“Gỡ” kịp thời các khó khăn, vướng mắc
Ngày 25/4, Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 ban hành Quyết định số 29/QĐ-BCĐCTMTQG về Chương trình công tác năm 2023.
Theo đó, một trong những mục đích, yêu cầu của chương trình là phân công rõ trách nhiệm của từng thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương đối với công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; tập trung xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, theo dõi định kỳ, đột xuất tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia của Ban Chỉ đạo Trung ương và các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương; bảo đảm tính hiệu quả, thực chất trong công tác kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo Trung ương.
Khẩn trương ban hành các thông tư, văn bản hướng dẫn thực hiện
|
Đồng bào dân tộc thiểu số huyện Mường Khương, Lào Cai, thu hoạch quýt. (Ảnh: QUỐC HỒNG)
|
Năm 2023, Ban Chỉ đạo Trung ương tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1945/QĐ-TTg ngày 18/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ; Công điện số 71/CĐ-TTg ngày 23/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ; ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương tại Thông báo số 58/TB-VPCP ngày 28/2/2023, Thông báo số 127/TB-VPCP ngày 13/4/2023 và Thông báo số 129/TB-VPCP ngày 14/4/2023 của Văn phòng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, trong đó tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau.
Thứ nhất, khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách và ban hành các thông tư, văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia bảo đảm thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật; tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương bảo đảm bám sát tình hình thực tiễn và phù hợp năng lực thực thi của các cấp cơ sở; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai, đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Thứ hai, chú trọng xây dựng kế hoạch cụ thể với nội dung chi tiết để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, theo dõi, đôn đốc việc tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại các bộ, cơ quan, địa phương; chủ động trao đổi, nắm bắt thông tin, phát hiện các khó khăn, vướng mắc, sai sót để kịp thời đề xuất giải pháp khắc phục, tháo gỡ; tích cực chia sẻ kinh nghiệm để hoàn thiện thể chế và nhân rộng những sáng kiến, mô hình, cơ chế, chính sách hiệu quả, có tính khả thi trong thực tiễn.
Thứ ba, triển khai thực hiện tốt, hiệu quả công tác đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và chuẩn bị các điều kiện cần thiết khác theo yêu cầu của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội thực hiện Nghị quyết số 52/2022/QH15 ngày 14/6/2022 của Quốc hội.
Thứ tư, tăng cường công tác phối hợp giữa các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương với các tổ công tác, cơ quan giúp việc cho Ban Chỉ đạo Trung ương trong quản lý, điều phối, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia bảo đảm hiệu lực, hiệu quả.
Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, phổ biến pháp luật, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp, người dân và các bên liên quan về các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong triển khai, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương và các bộ, cơ quan liên quan chịu trách nhiệm tổ chức, thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương và nhiệm vụ được phân công theo Quyết định này.
Riêng với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cần sớm xây dựng và ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2022/TT-BLĐTBXH ngày 6/9/2022 hướng dẫn thực hiện một số nội dung về giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động tại các tiểu dự án và nội dung thành phần thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 trong tháng 4 năm 2023.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, các bộ, cơ quan trung ương liên quan và địa phương cần thực hiện Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 24/2021/QH14 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững gửi Đoàn giám sát theo Nghị quyết số 52/2022/QH15 của Quốc hội trước ngày 15/7/2023.
Đồng thời, sẽ tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 vào quý II năm 2023.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương) có trách nhiệm chủ trì, phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc theo dõi, đôn đốc tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao của các bộ, cơ quan liên quan theo Chương trình công tác năm 2023.
Cùng với đó, thực hiện chế độ báo cáo theo Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương; chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan liên quan xây dựng Kế hoạch tổ chức hội nghị sơ kết tình hình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2023, giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2023-2025 và định hướng triển khai trong giai đoạn 2026-2030.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc theo phạm vi quản lý, thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm như sau:
Chủ động phối hợp Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan chủ dự án thành phần và cơ quan liên quan để rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các thông tư, văn bản hướng dẫn đã ban hành để triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện từng chương trình mục tiêu quốc gia của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo quy định và kịp thời hướng dẫn, xử lý các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền; định kỳ báo cáo về tình hình, tiến độ thực hiện các chương trình; kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương và cấp có thẩm quyền các nội dung vượt thẩm quyền.
Phối hợp cung cấp thông tin, báo cáo và cử cán bộ phù hợp để tham gia hoạt động kiểm tra, giám sát của các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương đối với các bộ, cơ quan, địa phương khi có văn bản đề nghị của cơ quan liên quan; bảo đảm thống nhất địa bàn theo dõi, giám sát của thành viên 3 tổ công tác 3 chương trình mục tiêu quốc gia phù hợp với địa bàn theo dõi, giám sát của các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương.
Ngoài ra, các bộ, cơ quan trung ương được giao chủ trì quản lý các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần (chủ dự án thành phần) thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của địa phương; xử lý dứt điểm các “điểm nghẽn” về cơ chế, chính sách, văn bản hướng dẫn của Trung ương trong tháng 4 năm 2023. Định kỳ hằng tháng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo về tình hình triển khai thực hiện để tổng hợp, báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ Chương trình công tác năm 2023 của Ban Chỉ đạo Trung ương và điều kiện thực tế của địa phương để chủ động phối hợp các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương và các bộ, cơ quan liên quan trong triển khai các nhiệm vụ được phân công trong Quyết định này.
Xây dựng và ban hành Kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 của địa phương; rà soát, trình cấp có thẩm quyền quyết định hoặc ban hành, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các văn bản để triển khai tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn.
Rà soát các công trình, dự án thuộc phạm vi đầu tư của các chương trình mục tiêu quốc gia để báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh bảo đảm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình triển khai thực hiện đối với cấp huyện, cấp xã, nhất là về việc thực hiện các cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng nguồn ngân sách nhà nước, nguồn huy động đóng góp tự nguyện của nhân dân theo quy định hiện hành.
Chủ động, tích cực chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giữa các địa phương trong vùng và cả nước; đặc biệt trong công tác xây dựng cơ chế, chính sách và ban hành các văn bản quản lý, điều hành tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia ở địa phương.
Thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo theo quy định của pháp luật về đầu tư công, quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và các quy định khác có liên quan.
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội thành viên tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Cùng với đó, phối hợp các bộ, cơ quan trung ương triển khai có hiệu quả các phong trào, cuộc vận động trong thực hiện xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân với kết quả thực hiện từng chương trình. Thực hiện các hoạt động giám sát, phản biện xã hội đối với quá trình tổ chức triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia ở các cấp theo quy định.
Theo NGÂN ANH/Báo Nhân dân