Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng đề án mô hình tự quản tổ chức Hội thảo “Thực hiện mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố”, tháng 11/2019
Hoạt động tự quản ở xã, phường, thị trấn hiện nay
Chế độ tự quản là chế độ tổ chức và hoạt động của một cộng đồng xã hội do tập thể những thành viên của cộng đồng đó tự quản lý, điều hành, tự quyết định lấy công việc của mình, như: tự đặt kế hoạch hành động, tự giám sát, tự đánh giá kết quả công việc.
Hoạt động tự quản còn có thể hiểu là quyền tự chủ và tự quyết của một cấp chính quyền địa phương trong giới hạn ủy quyền của cơ quan nhà nước cấp trên. Chính quyền địa phương được tự quyết và tự chịu trách nhiệm về các quyết định của mình đối với cơ quan nhà nước cấp trên (chủ thể ủy quyền) theo những quy định của pháp luật.
Trong đời sống xã hội, hình thức tự quản thường được áp dụng nhằm mục đích phát huy tính chủ động, sáng tạo đối với mỗi thành viên trong một cộng đồng thực hiện những công việc cụ thể diễn ra trong một thời gian nhất định.
Hoạt động tự quản ở cộng đồng dân cư luôn là vấn đề được quan tâm tổ chức thực hiện, hoạt động tự quản chính là hình thức phát huy dân chủ của nhân dân tham gia quản lý xã hội. Xu hướng chung và cũng là thước đo của sự trưởng thành về dân chủ trong quản lý xã hội là vai trò tự quản của người dân càng tăng thì vai trò quản lý của nhà nước càng thu hẹp (nhà nước với vai trò quản trị, điều phối và sẽ chuyển giao ngày càng nhiều các dịch vụ công cho xã hội). Ngày 18/2/1998, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 30/CT-TW về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Chỉ thị nêu rõ: “Mở rộng các hình thức tổ chức tự quản để nhân dân, công nhân, cán bộ, công chức tự bàn bạc và thực hiện trong khuôn khổ pháp luật những công việc mang tính xã hội hoá, có sự hỗ trợ của chính quyền, cơ quan, đơn vị (như việc xây dựng hương ước, quy ước làng văn hoá, xây dựng tổ hoà giải, tổ an ninh, phong trào vệ sinh - môi trường, đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ người nghèo…)”1.
Cộng đồng dân cư thực hiện tự quản thông qua các tổ chức tự quản do mình ủy nhiệm. Tổ chức tự quản được thành lập dựa trên cơ sở bầu cử bởi những công dân trong cùng một cộng đồng để thực hiện các công việc quản lý mang tính cộng đồng hoặc do Nhà nước ủy quyền. Các tổ chức tự quản chịu trách nhiệm tổ chức và duy trì, coi sóc các hoạt động của cộng đồng theo ý chí, nguyện vọng của nhân dân, đồng thời chịu trách nhiệm với chính quyền cơ sở.
Xã, phường, thị trấn hiện nay có hai loại thiết chế tự quản cùng tồn tại: các thiết chế tự quản truyền thống và các thiết chế tự quản mới. Các thiết chế tự quản truyền thống gồm các thiết chế tồn tại từ lâu đời gắn với truyền thống văn hóa làng xã, như: các thiết chế quản lý di tích đình, chùa, đền, miếu, hội đồng họ tộc… Các thiết chế tự quản mới gồm thôn, tổ dân phố, Ban Công tác Mặt trận, Ban Thanh tra nhân dân, tổ hòa giải, các chi hội của các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức hội, nhóm như hội đồng niên, đồng khóa, đồng ngũ, các câu lạc bộ. Được gọi là các thiết chế tự quản mới vì các thiết chế này hình thành từ sau khi có chính quyền dân chủ nhân dân và hoạt động tự quản của các thiết chế này tham gia, chia sẻ nhiều công việc với chính quyền cơ sở. Tổ chức và hoạt động của một số thiết chế tự quản hình thành theo quy định trình tự của pháp luật, có vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, chịu sự lãnh đạo của tổ chức đảng và phải chịu sự quản lý trực tiếp của chính quyền cơ sở. Đáng chú ý là một số tổ chức tự quản có tầm ảnh hưởng đến toàn bộ cộng đồng dân cư trong thôn, trong làng như tổ chức thôn, Ban Công tác Mặt trận, Ban Thanh tra nhân dân.
Vai trò của các tổ chức tự quản ở xã, phường, thị trấn là đảm bảo thực hiện sự ủy quyền của cộng đồng dân cư để bảo vệ, phát triển cộng đồng dân cư theo những mục tiêu, giá trị của nông thôn mới hoặc khu đô thị văn minh hiện đại, đồng thời đảm bảo cho việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quyết định của lãnh đạo địa phương. Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đã yêu cầu: “Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố dưới sự chủ trì của Mặt trận Tổ quốc và bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự quản lý của chính quyền”.
Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc cấp cơ sở trong hoạt động tự quản của xã, phường, thị trấn
Một là, nâng cao chất lượng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn, Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư. Mặt trận cơ sở cần tham mưu tốt cho cấp ủy trong công tác cán bộ của các tổ chức chính trị - xã hội cấp cơ sở, nhất là những người đứng đầu các tổ chức này. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện cần làm tốt công tác bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ công tác Mặt trận nói chung, công tác của Ban Công tác Mặt trận, Ban Thanh tra nhân dân ở khu dân cư nói riêng. Cần xây dựng quy chế hoạt động của Ủy ban Mặt trận cơ sở và quy chế phối hợp của Ủy ban Mặt trận với chính quyền cơ sở đảm bảo cho việc thực thi các nhiệm vụ trong Pháp lệnh Dân chủ ở xã, phường, thị trấn.
Hai là, tăng cường trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc cấp cơ sở với tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố. Thôn và tổ dân phố là những thiết chế tự quản quan trọng nhất ở địa bàn dân cư. Thôn, tổ dân phố không phải là một cấp hành chính mà là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư có chung địa bàn cư trú trong khu vực ở một xã, phường, thị trấn; là nơi thực hiện dân chủ trực tiếp và rộng rãi để phát huy các hình thức hoạt động tự quản, tổ chức nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Thông tư số 14/2018/TT-BNV (ngày 3/12/2018) xác định nội dung hoạt động của thôn, tổ dân phố: “Bảo đảm tính tự quản của cộng đồng dân cư, chấp hành sự quản lý nhà nước trực tiếp của chính quyền cấp xã và sự lãnh đạo của cấp ủy đảng” (điểm 1 Điều 3)2.
Có thể thấy, thôn và tổ dân phố là thiết chế tự quản quan trọng nhất của cộng đồng dân cư, là thiết chế thực thi dân chủ trực tiếp và toàn diện. Điều hành hoạt động của thôn là các chức danh trưởng thôn, phó trưởng thôn, tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố được bầu trực tiếp tại hội nghị thôn theo trình tự pháp lý.
Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư có vai trò quan trọng trong tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố. Ban Công tác Mặt trận cùng với chi bộ và lãnh đạo thôn trao đổi, xem xét giới thiệu nhân sự để hội nghị thôn, tổ dân phố bầu các chức danh trưởng thôn, phó trưởng thôn, tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố. Trong hoạt động, Mặt trận tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quyết định của chính quyền địa phương và quyết định của thôn, tổ dân phố. Ban Công tác Mặt trận, Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng kiểm tra, giám sát các tổ chức và cá nhân trong việc thực hiện nghị quyết của hội nghị thôn, tổ dân phố và các quy định trong hương ước, quy chế của cộng đồng.
Tăng cường vai trò của Mặt trận cấp cơ sở trong tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố là tăng cường trách nhiệm xem xét, giới thiệu nhân sự bầu cử vào chức danh lãnh đạo của thôn, tổ dân phố, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các quyết định của thôn, tổ dân phố và tăng cường hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.
Ba là, tăng cường hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.
Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, góp phần phát huy dân chủ, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. Trách nhiệm của Mặt trận cấp cơ sở là giới thiệu các cá nhân có đủ phẩm chất và năng lực thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát. Những cá nhân này phải có hiểu biết về chính sách, pháp luật, có kiến thức chuyên môn về một số lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội để có thể thực thi nhiệm vụ. Ngoài ra, thành viên của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đòi hỏi phải có bản lĩnh, tính trung thực và các kỹ năng, phương pháp cần thiết. Mặt trận Tổ quốc cần làm tốt công tác bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, phương pháp thanh tra, giám sát cho các thành viên của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.
Bốn là, tham gia hướng dẫn cộng đồng dân cư xây dựng các bản hương ước hoặc quy ước của khu dân cư. Hương ước, quy ước là văn bản quy định các quy tắc xử sự do cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố tự nguyện thỏa thuận và thiết lập nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính tự quản của cộng đồng dân cư và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận. Việc xây dựng hương ước, quy ước nhằm phát huy vai trò tự quản của cộng đồng dân cư; bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp; hạn chế và từng bước loại bỏ phong tục, tập quán lạc hậu; xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư. Nội dung của hương ước, quy ước do cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố bàn bạc và quyết định. Hương ước, quy ước là công cụ tự quản của cộng đồng dân cư, là công cụ hỗ trợ pháp luật được thực thi ở địa bàn dân cư.
Hương ước, quy ước được thể hiện dưới hình thức văn bản, có chữ ký xác nhận của Trưởng Ban Công tác Mặt trận, Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng Tổ dân phố. Để việc tham gia xây dựng hương ước, quy ước có chất lượng. Mặt trận cần phát huy vai trò của những người có tri thức, có uy tín trong cộng đồng dân cư, cần học hỏi những cách làm tốt của cộng đồng dân cư khác và tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia vào quá trình soạn thảo và quá trình thảo luận, quyết định thông qua. Mặt trận cấp cơ sở, nhất là Ban Công tác Mặt trận cần tuyên truyền, vận động mọi người dân thực hiện hương ước, quy ước.
Thứ năm, tiếp tục phối hợp với các tổ chức thành viên xây dựng các mô hình tự quản ở khu dân cư. Các tổ chức thành viên nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc cấp cơ sở là các đoàn thể chính trị - xã hội. Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội tuyên truyền, vận động, tập hợp quần chúng; tổ chức phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ chính trị tại cơ sở; thực hiện chức năng đại diện cho nhân dân và giám sát xã hội. Những năm qua ở cấp cơ sở đã hình thành và phát triển nhiều mô hình tự quản trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, bảo vệ môi trường…
Tự quản ở cơ sở xã, phường, thị trấn là phương thức mở rộng dân chủ của nhân dân, đồng thời là cách thức để cộng đồng dân cư chia sẻ trách nhiệm quản lý của chính quyền nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội ngày càng gia tăng cùng với sự phát triển toàn diện của đời sống xã hội. Là một tổ chức quần chúng rộng lớn nhất đại diện cho quyền và các lợi ích chính đáng, hợp pháp của các tầng lớp nhân dân, Mặt trận Tổ quốc trở thành chủ thể có trách nhiệm chủ trì, nòng cốt cho các hoạt động tự quản ở xã, phường, thị trấn. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc không chỉ thể hiện trong quá trình hình thành các thiết chế tổ chức tự quản, mà còn thể hiện trong mọi hoạt động của các tổ chức tự quản, trong quá trình hình thành hương ước, quy ước và trong quá trình tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân dân thực hiện quy ước, hương ước. Ngoài ra, Mặt trận Tổ quốc còn có vai trò phối hợp các tổ chức thành viên xây dựng các mô hình tự quản để thúc đẩy quá trình phát triển, hoàn thiện các mục tiêu của nông thôn mới và khu đô thị văn minh. Để thực hiện tốt sứ mệnh nòng cốt của hoạt động tự quản, Mặt trận Tổ quốc cấp cơ sở cần tiếp tục được xây dựng, củng cố vững mạnh. Ở phương diện khác, để đảm bảo cho hoạt động tự quản ở xã, phường, thị trấn có hiệu quả, ngoài việc phấn đấu tự thân của các thiết chế tự quản, còn đòi hỏi tăng cường sự lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng, sự quản lý của chính quyền và vai trò tham gia tích cực của nhân dân.
Nguyễn Thọ Ánh
TS, Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Bộ Chính trị (1998) Chỉ thị số 30/CT-TW về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở ngày 18/2/1998,
2. Bộ Nội vụ, Thông tư số 14/2018/TT-BNV ngày 3/12/2018 xác định nội dung hoạt động của thôn, tổ dân phố.