực, bảo đảm đúng người, đúng việc, giảm số lượng, nâng cao chất lượng, hợp lý về cơ cấu. Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao bản lĩnh chính trị, tính chuyên nghiệp, tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ ở các cơ quan, đơn vị, địa phương trong hệ thống chính trị.

Ba là, phát hiện, quy hoạch, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ.

Công tác quy hoạch cán bộ phải được thực hiện kịp thời, đồng bộ từ chủ trương, biện pháp tạo nguồn cán bộ đến việc đào tạo, bồi dưỡng, dự kiến luân chuyển, bố trí, sắp xếp tổng thể đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu các ngành, các cấp ở địa phương. Việc quy hoạch cán bộ phải được thực hiện theo đúng quy trình, quy định, bảo đảm tính chủ động, có tầm nhìn xa, đáp ứng cả yêu cầu trước mắt và lâu dài. Khi quy hoạch phải xuất phát từ thực tiễn yêu cầu nhiệm vụ và đội ngũ cán bộ; phải tiến hành công khai, thực hiện theo đúng phương châm “động” và “mở”, bảo đảm yêu cầu về số lượng, cơ cấu; phát hiện, tuyển chọn, bố trí và sử dụng cán bộ, nhất là cán bộ là người DTTS tại chỗ; bố trí, sử dụng phải phù hợp với trình độ, năng lực, sở trường của cán bộ. Kịp thời thay thế cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm, không chịu tu dưỡng, rèn luyện, vi phạm các quy định của Đảng và Nhà nước, không hoàn thành nhiệm vụ, năng lực hạn chế, uy tín thấp, không đủ sức khỏe, không đáp ứng được các yêu cầu công việc, không chờ hết nhiệm kỳ, chờ đến tuổi nghỉ hưu. Có cơ chế thu hút cán bộ giỏi, có trình độ cao về địa phương công tác. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác đánh giá cán bộ theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí cụ thể, bằng sản phẩm; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị. Khắc phục tình trạng đánh giá cán bộ chung chung, theo cảm tính, chủ quan hoặc nể nang, né tránh, thiên vị, hình thức.

Bốn là, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ.

Nghiên cứu, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định, quy chế về công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ. Thực hiện nghiêm chủ trương bí thư cấp ủy các cấp ở địa phương định kỳ tiếp dân; cấp ủy viên dự sinh hoạt với chi bộ khu dân cư; đảng viên công tác tại xã, phường, thị trấn sinh hoạt đảng tại chi bộ khu dân cư. Nghiên cứu, mở rộng các hình thức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với từng đối tượng cán bộ lãnh đạo trong hệ thống chính trị một cách phù hợp. Thực hiện tốt công tác tiếp nhận và xử lý những ý kiến phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của nhân dân, nhất là của người có uy tín trong cộng đồng dân cư gửi đến cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị và qua các phương tiện thông tin đại chúng với các hình thức phù hợp, hiệu quả.

Năm là, nâng cao chất lượng tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ.

Các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị thường xuyên chăm lo xây dựng, củng cố cơ quan tham mưu và đội ngũ làm công tác cán bộ thật sự trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp; đặc biệt coi trọng lựa chọn, bố trí đúng người đứng đầu cơ quan làm công tác tổ chức, cán bộ các cấp. Nâng cao nhận thức, chất lượng công tác tham mưu, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan tham mưu trong công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ theo chức năng, nhiệm vụ. Xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực trong công tác cán bộ, nhất là việc tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên hiện nay./.

HỒ VĂN NIÊN

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai

----------------

(1) Như: Hướng dẫn số 04-HD/TU, ngày 6-11-2018 và Hướng dẫn số 05-HD/TU, ngày 3-12-2019, “Về kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”; Quy định số 825-QĐ/TU, ngày 4-12-2017, “Về quy định tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”; Quy định số 01-QĐ/TU, ngày 14-6-2018, “Về phân cấp quản lý và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử”. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 26/2018/UBND, ngày 31-10-2018 “Về ban hành quy định quản lý công tác nội vụ thuộc tỉnh Gia Lai”.

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều