Vai trò của MTTQ trong thực hiện chủ trương của Đảng về tín dụng chính sách xã hội, góp phần bảo đảm an sinh xã hội

(Mặt trận) - Tín dụng chính sách xã hội là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ vốn cho các hộ gia đình có thu nhập thấp, nhiều khó khăn để tự vươn lên, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới. Đây thực sự là giải pháp sáng tạo và phù hợp với thực tiễn của đất nước ta. Những năm qua, mặc dù ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn, nhưng Đảng và Nhà nước ta luôn tập trung nguồn lực để thực hiện tốt chính sách nhân văn này.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một bộ phận cấu thành của hệ thống chính trị, có nhiệm vụ tập hợp, xây dựng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; giám sát và phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần tạo đồng thuận xã hội và gắn kết giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân.

Do vậy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội để triển khai, thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng chính sách đi vào cuộc sống với hiệu quả ngày càng được nâng cao.

Nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, ngày 22/11/2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị 40-CT/TW và Kết luận 06-KL/TW ngày 10/6/2021 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư; ngày 4/10/2002 Chính phủ đã ban hành Nghị định 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Qua hơn 8 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW và 20 năm thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP, với quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ, tổ chức đảng; sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của cả hệ thống chính trị, sự chủ động, tích cực triển khai lộ trình phù hợp với tình hình thực tế của Ngân hàng Chính sách xã hội, công tác tín dụng chính sách xã hội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; đã huy động được hàng trăm nghìn tỉ đồng, đáp ứng nhu cầu vay vốn của đông đảo người nghèo và các đối tượng chính sách ở 100% xã, phường, thị trấn của cả nước, góp phần tạo việc làm, giảm nghèo bền vững, hỗ trợ các đối tượng chính sách xã hội, những người có hoàn cảnh khó khăn, những người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng chủ trì tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia "Tín dụng chính sách xã hội với vấn đề thực hiện và bảo đảm an sinh xã hội" - Ảnh minh họa 

Mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội được hoàn thiện, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ mới; xây dựng được phương thức cho vay ủy thác tín dụng chính sách xã hội hiệu quả, phát huy được vai trò và sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị trong công tác tín dụng chính sách xã hội, giúp đỡ, khuyến khích các đối tượng chính sách xã hội vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu chính đáng.

Hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã nhận được sự quan tâm phối hợp của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, thể hiện ở một số điểm sau:

Thứ nhất, phát huy vai trò “đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân” Mặt trận các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo, người dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác. Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quán triệt nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, cũng như tuyên truyền về Phong trào “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, Tháng cao điểm “Vì người nghèo”; kêu gọi sự đóng góp của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, các cá nhân bổ sung nguồn vốn cho tín dụng chính sách xã hội.

Nhằm cụ thể hóa chủ trương, chính sách nêu trên, ngày 23/12/2022, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội đã ký Chương trình phối hợp nhằm tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội. Tuyên truyền về Phong trào “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, hoạt động Quỹ “Vì người nghèo” các cấp; kết quả thực hiện tín dụng chính sách xã hội, hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội; huy động các nguồn lực cho Quỹ “Vì người nghèo” và bổ sung nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội; tăng cường vai trò, hiệu quả giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội đối với các hoạt động tín dụng chính sách xã hội và thực hiện các chủ trương, chính sách về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội.

Đến nay, đã có 42 tỉnh, thành phố xây dựng Chương trình phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ngân hàng chính sách xã hội. (các địa phương triển khai sớm như: Thành phố Đà Nẵng, Bến Tre, Cà Mau, An Giang, Thừa Thiên Huế, Hòa Bình, Quảng Bình, Hà Nam, Hòa Bình, Quảng Trị, Đồng Tháp, Trà Vinh, Quảng Bình, Bình Định, Bắc Giang, Ninh Thuận, Tây Ninh, Quảng Ngãi, Bạc Liêu, Lai Châu, Bình Thuận,…).

Thứ hai, tập trung huy động các nguồn lực cho Quỹ “Vì người nghèo” các cấp và bổ sung nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội.

Trong hơn 3 năm từ năm 2020 đến 6 tháng đầu năm 2023, mặc dù bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid - 19 nhưng với vai trò của mình, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 4 cấp đã vận động Quỹ “Vì người nghèo” và an sinh xã hội được trên 27.513 tỷ đồng, trong đó: Quỹ “Vì người nghèo” 4 cấp vận động được trên 5.996 tỷ đồng; các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ chương trình an sinh xã hội trực tiếp các địa phương trên 21.517 tỷ đồng. Cùng với sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước và sự trợ giúp của cộng đồng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã giúp đỡ xây mới và sửa chữa được 149.136 căn nhà Đại đoàn kết cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ trên 5 triệu lượt người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn về khám chữa bệnh; giúp đỡ trên 961.000 lượt học sinh, sinh viên về học tập; hỗ trợ trên 905.000 lượt người nghèo về phát triển sản xuất và hỗ trợ xây dựng hàng nghìn công trình dân sinh.

Thiết thực hưởng ứng Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” hàng năm do Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức, ngành Ngân hàng đã tích cực tham gia ủng hộ, cụ thể:

Năm 2020, ngành Ngân hàng đăng ký ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương và thực hiện các Chương trình an sinh xã hội tại địa phương với số tiền trên 1.400 tỷ đồng; năm 2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid - 19, do vậy không tổ chức Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” nhưng trong giai đoạn khó khăn này ngành Ngân hàng đã đóng góp hàng nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid - 19 và thực hiện các chương trình an sinh xã hội tại các địa phương; năm 2022 tại Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” đăng ký ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và thực hiện an sinh xã hội số tiền gần 300 tỷ đồng; năm 2023 tiếp tục đồng hành cùng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Lễ phát động Chương trình với chủ đề “Triệu tấm lòng yêu thương - Nghìn mái nhà hạnh phúc” để vận động, hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên và các tỉnh Tây Bắc với số tiền 57,3 tỷ đồng, tương đương 1.146 căn nhà Đại đoàn kết.

Thứ ba, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tổ chức giám sát, phản biện xã hội đối với quá trình tổ chức, triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Trong 5 năm qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã tổ chức 87.356 đoàn giám sát, trong đó Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh tổ chức 1.981 cuộc, Mặt trận Tổ quốc cấp huyện tổ chức 13.213 cuộc; Mặt trận cấp xã giám sát 72.162 cuộc. Nội dung giám sát trên nhiều lĩnh vực, trọng tâm công tác giám sát là công tác huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực xã hội; công tác phòng, chống Covid-19, thực hiện chính sách an sinh xã hội,...

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức được 14 hội nghị phản biện xã hội đối với các dự án, dự thảo văn bản liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của công dân với quy mô đại biểu tham gia tương đối lớn và phản biện có chiều sâu. Ở địa phương, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố đã chủ trì tổ chức 23.869 hội nghị phản biện, trong đó cấp tỉnh tổ chức được 827 cuộc, Mặt trận Tổ quốc cấp huyện đã tổ chức 3.488 hội nghị phản biện; cấp xã đã tổ chức 19.554 hội nghị phản biện.

Trên cơ sở đó, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội kịp thời nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các bộ, ngành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội và các chương trình mục tiêu quốc gia trong từng thời kỳ.

Những hoạt động thiết thực đó đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương và Nhân dân về vị trí, vai trò của tín dụng chính sách xã hội trong quá trình tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.

Để tiếp tục đẩy mạnh, thực hiện có hiệu quả hơn nữa tín dụng chính sách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ trong thời gian tới, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tiếp tục phối hợp cùng Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện tốt hơn nữa một số nội dung sau:

Một là, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác, cụ thể như:

Đẩy mạnh hơn nữa tuyên truyền, phổ biến quán triệt nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

Tuyên truyền về Phong trào “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, Tháng cao điểm “Vì người nghèo” một cách thiết thực hơn nữa.

Tuyên truyền sâu rộng các mô hình hiệu quả, cách làm hay trong công tác hỗ trợ người nghèo thoát nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội từ ngân sách nhà nước và nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Trong những năm qua, nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin), góp phần thực hiện Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 2/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2016 - 2020 và hiện nay là Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Trong 3 năm triển khai (2018 - 2020), Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã triển khai Chương trình giảm nghèo tới 42 tỉnh và được sự đồng thuận, đánh giá cao của các địa phương, người dân tham gia dự án; các dự án bước đầu phát huy hiệu quả, góp phần tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo có cơ hội làm ăn kinh tế, giúp tăng thu nhập, cải thiện đời sống, từng bước thoát nghèo, hạn chế tái nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đặc biệt là Nhân dân ở các địa bàn nghèo, miền núi, biên giới.

Theo báo cáo của các địa phương thì 34 dự án mô hình chăn nuôi bò, trâu phát huy hiệu quả tốt hơn các mô hình chăn nuôi gà, heo, vịt, dê, trồng cây ăn trái. Một số mô hình điển hình như: chăn nuôi bò tại Tuyên Quang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Trà Vinh; mô hình chăn nuôi heo Quảng Nam; mô hình trồng cây măng tây tại Ninh Thuận;…

Hai là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục phát động, triển khai cuộc vận động “Vì người nghèo” theo Chỉ thị số 05-CT/TW của Ban Bí thư ngày 23/6/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030.

Ba là, căn cứ Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư, Nghị quyết liên tịch số 88/NQLT/CP-ĐCTUBTWMTTQVN, ngày 7/10/2016 của Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về phối hợp thực hiện giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nghiên cứu để đề xuất Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sửa đổi Quy chế vận động, quản lý và sử dụng Quỹ “Vì người nghèo” ban hành theo Quyết định số 1198/QĐ-MTTQ-ĐCT ngày 29/12/2016, theo hướng mở tài khoản Quỹ “Vì người nghèo” tại các ngân hàng thương mại, trong đó có mở tài khoản tại Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp nhằm có thêm nguồn vốn hỗ trợ người nghèo được tốt nhất.

Bốn là, thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội đối với việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội cũng như đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội. 

Nguyễn Thị Hồng Thương - Thạc sĩ, Phó Trưởng Ban Phong trào,

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều