Đánh giá thực trạng kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm đổi mới

Ngày 24/11/2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị văn hóa toàn quốc tại Thủ đô Hà Nội. Hội nghị nhằm đánh giá thực trạng kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm đổi mới; từ đó đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021 - 2026, tầm nhìn đến năm 2045.

“Soi đường cho quốc dân đi”


Ngày 24/11/1946, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất khai mạc tại Nhà hát Thành phố Hà Nội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới dự và đọc diễn văn khai mạc. Người nhấn mạnh: Văn hóa phải gắn bó, liên hệ mật thiết với chính trị; văn hóa phải tham gia vào sửa đổi những thói lười biếng, tham nhũng; phải làm thế nào để mỗi người dân được hiểu về nghĩa vụ và quyền lợi mà họ được hưởng; "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi".

 Độc đáo nghi lễ cấp sắc 12 đèn của dân tộc Dao Tiền. Ảnh: TTXVN.
Những thông điệp quan trọng của Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, sau đó là lần thứ hai (năm 1948) về “Văn hóa soi đường quốc dân đi”, văn hóa là một mặt trận, anh chị em văn nghệ sĩ là những chiến sĩ trên mặt trận đó, Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam... đã truyền cảm hứng cho những người làm việc trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật phấn đấu hết mình cho sự nghiệp cách mạng.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986) đã mở đầu công cuộc đổi mới. Đại hội VII tiếp tục chủ trương đổi mới toàn diện, đồng bộ và triệt để nhằm đưa đất nước đi vào thế ổn định và phát triển.

Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) khẳng định quan điểm: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”.

Sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, lĩnh vực văn hoá có nhiều đóng góp quan trọng vào thành công chung của đất nước, nhất là trong việc xây dựng, hình thành nhân cách, lối sống tốt đẹp cho con người - nguồn lực quan trong bậc nhất quyết định đến thành công của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Đánh giá về thành tựu xây dựng nền văn hoá Việt Nam sau 35 năm Đổi mới, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam chia sẻ: “Đường lối Đổi mới của Đảng được chính thức công bố tại Đại hội VI (1986) đã thổi một luồng sinh khí mới vào đời sống dân tộc và khơi dậy nguồn cảm hứng sáng tạo cho đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức. Ngay trong thời gian đầu thời kỳ Đổi mới, giữa lúc đời sống còn đang gặp muôn vàn khó khăn, hàng loạt tác phẩm văn học và nghệ thuật đặc biệt xuất sắc đã ra đời, vừa như tiếng kèn xung trận, vừa như ngọn đuốc sáng tạo, góp phần cổ vũ nhân dân ta đấu tranh không khoan nhượng với những mặt trái của cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp, với tư duy và quán tính văn hóa của một thời kỳ giáo điều, bảo thủ, cổ vũ cho những nỗ lực, những tìm tòi đổi mới, đưa đất nước từng bước thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng trầm trọng về kinh tế và xã hội.

Trên con đường đổi mới và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nền văn hóa, văn nghệ của chúng ta vừa có thêm những cơ hội mới nhưng cũng phải đương đầu với nhiều thách thức mới, trong đó, gian nan nhất chính là cuộc lột xác, tự đổi mới bản thân mình để vươn lên xứng tầm với dân tộc và thời đại mà không bị lạc đường, chệch hướng, trong diễn biến phức tạp khôn lường từng ngày, từng giờ của cơ chế thị trường.”

Khơi dậy hát vọng phát triển đất nước

75 năm sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 có một ý nghĩa rất quan trọng, nhằm khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc để bước sang một thời kỳ mới, tập trung phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Khu di tích Hoàng thành Thăng Long - Di sản văn hóa thế giới đã trở thành một điểm hẹn văn hóa thu hút khách du lịch. Ảnh: TTXVN. 
Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nhấn mạnh vấn đề phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Công cuộc Đổi mới đất nước trải qua 35 năm đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, góp phần nâng cao vị thế của dân tộc. Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận định: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày nay".

Đại hội XIII của Đảng đã xác định những mục tiêu, phương hướng và nhiệm vụ không chỉ cho nhiệm kỳ này, mà còn định hướng với tầm nhìn từ nay đến 2045, thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển có thu nhập cao, có vị thế vững mạnh trên trường quốc tế. Muốn thực hiện được khát vọng lớn đó thì phải phát huy tinh thần, ý chí độc lập, tự chủ, tự cường, phát huy truyền thống đại đoàn kết, truyền thống yêu nước của toàn dân tộc. Đây chính là những giá trị nền tảng, cốt lõi tạo thành nền tảng tinh thần, sức mạnh nội sinh của dân tộc. Trong Văn kiện của Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề phát huy các giá trị văn hóa, sức mạnh của con người Việt Nam, nhất là những phẩm chất, ý chí, nghị lực của con người Việt Nam, nhân tố có ý nghĩa quyết định đối với thành công của sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Như vậy, Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nhất là khi dân tộc ta đứng trước thời cơ, vận hội lớn, nhưng cũng phải đối diện với nhiều thách thức lớn cần phải vượt qua như hiện nay.

Chia sẻ về kỳ vọng vào Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, PGS.TS Phạm Duy Đức - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, đây sẽ là một hội nghị "chấn hưng văn hóa".

Trong bài viết của mình về Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, PGS.TS Phạm Duy Đức chia sẻ: Thách thức lớn nhất hiện nay là những tác động của mặt trái kinh tế thị trường đối với đời sống văn hóa. Trước đây, văn hóa Việt Nam đề cao tính cộng đồng, tinh thần đoàn kết, nhưng giờ đây lại là xu hướng đề cao vai trò cá nhân. Kinh tế thị trường giải phóng năng lực của cá nhân, tạo ra những con người năng động, dám nghĩ dám làm. Nhưng kinh tế thị trường cũng tạo môi trường thuận lợi cho chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, đầu óc duy ý phi nhân tính xuất hiện. Tình trạng suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống vì thế diễn ra ngày càng phức tạp. Nhiều cán bộ, đảng viên không giữ được phẩm chất, thiếu tu dưỡng rèn luyện dẫn đến sa ngã.

Còn GS. TSKH Tô Ngọc Thanh - nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam bày tỏ: “Tôi mong muốn từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này, Đảng và Nhà nước sẽ có nhìn nhận, đánh giá và đưa ra giải pháp cụ thể đối với lĩnh vực văn hóa. Quan trọng nhất là phải có hành động cụ thể, thiết thực; từ bỏ cách làm chung chung, thiên về bề nổi. Văn hóa Việt Nam là nền văn hóa đa dạng của nhiều tộc người, cần đặc biệt chú ý đến vấn đề giữ gìn văn hóa truyền thống, bảo vệ văn hóa các dân tộc thiểu số.”

Trong thời đại mới, những bài học của việc tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc vẫn còn nguyên giá trị. Khi Đảng và Nhà nước chú ý lắng nghe ý kiến của văn nghệ sĩ, các tổ chức văn hóa nghệ thuật, khi văn nghệ sĩ và các tổ chức văn hóa nghệ thuật cảm nhận thấy sự quan tâm, gần gũi của lãnh đạo Đảng và Nhà nước đối với những tâm tư, nguyên vọng của mình, đó là lúc văn hóa nghệ thuật có cơ hội đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Theo L. Sơn/Báo Tin tức

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều