Xây dựng thế trận an ninh nhân dân trong chiến lược phòng, chống tội phạm

(Mặt trận) - Cùng với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, Đảng ta chỉ rõ vai trò quan trọng của thế trận an ninh nhân dân - “thế trận lòng dân” trong chiến lược phòng, chống tội phạm. Thực tế, cùng với lực lượng an ninh nhân dân, các lực lượng chức năng đã chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vấn đề xây dựng thế trận an ninh nhân dân đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, quan điểm “lấy dân làm gốc”, “lấy đại nghĩa để thắng hung tàn” và một trong bảy nguyên tắc của hoạt động phòng ngừa tội phạm là: “... nhân dân lao động làm chủ”; vì vậy, xây dựng thế trận an ninh nhân dân phải dựa trên nền tảng sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và của cả hệ thống chính trị, trong đó Quân đội và Công an giữ vai trò nòng cốt. Nhận thức rõ được vị trí chiến lược của sứ mệnh lịch sử này, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn thể hiện quan điểm chỉ đạo nhất quán trong việc thực hiện mục tiêu bảo vệ đất nước trong tình hình mới và luôn là nội dung quan trọng trong các kì Đại hội.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa IX) nhấn mạnh: “Củng cố và hoàn thiện nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân và thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên từng địa bàn tỉnh, thành phố, đặc biệt là các địa bàn chiến lược; xây dựng các khu vực phòng thủ vững chắc”. Đại hội X của Đảng khẳng định: “Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân kết hợp chặt chẽ với thế trận an ninh nhân dân”. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã chỉ rõ: “Tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh về tiềm lực và thế trận; xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trong thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc”. Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đã khẳng định: “Tăng cường quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước và toàn dân; trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân kết hợp chặt chẽ với thế trận an ninh nhân dân vững chắc”.

Công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm không chỉ là nhiệm vụ của lực lượng Công an, mà còn là trách nhiệm của tất cả các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và quần chúng nhân dân, nhằm góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. Tại Điều 3, Luật An ninh nhân dân quy định: “Thế trận an ninh nhân dân là việc tổ chức, bố trí lực lượng bảo vệ an ninh quốc gia và các nguồn lực cần thiết để chủ động bảo vệ an ninh quốc gia”. Quyết định số 623/QĐ-TTg ngày 14/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Chính vì vậy, để thực hiện thắng lợi các nội dung trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm thì cần thiết phải xây dựng thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân vững chắc.

Trong những năm qua, Nhà nước và các ban, ngành đã quyết liệt tổ chức triển khai các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm, trên phương châm “lấy phòng ngừa là cơ bản”, hoạt động điều tra cần được nhanh chóng, chính xác đúng người, đúng tội. Vì vậy, tội phạm được kiềm chế, an ninh trật tự được đảm bảo, tuy nhiên tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp. Từ năm 2010 - 2018, cả nước đã phát hiện 484.407 vụ phạm pháp hình sự, trung bình mỗi năm nước ta xảy ra hơn 53.000 vụ phạm pháp hình sự, trong đó xuất hiện những loại tội phạm phi truyền thống, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài. Một tình trạng đáng báo động là sự trẻ hóa của tội phạm và tính chất manh động, liều lĩnh của đối tượng phạm tội gây nên những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, để lại hậu quả thiệt hại to lớn về tính mạng, sức khỏe và tài sản. Trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước đã giao lực lượng Công an có nhiệm vụ trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm, chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Tuy nhiên, mặc dù lực lượng Công an nhân dân ngày càng chính quy, tinh nhuệ, nhưng trong công tác của mình, nếu không dựa vào nhân dân, không thực hiện phương châm “lấy dân làm gốc” thì cũng không đạt được yêu cầu đặt ra. Vì vậy, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Phải làm sao có hàng chục triệu đôi bàn tay, hàng chục triệu cặp mắt và đôi tai mới được. Muốn như vậy phải dựa vào dân, không xa rời dân được” là xây dựng thế trận an ninh nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Những mặt công tác cụ thể đã thực hiện được là:

Thứ nhất, chính quyền địa phương phối hợp cùng các ban, ngành thường xuyên tổ chức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật tới người dân. Nội dung tuyên truyền hướng tới đường lối, chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật, các vụ phạm tội đã xảy ra để nhân dân biết phương thức thủ đoạn của tội phạm, từ đó nâng cao ý thức tự phòng ngừa. Hình thức tuyên truyền đa dạng, phù hợp với đặc điểm đối tượng tuyên truyền như: sử dụng áp phích, tờ rơi, khẩu hiệu tại những nơi công cộng, tuyên truyền qua phương tiện thông tin đại chúng, qua hình thức tổ chức hội thi, hội diễn văn nghệ. Trong đó, một trong những hiệu quả đáng chú ý của công tác này là đưa nội dung giáo dục pháp luật vào chương trình ngoại khóa của các trường học, qua đó giúp các em học sinh nhận thức tốt ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.

Thứ hai, cả nước đã xây dựng được nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Thông qua các mô hình này đã thu hút được sự tham gia hưởng ứng của các đoàn, hội tại tất cả các địa phương trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; kịp thời phát hiện những hành vi, biểu hiện nghi vấn vi phạm pháp luật và nâng cao ý thức pháp luật của nhân dân. Nhiều mô hình được nhân rộng hiệu quả, như: mô hình “Tự phòng, tự quản”, “Gia đình 5 không, 3 sạch”, “Gia đình không có người mắc tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật” được đánh giá cao tại Quảng Ngãi; mô hình “Tiếng kẻng an ninh” tại Thái Bình, mô hình “Tổ công nhân dịch vụ đô thị tự quản”, “Camera an ninh trật tự” tại Bạc Liêu… Bên cạnh đó, ở hầu khắp các địa phương đều thành lập tổ tự quản, tổ dân phòng để phối hợp cùng các lực lượng khác trong công tác tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương. Đặc biệt, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã chú trọng tới những đối tượng và địa bàn trọng điểm, “điểm nóng” về tình hình an ninh trật tự, trong đó phát huy vai trò của người đứng đầu tại các dòng họ, bản làng, chức sắc tôn giáo, vì vậy nhiều mâu thuẫn được giải quyết ngay tại cơ sở, hạn chế xung đột lớn có thể dẫn tới bất ổn hoặc tội phạm.

Thứ ba, xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, kế hoạch đấu tranh phòng, chống tội phạm phù hợp với từng địa bàn.

Lênin nói: ”Kế hoạch là cương lĩnh thứ hai”, đó là sự khẳng định về vị trí, ý nghĩa to lớn của chiến lược, kế hoạch. Xây dựng kế hoạch đấu tranh phòng, chống tội phạm là sự cụ thể hóa đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và Bộ Công an, để Công an các cấp có phương hướng thực hiện cụ thể. Từ năm 1999, Chính phủ ban hành Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm và thu được nhiều kết quả quan trọng. Đến ngày 14/4/2016, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 623/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2006 - 2025 và định hướng đến 2030. Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2020 là đẩy lùi tội phạm và tệ nạn xã hội, phấn đấu đến năm 2020 giảm từ 3 - 5% tổng số vụ phạm tội hình sự so với năm 2016. Giảm tỷ lệ tái phạm tội xuống dưới 15%, ít nhất 50% khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp đạt tiêu chí “An toàn về an ninh trật tự”. Cùng với sự ra đời của Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm, Chính phủ ban hành 15 đề án giao cho các Bộ chủ trì, trong đó Bộ Công an chủ trì đề án số 2, 3, 4, 5. Trên cơ sở nội dung trên, các tỉnh, thành phố đã cụ thể hóa cho phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương từ đó tạo phong trào đấu tranh phòng, chống tội phạm rộng khắp, tránh tình trạng bỏ trống địa bàn.

Trong thời gian tới, muốn thực hiện hiệu quả các nội dung trên để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng thế trận an ninh nhân dân, cần thực hiện một số giải pháp sau đây:

Một là, huy động sức mạnh của hệ thống chính trị trong phòng, chống tội phạm.

Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng, đặc biệt là vai trò của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong công tác vận động tầng lớp thanh niên tích cực tham gia các hoạt động từ thiện xã hội, các hoạt động vì cộng đồng. Các cơ quan, ban, ngành và người dân cần xác định “phòng chống tội phạm là trách nhiệm của toàn dân”, vì vậy cần sự vào cuộc của tất cả mọi người.

Hai là, chú trọng việc tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa xã hội.

Trong phòng ngừa tội phạm, phòng ngừa xã hội luôn được xác định là biện pháp cơ bản, mang tính chiến lược để nhằm nâng cao nhận thức của mỗi công dân, nên công tác phòng ngừa cần được coi trọng ngay từ mỗi gia đình, nhà trường. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền cho phù hợp với từng đối tượng và địa bàn; trong đó tập trung công tác tuyên truyền về pháp luật và phương thức, thủ đoạn của tội phạm để người dân kịp thời nhận diện tội phạm và đề cao ý thức tự phòng ngừa. Gắn nội dung tuyên truyền vào các môn học trong trường phổ thông. Nhân rộng các mô hình, câu lạc bộ phòng, chống tội phạm theo phương châm: ”tự phòng, tự quản, tự hoàn thành và tự đảm bảo an ninh trật tự”; phát huy vai trò của các tổ tự quản, tổ dân phòng tại địa bàn cơ sở.

Ba là, từng bước nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm của lực lượng chức năng, nhất là lực lượng Công an nhân dân.

Công an nhân dân được xác định là lực lượng nòng cốt trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đồng thời là chủ thể tiếp nhận, đầu mối thông tin với các chủ thể khác. Trong công tác kiện toàn tổ chức cần chú trọng tới cả “chất” và “lượng”, đồng thời chú trọng tới việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật phục vụ phát hiện, khám phá tội phạm, hướng tới mục tiêu Công an nhân dân “chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, đáp ứng yêu cầu đấu tranh với các loại tội phạm trong tình hình mới.

Tội phạm và đấu tranh phòng, chống tội phạm là vấn đề quan tâm của tất cả các quốc gia, dân tộc, ảnh hưởng tới sự phát triển của nền kinh tế, xã hội. Vì vậy, trên mặt trận này không chỉ nhấn mạnh đến vai trò riêng có của lực lượng nào, mà còn phải tạo được thế trận toàn dân rộng khắp. Đây là mục tiêu mang tính chiến lược của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Phạm Thùy Dung

NCS, Học viện Cảnh sát nhân dân

()

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều