|
Biểu diễn văn nghệ tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc liên địa bàn dân cư phường Quán Thánh (quận Ba Đình). Ảnh: Hànộimới |
Việc vận động nhân dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư được Mặt trận các cấp của thành phố triển khai bằng nhiều hoạt động, trong đó phải kể đến hình thức Hội nghị đại biểu nhân dân bàn chuyện xây dựng đời sống văn hóa vào dịp đầu năm và Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc được tổ chức dịp cuối năm.
Nói về các hoạt động trên của địa phương, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận số 6 phường Quán Thánh (quận Ba Đình) Phạm Thị Hồng Sim cho hay, hội nghị đại biểu nhân dân bàn chuyện xây dựng đời sống văn hóa hằng năm của khu dân cư số 6 luôn nhận được nhiều ý kiến đóng góp rất thiết thực của nhân dân nhằm xây dựng khu dân cư ngày càng văn minh. Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc cũng diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa, như: Văn nghệ, giao lưu bóng bàn, trưng bày “Mâm cơm Đại đoàn kết”, “Gian hàng Đại đoàn kết”..., phát huy được sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc từ cơ sở. Với cách làm này, hằng năm, khu dân cư số 6 có 95,5% số hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”...
Tương tự, tại thôn Tháp Thượng, xã Song Phượng (huyện Đan Phượng), trong năm 2022, nhân dân đã ủng hộ trên 100 triệu đồng, gần 500 ngày công lao động xây dựng 1,8km tuyến đê kiểu mẫu. Toàn thôn có 295 hộ giàu, khá giả, đạt tỷ lệ 89,4%; thu nhập bình quân đầu người đạt 78 triệu đồng/người/năm; 94-96% số hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”... Bà Lê Thị Liên, người dân thôn Tháp Thượng, chia sẻ: “Sở dĩ bà con thôn Tháp Thượng luôn đoàn kết cùng hệ thống chính trị xây dựng quê hương giàu đẹp là bởi các thành viên Ban Công tác Mặt trận và các ngành, đoàn thể của thôn luôn hăng hái, trách nhiệm và không ngừng vun đắp cho khối đại đoàn kết toàn dân trong mọi hoạt động”.
Nhằm phát huy dân chủ, tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân trên địa bàn Thủ đô hiến kế, hiến công, đóng góp những giải pháp hữu hiệu, thiết thực để xây dựng đời sống văn hóa tại địa phương, Hội nghị đại biểu nhân dân bàn việc xây dựng đời sống văn hóa ở xã, phường, thị trấn, khu dân cư do Mặt trận tổ chức là diễn đàn để người dân thảo luận, bàn biện pháp xóa bỏ những hủ tục lạc hậu gây tốn kém, lãng phí trong việc cưới, việc tang và lễ hội; góp ý vào các quy tắc ứng xử nơi công cộng; xây dựng các thiết chế văn hóa; xây dựng khu dân cư sáng - xanh - sạch - đẹp, bảo vệ môi trường... Tại “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc”, Mặt trận cơ sở kịp thời khen thưởng các gia đình đạt danh hiệu văn hóa, có nhiều đóng góp xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, khơi dậy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Nhờ tuyên truyền sát sao và sự vào cuộc kịp thời trong vận động nhân dân thực hiện xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, hiện nay, tỷ lệ hỏa táng trên địa bàn thành phố đã đạt 71%. Năm 2022, có 88% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, 1.360/2.149 thôn danh hiệu “Làng văn hóa”, chiếm 63%; 2.356/3.249 tổ dân phố đạt danh hiệu “Tổ dân phố văn hóa”, chiếm 72,5%. Có 584 đơn vị xã, phường, thị trấn và 5.136 ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư triển khai ký cam kết thực hiện bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đến từng hộ gia đình và các cơ sở thờ tự của tôn giáo. Nhiều khu dân cư duy trì dọn vệ sinh, thu gom rác thải và chất thải gia súc làm sạch đẹp môi trường đều đặn 2 lần/tuần…
Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn cho biết, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, đặc biệt là ban công tác mặt trận ở khu dân cư, thời gian tới, Mặt trận sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và chất lượng bình xét các danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”. Việc thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” sẽ được gắn với thực hiện các chương trình, nhiệm vụ trọng tâm của thành phố và chương trình an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững...
Theo Hiền Phương/Hànộimới