Vụ sập cổng trường tại Lào Cai khiến 3 trẻ thiệt mạng.
Câu chuyện an toàn trường học lâu nay vốn được xem là “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, nhưng lại vẫn cứ xảy ra những vụ tai nạn không đáng có, cướp đi sinh mạng của nhiều học sinh. Lẽ ra, với những điều “biết rồi, đừng nói nữa” thì người ta phải có biện pháp phòng ngừa, không để xảy ra tình huống xấu, gây hại về người và tài sản. Song, có vẻ như ở nhiều nơi, nhiều lúc, người ta “biết” rồi “để đấy”. Đó là lý do vì sao không tránh được những vụ tai nạn thương tâm cướp đi sinh mạng học sinh, dù đã “biết rồi, đừng nói nữa”.
Trên diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cũng đã hơn một lần hứa với các đại biểu dân cử rằng sẽ đảm bảo an toàn tuyệt đối trong trường học. Song, có vẻ như đó chỉ là lời hứa trên nghị trường, thực tế thì vẫn liên tiếp xảy ra những vụ tai nạn gây thương vong cho học sinh. Tất nhiên, sau mỗi vụ tai nạn có học sinh tử vong, từ Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, tới giám đốc sở GDĐT các địa phương... đều lên tiếng yêu cầu rà soát, đảm bảo an toàn trong trường học.
Rà soát thì có ích gì khi mà tai nạn đã xảy ra rồi? Điều đó chẳng khác gì việc sau khi bị kẻ trộm dắt mất bò rồi mới lo đi làm chuồng. Và để xoa dịu dư luận, người ta lại bắt đầu quy trình xem xét trách nhiệm của ai đó. Việc những người trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra các vụ tai nạn cướp đi sinh mạng học sinh phải trả giá trước pháp luật là hoàn toàn đúng đắn không cần phải bàn cãi. Song, liệu việc cách chức, truy cứu trách nhiệm hình sự... đối với họ có giải quyết được gốc rễ vấn đề?
Tất nhiên là không rồi! Khi mà “tư lệnh” ngành cứ vô tư đưa ra lời hứa mà không phải chịu bất cứ trách nhiệm gì, nếu xảy ra các vụ việc đau lòng, thì làm sao có động lực để đề ra những giải pháp căn cơ, rốt ráo phòng tránh tai nạn, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh. Dư luận xã hội chưa từng được chứng kiến Bộ trưởng Bộ GDĐT đưa ra lời xin lỗi, thậm chí nhận trách nhiệm trong bất kể một vụ tai nạn khiến học sinh thiệt mạng nào. Lẽ nào đó chỉ là lỗi của địa phương, của hiệu trưởng trường xảy ra tai nạn?
Nói có sách, mách có chứng, có thể lấy ngay ví dụ từ những vụ tai nạn thương tâm mới xảy ra gần đây. Đơn cử như vụ việc cây phượng bật gốc đè chết một em học sinh, làm bị thương gần chục học sinh khác tại Trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TPHCM). Việc cây phượng đổ là không lường trước được, vậy mà Hiệu trưởng Trường THCS Bạch Đằng lập tức đứng ra nhận trách nhiệm về vụ việc, không vin lý do này nọ để trốn tránh như những người có trách nhiệm khác.
Thôi thì cứ cho là Bộ trưởng Bộ GDĐT bận “trăm công nghìn việc” nên không thể “quán xuyến” hết được những “việc nhỏ” như vậy. Song, chí ít mỗi khi xảy ra sự việc đáng tiếc, đau lòng, “tư lệnh” ngành giáo dục cũng nên đứng ra nhận lỗi với tư cách là người đứng đầu. Chẳng hạn, hàng năm có khá nhiều em học sinh tử vong do đuối nước. Lẽ nào ngành giáo dục từ Trung ương xuống đến địa phương không có trách nhiệm gì, mà lỗi hoàn toàn thuộc về gia đình các em?
Nếu ngành giáo dục đưa vào giáo trình bắt buộc môn bơi lội, dạy kỹ năng sống cho các em học sinh, liệu tỷ lệ đuối nước và thương vong do các tai nạn khác có nhiều như hiện nay không? Đừng nói là biết bơi hay không, có kỹ năng sinh tồn hay không là trách nhiệm của riêng gia đình các em học sinh nhé! Đó chính là trách nhiệm của ngành giáo dục, đúng hơn là phần lớn trách nhiệm thuộc ngành giáo dục. Bởi lẽ, chủ yếu thời gian trong ngày học sinh ở trường, chứ không phải ở nhà, hơn nữa trường học không chỉ để dạy kiến thức.
Ấy vậy mà hiếm khi thấy người đứng đầu ngành Giáo dục nhận lỗi, xin lỗi về những cái chết thương tâm của các em học sinh. Khi mà “tư lệnh” ngành không có lỗi, lẽ nào lãnh đạo sở GDĐT các địa phương lại có lỗi? Chính vì thế mà chẳng ai phải chịu trách nhiệm cả, để rồi sau đó lại rà soát rồi rút sợi dây kinh nghiệm dài vô tận. Lẽ đương nhiên là khi mà rút mãi không hết sợi dây kinh nghiệm thì sẽ không thể có các giải pháp hữu hiệu đảm bảo an toàn cho các em học sinh, vẫn chỉ là “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.
Theo Tinh Anh/Đại Đoàn Kết