Chăm sóc, nâng cao sức khỏe người cao tuổi, bảo đảm thích ứng với già hóa dân số

Chất lượng đời sống được nâng cao và tuổi thọ trung bình của người dân tăng là những thành tựu quan trọng trong quá trình phát triển của đất nước. Tuy nhiên, già hóa dân số đang là một trong những thách thức của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Nhiều chính sách hỗ trợ người cao tuổi

 
 
Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương trao Bằng khen cho người cao tuổi tiêu biểu cơ sở khu vực Tây Bắc, tháng 10/2017. 
Già hóa dân số có tác động đối với phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta cả trong ngắn hạn và dài hạn... Số liệu thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, cả nước có khoảng 11,41 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng 12% dân số; hơn 7 triệu người cao tuổi sống ở khu vực nông thôn. Theo số liệu thống kê năm 2011-2012, Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ già hóa. Ước tính vào năm 2049, nước ta sẽ có 26,10% là người cao tuổi. 


Ở nước ta, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng và Nhà nước. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh “ tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, chủ động thích ứng với già hóa dân số” với mục tiêu đảm bảo hệ thống chính sách an sinh xã hội ngày càng được cải thiện.

Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách phù hợp đảm bảo quyền và cơ hội tiếp cận cả về vật chất và tinh thần. Các chính sách xã hội cho người cao tuổi đều chú trọng đến công tác bảo trợ xã hội và chăm sóc sức khỏe, thể hiện trên các lĩnh vực: Sức khỏe, việc làm, văn hóa, thể thao, du lịch; xây dựng, quản lý hiệu quả quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi. 

Chương trình quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2012-2020 xác định các nhóm mục tiêu, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước và xã hội trong phát huy vai trò kinh tế của người cao tuổi thông qua hệ thống chỉ tiêu mà chương trình đề ra. 

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 với mục tiêu chăm sóc, nâng cao sức khỏe người cao tuổi (người từ đủ 60 tuổi trở lên) bảo đảm thích ứng với già hóa dân số, góp phần thực hiện thành công Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030. Chương trình đưa ra nhiều chỉ tiêu quan trọng và bao phủ. Đáng chú ý là các chỉ tiêu như: 100% cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp ban hành nghị quyết, kế hoạch, đầu tư ngân sách cho chăm sóc sức khỏe người cao tuổi vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030; đến năm 2025 có 70% người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm, 95% người cao tuổi được lập hồ sơ theo dõi quản lý sức khỏe.

Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Nguyễn Hòa Bình cho biết, Hiến pháp và Luật là cơ sở pháp lý quan trọng để ban hành và thực thi các chính sách xã hội đối với người cao tuổi. Kết quả rà soát các văn bản pháp luật, chương trình, chính sách xã hội đối với người cao tuổi cho thấy, việc đề cao phụng dưỡng, chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi đã thể hiện tính nhân văn của nhà nước.

Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi qua hệ thống bảo hiểm

 Khám sàng lọc và tư vấn cho những người cao tuổi trước khi tiêm vaccine. Ảnh minh họa: Nguyên Linh/TTXVN

Theo rà soát của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện còn hơn 500.000 người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo chưa có bảo hiểm y tế. Mục tiêu đến hết năm nay, ngành quyết tâm thực hiện bao phủ bảo hiểm y tế hết số người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo này. Đây cũng chính là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam trong triển khai hỗ trợ bảo hiểm y tế cho 5% số người cao tuổi (hơn 500.000 người) thuộc diện nghèo chưa có thẻ bảo hiểm y tế. 


Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam đã giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Người cao tuổi Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Y tế có văn bản đề nghị cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc ở các địa phương tập trung thực hiện nhiệm vụ trong năm 2021.

Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) Đặng Hồng Nam cho biết, dịch COVID-19 kéo dài đã ảnh hưởng mọi mặt tới đời sống người dân. Tuy nhiên, quyền lợi người cao tuổi tham gia bảo hiểm y tế càng phải được đảm bảo và thực hiện kịp thời. Luật Người cao tuổi về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi quy định người 80 tuổi trở lên được ưu tiên khám trước trên bệnh viện toàn quốc, được hưởng những ưu đãi phù hợp với người cao tuổi.  

Ðề xuất xây dựng đề án và lộ trình cụ thể để thu hút người cao tuổi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Trần Ðình Liệu cho rằng, trước mắt, khi Luật Bảo hiểm xã hội chưa được sửa đổi, có thể nâng mức hỗ trợ của ngân sách nhà nước cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện theo từng nhóm. Ðối với nhóm người cao tuổi, số tiền hỗ trợ dự kiến chưa đến 200 tỷ đồng/năm.

Hiện, cả nước còn khoảng hơn 500.000 người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo chưa có bảo hiểm y tế. Trước thực tế này, các chuyên gia cho rằng, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền; xây dựng kế hoạch giao nhiệm vụ cho từng địa phương, nâng cao mức hỗ trợ, tập trung hỗ trợ theo nhóm đối tượng, đặc biệt quan tâm đến nhóm đối tượng người cao tuổi. 

Trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tổng hợp các nguồn lực của Nhà nước dành cho đối tượng chính sách và bảo trợ xã hội, trong đó có người cao tuổi, trên tinh thần phân bổ nguồn lực hiệu quả, đúng đối tượng, giảm dần hỗ trợ trực tiếp mà chuyển sang hỗ trợ người cao tuổi có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, đồng thời từng bước kết hợp giữa hỗ trợ trực tiếp và hỗ trợ thông qua chính sách bảo hiểm cho người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn.

Đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội

 Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người cao tuổi. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN

Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, so với các nước phát triển, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tinh thần cho người cao tuổi ở nước ta còn nhiều hạn chế, chưa đa dạng về mô hình và phần lớn người cao tuổi thiếu hụt nguồn lực tài chính. Hiện nay, ở khu vực nông thôn, đa số người cao tuổi vẫn sống dựa vào sự chăm sóc, hỗ trợ của con cháu.


Các nghiên cứu về người cao tuổi cho thấy, với tốc độ già hóa vào nhóm nhanh nhất thế giới, trong vài thập kỷ tới, người cao tuổi Việt Nam sẽ phải đối mặt với vấn đề nhà ở, chăm sóc y tế và an sinh xã hội. Hơn nữa, khi tuổi thọ tăng lên, thời gian hưởng lương hưu cũng sẽ kéo dài hơn, là áp lực dễ nhìn thấy đối với hệ thống y tế và quỹ lương hưu.

Theo bà Phạm Thị Hải Chuyền, việc thiết kế hệ thống chính sách an sinh xã hội cho người cao tuổi thích ứng với quá trình già hóa dân số nhanh ở Việt Nam rất quan trọng, cần phải coi là vấn đề trọng tâm. Theo Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam, cơ quan chức năng cần tiếp tục rà soát tổng thể các chính sách xã hội cho người cao tuổi hiện nay để có đánh giá tổng thể những điểm mạnh, điểm yếu và khoảng trống của chính sách. Từ đó, từng bước xây dựng một hệ thống chính sách xã hội tổng thể với nhóm người cao tuổi từ chăm sóc y tế, bảo trợ xã hội, việc làm phù hợp và các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch.

Bên cạnh đó, hệ thống chăm sóc người cao tuổi cần được phát triển đa dạng, phù hợp hơn, giúp họ dễ dàng tiếp cận với dịch vụ y tế có chất lượng. Cùng với hệ thống an sinh xã hội của Nhà nước, cần chú ý các mô hình chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng; nhân rộng việc thành lập các quỹ trợ giúp ở các địa phương để kịp thời động viên vật chất và tinh thần cho người cao tuổi khi gặp các cú sốc hay những rủi ro trong cuộc sống.   

Một vấn đề rất quan trọng với một bộ phận lớn người cao tuổi chính là việc làm và thu nhập. Các nghiên cứu đều chỉ ra nhu cầu việc làm của người cao tuổi là đáng kể và họ vẫn có đóng góp khá quan trọng cho kinh tế gia đình. Tuy nhiên, hiện nay, người cao tuổi đang phải đối diện với nhiều khó khăn trong tìm kiếm việc làm phù hợp vì những lý do về sức khỏe, học vấn, kỹ năng lao động và nơi ở.

Để giải quyết vấn đề này, các nhà nghiên cứu cho rằng, đa dạng hóa ngành nghề, việc làm ở khu vực nông thôn để nhóm người cao tuổi có cơ hội tiếp cận được việc làm và cải thiện thu nhập cũng như đời sống tinh thần là rất cần thiết. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng người cao tuổi vào các việc làm phù hợp, trả lương xứng đáng và đảm bảo các điều kiện về bảo hiểm để người cao tuổi có thêm nhiều cơ hội cải thiện chất lượng cuộc sống…

Theo Đỗ Bình (TTXVN)

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều