Về thăm lại vùng quê văn hiến Hưng Yên

(Mặt trận) - Hưng Yên là một tỉnh nhỏ nằm giữa vùng đồng bằng Bắc bộ, từ lâu đã nổi tiếng là quê hương của nhãn lồng, táo Thiện Phiến, dưa hấu Đình Cao; của những cánh đồng lúa vàng "tam thiên mẫu" cò bay mỏi cánh và những đồng đay, soi mía, bãi ngô, nương dâu xanh dờn, tít tắp dọc theo bờ bãi sông Hồng đỏ nặng phù sa...

Cuối những năm 70 của thế kỷ trước, đơn vị tôi từng đóng quân ở vùng đất cổ kính này trước khi hành quân vượt sông Hồng sang ga Thường Tín, lên tàu vào Nam chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam. Vào những ngày đầu Hạ năm 2017, chúng tôi lại có dịp cùng đồng chí Trần Thanh Mẫn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về thăm lại vùng quê văn hiến với biết bao đổi thay, vươn lên trên hành trình đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế...

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn và Bí thư Tỉnh uỷ Hưng Yên Đỗ Tiến Sỹ chủ trì buổi làm việc tại tỉnh Hưng Yên, tháng 3/2017. Ảnh: PV

Người Việt Nam hầu như ai cũng từng một lần được nghe chuyện đầm Dạ Trạch với Chử Đồng Tử và nàng Tiên Dung - thiên tình sử diễm lệ, kỳ lạ bậc nhất của nhân dân Đại Việt và thế giới; chuyện Tống Trân - Cúc Hoa chồng tài giỏi vợ thuỷ chung, hay câu ca dao: "Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến". Cho đến những năm sau này, nhiều người vẫn còn nuối tiếc: "Đồn rằng Phố Hiến vui hơn Kinh Kỳ". Vâng, nhiều thế kỷ trước Phố Hiến đã từng là cửa sông Cái (sông Hồng) thông ra biển, nơi tàu thuyền các nước đến giao thương buôn bán, trên bến dưới thuyền tạo cho Phố Hiến cái không khí phồn thịnh, tấp nập và sầm uất chỉ sau có Kinh thành Thăng Long. Phố Hiến ngày xưa chính là thị xã Hưng Yên, thủ phủ của tỉnh Hưng Yên, được tách ra từ tỉnh Hải Hưng ngày 1/1/1997 và ngày nay là thành phố Hưng Yên trực thuộc tỉnh.

Tỉnh Hưng Yên đời Ngô gọi là Đằng Châu, đời Trần gọi là Long Hưng và Khoái Lộ. Đời Lê, Hưng Yên thuộc Nam Định, sau gọi là Thiên Trường thừa tuyên rồi Sơn Nam thượng. Tỉnh Hưng Yên ngày nay là một phần của trấn Sơn Nam cũ, là phên giậu về phía Nam của Kinh thành Thăng Long. Năm 1831, đời Nguyễn, Hưng Yên được lập thành tỉnh như ngày nay và còn thêm các huyện Thần Khê, Duyên Hà, Hưng Nhân - nay thuộc tỉnh Thái Bình. Tỉnh Hưng Yên ngày nay có diện tích 923 km2, với 10 đơn vị hành chính là thành phố Hưng Yên, 1 thị xã Mỹ Hào và 8 huyện Phù Cừ, Tiên Lữ, Ân Thi, Kim Động, Khoái Châu, Văn Giang, Văn Lâm, Mỹ Hào, Yên Mỹ.

Từ thời Hùng Vương, giặc Ân sang cướp nước ta, nhân dân vùng Hưng Yên đã nô nức theo Phù Đổng Thiên Vương đánh tan quân giặc, giữ yên bờ cõi. Thời Bắc thuộc, Triệu Quang Phục đã dùng đầm lầy Dạ Trạch, bãi Màn Trò, Khoái Châu làm căn cứ đánh giặc, sau giết được tướng giặc Dương Sàn, chiếm được Long Biên, giành lại đất nước. Ông tự xưng là Triệu Việt Vương nhưng dân gian thường gọi ông là Dạ Trạch Vương. Ngày nay, về xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, bạn sẽ được nghe kể về Chử Đồng Tử và nàng Tiên Dung, về Triệu Quang Phục với những chiến công đầy huyền thoại. Thời nhà Trần đánh giặc Nguyên lại có Phạm Ngũ Lão, người làng Phù Ủng, châu Thượng Hồng, xuất thân từ quân lính, lập nhiều chiến công phá Nguyên, bình Chiêm sau trở thành một danh tướng có tài được thăng đến Thân vệ Đại Tướng quân. Ông cũng được quân dân hết sức yêu quý, kính trọng vì lòng nhân ái, chia ngọt sẻ bùi, thương quân lính như con. Ông còn để lại bài “Thuật hoài” nổi tiếng với những câu thơ đầy khí phách: "Nam nhi vị liễu công danh trái. Luống thẹn tai nghe chuyện Võ Hầu".

Cùng thời với Ngũ Lão còn có Yết Kiêu quê ở Hạ Bì, có tài bơi lặn đục thuyền giặc, Nguyễn Chế Nghĩa ở Cối Xuyên dũng cảm tuyệt vời, đều là những tướng tài danh của nước nhà. Khi giặc Pháp xâm lược nước ta, năm 1888 quận Kỳ đã chỉ huy diệt đồn Bình Phú ở Hưng Yên. Bền bỉ nhất là phong trào Bãi Sậy do Tán Thương quân vụ Nguyễn Thiện Thuật chỉ huy. Lúc làm quan, ông đã đánh Pháp, đến khi triều đình Huế chịu thua, ông vẫn tiếp tục mộ quân đánh Pháp. Căn cứ của nghĩa quân là vùng bãi sậy rậm rạp ở Khoái Châu. Từ năm 1883 đến 1891 nghĩa quân đã đánh giặc rất nhiều trận khắp Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh. Nằm sát Hà Nội, lại ở ngay giữa đồng bằng nhưng phong trào Bãi Sậy đã tồn tại suốt một thời gian dài trên một điạ bàn rộng lớn gây cho giặc Pháp rất nhiều tổn thất. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lần thứ hai (1946-1954), tỉnh Hưng Yên khi ấy chỉ có diện tích hơn 800 km2 với 127 xã, nhưng có đến hơn 400 đồn bốt giặc đóng. Trong các cuộc càn quét, chúng đã giết hàng vạn người, đốt phá hàng trăm thôn, xóm, hàng vạn ngôi nhà nhưng nhân dân Hưng Yên kiên cường quyết không khuất phục. Trên mảnh đất này đã diễn ra hàng trăm trận đặt chông mìn, đánh độn thổ "cướp súng giặc đánh giặc". Đường số 5 địch rào thép gai, đặt tháp canh dày đặc, nhưng đêm đêm du kích và từng đoàn dân công vẫn gánh gạo, tải lương vượt đường. Giặc đóng đồn bốt lập tề, ta phá tề, trừ gian, mở rộng khu du kích. Giặc càn quét Bắc sông Luộc, Khoái Châu, Văn Giang bị ta tiêu diệt 2.000 tên. Chiến công của đội nữ du kích Hoàng Ngân và những "vua mìn Đường Năm" đã nhiều phen khiến lũ xâm lăng phải bạt vía kinh hồn.

Từ Hà Nội, theo Quốc lộ số 5 đến Như Quỳnh chúng ta vào đất Hưng Yên, đi khoảng 7 km nữa bạn sẽ gặp thị trấn lớn mang tên Bần Yên Nhân. Hẳn có bạn sẽ hỏi rằng câu ca: "Dưa La, cà Láng, nem Báng, tương Bần..." là tương ở đây ư? Vâng! Đây chính là nơi có tương Bần ngon nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc. Xin bạn hãy nhớ để đến khi về có thể mua một can tương nhỏ làm quà. Cách Bần Yên Nhân 1 km về phía Tây Bắc, bạn có thể thăm chùa Thái Lạc với những bức chạm gỗ rất đẹp và gạch hoa từ đời Trần. Ai đó trong chúng ta thuở thơ bé đã được bà, được mẹ hát ru: "Cái Bống đi chợ cầu Nôm. Sao mày chẳng rủ cái Tôm đi cùng". Xin bạn hãy xác định thêm một địa danh cầu Nôm ở làng Đại Đồng thờ Đức Thánh Tam Giang. Gần đó là Hương Lãng có chùa Lạng được xây từ thời Lý, hiện vẫn còn nhiều tượng đá rất đẹp. Theo Đường 5 cách Bần 2 km là phố Nối, bạn gặp ngã ba Đường 39 đi thành phố Hưng Yên. Nếu trước đây là con đường nhỏ khiêm tốn với hai hàng nhãn chạy qua nhiều làng quê thơ mộng, nhiều đoạn cảm giác như đường làng thì nay đã là đường mới 2 chiều hiện đại rộng gấp bốn lần đường cũ. Chúng ta rẽ phải theo Đường 39 khoảng 2 km là làng Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, quê hương của danh y Hải Thựơng Lãn Ông Lê Hữu Trác, tác giả 66 tập Hải Thượng Y tông tâm lĩnh. Cạnh Liêu Xá là làng Thanh Xá thờ Phạm Công Trứ, sử gia đời Lê, tác giả Quốc sử tục biên, hiện còn nhiều bia ở đình thờ. Đi tiếp 3 km là Sài Trang lị sở huyện Yên Mỹ. Ở đây, từ xa xưa đã có chợ bán chàm, Nhà máy xay Yên Mỹ cũng đặt ở đây. Qua khỏi thị trấn là cầu Lực Điền bắc qua sông Nghĩa Trai sang đất Khoái Châu, bạn sẽ gặp những cánh đồng lúa, đồng đay bạt ngàn. Dọc theo hai bên Đường 39 cũng như các đường vào làng, đường liên thôn liên xã là những rặng nhãn chạy dài tít tắp. Đi thêm chừng 3 cây số có Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật I, ta cũng gặp đường bên phải đi huyện lị Khoái Châu. Vùng đất này có nhiều địa danh đã đi vào lịch sử như đầm Dạ Trạch, bãi Tự Nhiên với câu chuyện Chử Đồng Tử và nàng Tiên Dung; bãi lầy Màn Trò - nơi vang tiếng thét của Trần Bình Trọng "thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc"; Hàm Tử Quan, nơi Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật và Trần Quốc Toản đã thắng quân Nguyên; làng Đông Kết, Tây Kết nơi bại tướng Nguyên là Toa Đô bị chém đầu. Tiếp tục hành trình trên đường 39 qua Bô Thời vài ki lô mét, bạn có thể dừng chân nghỉ uống thử hớp rượu Trương Xá được coi là nổi tiếng vùng mía, vùng đay Hưng Yên. Bên trái là đường đi Ân Thi quê hương Nguyễn Trung Ngạn, nhà thơ nổi tiếng thời Trần, vốn là con một người đào hát mà đỗ Hoàng Giáp (Tiến sỹ) năm 1304 khi mới 16 tuổi. Từ Trương Xá đi tiếp 6 km bạn gặp thị trấn lị sở huyện Kim Động, có đền thờ Đinh Điền - một tướng giỏi, khai quốc công thần của nhà Đinh ở trại Đằng Man. Qua khỏi huyện lị Kim Động vài cây số, bạn gặp dốc Lã lên đê sông Hồng, nơi đây có nghề làm hương khá nổi tiếng. Từ đây đến tỉnh lị Hưng Yên bạn sẽ tự do phóng tầm mắt chiêm ngưỡng những bờ soi, bãi mật, của ngô, của dâu, của những xóm làng trù phú ven dòng sông Cái đỏ nặng phù sa. Xe chạy chừng dăm phút bạn đã gặp thành phố Hưng Yên, nơi xa xưa có địa danh Phố Hiến. Ngồi nghỉ dưới gốc cây nhãn tổ bạn có thể bắt đầu tự tìm hiểu, khám phá những bí ẩn về vùng đất này. Phố Hiến được đặt từ thời Lê Trung Hưng, là cảng sông Cái có bến, có phố cho người nước ngoài đến buôn bán, nộp thuế, bốc dỡ hàng. Khi ấy ở Phố Hiến đã có đến 2.000 nhà gạch. Từ năm 1637 có các lái buôn Bồ Đào Nha, Hà Lan và sau đó là người Pháp đến mở hiệu buôn. Năm 1672 Công ty Ấn Độ của Anh cũng đến và ở 25 năm. Việc giao thương buôn bán với người nước ngoài một thời đã tạo cho Phố Hiến sự đông vui sầm uất thực sự chứ không phải qua lời đồn. Thị xã Hưng Yên được đặt thành tỉnh lị từ năm 1831. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, ngày nay thị xã lại được đặt làm tỉnh lỵ và đã lên thành phố từ ngày 19/1/2009.

 Đoàn công tác của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đi khảo sát một số mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap thuộc huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, tháng 3/2017. Ảnh: PV

Sau hơn 30 năm trên đường đổi mới và 20 năm tái lập tỉnh, cùng với đà phát triển của đất nước, tỉnh Hưng Yên đã có tốc độ phát triển hơn hẳn mấy chục năm trước đây. Cùng với các đồng chí lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND, UBMTTQ tỉnh, chúng tôi về thăm lại nhiều vùng quê trù phú bờ xôi ruộng mật, ngày xưa là đường đất lội bộ rồi tiến lên đường xe cải tiến, đến nay là đường ô tô liên thôn, liên xã thuận tiện mọi bề. Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Tiến Sỹ - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên cho biết: Hưng Yên có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2011 - 2015 đạt 12,5% và GDP bình quân đầu người đạt trên 2.000 USD vào năm 2015. Đến nay, thu ngân sách nhà nước của Hưng Yên tăng gấp 139 lần so với lúc tái lập tỉnh, đạt 9.458 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 6.687 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 11 lần đạt trên 44,5 triệu đồng/người/năm. Kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng trưởng cao, đạt giá trị hơn 3,5 tỷ USD, gấp 700 lần khi tái lập. Năm 2017 là năm đầu tiên, Hưng Yên vinh dự đón nhận trọng trách Trung ương giao tự cân đối thu - chi và có đóng góp với ngân sách Trung ương. Về phát triển xã hội, Hưng Yên giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 3% vào năm 2015 (theo chuẩn nghèo mới) và giữ ổn định đến năm 2020 là dưới 3%; tạo thêm việc làm hàng năm cho trên 2,2 vạn lao động; nâng tỷ lệ lao động trong độ tuổi được đào tạo đạt 55% vào năm 2015 và khoảng 63 - 67% vào năm 2020...

Theo ông Đỗ Tiến Sỹ, trong những thành quả đó, có sự đóng góp quan trọng của đội ngũ những người làm công tác Mặt trận tỉnh Hưng Yên. Trong việc xây dựng nông thôn mới ở Hưng Yên, tỉnh đã đặt ra tiêu chí về cơ sở hạ tầng cao hơn bộ 19 tiêu chí vì Hưng Yên đã xác định được quá trình lan toả của Thủ đô Hà Nội tới sự phát triển của Hưng Yên. Chính vì vậy, nông thôn mới của Hưng Yên đang đặt ra tiêu chí cao hơn các địa phương khác, thậm chí nông thôn mới ở Hưng Yên phải là nông thôn mới ở mức độ 3. Để làm được điều này, ông Đỗ Tiến Sỹ cho rằng, Nhà nước và nhân dân phải lo nhưng việc thực hiện các hoạt động, các phong trào thi đua yêu nước, Mặt trận phải chủ công như Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", trong đó có mô hình xây dựng khu dân cư 3 không. "Hiện nay, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất là nông nghiệp thì câu trả lời thuộc về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Sự nghiệp dồn điền, đổi thửa của Hưng Yên cơ bản đã hoàn thiện, việc chuyển đổi mô hình cây và mô hình con đã được định hình, chính vì vậy, trong thời gian tới, Mặt trận Hưng Yên phải đẩy mạnh vận động nhân dân tham gia mô hình liên kết hộ để hình thành hợp tác xã".

Tuy chưa giàu, nhưng năm 2016, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã đạt 9.458 tỷ đồng, tăng 1.594 tỷ đồng và vượt 20,3% dự toán. Ghi nhận những kết quả ấn tượng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hưng Yên trong thời gian vừa qua, trong đó có công sức đóng góp đáng ghi nhận của đội ngũ những người làm công tác Mặt trận, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn bày tỏ niềm vui và chúc mừng những thành tựu vùng đất Hưng Yên văn hiến giàu truyền thống văn hoá và cách mạng sau 20 năm tái lập tỉnh. Đặc biệt là việc điều tiết 7% ngân sách địa phương về đóng góp với Trung ương, chia sẻ khó khăn chung với các vùng quê nghèo khác, hứa hẹn sự phát triển, đi lên trong tương lai của Hưng Yên. Chắc chắn trong những năm tới, Hưng Yên sẽ phát triển mạnh mẽ, sánh vai cùng bè bạn xa gần, xứng đáng với truyền thống của quê hương ngàn năm văn hiến.

Nguyễn Tuấn Anh

Trưởng Ban Tuyên giáo - UBTƯ MTTQ Việt Nam

 

Bình luận

Đặng Thị Kiều - 19:48 08/06/2017

Bác biên tập nào giỏi thế, viết được bài lịch sử chi tiết và chính xác, thấm nhuần văn hoá Việt Nam này không phải rạng vừa đâu!

Trả lời

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều