|
Ảnh minh họa. |
Trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt của các cuộc trường chinh đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, dù khó khăn đến mấy, Đảng, Nhà nước ta vẫn luôn tạo mọi ưu ái để chăm lo cho trẻ em. Nhà nước trong thời gian đó rất khó khăn về tài chính nhưng vẫn dành một khoản ngân sách, dù khiêm tốn cho chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Ngày nay, đất nước phát triển, trẻ em ngày càng được hưởng những thành tựu của sự nghiệp đổi mới. Công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đã đạt được nhiều kết quả tích cực; nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, gia đình và xã hội; tổ chức bộ máy, chính sách, nguồn lực, hệ thống y tế, giáo dục, vui chơi, giải trí, các dịch vụ xã hội được tăng cường, đáp ứng cơ bản yêu cầu chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em; quyền trẻ em và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, gặp khó khăn trong cuộc sống được quan tâm. Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, đoàn thể, gia đình, nhà trường và xã hội ngày càng chặt chẽ, hiệu quả. Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao trong việc thực hiện các cam kết quốc tế liên quan đến trẻ em.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn thẳng vào thực tiễn là chính sách, pháp luật của chúng ta còn chưa đồng bộ, còn thiếu quy định cụ thể trong một số lĩnh vực. Đáng báo động là tình trạng trẻ em suy dinh dưỡng, bị xâm hại, bạo lực, tai nạn, thương tích, đuối nước, vi phạm pháp luật có xu hướng gia tăng, đáng lo ngại; việc tạo môi trường an toàn và công tác bảo vệ trẻ em chưa được quan tâm đúng mức. Hệ thống phúc lợi, dịch vụ xã hội cơ bản, thiết chế văn hoá, vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao chưa rộng khắp, chưa bảo đảm tiếp cận cho trẻ em ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Nguồn lực để thực hiện chủ trương, chính sách, mục tiêu còn hạn chế; công tác quản lý nhà nước ở một số nơi, một số lĩnh vực hiệu quả chưa cao; chưa ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh một số vụ việc xâm hại trẻ em nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Đặc biệt là một số vụ việc liên quan đến bạo hành trẻ em... gây rúng động xã hội trong nhiều năm qua, nhưng những năm gần đây vẫn tiếp tục tái diễn. Có thể nêu một vài vụ điển hình trong số nhiều vụ việc gây phẫn nộ trong dư luận những năm gần đây như: Vụ hai bảo mẫu, bạo hành khiến cháu P.T.Đ. (17 tháng tuổi) ở Phú Xuyên, Hà Nội tử vong, xảy ra trong tháng 8/2023; Vụ bảo mẫu Võ Thị Mỹ Linh bạo hành khiến bé H.A. bị xuất huyết não, qua đời sau hơn 7 tháng điều trị, diễn ra ở quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh, ngày 10/1/2023; vụ Trần Hoài Thương hành hạ bé gái N.N.T.C, 3 tháng tuổi, TP Đà Lạt, phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch, tổn thương nội sọ, gãy các xương cẳng tay, cẳng chân, xương đùi, suy gan, xảy ra trong tháng 5/2023...
Và một số vụ việc gây bàng hoàng trong xã hội do lơ là trong quản lý, bảo vệ trẻ em của người lớn đã cướp đi sinh mạng nhỏ bé của các em cũng tiếp tục tái diễn, gây nên nỗi lo cho cả xã hội và các bậc phụ huynh. Mới đây nhất là tối 29/5/2024, một cháu bé 5 tuổi bị bỏ quên cả ngày trên xe đưa đón và tử vong thương tâm. Vụ việc xảy ra tại Trường Mầm non Hồng Nhung cơ sở 2 tại xã Phú Xuân, TP Thái Bình. Câu chuyện đau lòng xảy ra tại Thái Bình lại gợi lại nỗi kinh hoàng hơn 4 năm về trước khi một học sinh lớp 1 trường Gateway (Hà Nội) cũng bị bỏ quên trên ô tô gần 10 tiếng ngay trong ngày đầu tiên tựu trường khiến bé tử vong...
Phác thảo một vài vụ việc như vậy để thấy bức tranh còn nhiều mảng tối rất đáng báo động đã, đang và sẽ tiếp tục rình rập, tác động môi trường, cuộc sống của trẻ em. Trong đó, các tội phạm hiện hữu trong thời gian qua vẫn tiếp tục có nhiều nguy cơ bùng phát nếu không được ngăn chặn, đẩy lùi trong thời gian tới. Và rất đáng báo động là trong thời gian tới, môi trường, an ninh mạng xã hội vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát của các tội phạm mạng, nhất là các hình ảnh, phim, video bạo lực... kích động tội phạm bạo hành trẻ em.
Để tăng cường chăm sóc và bảo vệ trẻ em, đòi hỏi ý thức, trách nhiệm chăm lo của toàn bộ hệ thống chính trị, của cả xã hội và từng công dân. Trong thời gian trước mắt, cần triển khai hiệu quả, thiết thực Tháng hành động vì trẻ em năm 2024, với thông điệp: “Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em”. Theo đó, cần triển khai một số nội dung trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và đoàn thể chính trị các cấp trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Các cơ quan báo chí, truyền thông cần mở các chuyên mục, chuyên trang, tổ chức các sự kiện để tuyên truyền, đưa Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc thực sự đi vào cuộc sống. Công tác truyền thông này phải được quan tâm triển khai thường xuyên, liên tục, nhằm tạo chuyển biến về chất trong nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng và toàn dân trong chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.
Hai là, việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em phải được triển khai thiết thực, tránh hình thức. Theo đó, để phong trào “Toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em” đi vào cuộc sống, các tỉnh, thành phố, huyện thị, thành cần giao chỉ tiêu cụ thể để vận động xã hội thực hiện hỗ trợ mỗi xã có một công trình dành cho trẻ em được xây dựng hoặc nâng cấp. Giao cho từng đoàn thể ở cơ sở xây dựng kế hoạch hành động thiết thực, cụ thể. Đồng thời, giao chỉ tiêu cho mỗi đoàn viên, hội viên đăng ký thực hiện một hành động thiết thực vì trẻ em. Căn cứ kết quả hoạt động, cần tổng kết biểu dương, khen thưởng thích hợp và phê bình cụ thể đối với các tổ chức, cá nhân làm tốt và chưa tốt để rút kinh nghiệm cho Tháng hành động vì trẻ em trong năm tới.
Ba là, nâng cao ý thức, trách nhiệm của lãnh đạo, quản lý hệ thống giáo dục từ mầm non đến tiểu học, trung học cơ sở và tổ chức các đoàn thể, nhất là đoàn thanh niên và hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động đoàn viên, hội viên trong chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.
Bốn là, phối hợp có hiệu quả giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật với các nhà trường và gia đình trong đấu tranh, phòng ngừa tội phạm bạo hành trẻ em. Đồng thời, tăng cường ý thức, trách nhiệm tố giác tội phạm bạo lực trẻ em. Xử lý thật nghiêm các tội phạm và hành vi bao che tội phạm bạo lực trẻ em, nhằm răn đe, ngăn chặn tội phạm.
Năm là, từng bước tăng các khoản chi ngân sách cho chăm sóc, giáo dục trẻ em, nhất là các khoản chi ngân sách cho bảo trợ xã hội, cho các đối tượng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em khuyết tật. Đồng thời, tổ chức đa dạng hóa các phương thức huy động mọi nguồn lực xã hội hóa để có thêm nguồn thu góp sức xây dựng các công trình văn hóa, dạy nghề cho trẻ em, đặc biệt là chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, cũng như chữa trị cho trẻ em khuyết tật, bị ảnh hưởng của chất độc da cam...
Nhân Tháng hành động vì trẻ em, cần khuyến khích các tổ chức, cơ quan hữu quan nhất là ở cơ sở xã, phường, thị trấn tổ chức vận động, cổ vũ toàn dân tự giác tham gia các đợt quyên góp ủng hộ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đặc biệt, tạo cao trào, điểm nhấn huy động toàn dân tham gia chăm sóc trẻ em thông qua các sự kiện từ thiện vì trẻ em do các cơ quan báo chí, truyền thông phối hợp với Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tổ chức./.