ÂM MƯU, THỦ ĐOẠN CHỐNG PHÁ CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH
Thời gian qua, các kênh truyền thông và các trang mạng xã hội đã được thiết lập để tạo kênh kết nối các lực lượng cực đoan, cơ hội ở trong và ngoài nước để lợi dụng lĩnh vực văn học, nghệ thuật nhằm chống phá Đảng, Nhà nước, đồng thời lập quỹ để cung cấp tài chính, trả nhuận bút cho số văn nghệ sĩ cực đoan. Số văn nghệ sĩ này tiếp tục lợi dụng, núp bóng các tổ chức xã hội dân sự để thành lập các tổ chức đối lập, hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Các đối tượng này móc nối với các cá nhân, tổ chức nước ngoài thường xuyên thông qua các hoạt động tài trợ, biểu diễn, triển lãm, tọa đàm, hội thảo, giao lưu văn hóa, văn học, điện ảnh, mỹ thuật, sân khấu để tuyên truyền ảnh hưởng, lôi kéo lực lượng văn nghệ sĩ có tư tưởng dao động để khuếch trương lực lượng, tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; kích động tư tưởng đa nguyên, đòi tự do sáng tác một cách vô chính phủ
Ngoài ra, một bộ phận không nhỏ người Việt ở hải ngoại trong nhiều năm nay đã sử dụng văn học, nghệ thuật làm công cụ tuyên truyền tư tưởng nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và sự nghiệp đổi mới của nhân dân ta. Họ tung ra hàng loạt tác phẩm đủ các thể loại như tùy bút, nhật ký, hồi ký, truyện ngắn, tiểu thuyết và thơ… Mục đích của thế lực thù địch là ngụy tạo sự kiện, chứng cứ, làm sai sự thật nhằm hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh, phủ nhận thành quả cách mạng Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Cùng với đó, các thế thực thù địch, chống phá triệt để lợi dụng các kênh ngoại giao, các tổ chức phi chính phủ để gây áp lực hòng tạo ra không gian hoạt động chống đối trong văn học, nghệ thuật trong nước.,… Ngoài ra, các đối tượng này còn tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tôn vinh các tác giả, tác phẩm đi ngược lại lợi ích của dân tộc.
Mục đích của hoạt động chống phá trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật là tạo ra “mũi đột phá”, “thọc sâu” vào ý thức hệ của nhân dân, nhằm làm tan rã niềm tin, gây hỗn loạn về tư tưởng, tạo ra “khoảng trống” để dần dần đưa hệ tư tưởng tư sản vào và tiến tới xóa bỏ hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Sự chống phá được tiến hành rất xảo quyệt, tinh vi nên việc nhận diện chúng không dễ dàng vì nó ẩn khuất trong những vỏ bọc “văn học”, “nghệ thuật”, “những sự kiện có thật”, đánh vào thị hiếu của con người. Các thế lực thù địch đã truyền bá các tác phẩm văn học, hội họa, những chương trình ca nhạc, phim ảnh có nội dung chống chế độ, dưới chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” để phủ nhận thành quả của cách mạng, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và chế độ xã hội chủ nghĩa. Có những tác phẩm văn học đánh giá sai lệch, phiến diện về cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, làm lẫn lộn hoặc cố tình lập lờ về bản chất, tính chính nghĩa của các cuộc kháng chiến; từ đó, gây ra sự hoài nghi, mất niềm tin của nhân dân vào Đảng và chế độ. Chúng còn đẩy mạnh tuyên truyền sai lệch về quan điểm, đường lối văn học, nghệ thuật của Đảng, rằng: “đường lối văn nghệ của Đảng là cứng nhắc, ép buộc”; cáo buộc các tác phẩm “phải chịu sự kiểm duyệt chặt chẽ của Nhà nước”, hay vu cáo “sự độc đoán về tư tưởng đã bóp chết văn học, nghệ thuật”, ...
Hiện nay, có khoảng gần 150 hội, nhóm bất hợp pháp, "trong đó có gần 100 nhóm có khuynh hướng hoạt động đối lập chính trị, có quan điểm cực đoan, quá khích, sai trái, thù địch và trong số đó có người nguyên là cán bộ lãnh đạo, tướng lĩnh, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ đã có những đóng góp, cống hiến cho cách mạng, cho Đảng và đã từng được nhân dân tin tưởng”(1). Thông qua các nhà xuất bản bên ngoài, nhiều đối tượng văn nghệ sĩ, trí thức có quan điểm cực đoan đã sáng tác, in ấn và phát tán các tác phẩm văn học, thơ ca có nội dung sai trái, chống phá tư tưởng trên lĩnh vực văn học nghệ thuật. “Từ năm 1986 đến nay, công an đã phát hiện 272 tác phẩm văn học nghệ thuật có nội dung sai trái, phản động nhằm chống lại Đảng, Nhà nước và nhân dân ta”(2).
Hoạt động xuất bản phát tán tài liệu bài viết, bản thảo có nội dung nhạy cảm, trái với quy định và mục tiêu tuyên truyền của nhà nước. Đáng chú ý, chúng tán phát vào trong nước hàng chục nghìn tài liệu có nội dung xấu độc, thù địch và một số tác phẩm văn học, nghệ thuật được xuất bản ở nước ngoài có nội dung sai trái về chính trị, lồng ghép những quan điểm trái chiều, phức tạp để tuyên truyền xuyên tạc, kích động... Các lực lượng phản động, cơ hội chính trị đã móc nối, sử dụng một số cán bộ lão thành, có cả cán bộ đương chức, có tướng lĩnh đã nghỉ hưu, bộ phận trí thức, văn nghệ sĩ có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để tạo dựng “ngọn cờ”, tập hợp lực lượng chống đối, tán phát trên internet, mạng xã hội bài viết, tư liệu, tài liệu với luận điệu thâm độc, quan điểm sai trái, cổ xúy cho “dân chủ tư sản”, “xã hội dân sự”, “xã hội dân chủ” để tuyên truyền kích động, gia tăng các hoạt động chống phá.
Bên cạnh đó, thời gian qua, có không ít văn nghệ sĩ đã tận dụng uy tín cá nhân, tầm ảnh hướng với xã hội để đăng tải trên các trang cá nhân, các blog, tài khoản zalo, trang mạng xã hội facebook để bình luận những vấn đề thời sự, chính trị của đất nước bằng ngôn ngữ của văn chương, nghệ thuật với cái nhìn một chiều, cực đoan. Trên một số tài khoản facebook cá nhân, một số văn nghệ sĩ, trí thức cũng đã đăng tải những trạng thái, những bài thơ, đoạn trích văn xuôi bày tỏ cảm xúc, quan điểm cá nhân trước một số vụ việc trong nước theo hướng phê phán, reo giắc sự hoài nghi về đường lối, chủ trương của Đảng, quy định của chính quyền, ngành nhằm tạo cớ để các thế lực thù địch có dịp chống phá Đảng và chế độ ta.
Những âm mưu, thủ đoạn chống phá trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật có tác động không nhỏ đến tư tưởng, tình cảm của một bộ phận nhận dân trong thời gian qua, trong đó có giới trẻ. Có không ít người đã hoang mang, hoài nghi về lịch sử của dân tộc cũng như những thành quả cách mạng của nhân dân. Thậm chí có những người có tâm lý bi quan, chán nản, mất niềm tin vào những giá trị Chân - Thiện - Mỹ. Đó là một nguy hại rất lớn không thể coi thường, xem nhẹ.
|
Hội thảo khoa học “Xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận và văn học, nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay” diễn ra ngày 19/12/2019, tại Hà Nội. |
THỰC TIỄN CÔNG TÁC ĐẤU TRANH NGĂN CHẶN ÂM MƯU, THỦ ĐOẠN CHỐNG PHÁ CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH TRÊN LĨNH VỰC VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT
Trong suốt thời kỳ đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhất quán quan điểm: “Phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật, chăm lo bồi dưỡng và tạo mọi điều kiện cho sự tìm tòi, sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ. Đổi mới phương thức hoạt động của các hội văn học, nghệ thuật”. Khoản 2, Điều 60 của Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 cũng nêu rõ: “Nhà nước, xã hội phát triển văn học, nghệ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần đa dạng và lành mạnh của nhân dân; phát triển các phương tiện thông tin đại chúng nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Đó là cơ sở chính trị, pháp lý và định hướng quan trọng để phát triển văn học, nghệ thuật của nước ta trong giai đoạn hiện nay.
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến việc đấu tranh phòng, chống những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật.
Ban Chỉ đạo Đề án 213 đấu tranh trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật đã phối hợp chặt chẽ với Ban tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, các ban ngành, cơ quan phụ trách đấu tranh cấp tỉnh và các địa phương không cấp phép, chấp nhận thành lập các nhóm, hội hoạt động bất hợp pháp, các nhóm hội có biểu hiện sai trái. Đồng thời, vận động cán bộ, đảng viên và người dân không tham gia hội, nhóm, tích cực phát hiện các biểu hiện sai trái của các nhóm đối tượng để đấu tranh chống lại, vạch trần âm mưu và thủ đoạn của thế lực thù địch. Vận động văn nghệ sĩ, trí thức không tham gia các hội nhóm, tổ chức sai trái mà tích cực tìm ra, vô hiệu hóa, kiên quyết không để các đối tượng công khai kế hoạch tuyên truyền thủ đoạn sai trái, thù địch để đấu tranh chống lại các thủ đoạn đó.
Các cơ quan đấu tranh đã phát hiện và chủ động phân loại các nhóm đối tượng với tính chất và mức độ sai phạm, thái độ chính trị sai trái thù địch của các nhóm đối tượng để sử dụng các biện pháp đấu tránh phù hợp, có hiệu quả. Với những đối tượng phức tạp, có hành vi cực đoan, quá khích xâm phạm đến an ninh quốc gia, chủ quyền thì bắt và xử lý trước pháp luật; đối tượng vi phạm ở mức nhẹ hơn thì răn đe, kiềm chế hoặc giáo dục, thuyết phục và tác động để đối tượng không tham gia hội, nhóm, từ bỏ các hoạt động và rời khỏi hội, nhóm.
Ngoài ra, các cơ quan pháp luật cũng xây dựng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở trực tiếp hoặc gián tiếp thực hiện nhiệm vụ này như Hiến pháp năm 2013; Luật Xuất bản; Luật Báo chí; Luật An ninh mạng; Luật Điện ảnh; Luật sở hữu trí tuệ; Nghị định 79/2012/NĐ-CP quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp và người mẫu, lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu và Nghị định số 15/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 05 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu; Nghị định 75/2010/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong hoạt động văn hóa; Nghị định số 113/2013/NĐ-CP của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật; Quyết định số 3196/QĐ-BVHTTDL ngày 13/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành kèm theo “Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật”. …. Về cơ bản, các văn bản quy phạm pháp luật hiện có đã xác định tương đối rõ ranh giới cho hoạt động sáng tạo, chỉ ra những hành vi, hoạt động không được phép. Các văn bản quy phạm pháp luật trên cũng đã cơ bản tạo ra hành lang pháp lý cho hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật đồng thời có khả năng ngăn chặn, xử lý những quan điểm sai trái, phản động.
Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, lực lượng lãnh đạo, quản lý trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật còn bộc lộ nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển lĩnh vực văn học, nghệ thuật nói chung, yêu cầu thực hiện nhiệm vụ đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch trong lĩnh vực này nói riêng. Ở một số hội chuyên ngành văn học, nghệ thuật Trung ương, đội ngũ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu đã cao tuổi, sức khỏe hạn chế; trong khi đó ở một số hội văn học, nghệ thuật địa phương vẫn còn tình trạng bố trí lãnh đạo hội không có chuyên môn, chưa am hiểu sâu về lĩnh vực văn học, nghệ thuật mình phụ trách. Vì những lý do đó, người lãnh đạo chưa phát huy được vai trò tập hợp đội ngũ, hoặc những người làm chuyên môn không phục, thậm chí có nơi không giữ được đoàn kết nội bộ,…
Mặt khác, trong một thời gian dài, chúng ta chưa đánh giá đúng mức tầm quan trọng của công tác tổ chức, cán bộ trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, dẫn đến bố trí sai những cán bộ lãnh đạo, quản lý hoặc hạn chế năng lực, hoặc có tư tưởng phức tạp, khiến cho việc xử lý hậu quả trở nên rất khó khăn.
NÊU CAO TINH THẦN TRÁCH NHIỆM TRƯỚC CỘNG ĐỒNG VÀ XÃ HỘI
Để tăng cường công tác đấu tranh ngăn chặn âm mưu, thủ đoạn chống phá của thế lực thù địch trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật ở nước ta giai đoạn hiện nay, cần chú trọng đến những giải pháp cơ bản sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động đấu tranh ngăn chặn âm mưu thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật, coi đây là một mặt trận trọng yếu trong cuộc chiến đấu tranh chống lại các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.
Hai là, nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với hoạt động văn học, nghệ thuật, nhất là các hội, nhóm hay hoạt động của các nhà văn, nhà thơ, các văn nghệ sĩ bằng những quy định cụ thể; đồng thời có chế tài nghiêm khắc để xử lý những trường hợp vi phạm quy định. Có cơ chế, chính sách phù hợp để huy động những nhà văn, nhà thơ, các văn nghệ sĩ tham gia đấu tranh chống lại các hoạt động lôi kéo, kích động, chống phá của các thế lực thù địch trên các diễn đàn, nhất là trên mạng xã hội.
Ba là, phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trong giám sát, phản biện hoạt động văn học, nghệ thuật. Các cơ quan truyền thông cần phát huy tinh thần trách nhiệm trong việc biểu dương, lan tỏa những hoạt động văn học, nghệ thuật có giá trị tích cực, có tính định hướng theo phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, đồng thời, lên tiếng phê phán những hoạt động văn học, nghệ thuật phản cảm, đi ngược lại quy định của Đảng, Nhà nước và thuần phong mỹ tục của dân tộc. Các đoàn thể chính trị - xã hôi và nhân dân phát huy vai trò giám sát, phản biện hoạt động của các nhà văn, nhà thơ, các văn nghệ sĩ; kịp thời đóng góp ý kiến để điều chỉnh những hành vi “lệch chuẩn”.
Bốn là, bản thân những người hoạt động trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước cộng đồng và xã hội; chấp hành nghiêm chỉnh những quy tắc đạo đức nghề nghiệp và quy định về văn hóa ứng xử; nêu cao tinh thần dân tộc, ý thức bảo vệ truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, biết tận dụng lợi thế, uy tín của người nổi tiếng để tuyên truyền, quảng bá những giá trị tích cực; lên án, bài xích những biểu hiện sai trái, lệch lạc.
Có thể nhận thấy, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật là một nhiệm vụ rất quan trọng trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta hiện nay. Để cuộc đấu tranh này thực sự có hiệu quả, ngoài việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật mà đội ngũ văn nghệ sĩ, những người làm công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật cũng cần nâng cao nhận thức, bản lĩnh, trách nhiệm của mình trong việc xây dựng nền văn học, nghệ thuật trong sáng, phù hợp với định hướng của Đảng và thị hiếu lành mạnh của nhân dân, tránh để các thế lực thù địch lôi kéo, mua chuộc.
Theo TS. Thành Thu Trang/Tạp chí Tuyên giáo
(1) (2) Vũ Thành Nam: Cảnh giác với thủ đoạn móc nối, lôi kéo văn nghệ sĩ của các thế lực thù địch nhằm chống Đảng, Nhà nước trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa, Tạp chí Khoa học an ninh, tháng 8/2020, tr.26, 28.