Vai trò, trách nhiệm của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí

(Mặt trận) - Nhà nước Việt Nam luôn xác định phòng, chống tham nhũng, lãng phí  (PCTNLP) là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó báo chí có vai trò và trách nhiệm đặc biệt. Hệ thống pháp luật Việt Nam về báo chí và về PCTNLP đang từng bước hoàn thiện; nhiều thông tin trên báo chí về PCTNLP đã được các cơ quan có trách nhiệm của Nhà nước phản hồi. 

Việt Nam đã có nhiều quy định về vai trò, trách nhiệm của báo chí trong công tác này, vừa khẳng định vai trò quan trọng của báo chí, vừa thể hiện sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với báo chí trong công tác PCTNLP.  Tuy vậy, trên thực tế, việc báo chí tham gia công tác đấu tranh PCTNLP vẫn còn những vấn đề đặt ra cần được giải quyết, để phát huy hơn nữa vai trò và nâng cao hơn nữa hiệu quả của báo chí trong PCTNLP.


Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đến thăm và làm việc với Báo Thanh niên, tháng 3/2017. Ảnh: Thành Trung

Vai trò, trách nhiệm của báo chí trong PCTNLP - Kết quả, hạn chế và nguyên nhân

Thứ nhất, về vai trò, trách nhiệm của báo chí:

Đảng và Nhà nước đánh giá cao vai trò to lớn của báo chí trong đời sống xã hội. Điều này đã được Đảng ta khẳng định trong các văn kiện của Đảng; được thể chế hóa trong các văn bản pháp luật của Nhà nước, tạo hành lang pháp lí giúp các cơ quan báo chí thực thi nhiệm vụ và thực hiện chức năng, vai trò xã hội của mình. Mặt khác, nhân dân luôn thể hiện sự tin tưởng, kì vọng vào báo chí trong đấu tranh PCTNLP.

Thực tiễn đã khẳng định, báo chí có vai trò tiên phong, vai trò xung kích trong PCTNLP. Vai trò này được thể hiện trên các mặt sau đây của công cuộc đấu tranh PCTNLP.

- Báo chí tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật và chính sách của Nhà nước về PCTNLP.

- Báo chí cung cấp thông tin, phản ánh những phát hiện của nhân dân, cán bộ và cung cấp những phát hiện của chính báo chí; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, để các cơ quan chức năng tiếp nhận, xử lí.

- Báo chí theo dõi, phản ánh và giám sát quá trình xử lí các vụ việc tham nhũng, lãng phí đã được phát hiện; tham gia phản biện quá trình xử lí.

- Báo chí biểu dương, cổ vũ các điển hình tiên tiến, nhân tố mới trong đấu tranh PCTNLP; nhân rộng những cách làm hay, kinh nghiệm tốt, bảo vệ người tố cáo tham nhũng, lãng phí.

- Báo chí tạo diễn đàn tranh luận công khai, phát hiện những bất cập, yếu kém trong công tác đấu tranh PCTNLP để cơ quan Đảng, Nhà nước có cơ sở điều chỉnh chủ trương, chính sách PCTNLP.

Về phương diện quản lí nhà nước, Luật Báo chí là văn bản pháp luật cao nhất quy định vai trò, chức năng, nhiệm vụ của báo chí trong đời sống xã hội: 

Điều 4. Luật Báo chí (2016) nêu rõ chức năng của báo chí:

“Báo chí ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của các tổ chức của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội; là diễn đàn của nhân dân”.

Báo chí có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân;

b) Tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, Mục đích của cơ quan báo chí; góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của nhân dân, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa;

c) Phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của nhân dân;

d) Phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội;

đ) Góp phần giữ gìn sự trong sáng và phát triển tiếng Việt, tiếng của các dân tộc thiểu số Việt Nam;

e) Mở rộng sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước và các dân tộc, tham gia vào sự nghiệp của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, hữu nghị, hợp tác, phát triển bền vững.

Như vậy, việc “đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội” là nhiệm vụ của báo chí đã được luật hóa. Và đấu tranh PCTNLP là một nội dung của nhiệm vụ này.

Trong vai trò, trách nhiệm của báo chí nói chung, tại Điều 8, Luật nêu rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Hội Nhà báo Việt Nam:

1. Hội Nhà báo Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về hội.

2. Hội Nhà báo Việt Nam có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên;

b) Ban hành và tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo;

c) Tham gia ý kiến xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển báo chí, văn bản quy phạm pháp luật về báo chí;

d) Tham gia thẩm định sản phẩm báo chí khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

đ) Bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp và nghiệp vụ báo chí cho hội viên;

e) Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước tuyên truyền, phổ biến pháp luật về báo chí;

g) Tham gia giám sát việc tuân theo pháp luật về báo chí; thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế theo quy định của pháp luật;

h) Tổ chức giải báo chí để tôn vinh những tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm báo chí chất lượng cao, có hiệu quả xã hội tích cực.

Về vai trò đặc biệt của tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam.

Hội Nhà báo Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiêp của những người làm báo Việt Nam. Hội có chức năng và vai trò tập hợp, đoàn kết hơn 21 nghìn hội viên cả nước thực hiện nhiệm vụ ở các cơ quan báo chí và trong lĩnh vực báo chí, hoàn thành các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó cho báo chí cả nước. Trong lĩnh vực PCTNLP, Hội Nhà báo Việt Nam, thông qua 63 Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố, 19 Liên chi hội và gần 200 chi hội trực thuộc ở Trung ương, có vai trò tập hợp đoàn kết hội viên - nhà báo tham gia sáng tạo tác phẩm báo chí đấu tranh PCTNLP, tổ chức hội thảo, tọa đàm nghiệp vụ, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí viết về lĩnh vực PCTNLP, bảo vệ hội viên - nhà báo tham gia đấu tranh PCTNLP, động viên khen thưởng hội viên có thành tích, phát hiện xử lí những nhà báo - hội viên vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp trong lĩnh vực này.

Thứ hai, về những kết quả đạt được:

- Kết quả dễ nhận thấy nhất, báo chí là lực lượng chủ lực trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến tích cực về hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân đối với công tác PCTNLP.

- Thực tiễn những năm qua, nhất là thời kì đổi mới, báo chí đã luôn là địa chỉ cung cấp thông tin ban đầu cho các cơ quan chức năng, điều tra phanh phui nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Thực tế, báo chí luôn đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

Kết quả là hàng nghìn tác phẩm báo chí trong nhiều năm qua, phát hiện, giám sát và đưa ra ánh sáng hàng nghìn vụ án liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, được đưa ra xét xử. Hàng loạt vụ án tham nhũng điển hình được báo chí phát hiện và bám sát để đưa tin kịp thời, như các vụ án: Vinashin, các vụ án Năm Cam, Mai Văn Dâu, Mạc Kim Tôn, Lã Thị Kim Oanh, Đề án 112, Lương Cao Khải, Nguyễn Đức Chi, PMU 18, Phạm Công Danh, Hà Văn Thắm, Nguyễn Đức Kiên, Huỳnh Thị Huyền Như,... Gần đây là một số vụ tham nhũng lớn tại một số ngân hàng đã được đưa ra xét xử. Hầu hết các vụ tiêu cực lớn, dù thủ đoạn hành vi tham nhũng có tinh vi đến đâu, cuối cùng cũng được đưa ra ánh sáng, nhờ sự phát hiện, tố cáo của nhân dân, thường trước hết tố cáo với các cơ quan báo chí, thông qua báo chí.

Điều đáng nói là, có tới hàng trăm tác phẩm báo chí viết về đề tài PCTNLP đã đoạt Giải Báo chí Quốc gia trong nhiều năm qua.

-  Thông qua việc phát hiện, đấu tranh PCTNLP với các vụ việc được đưa ra xét xử, báo chí tạo được lòng tin của nhân dân vào quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong công cuộc đấu tranh PCTNLP, làm trong sạch bộ máy nhà nước, làm lành mạnh hóa đời sống xã hội. Đây là kết quả không đo đếm được, nhưng có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với sự nghiệp xây dựng và chỉnh đốn Đảng, với sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế của đất nước.

- Báo chí đã góp phần tích cực trong việc đề cao vai trò, trách nhiệm, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng, tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên và người đứng đầu trong PCTNLP. Thực tế, thông qua báo chí, hàng ngàn tấm gương quần chúng nhân dân và đảng viên đi đầu trong PCTNLP đã được phát hiện, nêu gương, được Đảng và Nhà nước khen  thưởng. Đây là kết quả mang tính động lực tinh thần hết sức có ý nghĩa.

Hiện nay, Hội Nhà báo Việt Nam và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đang phối hợp tổ chức Giải báo chí toàn quốc về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, trao giải vào cuối năm 2017.

Thứ ba, về những hạn chế, khó khăn, vướng mắc:

Bên cạnh những thành tích, kết quả đạt được, thực tế vẫn còn những hạn chế, khó khăn, vướng mắc đối với báo chí trong PCTNLP.

Hạn chế lớn nhất là báo chí chưa phản ánh được một cách đầy đủ, kịp thời những hiện tượng, vụ việc tham nhũng tiêu cực, lãng phí mà nhân dân đã phát hiện, đã cung cấp thông tin.

Mặt khác, trong đấu tranh PCTNLP của cơ quan báo chí nhiều khi còn thiếu chính xác, thiếu khách quan, làm khó khăn cho các cơ quan bảo vệ pháp luật. Đồng thời có lúc có nơi còn làm tổn hại đến quyền và lợi ích của cá nhân, cơ quan, tổ chức…

Nhiều vụ việc được báo chí phát hiện, nêu ra nhưng lại không được theo đuổi đến nơi đến chốn, làm suy giảm lòng tin của người tố cáo, cung cấp thông tin cho báo chí, trông cậy vào báo chí.

Khó khăn đối với báo chí trong công tác này là còn thiếu một cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan để cùng báo chí giải quyết các vụ việc.

Đặc biệt là việc cung cấp thông tin cho báo chí về PCTNLP. Nhiều thông tin được coi là mật, nhưng báo chí không có điều kiện tiếp cận, không được biết. Thậm chí, người cung cấp thông tin cũng không đảm bảo an toàn cho báo chí. Vì vậy, đã có tình trạng nhà báo viết về PCTNLP, lấy tin chính thống, minh bạch, nhưng cuối cùng lại bị xử lí theo pháp luật vì nhiều lí do khác nhau…

 Nhà báo Trần Bá Dung phát biểu tại Hội nghị triển khai Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”, tháng 3/2017. Ảnh: Thành Trung

Mặt khác, nhà báo viết về lĩnh vực này là chấp nhận sự nguy hiểm, rủi ro lớn. Nhưng cơ chế bảo vệ họ lại thiếu chặt chẽ. Ngay cả nguồn tin cho báo chí cũng thiếu sự bảo vệ một cách an toàn.

Vướng mắc và cũng là nguyên nhân của những hạn chế, khó khăn nêu trên, là do còn thiếu cơ chế bảo vệ nhà báo trong PCTNLP. Nhiều hội thảo, diễn đàn, các chuyên gia và nhà báo đã nêu vấn đề cần coi việc nhà báo thực thi nhiệm vụ đúng pháp luật là thi hành công vụ. Có như vậy mới xử lí nghiêm minh được và ngăn chặn được những hành vi cản trở, hành hung nhà báo hành nghề đúng pháp luật. Đây đang là vấn đề báo giới quan tâm và lo lắng trong hành nghề.

Giải pháp phát huy vai trò, trách nhiệm của báo chí trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí

Để phát huy có hiệu quả vai trò, trách nhiệm của báo chí trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cần có những giải pháp kịp thời, thống nhất và thiết thực.

Thứ nhất, các cơ quan bảo vệ pháp luật cần thống nhất một cơ chế cung cấp thông tin minh bạch, trách nhiệm, hợp lí... cho các cơ quan báo chí, tạo điều kiện cho báo chí hành nghề, tham gia PCTNLP một cách thuận lợi, hiệu quả và an toàn.

Thứ hai, có cơ chế cho báo chí theo dõi quá trình xử lí các vụ việc tham nhũng, tiêu cực để thông tin kịp thời cho nhân dân, sau khi họ đã cung cấp thông tin cho báo chí.

Thứ ba, tạo hành lang pháp lí an toàn cho nhà báo viết về lĩnh vực PCTNLP.

Thứ tư, có các hình thức khen thưởng xứng đáng với nhà báo có thành tích viết về lĩnh vực này.

Một số đề xuất

Một là, nêu cao vai trò của báo chí trong PCTNLP. Trong đó cần phát huy vai trò giám sát, quyền tiếp cận thông tin và nâng cao năng lực của báo chí; coi báo chí như một kênh quan trọng góp phần vào việc PCTNLP có hiệu quả.

Hai là, tăng cường cơ chế phối hợp báo chí chống tham nhũng, giữa Ban chỉ đạo Trung ương về PCTNLP, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin - Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam, nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác phối hợp với các cơ quan báo chí trên mặt trận đấu tranh PCTN, thường xuyên có nhiều cuộc gặp gỡ với các cơ quan báo chí để trao đổi, đánh giá kết quả báo chí đấu tranh chống tham nhũng.

Ba là, chú trọng đào tạo các nhà báo và tạo điều kiện cho báo chí hoạt động hiệu quả; tăng cường kỹ năng tìm hiểu thông tin, viết bài điều tra chính xác, khách quan, đề cao đạo đức nghề nghiệp đối với các nhà báo. Báo chí mới chỉ tập trung vào việc phản ánh, chứ chưa thực sự tập trung vào việc giám sát, phát hiện, phanh phui các vụ việc tham nhũng, vì khó khăn khi tiếp cận thông tin.

Về pháp lý, không có văn bản, quy định nào hạn chế, cản trở thực thi việc báo chí đấu tranh PCTNLP. Nhưng việc phát huy quyền này đến đâu còn phụ thuộc năng lực, trình độ của nhà báo trong quá trình tác nghiệp. Nhà báo đôi khi chưa phát huy hết quyền của mình trong quá trình điều tra, tiếp cận thông tin.

Luật Tố cáo được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 11/11/2011 đã nêu rõ, cơ quan báo chí, phóng viên có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến hành vi tham nhũng. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được yêu cầu có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu đó theo quy định của pháp luật, trường hợp không cung cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Tuy nhiên, thực tế lại không hẳn như vậy.

Theo quy định trên, khi được yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến tham nhũng thì cơ quan, tổ chức được yêu cầu không được từ chối việc cung cấp. Cơ quan báo chí, phóng viên cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu đưa tin không trung thực, gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

 Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đến thăm và làm việc với Báo Lao động, tháng 4/2017. Ảnh: Thành Trung

Báo chí có vai trò quan trọng  trong PCTNLP, trong việc theo dõi, phân tích hoạt động của Nhà nước; Phản ánh các vụ việc tham nhũng; tạo diễn đàn tranh luận công khai. Điều đó khẳng định, báo chí sẵn sàng thực hiện tốt nhiệm vụ, để trả lời cho cả Nhà nước và nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực của báo chí, cần phải làm thế nào để việc tiếp cận thông tin được tăng cường hơn nữa và cải thiện điều kiện tiếp cận thông tin. Kinh nghiệm cho thấy, không thể chống tham nhũng một cách hiệu quả nếu không có sự hỗ trợ mạnh mẽ của báo chí, truyền thông.

TS. Trần Bá Dung

Ủy viên Ban Thường vụ - Trưởng Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều