Lớp dạy nghề may công nghiệp cho lao động nông thôn được tổ chức ở Trường Trung cấp nghề dân tộc nội trú huyện Khánh Vĩnh
Ngay sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 19-CT/TW, cùng với việc thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc tổ chức thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với thực hiện chỉ thị và việc xây dựng nông thôn mới. Cả nước có 1.905 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó: 412 trường cao đẳng (313 trường công lập), 435 trường trung cấp (204 trường công lập), 1.058 trung tâm giáo dục nghề nghiệp (698 trung tâm công lập), 690 cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập (chiếm 36,2%) tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
1. Giai đoạn 2010-2020, cả nước đã huy động một lượng lớn các cơ sở tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn: giai đoạn 2010-2015 có 1.741 cơ sở (gồm 158 trường cao đẳng, 238 trường trung cấp, 716 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện (GDNN - GDTX), 295 doanh nghiệp và 334 cơ sở khác có tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn). Giai đoạn 2016-2020 có 1.421 cơ sở (gồm 164 trường cao đẳng, 197 trường trung cấp, 606 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm GDNN - GDTX, 186 doanh nghiệp, 268 cơ sở khác có tham gia hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
2. Công tác thông tin, tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm đối với lao động nông thôn được quan tâm thường xuyên. Đến nay, đã có trên 22,4 triệu lượt lao động nông thôn được tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm, trong đó giai đoạn 2010-2015 là 10,9 triệu lượt người, giai đoạn 2016-2020 là gần 11,5 triệu lượt người, tăng 5,4% so với giai đoạn 2010-2015. Với nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng (Báo giấy, Báo hình, Báo điện tử…), tuyên truyền, tư vấn qua các Hội nghị tuyển sinh, việc làm, xuất khẩu lao động, phổ biến pháp luật…được thực hiện từ Trung ương đến địa phương, cấp huyện và cấp xã; ký kết văn bản hợp tác và đặt hàng tuyên truyền, tư vấn học nghề với Đài Truyền hình Việt Nam, Kênh truyền hình VTV1, VOV, truyền hình Nhân đạo, các báo Nhân dân, Đại biểu Nhân dân, Dân trí, Tuổi trẻ.....; xây dựng trang web tìm nghề để giới thiệu các nghề cho lao động nông thôn, các cơ sở đào tạo nghề trong cả nước; tổ chức các hội nghị tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên, người lao động (trong đó có lao động nông thôn); hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương, cơ sở tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tư vấn học nghề cho lao động nông thôn; xây dựng chuyên mục trên cổng Thông tin của Bộ Thông tin và Truyền thông để tuyên truyền, đưa tin, bài; thường xuyên chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí ở Trung ương và các địa phương, hệ thống thông tin cơ sở xây dựng các chương trình, chuyên mục, tăng cường các bài viết, phóng sự chuyên đề để tuyên truyền, phổ biến nâng các trách nhiệm, nhận thức của cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân về việc triển khai thực hiện nhiệm vụ, giải pháp về đào tạo nghề cho lao động nông thôn. ở để tuyên truyền về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp khác đã chủ động, tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề, việc làm cho thanh nhiên, phụ nữ, nông dân…với nhiều chuyên trang, chuyên đề gắn với phát triển các phong trào Hội, Đoàn thể.
|
Giờ thực hành nghề cơ điện tại Trường Cao đẳng Lào Cai.
Các địa phương đã chỉ đạo xây dựng chương trình, chuyên trang, chuyên mục riêng trên đài phát thanh, truyền hình, báo đài địa phương với 665.890 tin bài, bình quân mỗi năm có trên 60.500 tin bài tuyên truyền về đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Nội dung tuyên truyền bao gồm chính sách, pháp luật về dạy nghề; các chính sách hỗ trợ học nghề, tạo việc làm, những điển hình tiên tiến trong công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn….
3. Việc phát triển đội ngũ giáo viên, người dạy nghề phục vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn được quan tâm, chú trọng. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các Bb, ngành, Tổ chức lao động quốc tế (ILO) xây dựng bộ chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng dạy học cho giáo viên, người dạy nghề cho lao động nông thôn; chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy nghề, nghiệp vụ sư phạm giáo dục nghề nghiệp, nghiệp vụ sư phạm cho nhà giáo giáo dục nghề nghiệp; chương trình đào tạo cán bộ quản lý cơ sở giáo dục nghề nghiệp về nghiệp vụ tư vấn học nghề, tư vấn việc làm để đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý đào tạo nghề trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chương trình bồi dưỡng kiến thức về an toàn lao động lồng ghép trong chương trình đào tạo sơ cấp. Phối hợp với tổ chức hợp tác đào tạo nghề của Đức (GIZ) xây dựng triển khai chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho người làm công tác đào tạo tại doanh nghiệp theo tiêu chuẩn ASEAN. Đã có 94.998 lượt giáo viên, người dạy nghề cho lao động nông thôn là giáo viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, người lao động có tay nghề cao tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, trung tâm khuyến nông, lâm, ngư, nông dân sản xuất giỏi được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, trong đó, giai đoạn 2010-2015 là 43.668 người, giai đoạn 2016-2020 là 51.330 người; trên 27.000 nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, người tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn được đào tạo nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng dạy học cho lao động nông thôn, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, người dạy nghề tại địa phương.
Bên cạnh đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức lao động quốc tế (ILO), Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức đào tạo 16 giảng viên cấp cao, 320 giảng viên nguồn, 500 giáo viên giảng dạy kiến thức kinh doanh, khởi sự doanh nghiệp trong chương trình dạy nghề cho 1 triệu lao động nông thôn và đã tổ chức đào tạo thí điểm cho gần 1.000 lao động nông thôn về kiến thức kinh doanh, khởi sự doanh nghiệp để các địa phương triển khai nhân rộng. Phối hợp xây dựng tài liệu lồng ghép an toàn vệ sinh lao động trong chương trình đào tạo sơ cấp và thí điểm triển khai cho trên 1.000 giáo viên, người dạy nghề. Tổ chức đào tạo cho 725 giáo viên, người dạy nghề về lồng ghép an toàn lao động trong chương trình đào tạo, tổ chức đào tạo cho 60 giảng viên nguồn chương trình bồi dưỡng người làm công tác quản lý đào tạo tại doanh nghiệp để triển khai nhân rộng.
4. Đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về dạy nghề được hoàn thiện theo hướng phân cấp mạnh cho địa phương và tăng cường tính tự chủ, đi đôi với tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Ở địa phương, hiện có 63/63 Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có Phòng Quản lý giáo dục nghề nghiệp. Nhiều địa phương đã sáp nhập một số phòng chuyên môn và đổi tên thành Phòng Dạy nghề và Việc làm, Phòng Lao động -Việc làm và Dạy nghề, với tổng số cán bộ quản lý dạy nghề cấp tỉnh là 375 người (100% là chuyên trách). Ở cấp huyện, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội được giao nhiệm vụ giúp ủy ban nhân dân cùng cấp quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn, với tổng số 779 người (187 cán bộ chuyên trách và 592 cán bộ kiêm nghiệm). Ở cấp xã, ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm giúp ủy ban nhân dân cấp huyện phát triển giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn xã; phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện kế hoạch giáo dục nghề nghiệp của huyện phù hợp với chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chính sách về giáo dục nghề nghiệp cho các đối tượng được hưởng chính sách ở địa phương... Hầu hết mỗi xã đều có 01 cán bộ làm công tác Lao động - Thương binh và Xã hội kiêm nhiệm quản lý giáo dục nghề nghiệp.
Thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được quy định tại Nghị định số 15/2019/NĐ-CP ngày 01/02/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Giáo dục nghề nghiệp, với cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ, trách nhiệm quản lý nhà nước được phân định rõ ràng đã tạo ra được hệ thống thể chế đồng bộ tạo sự thống nhất, xuyên suốt công tác quản lý, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; phát huy được tính chủ động, sáng tạo của các bộ, ngành, địa phương trong việc thực thi quyền hạn và trách nhiệm được giao trong quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn. Từng bước tách được quản lý nhà nước với quản trị của các đơn vị sự nghiệp; bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm xã hội của các đơn vị sự nghiệp trong các lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng và ban hành chương trình, tài liệu tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý về dạy nghề cho lao động nông thôn đối với cán bộ quản lý dạy nghề ở cấp huyện và cán bộ cấp xã; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý dạy nghề, quản lý giáo dục nghề nghiệp cho 21.700 cán bộ quản lý trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện. Các địa phương đã chủ động bố trí cán bộ theo dõi về dạy nghề tại Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện. Đến nay, 100% cấp huyện có cán bộ theo dõi về dạy nghề, trong đó, 176/671 huyện có lao động nông thôn tại 23 tỉnh/thành phố đã bố trí cán bộ chuyên trách về dạy nghề tại phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện (đạt 26,2%); 495 huyện còn lại đã bố trí cán bộ kiêm nhiệm theo dõi về dạy nghề (đạt 73,8%).
5. Chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn được đổi mới, cập nhật. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã thí điểm xây dựng 55 chương trình đào tạo nghề, 39 danh mục thiết bị đào tạo nghề trình độ sơ cấp; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng, ban hành 132 chương trình đào tạo nghề nông nghiệp trình độ sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng, làm cơ sở để các cơ sở tham gia đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn tham khảo, xây dựng chương trình. Đồng thời, giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương chủ động xây dựng, phê duyệt chương trình đào tạo để hướng dẫn cơ sở đào tạo xây dựng các chương trình đào tạo nghề trong danh mục các nghề đã được phê duyệt, trong đó tập trung triển khai chương trình đào tạo nghề theo vị trí làm việc tại doanh nghiệp và có sự tham gia của doanh nghiệp. Đã có 9.576 lượt chương trình, giáo trình đào tạo được xây dựng mới hoặc được rà soát, bổ sung, biên soạn lại, trong đó giai đoạn 2010-2015 là 3.754 lượt chương trình, giáo trình (1.809 chương trình, giáo trình đào tạo nghề nông nghiệp, 1.945 chương trình, giáo trình đào tạo nghề phi nông nghiệp); giai đoạn 2016-2020 là 5.822 lượt chương trình, giáo trình (3.166 lượt chương trình, giáo trình nông nghiệp, 2.656 lượt chương trình, giáo trình phi nông nghiệp).
|
Học viên thực hành sửa chữa máy may công nghiệp tại Trường Trung cấp nghề Thạch Thành.
6. Việc hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề cho các cơ sở đào tạo nghề cho lao động nông thôn được tập trung triển khai thực hiện. Giai đoạn 2016-2020, các địa phương không phân bổ kinh phí từ ngân sách Trung ương để hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị cho các cơ sở đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhưng sử dụng một phần kinh phí địa phương và lồng ghép hỗ trợ đầu tư trong các chương trình, dự án khác cho các cơ sở đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đồng thời, thực hiện rà soát, điều chuyển thiết bị đào tạo từ cơ sở không có nhu cầu sử dụng, sử dụng không hiệu quả, ít sử dụng sang cho các cơ sở đào tạo đang có nhu cầu sử dụng để đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trong thời gian qua đã có 623 cơ sở đào tạo nghề công lập được hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề để đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Các cơ sở được hỗ trợ đầu tư đã tích cực tham gia đào tạo nghề cho lao động, đặc biệt là các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện đóng một vai trò quan trọng trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Giai đoạn 2010-2015, đã có 716 Trung tâm dạy nghề tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chiếm 41,1% tổng số cơ sở tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn, 629 doanh nghiệp, cơ sở đào tạo khác (chiếm 36,2%), 396 trường cao đẳng, trung cấp (chiếm 22,7%); giai đoạn 2016-2020, có 606 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm GDNN-GDTX tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn (chiếm 42,6% số cơ sở tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn), 454 doanh nghiệp và cơ sở đào tạo khác (chiếm 32%), 361 trường trung cấp, cao đẳng (chiếm 25,4%).
Như vậy, việc hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề cho các cơ sở đào tạo nghề cho lao động nông thôn được tập trung triển khai thực. Giai đoạn 2016-2020, các địa phương không phân bổ kinh phí từ ngân sách Trung ương để hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị cho các cơ sở đào tạo nghề cho lao động nông thôn mà sử dụng một phần kinh phí địa phương và lồng ghép hỗ trợ đầu tư trong các chương trình, dự án khác. Từ năm 2021, việc hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề cho lao động nông thôn được thực hiện lồng ghép trong các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. Nhìn chung, về cơ bản, hầu hết các cơ sở dạy nghề được hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề đều tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn. Tuy nhiên, do các cơ sở được hỗ trợ đầu tư từ năm đầu thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, theo Quyết định 1956/QĐ-TTg nên khó tránh khỏi những lúng túng, dàn trải trong đầu tư cơ sở vật chất và mua sắm thiết bị dạy nghề. Cùng với đó là sự thay đổi cơ cấu, quy hoạch ngành nghề tại một số địa phương, điều này đã dẫn tới tình trạng thiết bị dạy nghề tại một số cơ sở dạy nghề còn chưa sử dụng hoặc sử dụng chưa đạt hiệu quả cao.
Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW, cho thấy, đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị vào cuộc, từ cấp trung ương đến cấp cơ sở, các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể tham gia vào công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; Công tác tư vấn, hướng nghiệp, tư vấn việc làm được các cơ sở, các hội đoàn thể thực hiện có hiệu quả gắn với hoạt động của các Hội đã giúp người lao động lựa chọn nghề phù hợp với điều kiện của mình để tham gia học tập. Các cơ sở dạy nghề chuyển từ dạy theo năng lực sẵn có sang đào tạo theo yêu cầu, nhu cầu của doanh nghiệp, dạy nghề theo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn; thực hiện tuyên truyền, tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho lao động nông thôn. Công tác dạy nghề cho lao động nông thôn đã đi vào nề nếp, ổn định từ chỉ đạo điều hành đến kết quả, hiệu quả thực hiện./.
Nguyễn Ngọc Sơn
Theo Tạp chí Tuyên giáo