|
Tổ hợp tác đan đát tại ấp Thời Hòa B, thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ giúp cho nhiều hội viên dân tộc Khmer có việc làm thu nhập ổn định. (Nguồn: baocantho.com.vn) |
Để triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021-2025, UBND thành phố Cần Thơ đã ban hành Kế hoạch số 06/KH-UBND ngày 12/1/2022 về việc triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn với các mục tiêu cụ thể về giảm nghèo (tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm 1%/năm), các hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, nước sinh hoạt hợp vệ sinh, phát triển hệ thống y tế - giáo dục, hỗ trợ đào tạo nghề, sinh kế cho người dân... Theo đó, Ủy ban MTTQ thành phố triển khai giám sát các nội dung theo tiêu chí của Chương trình và Kế hoạch, Hướng dẫn của Ủy ban TWMTTQ Việt Nam, bước đầu đã ghi nhận những thành quả nhất định.
Trong quá trình triển khai, UBND thành phố đã khẩn trương xác định đối tượng thụ hưởng các dự án, tiểu dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn. Các UBND các cấp ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa các quy định của thành phố cho phù hợp với thực tế địa phương. Ngoài ra, các địa phương đã phối hợp Ban Dân tộc thành phố rà soát đối tượng, đăng ký danh mục, nhu cầu kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia đề ra, hiện chờ thành phố ban hành văn bản hướng dẫn và phân bổ kinh phí thực hiện các dự án, tiểu dự án thành phần sẽ phối hợp với Ban Dân tộc và các sở, ngành thành phố để tổ chức thực hiện theo quy định.
Mặc dù thành phố đã triển khai chính sách hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề cho đồng bào DTTS, song do quỹ đất hạn chế nên hiện nay tình trạng hộ thiếu đất ở, đất sản xuất vẫn còn tiếp diễn. Năm 2022, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, thành phố đã triển khai rà soát có 107 hộ có nhu cầu hỗ trợ về đất, nhà ở, 71 hộ có nhu cầu hỗ trợ chuyển đổi nghề…
Song song với đó, UBND các cấp chủ động xây dựng kế hoạch chung để triển khai thực hiện, sau khi thành phố có văn bản hướng dẫn và phân bổ kinh phí của thực hiện các Dự án, tiểu dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia các địa phương sẽ có kế hoạch tổ chức thực hiện theo từng năm theo chỉ đạo của UBND thành phố.
Nhìn chung, UBND cấp huyện, xã đã quan tâm chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 06/KH-UBND của UBND thành phố, phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị để tổ chức thực hiện; tổ chức rà soát đối tượng, đăng ký danh mục, nhu cầu kinh phí thực hiện các dự án, tiểu dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia được phân bổ về địa phương theo thẩm quyền; quán triệt, tuyên truyền về Chương trình mục tiêu quốc gia trong hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và đồng bào DTTS trên địa bàn, bước đầu tạo sự đồng thuận trong nhân dân tại địa phương.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 06/KH-UBND ngày 12/02/2022 của UBND thành phố Cần Thơ về việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố Cần Thơ thực hiện còn chậm. Nguyên nhân do các địa phương chưa nhân được văn bản hướng dẫn và phân bổ nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia theo kế hoạch.
Trong thời gian tới, để phát huy những kết quả đã đạt được, tích cực thực hiện các mục tiêu mà Chương trình đã đề ra, thành phố Cần Thơ cần các giải pháp đồng bộ trên địa bàn: UBND thành phố sớm ban hành quyết định đầu tư, các văn bản quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện Chương trình. Chỉ đạo các sở, ngành thành phố sớm cụ thể hóa từng Dự án, Tiểu dự án để làm cơ sở các địa phương triển khai thực hiện. Phân công nhiệm vụ, trách nhiệm các sở, ngành thành phố có liên quan và UBND các quận, huyện trong việc tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025.
Mặt khác, tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt trong hệ thống chính trị các cấp và trong đồng bào DTTS về các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực dân tộc, đặc biệt là ý nghĩa và tầm quan trọng, mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia.
Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo tập trung huy động mọi nguồn lực, lồng ghép có hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc nhằm thực hiện hiệu quả các mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia.
Cần quan tâm, chú trọng đến công tác kiểm tra, đồng thời phối hợp, tạo điều kiện để Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp thực hiện giám sát và phản biện xã hội trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Chương trình.
Minh Anh