|
Tình trạng ô nhiễm tiếng ồn tại các đô thị lớn đang khá phổ biến |
Ô nhiễm tiếng ồn là một trong những loại ô nhiễm phổ biến tại các nước đang phát triển, nơi có nhiều phương tiện giao thông công cộng, nhiều công trình xây dựng mới. Ô nhiễm tiếng ồn gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người trực tiếp và gián tiếp như giảm thính lực, rối loạn giấc ngủ, cao huyết áp, tim mạch…
Tại Thủ đô Hà Nội, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn khá nghiêm trọng, nó xuất phát từ nhiều nguồn khác nhau: phương tiện giao thông (chủ yếu là giao thông đường bộ); hoạt động dịch vụ (quán xá, nhà hàng, dịch vụ giải trí); hoạt động sản xuất, kinh doanh (nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh hộ gia đình, làng nghề); hoạt động xây dựng… Hoạt động sản xuất của các xưởng nhỏ nằm xen kẽ trong khu dân cư, các công trường xây dựng, nhà máy… cũng ảnh hưởng đến cộng đồng xung quanh. Đặc biệt, tiếng ồn từ các phương tiện giao thông cũ, tiếng còi xe, nẹt pô… cũng là nỗi ám ảnh đối với nhiều người.
Kết quả nghiên cứu và đánh giá của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường tại 12 đường và nút giao thông chính tại Hà Nội cho thấy, tiếng ồn trung bình vào ban ngày là 77,8 đến 78,1 dBA, vượt tiêu chuẩn cho phép từ 7,8 đến 8,1 dBA. Ban đêm, tiếng ồn trung bình 65,3-75,7 dBA, vượt tiêu chuẩn từ 10-20 dBA. Trên thực tế, tác hại của việc ô nhiễm tiếng ồn dao động khoảng 50 db sẽ khiến con người giảm hiệu suất làm việc, tăng nhịp tim, huyết áp, dạ dày, giảm hứng thú lao động.
Là đô thị đông dân nhất nước, Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) cũng là nơi ô nhiễm tiếng ồn gây hậu quả không nhỏ. Tình trạng ô nhiễm tiếng ồn không phải mới xuất hiện, không chỉ tiếng ồn ngắn hạn như hát karaoke, sinh hoạt của hàng xóm, mà tiếng ồn dài hạn từ các công trường, hàng quán, xe cộ.
|
Cần có giải pháp quyết liệt với ô nhiễm tiếng ồn tại đô thị hiện nay |
Theo UBND TP Hồ Chí Minh, thời gian qua, tình trạng cố tình gây tiếng ồn trong các hoạt động sản xuất - kinh doanh và tại cộng đồng dân cư diễn ra tràn lan, phổ biến.
Việc này đã trở thành vấn đề nan giải trong đô thị, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh, trật tự và công tác phòng chống dịch bệnh, môi trường đô thị, chất lượng sống của người dân.
Để giải quyết tình trạng ô nhiễm tiếng ồn trầm trọng tại các đô thị lớn cần làm tốt từ công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tiếng ồn và xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến tiếng ồn sâu rộng đến từng người dân và cộng đồng dân cư. Công tác tuyên truyền được đa dạng hóa, kết hợp nhiều hình thức như yêu cầu các cơ sở, doanh nghiệp có hoạt động phát sinh tiếng ồn, các hộ gia đình, người sử dụng xe kéo hát karaoke tại các hàng quán ăn uống… ký cam kết thực hiện đúng quy định về độ ồn, không ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư.
Từ ngày 25/8, Nghị định 45/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường (thay thế cho Nghị định 55 năm 2021) có hiệu lực.
Mức xử phạtlên đến 160-320 triệu đồng (cá nhân - tổ chức) nếu vượt quá 40 dBA (căn cứ vào mức độ tiếng ồn). Quy định hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn khá cụ thể. Xác định rõ người có trách nhiệm, có thẩm quyền xử phạt là chính quyền cấp cơ sở.
Mức xử phạt thấp nhất từ 1-5 triệu đồng với hành vi tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 2 dBA đến dưới 5 dBA. Với hành vi này, Chủ tịch UBND xã/phường có thẩm quyền xử phạt. Để xử phạt, cơ quan chức năng sẽ thực hiện trưng cầu giám định, đo đạc, phân tích tiếng ồn. Người bị xử phạt có trách nhiệm chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường.
Bên cạnh đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đã phát huy vai trò trong việc tổ chức tuyên truyền về ô nhiễm tiếng ồn cho người dân ở từng địa phương, từng địa bàn. Thông qua các buổi tuyên truyền nhằm phát huy vai trò quản lý của Nhà nước về ô nhiễm môi trường và tuyên truyền, khuyến khích các cơ sở kinh doanh dịch vụ cam kết với chính quyền địa phương trong việc chấp hành các quy định pháp luật về tiếng ồn góp phần thiết thực xây dựng văn hóa văn minh đô thị, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân.
Hồng Nhung