|
Cơ hội nghề nghiệp khi xuất khẩu lao động
|
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 thực hiện trên phạm vi cả nước, nhưng trọng tâm là các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo. Chương trình với chính sách hỗ trợ người nghèo xuất khẩu lao động theo hợp đồng được đặt ra là nhiệm vụ quan trọng đối với UBND các tỉnh ven biển và hải đảo, đó là đẩy mạnh hoạt động đưa người lao động sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hỗ trợ hoạt động đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng nghề cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững, nhất là người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.
Đối tượng được hưởng chính sách này là người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài, cư trú trên địa bàn các huyện nghèo (không bao gồm các địa bàn được hưởng cơ chế, chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài quy định tại Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030), xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; ưu tiên người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
Người lao động sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng: tiền đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ; hỗ trợ tiền ăn, sinh hoạt phí, tiền ở trong thời gian tham gia đào tạo (bao gồm cả thời gian tham gia giáo dục định hướng), trang cấp đồ dùng cá nhân thiết yếu; chi phí khám sức khỏe, hộ chiếu, thị thực và lý lịch tư pháp; giới thiệu, tư vấn cho người lao động và thân nhân người lao động; Một phần chi phí đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo các hiệp định ký giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước tiếp nhận, ưu tiên người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân tộc thiểu số, người lao động sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.
Xuất khẩu lao động ở những môi trường làm việc tốt không những giúp người lao động tích lũy vốn mà còn cả kinh nghiệm, kiến thức sống để lập thân, lập nghiệp
Thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang đã có nhiều nỗ lực trong công tác giải quyết việc làm, tạo việc làm mới cho lao động, chú trọng thực hiện các giải pháp chính sách hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm, tuyên truyền phổ biến chính sách hỗ trợ tạo việc làm. Phối hợp với các ngân hàng, chủ yếu là Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để hỗ trợ người lao động vay vốn ưu đãi từ Quỹ Quốc gia về việc làm và nguồn ngân sách địa phương ủy thác qua ngân hàng.
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh còn tổ chức định kỳ phiên giao dịch việc làm vào các ngày 10 và 20 hàng tháng nhằm tạo thuận lợi cho người lao động trong việc tìm hiểu và đăng ký tuyển dụng cũng như tạo điều kiện cho các nhà tuyển dụng gặp gỡ người lao động để hai bên có cơ hội tìm hiểu, nắm bắt thông tin; chú trọng liên kết với nhiều tỉnh, thành có nhiều doanh nghiệp, khu công nghiệp để cung ứng lao động, giới thiệu việc làm trong và ngoài tỉnh; đồng thời, tuyển chọn và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để giảm sức ép về việc làm. Để tạo điều kiện cho lao động được trang bị các kiến thức về ngoại ngữ, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thường xuyên mở nhiều khóa đào tạo tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Hoa cho khoảng 150 lao động mỗi năm. Theo các cơ quan chuyên môn nhận định, thời gian qua, công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài bên cạnh mục đích kinh tế còn giúp thay đổi tư duy nhận thức và nâng cao kỹ năng, phong cách làm việc của người lao động. Nhờ có sự chủ động phối hợp cùng các doanh nghiệp, lựa chọn các doanh nghiệp uy tín hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, Trung tâm đã giúp người lao động nhận thức, nắm rõ thông tin về thị trường lao động ngoài nước, chủ động lựa chọn những doanh nghiệp, đơn vị đủ tư cách pháp nhân, có uy tín, công việc ổn định, thu nhập tốt, đồng thời, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và phòng tránh thiệt hại cho người lao động. Thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã phối hợp với 12 doanh nghiệp xuất khẩu lao động có uy tín để đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Bác Ái là huyện nghèo của tỉnh Ninh Thuận, cuộc sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp là chính, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt khoảng 17 triệu đồng/người/năm. Trong những năm qua, thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước, huyện xác định xuất khẩu lao động là cơ hội để giúp người dân thoát nghèo nhanh và bền vững, huyện đã chủ động triển khai chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với xuất khẩu lao động. Nhờ đó, đã giúp hàng trăm lao động ở địa phương đi làm việc ở nước ngoài, chuyển đổi nghề để thoát nghèo bền vững. Từ năm 2010 đến nay, huyện đã đưa gần 300 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đã gửi về cho gia đình hơn 17 tỷ đồng. Nhiều gia đình có người đi xuất khẩu lao động nhờ nguồn thu nhập ổn định đã vươn lên trong phát triển triển kinh tế gia đình, xây dựng cuộc sống no ấm.
Có thể nói xuất khẩu lao động được xác định là hướng đi đúng trong công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế của huyện. Thời gian qua, tất cả các lao động sau khi hết thời hạn làm việc ở nước ngoài trở về đều có cuộc sống ổn định. Để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động đi xuất khẩu lao động, thời gian tới huyện tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi về vốn vay; đồng thời, phối hợp doanh nghiệp có uy tín về địa phương tuyểnlao động, tuyên truyền, tư vấn, đảm bảo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, góp phần phát triển kinh tế gia đình. Xuất khẩu lao động ở những môi trường làm việc tốt không những giúp người lao động tích lũy vốn mà còn cả kinh nghiệm, kiến thức sống để lập thân, lập nghiệp.
Với những hỗ trợ tích cực và sự vào cuộc của các cấp, các ngành, chương trình xuất khẩu lao động cho người nghèo trên cả nước nói chung và người nghèo vùng ven biển và hải đảo đang dần khởi sắc, dẫu quá trình triển khai không tránh khỏi những khó khăn, hạn chế cần được nghiêm túc nhìn nhận và rút kinh nghiệm để có hướng đi lâu dài và bền vững, trở thành giải pháp chiến lược hỗ trợ sinh kế bền vững cho người nghèo thay đổi cuộc sống, thực hiện thành công mục tiêu Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững đã đề ra, phấn đấu đến năm 2025, tối thiểu 9.500 người lao động thuộc các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được hỗ trợ đào tạo; trong đó, có khoảng 5.700 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (ít nhất 80% hộ gia đình có người đi làm việc ở nước ngoài sẽ thoát nghèo). Hỗ trợ khoảng 1.200 người lao động tham gia các khóa đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo các Hiệp định ký giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước tiếp nhận./.
Đỗ Thụy