Toàn bộ phố Trúc Bạch được phun tiêu độc khử trùng. Ảnh: Nguyễn Hải.
Theo trang tin này, Việt Nam, nơi có chung biên giới với Trung Quốc và cách Vũ Hán - nơi khởi phát đại dịch gần 2.000km, đã vượt qua đại dịch với những kết quả bất ngờ. Số liệu của Bộ Y tế Việt Nam cho thấy, tính tới trưa 8.4, Việt Nam ghi nhận 251 ca COVID-19, với 126 ca hồi phục và chưa có ca tử vong nào.
"Phản ứng của nước này với dịch bệnh đã nhận được sự công nhận quốc tế, trong đó có Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) nhờ mô hình phòng chống dịch bệnh toàn diện, chi phí thấp. Đại diện của WHO tại Việt Nam - Tiến sĩ Ki Dong Park, chứng nhận rằng, chính phủ "đã luôn luôn chủ động và chuẩn bị cho các hành động cần thiết"" - tác giả bài viết "Vì sao Việt Nam không có ca tử vong nào do virus Corona?" nêu rõ.
Liberationnews.org chỉ ra, Việt Nam đã tăng cường các biện pháp chống đại dịch bằng cách triển khai các quy định cách ly xã hội trên toàn quốc, như cấm tụ tập bên ngoài hơn 2 người, giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét và đóng cửa tạm thời các doanh nghiệp không thiết yếu, trong đó có các nhà hàng, trung tâm giải trí và địa điểm du lịch. Các siêu thị và các dịch vụ thiết yếu khác vẫn mở, nhưng được hướng dẫn để bảo vệ sức khỏe khách hàng bằng cách kiểm tra nhiệt độ và cung cấp chất khử trùng tay.
Ngoài ra, trang tin này cũng cho biết, chính phủ Việt Nam cũng đã cảnh báo tránh đổ xô tích trữ và có hành động mạnh với các doanh nghiệp tăng giá. Để đảm bảo an sinh xã hội cho những người lao động bị ảnh hưởng, Việt Nam đã phê duyệt gói hỗ trợ tài chính trị giá 111,55 triệu USD bao gồm tất cả các chi phí cho người lao động trong thời gian cách ly hoặc hồi phục sau khi mắc bệnh.
"Chính phủ Việt Nam đã có những biện pháp sớm để ứng phó với đại dịch COVID-19. Các quan chức bắt đầu chuẩn bị các chiến lược để đối phó với dịch bệnh ngay lập tức sau khi ca đầu tiên xuất hiện ở Trung Quốc" - tác giả Tina Ngo viết.
Theo đó, từ 1.2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký văn bản phân loại virus là dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A - các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỉ lệ tử vong cao. Văn bản này được đưa ra chỉ sau khi ca mắc COVID-19 thứ 6 ở Việt Nam được ghi nhận.
Thêm vào đó, chính phủ Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 để đẩy nhanh các phản ứng trước đại dịch. Hướng dẫn chính thức về điều trị COVID-19 đã được lưu hành trên cả nước. Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Y tế Việt Nam cũng đã nhanh chóng tạo ra một ứng dụng y tế để người dùng khai báo sức khỏe và phổ biến thêm thông tin về dịch bệnh...
Bài viết đăng ngày 6.3 cho hay: "Bởi hệ thống y tế của Việt Nam tập trung vào sự an toàn và sức khỏe của người dân - chứ không phải lợi nhuận của các công ty bảo hiểm - Việt Nam đã chứng kiến sự thành công ấn tượng trong phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh. Điển hình như, năm 2003, WHO tuyên bố Việt Nam là quốc gia đầu tiên ngăn chặn thành công SARS".
"Từ thời kỳ kháng chiến chống chủ nghĩa thực dân, đến SARS và COVID-19, Việt Nam có một lịch sử thành công trong cuộc chiến chống lại những dịch bệnh gây chết người.
Tinh thần hợp tác này trong nhân dân hình thành từ một hệ thống xã hội nhấn mạnh nỗ lực tập thể và đoàn kết cho mục tiêu chung.
Khi chống COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi "mọi doanh nghiệp, mọi người dân, mọi khu dân cư phải là một pháo đài phòng chống dịch bệnh".
Lời kêu gọi này đã khơi dậy ý thức hợp tác ở người dân Việt Nam, vốn đã quen với việc đoàn kết trong thời gian khó khăn" - liberationnews.org thông tin thêm.
Cũng theo liberationnews.org, thành công của Việt Nam trong đối phó đại dịch COVID-19 cho đến thời điểm hiện tại "không chỉ đơn giản là một phép màu".
Đó là kết quả của nhiều yếu tố cấu thành trong đó có một chính phủ xã hội chủ nghĩa đặt người dân lên trên hết. Trong bối cảnh dịch bệnh chưa từng có hiện nay, cần có sự đoàn kết và hợp tác quốc tế, trong đó, "chúng ta nên học hỏi từ những thành công của người dân Việt Nam".