Xây dựng và phát triển văn hóa, con người vì sự phát triển bền vững ở Lai Châu

Với 20 dân tộc anh em cùng sinh sống, Lai Châu là tỉnh miền núi, biên giới, có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Mặc dù điều kiện tự nhiên và cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã luôn đoàn kết, nêu cao tinh thần trách nhiệm, coi trọng xây dựng và phát triển văn hóa, con người, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
 

Lễ Kỷ niệm 110 năm thành lập tỉnh Lai Châu (28/6/1909 - 28/6/2019) và 70 năm thành lập Đảng bộ tỉnh (10/10/1949 - 10/10/2019). (Ảnh minh họa).

NHỮNG KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU

Sau khi Nghị quyết số 33-NQ/TW của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” (Nghị quyết 33) được ban hành, Tỉnh ủy Lai Châu đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng quán triệt và thực hiện nghiêm, tích cực. Cùng với việc chỉ đạo UBND tỉnh xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện, Tỉnh ủy đã khẩn trương lãnh đạo Hội đồng nhân dân ban hành Nghị quyết cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp, chương trình, kế hoạch về xây dựng và triển văn hóa, con người Lai Châu.

Cấp ủy đảng và chính quyền các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa các chỉ tiêu phát triển văn hóa, con người trong kế hoạch thực hiện nhiệm vụ chính trị hằng năm đảm bảo phù hợp với tình hình, điều kiện của địa phương, đơn vị.

Công tác tuyên truyền được triển khai toàn diện thông qua nhiều hình thức như: lồng ghép trong hội nghị báo cáo viên các cấp, hội nghị giao ban; sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt đoàn thể; tổ chức tập huấn, hội thảo; thông qua các hội thi, hoạt động văn hóa, văn nghệ; tuyên truyền lưu động, tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh không dây, tuyên truyền trực quan... Qua đó đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Lai Châu vì mục tiêu phát toàn diện, bền vững.

Đảng bộ tỉnh tập trung đẩy mạnh giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lý tưởng cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, đơn vị gắn với các phong trào thi đua yêu nước và cuộc vận động do các ngành, các cấp phát động. Coi trọng thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành công tác thường xuyên gắn với nhiệm vụ chính trị, nhất là gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; gắn với công tác y tế, dân số, gia đình, thể dục, thể thao, giảm nghèo bền vững...

Bên cạnh đó, Đảng bộ tỉnh chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong cộng đồng dân cư, cơ quan, trường học, tạo môi trường văn hóa trong giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách, lối sống. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được các cấp ủy gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Cùng với chú trọng xây dựng nếp sống văn minh, tiến bộ, nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội, tỉnh đã tăng cường sưu tầm, phục dựng, tổ chức các lễ hội, bảo tồn tư liệu lịch sử, giá trị văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng; bảo tồn và phát huy bản sắc, di sản văn hóa các dân tộc; quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở.

Các cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng trên địa bàn tích cực thực hiện việc quản lý có chất lượng, hiệu quả các loại hình thông tin, mạng xã hội; kịp thời định hướng tư tưởng, dư luận xã hội, nhất là trong thanh thiếu nhi; tăng cường tuyên truyền, vận động, giáo dục nhân cách, lối sống trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, gắn với xây dựng, phát triển văn hóa, con người Lai Châu.

Đến hết năm 2019, Lai Châu có 17/98 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 777/1.140 bản, khu phố được công nhận danh hiệu văn hóa; 74.778/94.328 hộ gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa; 954/1.007 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận văn hóa; 94,7% số bản, khu phố, tổ dân phố xây dựng, ban hành và thực hiện hương ước, quy ước theo đúng quy định. Tỉnh đã quy hoạch 80ha quỹ đất phục vụ xây dựng các thiết chế văn hóa, thể dục thể thao ở xã phường, thị trấn. Toàn tỉnh có 31.000 hiện vật được lưu giữ, 26 di tích được xếp hạng và 1 bảo vật quốc gia.

Các hoạt động giao lưu văn hóa trên địa bàn tỉnh được quan tâm lãnh đạo, thực hiện có hiệu quả, tạo điều kiện cho nhân dân được giao lưu, tiếp xúc, tiếp thu những giá trị văn truyền thống, đặc sắc của các vùng miền trong nước và các nước láng giềng; góp phần làm phong phú thêm văn hóa các dân tộc trong tỉnh, đồng thời tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về miền đất, văn hóa, con người Lai Châu tới bạn bè quốc tế và các địa phương trong cả nước. Tiêu biểu là các hoạt động: Giao lưu văn hóa giữa Lai Châu với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và 3 tỉnh Bắc Lào; Ngày hội văn hóa, thể thao, du lịch các dân tộc Tây Bắc; Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông, dân tộc Dao, dân tộc Thái toàn quốc; Làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam; Ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc”; “Tuần văn hóa du lịch di sản xanh - nơi gặp gỡ con người và thiên nhiên”; Sắc màu văn hóa các dân tộc...

VẪN CÒN NHỮNG HẠN CHẾ, BẤT CẬP

Bên cạnh những kết quả, thành tích đạt được, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 33 của Đảng bộ tỉnh Lai Châu vẫn còn những hạn chế, bất cập, thể hiện trên một số nội dung, như: việc tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết của một số cấp ủy đảng, chính quyền còn chưa thường xuyên, thiếu toàn diện; việc cụ thể hóa chủ trương của Đảng còn chậm, thiếu cụ thể, chưa sát với điều kiện thực tiễn. Việc xây dựng các các tiêu chí về phẩm chất đặc trưng, cơ bản của con người Lai Châu trong thời kỳ mới để tuyên truyền, giáo dục trong cán bộ, đảng viên và nhân dân của cơ quan chuyên môn chưa kịp thời.

Công tác bảo tồn và phát huy các di sản lịch sử, văn hóa, nhất là đối với các di sản văn hóa phi vật thể, các loại hình nghệ thuật truyền thống gặp nhiều khó khăn. Việc tôn tạo, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch, dịch vụ thực hiện chưa hiệu quả. Chất lượng các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa còn hạn chế, chưa khai thác được các giá trị về bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số mà có chiều hướng đang làm mất dần đi các bản sắc đó, là cho nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân bị mai một.

Hệ thống các thiết chế văn hóa mới được xây dựng từ tỉnh đến cơ sở bộc lộ nhiều bất cập, thiếu phù hợp với nhu cầu và truyền thống văn hóa của địa phương, nhất là ở các thôn, bản thuộc dân tộc ít người.

 Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở một số địa phương, đơn vị còn mang tính hình thức, thiếu bền vững. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang có nơi còn hạn chế do một số hủ tục lạc hậu chưa được khắc phục. Tình trạng tảo hôn, tệ nạn xã hội ở một số nơi, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số vẫn còn; khoảng cách chênh lệch về điều kiện hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, các bộ phận dân cư, các dân tộc thiểu số của tỉnh vẫn còn khá phổ biến.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế, yếu kém trên là do nhận thức của cấp ủy các cấp chưa đồng đều; một bộ phận người dân trong tỉnh chưa nhận thức rõ các giá trị văn hóa để đổi mới và phát triển, trong khi sự quan tâm đầu tư cho văn hóa chưa đảm bảo đáp ứng với yêu cầu đề ra. Công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa còn nhiều hạn chế, chủ yếu vẫn còn mang nặng tính bao cấp, ỷ lại cho nhà nước. Công tác xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ văn hóa từ tỉnh đến cơ sở chưa được quan tâm đúng mức; còn thiếu các trí thức, văn nghệ sĩ có trình độ cao, tài năng trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, địa phương trong thực hiện Nghị quyết 33 có lúc chưa thường xuyên, thiếu kịp thời, hiệu quả chưa cao; công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, nắm tình hình có thời điểm chưa sâu sát.

TIẾP TỤC THỰC HIỆN NHỮNG NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

Trong thời gian tới, Đảng bộ tỉnh Lai Châu tiếp tục kiên trì thực hiện và đổi mới sáng tạo một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của Nghị quyết 33 trong công cuộc đổi mới hiện nay. Rà soát, bổ sung và điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch phát triển văn hóa phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Mở rộng và phát triển các dịch vụ văn hóa, khai thác các giá trị bản sắc văn hóa để phát triển du lịch, dịch vụ, tương xứng là ngành kinh tế mũi nhọ của tỉnh. Đa dạng hóa các sản phẩm văn hóa gắn với giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.

Kiên quyết ngăn chặn hành vi lợi dụng phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội để du nhập các sản phẩm, loại hình văn hóa thiếu lành mạnh, trái thuần phong mỹ tục, các thông tin xấu, độc ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội của nhân dân trong tỉnh.

Hai là, gắn kết chặt chẽ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với “Phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đi vào chiều sâu, thực chất. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Nêu cao vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện xây dựng nếp sống văn minh, đời sống văn hóa; phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của đội ngũ già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín trong nhân dân.

Ba là, tăng cường công tác quản lý nhà nước về văn hóa, nhất là việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống gắn với phát triển các loại hình du lịch, dịch vụ, không để xảy ra tình trạng thương mại hóa hoạt động văn hóa. Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa từ tỉnh đến cơ sở. Quan tâm bố trí kinh phí phục vụ sự nghiệp văn hóa, thể thao. Ưu tiên đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Đẩy mạnh xã hội hóa huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và tổ chức các hoạt động văn hóa. Ưu tiên dành quỹ đất quy hoạch các thiết chế văn hóa, khu vui chơi giải trí cho trẻ em, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân.

Bốn là, tiếp tục quan tâm bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử văn hóa, các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Nâng cao chất lượng hoạt động sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Tăng cường giao lưu, hợp tác văn hóa trong nước, khu vực và trên thế giới. Tăng cường công tác kiểm tra, khảo sát, nắm tình hình; tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nêu gương người tốt, việc tốt; kịp thời khen thưởng các tập thể, cá nhân điển hình trong thực hiện các phong trào văn hóa và xã hội hóa các hoạt động văn hóa.

Theo Đỗ Thị Kim Nhung/Tạp chí Tuyên giáo

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều