Xây dựng, chỉnh đốn Đảng trước hết từ đội ngũ cán bộ các cấp

Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII thống nhất cao việc bổ sung hai nhóm giải pháp để xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đó là, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm.
 Kỳ họp thứ 7 Ủy ban Kiểm tra Trung ương ngày 30/9/2021. Ảnh: TTXVN

Dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình cao với hai giải pháp này, đồng thời mong muốn các tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là đội ngũ cán bộ các cấp nhận thức sâu sắc, đầy đủ trách nhiệm để tự giác, gương mẫu thực hiện.

Bác Đỗ Đình Long cùng nhiều đảng viên ở Chi bộ tổ 1 phường Long Biên, quận Long Biên (Hà Nội) phấn khởi chia sẻ: Chúng tôi theo dõi kỹ các nội dung mà Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII thảo luận, cho ý kiến, bởi đây là những vấn đề quan trọng đối với việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Cùng sinh hoạt chi bộ với bác Long, anh Đinh Văn Giang, một đảng viên thuộc khu vực doanh nghiệp tâm đắc với lời phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Trước yêu cầu mới, cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện thêm một số nội dung quan trọng về rèn luyện tư tưởng chính trị, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, góp phần ngăn ngừa và khắc phục một cách mạnh mẽ hơn và quyết liệt hơn những biểu hiện suy thoái, tiêu cực; giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng.

Về chủ đề này, thực tế cho thấy, từ nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng được chỉ đạo quyết liệt. Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, cấp ủy, Ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 1.300 tổ chức đảng và 87 nghìn đảng viên. Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được tăng cường. Lĩnh vực phòng, chống tham nhũng đã đạt được nhiều kết quả toàn diện, rõ rệt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội; tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Bác Phạm Văn Mành là cán bộ hưu trí, đảng viên sinh hoạt tại Chi bộ 1 phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình (Hà Nội) trao đổi: Công tác phòng, chống tham nhũng trong nhiệm kỳ vừa qua đã đạt nhiều kết quả. Tuy nhiên, tại hội nghị này, Trung ương đề ra yêu cầu mới là cùng với ngăn chặn, đẩy lùi thì phải chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực. Chúng tôi đánh giá đây chính là giải pháp căn cơ, quan trọng để xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Bày tỏ lo lắng về tinh thần tiên phong, nêu gương của cán bộ, đảng viên, ông Nguyễn Ngọc Sắt, cán bộ hưu trí trú tại Khu tập thể Quân đội 30A phố Lý Nam Đế (Hà Nội) cho biết: Khi cả nước đồng lòng hưởng ứng thông điệp “chống dịch như chống giặc” của Tổng Bí thư, dồn sức và nguồn lực cho việc phòng, chống dịch Covid-19, nhưng tiếc là còn có cán bộ, đảng viên vẫn thờ ơ, vô cảm, thiếu gương mẫu, vi phạm quy định phòng, chống dịch. Nghiêm trọng hơn, có những cán bộ, đảng viên lợi dụng tình hình dịch bệnh để phạm tội tham nhũng, trong đó có nhiều quan chức ngành y tế. Cuộc chiến với tham nhũng, tiêu cực cần phải quyết liệt hơn.

TS Trần Thị Thu Hà, công tác tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trao đổi: Một trong những giải pháp để chủ động, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực là tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu, có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Chúng tôi đặc biệt tâm huyết với phát biểu khai mạc của đồng chí Tổng Bí thư là: Nghiên cứu, bổ sung, làm rõ hơn nữa yêu cầu phòng chống không chỉ tham nhũng mà còn cả đối với tiêu cực; nhưng biểu hiện tiêu cực là thế nào? Mức độ đến đâu? Nguyên nhân là gì? Tác hại ra sao? Thật mừng là những câu hỏi này đã được tập trung bàn thảo, làm rõ tại hội nghị. 

Đại hội XIII của Đảng đã đề ra những nhiệm vụ cơ bản để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh toàn diện; trong đó khẳng định tiếp tục kiên trì, kiên quyết thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Theo dõi và tâm huyết với những vấn đề được hội nghị thảo luận, PGS Đặng Quốc Phòng, nguyên giảng viên Đại học Bách khoa Đà Nẵng, chia sẻ: Chúng tôi mong muốn Đảng ta kiên định phương châm là “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Các giải pháp cần đạt mục tiêu nâng cao nhận thức và hành vi của cán bộ, đảng viên theo hướng tích cực, đúng đắn, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt hơn nữa trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Tại nhiều địa phương, những cán bộ, đảng viên, người dân chúng tôi gặp đều theo dõi sát thông tin, diễn biến hội nghị và thể hiện sự phấn khởi với những nội dung, kết quả của hội nghị; đồng thời, thống nhất bày tỏ niềm tin, những chủ trương, giải pháp, quyết sách của hội nghị sẽ sớm hiện thực hóa trong cuộc sống, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, bộ máy Nhà nước, nâng cao vai trò, hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và quyền làm chủ của nhân dân.

Theo Lê Mậu Lâm/Báo Nhân dân

 

 

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều