Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều liên tục giảm trong giai đoạn 2016-2022

Tổng cục Thống kê cho biết tỷ lệ hộ nghèo đa chiều năm 2022 là 4,3%, giảm 0,1 điểm phần trăm so với năm 2021 và giảm bình quân 0,81 điểm phần trăm trong giai đoạn 2016-2022.
Lớp xóa mù chữ ở Trường Tiểu học Ngô Quyền, phường Chi Lăng, thành phố Pleiku, Gia Lai. (Ảnh: Hoài Nam/TTXVN) 

Xóa đói, giảm nghèo là mục tiêu xuyên suốt, quan trọng hàng đầu của Đảng và Nhà nước trong quá trình xây dựng đất nước và Việt Nam là một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới và là quốc gia đầu tiên của châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, bảo đảm mức sống tối thiểu và thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản (6 chiều về việc làm; y tế, giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin).

Trong giai đoạn 2016-2022, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong công tác xóa đói giảm nghèo.

Những thành tựu đáng ghi nhận

Tổng cục Thống kê cho biết, theo kết quả khảo sát mức sống dân cư, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều liên tục giảm trong giai đoạn 2016-2022. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều năm 2022 là 4,3%, giảm 0,1 điểm phần trăm so với năm 2021 và giảm bình quân 0,81 điểm phần trăm trong giai đoạn 2016-2022.

Tỷ lệ nghèo đa chiều chủ yếu tập trung ở những hộ gia đình thuộc vùng dân tộc thiểu số. Kết quả thực hiện xóa đói giảm nghèo ở các vùng dân tộc thiểu số đạt được những thành tựu lớn.

Trong giai đoạn 2016-2022, tỷ lệ nghèo đa chiều tại các vùng dân tộc thiểu số giảm khá nhanh so với dân tộc Kinh, dân tộc Hoa và cả nước. Trong năm 2022, tỷ lệ nghèo đa chiều tại các vùng dân tộc thiểu số là 23,7%, giảm 12,8 điểm phần trăm so với năm 2016, bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2016-2022 giảm 2,13 điểm phần trăm; dân tộc Kinh và dân tộc Hoa có tỷ lệ nghèo đa chiều là 2%, giảm 2,8 điểm phần trăm và bình quân mỗi năm giảm 0,47 điểm phần trăm.

Một số địa phương có tỷ lệ nghèo đa chiều còn cao do trình độ sản xuất thấp, hệ thống hạ tầng cho phát triển kinh tế còn nghèo nàn lạc hậu, sản xuất chủ yếu bằng các nghề thủ công và tự cung tự cấp.

Tính theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2021, Điện Biên có tỷ lệ nghèo đa chiểu cao nhất là 34,5%, bình quân mỗi năm giảm 3,88 điểm phẩn trăm; Lai Châu là 2,9%, giảm 3,28 điểm phần trăm; Hà Giang là 25%, giảm 2,94 điểm phần trăm; Sơn La là 23,9%, giảm 2,84 điểm phần trăm; Kon Tum là 20,6%; giảm 2,67 điểm phần trăm; Gia Lai 22,7%, giảm 2,66 điểm phần trăm…

Theo chuẩn nghèo đa chiều mới theo Nghị định 07/2021/NĐ-CP, các tỉnh có tỷ lệ nghèo đa chiều cao nhất cả nước là Hà Giang 37,9%; Lai Châu 28,6%; Điện Biên 27,8%; Sơn La 23,9%; Gia Lai 22,7%; Cao Bằng 20,1%…

Tại các vùng kinh tế-xã hội, công tác xóa đói giảm nghèo đạt được những kết quả đáng ghi nhận khi tất cả 6 vùng kinh tế đều có tỷ lệ nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2021 giảm hàng năm, đặc biệt tại các vùng khó khăn, có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống.

 Người dân xã Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè, Lai Châu, đẩy mạnh cơ giới hóa máy nông nghiệp trong sản xuất. (Ảnh: Việt Hoàng/TTXVN)

Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc, nơi tập trung nhiều dân tộc thiểu số sinh sống có thành tựu giảm nghèo nhanh nhất cả nước khi tỷ lệ nghèo đa chiều năm 2021 là 12,1%, giảm 9,6 điểm phần trăm so với năm 2016 và bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2016-2021 giảm 1,92 điểm phần trăm.

Tiếp đến là Vùng Tây Nguyên là 10,1%, giảm 8,5 điểm phần trăm so với năm 2016 và bình quân mỗi năm giảm 1,69 điểm phần trăm.

Xếp thứ 3 là Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là 5,7% giảm 5,8 điểm phần trăm và bình quân mỗi năm giảm 1,17 điểm phần trăm; Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long là 3,8%, giảm 4,8 điểm phần trăm và bình quân mỗi năm giảm 0,96 điểm phần trăm.

Đồng bằng Sông Hồng và Đông Nam Bộ có tỷ lệ nghèo đa chiều thấp nhất cả nước lần lượt là 1,2% và 0,2%, giảm so với năm 2016 lần lượt là 1,8 điểm phần trăm và 0,7 điểm phần trăm, bình quân mỗi năm giảm lần lượt là 0,37 điểm phần trăm và 0,15 điểm phần trăm. 

Theo cách tiếp cận mới về nghèo đa chiều của Chính phủ cho giai đoạn 2022-2025, có sự khác biệt và khoảng cách lớn giữa các vùng có trình độ kinh tế phát triển và vùng núi, cao nguyên.

Năm 2022, tỷ lệ nghèo đa chiều tại Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc cao nhất trong các vùng kinh tế với 12,1%; tiếp đến là Vùng Tây Nguyên 11,4%; Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung 5%; Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long 4,7%; Vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Hồng là nơi tập trung các địa phương có trình độ phát triển kinh tế cao của cả nước và các khu công nghiệp lớn, thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước nên tỷ lệ nghèo đa chiều tại 2 vùng này rất thấp, tương ứng là 0,7% và 0,9%.

Thực hiện hiệu quả giảm nghèo bền vững

Bên cạnh những thành tựu đạt được trong công tác xóa đói giảm nghèo giai đoạn 2016-2021, Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành đã đưa ra nhiều giải pháp thực hiện hiệu quả giảm nghèo bền vững cho giai đoạn 2022-2025.

Thứ nhất, các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác giảm nghèo bền vững; Công tác giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; Công tác giảm nghèo bền vững là nội dung quan trọng trong các chương trình, Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội hằng năm, Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội 5 năm 2021-2025 và Chiến lược Phát triển Kinh tế-Xã hội 10 năm 2021-2030 của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác giảm nghèo; động viên, hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo có kiến thức, kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội. Coi báo chí là kênh thông tin tuyên truyền quan trọng.

 Người dân thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La thu hái càphê - cây xóa đói giảm nghèo ở miền núi Sơn La. (Ảnh: TTXVN phát.)

Thứ ba, hoàn thiện chính sách giảm nghèo, chuẩn nghèo đa chiều gắn với mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; đổi mới cách tiếp cận về giảm nghèo…

Thứ tư, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc bảo đảm nguồn lực, đồng thời huy động tối đa các nguồn lực xã hội tham gia công tác giảm nghèo bền vững.

Thứ năm, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giảm nghèo. Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan điều phối về giảm nghèo các cấp theo hướng tập trung, thống nhất đầu mối quản lý./.

Dẫn nguồn: Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều liên tục giảm trong giai đoạn 2016-2022 | Xã hội | Vietnam+ (VietnamPlus)

Theo (Vietnam+)

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều