|
Hầm chui Lê Văn Lương thông xe cuối năm 2022 đã góp phần giảm ùn tắc giao thông. Ảnh: Phạm Đông |
Những công trình giao thông quan trọng sẽ được khai thác trong năm nay
Hà Nội đã phải đối diện với tình trạng quá tải, ùn tắc giao thông nhiều năm qua do hệ thống hạ tầng giao thông phát triển chưa bắt kịp tốc đô thị hóa, gia tăng dân số cũng như lượng phương tiện cá nhân.
Trong khi đó, tuyến đường Vành đai 2 trên cao của Hà Nội đang đếm ngược từng ngày đến mốc thông xe. Đây là tuyến đường vành đai khép kín, đi qua nhiều quận trung tâm của Hà Nội nên thường xuyên phải đón lượng phương tiện rất lớn.
Khi được hoàn thành, Vành đai 2 được kỳ vọng sẽ cùng tuyến đường dưới thấp góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông, tăng năng lực lưu thông, giúp phương tiện đi lại thuận tiện hơn.
Còn dự án cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2) có tổng mức đầu tư 2.538 tỉ đồng, đang tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trụ cầu giữa lòng sông. Dự kiến thời gian hoàn thành toàn dự án vào tháng 9.2023. Cầu Vĩnh Tuy 2 sau khi hoàn thành, khớp nối với đường Vành đai 2 trên cao sẽ tạo thành trục giao thông hoàn chỉnh từ trung tâm Hà Nội tới khu vực phía Bắc và Đông Bắc thành phố.
Từ thực tế này cho thấy, cùng với đầu tư xây dựng hạ tầng, để các tuyến đường này phát huy hiệu quả, hạn chế ùn tắc giao thông cần có phương án tổ chức giao thông khoa học, hạn chế các điểm giao cắt, xung đột. Đồng thời, phải có phương án phân luồng, điều tiết giao thông hợp lý, nhất là vào các khung giờ cao điểm khi lưu lượng phương tiện tăng cao.
Để giảm thiểu ùn tắc giao thông, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, trong năm 2023 sẽ tổ chức rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch, xây dựng kế hoạch phát triển ngành. Tăng cường đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, tổ chức giao thông khoa học, hợp lý.
Ông Thường cũng nhấn mạnh việc tăng cường phối hợp với các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, các công trình trọng điểm. Trong đó, hoàn thành và đưa vào vận hành thương mại đoạn trên cao tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội và các dự án trọng điểm để phục vụ nhu cầu của nhân dân, tăng khả năng kết nối đồng bộ giữa các loại hình vận tải hành khách công cộng.
Đồng thời phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại gắn với phát triển đô thị tăng khả năng kết nối giao thông, tỉ lệ diện tích đất giao thông/đất đô thị. Phấn đấu tỉ lệ đất dành cho giao thông /đất xây dựng đô thị đạt hơn 11%.
Hà Nội thường xuyên phải đối diện với tình trạng quá tải, ùn tắc giao thông. Ảnh: Phạm Đông
Đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng giao thông
Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy nhìn nhận, muốn giảm được ùn tắc, Hà Nội cần cho thấy quyết tâm mạnh mẽ đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông kết nối liên vùng cũng như nội vùng, làm tốt một trong ba khâu đột phá để phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, Vành đai 4, Vành đai 5 là một trong những công trình trọng điểm cần được đầu tư tập trung.
Để phát triển hạ tầng giao thông quy mô lớn, ông Thủy cho rằng Hà Nội cần đầu tư toàn diện cả về tài chính, cơ chế, chính sách và con người. Cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng hướng, sát sao, quyết liệt của Thành ủy, UBND thành phố với những địa bàn, công trình quan trọng.
Theo ông Thủy, nếu không có sự đôn đốc, đồng hành của lãnh đạo thành phố, nhiều dự án sẽ còn lay lắt rất lâu nữa do vướng mắc về cơ chế hoặc giải phóng mặt bằng. Đồng thời, cần lường trước những vấn đề khó, nhạy cảm, còn vướng mắc để chủ động có giải pháp từ sớm, từ xa, kịp thời kiến nghị tháo gỡ.
Hà Nội xác định, việc đầu tư tuyến đường Vành đai 4 sẽ đáp ứng yêu cầu xây dựng Thủ đô là một trong các cực tăng trưởng của cả nước, phát triển thành đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa.
Tuyến đường cũng là cơ sở để thực hiện công tác quy hoạch đô thị, phát triển hạ tầng giao thông đi trước một bước, tạo ra trục giao thông quan trọng thúc đẩy mạnh mẽ liên kết ngành, liên kết vùng và kết nối đa chiều của các đô thị, tổ chức lại cơ cấu dân cư.
Theo PHẠM ĐÔNG/Báo Lao động