|
Phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022 (Ảnh: Molisa/UNWomen) |
Ngày 12/11, tại thành phố Vũng Tàu, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và các cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022.
Chương trình năm nay có chủ đề “Bảo đảm an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái”.
|
Nghi thức khởi động Tháng hành động. (Ảnh: Molisa/UNWomen) |
Sau hơn hai năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, đến nay, các hoạt động văn hóa, kinh tế-xã hội ở Việt Nam và hầu hết các nước trên thế giới đã hoạt động, mở cửa trở lại. Tuy nhiên, những tác động tiêu cực của đại dịch đến mọi mặt của đời sống xã hội nói chung và lĩnh vực bình đẳng giới nói riêng vẫn chưa kết thúc.
Báo cáo về khoảng cách giới năm 2021 của Diễn đàn Kinh tế thế giới cho thấy, các nước sẽ mất tới 136 năm thay vì 100 năm để thu hẹp khoảng cách giới do dịch Covid-19. Điều này đòi hỏi chính phủ của các quốc gia phải nỗ lực nhiều hơn nhằm đạt được các mục tiêu về bình đẳng giới thực chất.
Chủ đề Tháng hành động năm nay một lần nữa khẳng định những ưu tiên và cam kết của Việt Nam trong việc thúc đẩy bình đẳng giới thực chất, góp phần giúp phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống, giảm bớt áp lực và nguy cơ bị bạo lực, xâm hại, trong bối cảnh Việt Nam đang phục hồi sau ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.
Báo cáo về khoảng cách giới năm 2021 của Diễn đàn Kinh tế thế giới cho thấy, các nước sẽ mất tới 136 năm thay vì 100 năm để thu hẹp khoảng cách giới do dịch Covid-19.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà khẳng định những cam kết và nỗ lực của của Việt Nam trong bảo đảm an sinh xã hội và thực hiện bình đẳng giới, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới thời gian qua, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đề nghị, các cấp, các ngành, địa phương chú trọng công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, của người dân về bình đẳng giới; chủ động cam kết và có những hành động cụ thể, thiết thực để xây dựng một xã hội bình đẳng, không có bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em”
Thừa ủy quyền của bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc, bà Elisa Fernandez, Trưởng đại diện Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam đưa ra những khuyến nghị cụ thể để giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử và bạo lực giới. Cụ thể là: thúc đẩy những thay đổi chuẩn mực xã hội thông qua phát triển văn hóa tôn trọng và bình đẳng giữa mọi giới trong mọi bối cảnh: tại nhà, tại trường học, nơi làm việc, tại các địa điểm công cộng bao gồm cả không gian mạng.
“Những nỗ lực này cần được đi kèm với ý chí chính trị mạnh mẽ được thể hiện qua luật pháp và chính sách toàn diện; các sáng kiến thay đổi chuẩn mực xã hội dựa trên bằng chứng dài hạn; cung cấp dữ liệu đáng tin cậy về các hình thức phân biệt đối xử dựa trên giới và bạo lực đối với các nhóm khác nhau; và quan trọng nhất là sự sẵn có của các dịch vụ thiết yếu về giới nhạy cảm với giá cả phải chăng, đáng tin cậy cho những người sống sót sau bạo lực trên cơ sở giới.” bà Elisa Fernandez nhấn mạnh.
Thay mặt các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam, bà Elisa Fernandez khẳng định, Liên hợp quốc cam sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, xóa bỏ phân biệt đối xử và bạo lực giới, hướng tới việc đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững.
Lễ phát động Tháng hành động là hoạt động khởi đầu cho chiến dịch truyền thông cao điểm về bình đẳng giới trong năm 2022. Cùng với đó, sẽ có hàng nghìn hoạt động hưởng ứng Tháng hành động được tổ chức trực tiếp và trực tuyến trên cả nước với các quy mô khác nhau thu hút sự tham gia của hàng triệu người dân trên khắp cả nước.
Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới được tổ chức từ ngày 15/11 đến ngày 15/12 hằng năm.
Qua 6 năm triển khai từ 2016-2021, hơn 10 triệu lượt người được truyền thông, tiếp cận với các thông điệp của Tháng hành động. Điều này góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cán bộ và người dân đối với công tác bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Hằng năm, 100% các địa phương và nhiều bộ ngành, cơ quan trung ương đã xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động.
Theo Báo Nhân Dân