|
Lãnh đạo Bộ Văn hóa-Thể thao và du lịch trao Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia Khu lưu niệm đồng chí Tô Hiệu cho tỉnh Hưng Yên. (Ảnh: PHẠM HÀ) |
Dự lễ dâng hương và đón nhận Bằng công nhận di tích quốc gia Khu lưu niệm có Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ Trưởng Công an; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Trần Lưu Quang, Bí thư Thành ủy Hải Phòng; Nguyễn Hữu Đông, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La; Nguyễn Hữu Nghĩa, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên; cùng lãnh đạo một số bộ, ngành, lãnh đạo tỉnh Hưng Yên, huyện Văn Giang và nhân dân xã Nghĩa Trụ.
Tại buổi lễ, các đại biểu đã dành phút tưởng niệm, dâng hương bày tỏ lòng thành kính, biết ơn tới công lao to lớn của đồng chí Tô Hiệu, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam.
Ôn lại cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Tô Hiệu, đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên nêu rõ: Đồng chí Tô Hiệu sinh năm 1912 trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước ở thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang. Đồng chí tham gia cách mạng từ khi còn nhỏ tuổi.
Năm 1930, đồng chí bị thực dân Pháp bắt và kết án 4 năm tù, đầy đi Côn Đảo. Mãn hạn tù, đồng chí bị thực dân Pháp quản thúc tại làng Xuân Cầu.
Đồng chí tham gia lãnh đạo phong trào mặt trận Đông Dương, được bầu làm Thường vụ Xứ ủy Bắc kỳ.
Năm 1936-1937, đồng chí tham gia chỉ đạo phong trào ở Hà Nội và một số tỉnh; năm 1938-1939 được điều về đặc trách Bí thư Liên khu B gồm các tỉnh duyên hải Bắc Bộ, Hải Dương và Hưng Yên kiêm Bí thư Thành ủy Hải Phòng.
Cuối năm 1939, đồng chí lại bị địch bắt, đầu năm 1940 bị chúng đầy lên Sơn La. Trước sự tra tấn dã man của địch, mặc dù bị lao phổi nặng nhưng với cương vị là Bí thư chi bộ nhà tù, đồng chí hăng hái tham gia lãnh đạo anh em trong tù đấu tranh, giữ vững khí tiết cách mạng, đồng thời biến nhà tù thành trường học, đào tạo được nhiều cán bộ cốt cán cho Đảng, cho cách mạng. Vì lý do sức khỏe, đồng chí Tô Hiệu chỉ làm Bí thư chi bộ nhà tù Sơn La từ tháng 5 đến tháng 10/1941.
Ngày 7/3/1944, đồng chí đã hy sinh khi mới 32 tuổi.
Gần 8 thập niên trôi qua kể từ ngày đồng chí hy sinh, nhưng tên tuổi, cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của đồng chí mãi ghi vào trang sử vẻ vang của Đảng, của dân tộc.
Kế thừa, phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, để tưởng nhớ những công lao to lớn của đồng chí Tô Hiệu với quê hương, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có nhiều công trình được mang tên Tô Hiệu, trong đó có Nhà tưởng niệm liệt sĩ Tô Hiệu được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hưng Yên cùng gia tộc họ Tô thôn Xuân Cầu xây dựng năm 2000 cùng trong khuôn viên và cùng thời gian với việc xây dựng, tôn tạo Đốc Nam Tô Thị Từ Đường trong khuôn viên rộng hơn 700 m2.
Năm 2012, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Tô Hiệu, gia đình đồng chí đã tiến hành nâng cấp, sửa chữa một số công trình; năm 2014 xây thêm khu nhà đón tiếp khách đến tham quan, thăm viếng.
22 năm qua, Khu lưu niệm Tô Hiệu trở thành địa chỉ lịch sử, văn hóa, tâm linh đón các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhân dân và du khách thập phương về thăm quan, tưởng nhớ. Nơi đây đã trở thành địa chỉ giáo dục truyền thống yểu nước, cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Với những giá trị quý báu đó, Khu lưu niệm Tô Hiệu đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 3080/QĐ-BVHTTDL ngày 27/10/2020.
|
Đại tướng Tô Lâm (ngoài cùng bên trái) và các đại biểu trồng cây tại Khu lưu niệm đồng chí Tô Hiệu. |
Tại buổi lễ, đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia Khu lưu niệm đồng chí Tô Hiệu cho tỉnh Hưng Yên.
Nhân dịp này, đồng chí Bộ trưởng Công an Tô Lâm cùng các đại biểu đã trồng cây đào trên khuôn viên Khu lưu niệm đồng chí Tô Hiệu.
Theo PHẠM HÀ/Báo Nhân dân