Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, với mục tiêu “xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam” đã đề ra nhiệm vụ “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hóa Việt Nam; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ. Từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam, xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá truyền thống và giá trị hiện đại”. Xây dựng, hoàn thiện chuẩn mực nhân cách con người trong xã hội phát triển phải bắt nguồn từ những giá trị đạo đức trong gia đình, trong đó chữ “hiếu” giữ vai trò nền tảng đạo đức.
Vai trò của “chữ hiếu” trong gia đình Việt Nam xưa và nay
Từ xưa đến nay, nền tảng đạo đức gia đình của người Việt Nam được hình thành và phát triển dựa trên đạo đức truyền thống bao gồm: Gia phong, gia đạo, gia lễ, gia hiếu. Gia phong là nền nếp, là sức mạnh của gia đình. Gia đạo là đạo đức của gia đình như đạo hiếu nghĩa (đạo hiếu là hiếu nghĩa của con cháu đối với ông bà, cha mẹ), đạo ông bà (kính trọng, lễ phép), đạo cha con (thương yêu, hiếu thuận), đạo vợ chồng (tình nghĩa, thủy chung), đạo anh em (nhường nhịn, sẻ chia, kính trên nhường dưới), đạo con cháu (hiếu nghĩa, ân tình); Gia lễ là phép ứng xử của con người theo một nguyên tắc có tôn ti trật tự theo lễ tiết, đặc biệt là việc thờ cúng tổ tiên…; Gia hiếu là đạo hiếu (chữ hiếu), thể hiện sự hiếu thuận, lễ nghĩa của con cháu đối với ông bà, cha mẹ, cô bác, anh em…
Chữ hiếu là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên nền tảng đạo đức, nền tảng của hạnh phúc trong mỗi gia đình, đặc biệt trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, chữ hiếu luôn luôn đóng vai trò quan trọng. Trong gia đình, nếu như con cái sống có lễ nghĩa, hiếu thảo thì mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái sẽ trở nên tốt đẹp, nhưng ngược lại, nếu như con cái không giữ trọn chữ hiếu mà tỏ ra sống vô lễ, bất hiếu với cha mẹ thì sẽ dẫn đến sự đổ vỡ, mâu thuẫn thường xảy ra, gây nên đau khổ và bất hạnh cho gia đình, ảnh hưởng đến cộng đồng xã hội. Trên thực tế, trong đời sống xã hội cũng đã có những trường hợp cá biệt cha mẹ ngược đãi con cái nhưng không nhiều, nhưng ngược lại có tình trạng con cái ngược đãi cha mẹ đã và đang xuất hiện trong xã hội, khiến nhiều người già lâm vào cảnh sống cô đơn, không nơi nương tựa, thiếu người chăm sóc, phụng dưỡng lúc tuổi cao, sức yếu, lưng còng, gối mỏi, chân mềm.
Trải qua năm tháng và thời gian, qua mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn lịch sử, trong đời sống xã hội sẽ có những phương thức thể hiện khác nhau về chữ hiếu. Ngày xưa, thể hiện chữ hiếu là con cái nhất thiết phải tuân theo lời cha mẹ “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, “cha mẹ sai bảo gì, con làm việc đấy”... Ngay cả hôn nhân lứa đôi là việc hệ trọng nhất của một đời người, nhưng con trai và con gái không có quyền được lựa chọn, tìm hiểu nhau, mà việc lấy vợ hoặc lấy chồng đều do cha mẹ sắp xếp, định đoạt.
Ngày nay, trong xã hội hiện đại, việc thực hiện chữ hiếu đã được cởi mở hơn rất nhiều: Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong xã hội hiện đại là mối quan hệ hai chiều, không bị áp đặt nặng nề, không theo khuôn mẫu hà khắc, cứng nhắc như trước đây. Cha mẹ không thể lấy quan điểm duy lý trí của mình để áp đặt miễn cưỡng cho con cái, không thể lấy quyền hành của cha mẹ để buộc cho con cái phải làm theo ý muốn của riêng mình. Trong mối quan hệ cha mẹ và con cái đã cởi mở, nhân văn hơn ngày xưa rất nhiều, đó là: mọi vấn đề con cái đưa ra, cha mẹ chỉ đóng vai trò gợi ý, định hướng và tư vấn, còn quyền quyết định, lựa chọn cuối cùng là thuộc về các con, miễn là sự lựa chọn và quyết định đó không vượt ra khỏi quỹ đạo đạo đức của xã hội hiện tại và không gây tổn thương, hệ lụy đến gia đình. Bởi vì, chữ hiếu được coi là nền tảng đạo đức của gia đình.
Nếu như trước đây, trong nền kinh tế tự cấp, tự túc, trong khuôn khổ mỗi làng, mỗi vùng; lũy tre, cổng làng đã tạo ra yếu tố tâm lý ổn định đối với mỗi mái ấm gia đình, chữ hiếu luôn được đề cao. Còn ngày nay, trước sự tác động của cơ chế thị trường, chữ hiếu cũng có những biến đổi, mái ấm gia đình vừa phải đề kháng trước những mặt trái, vừa phải gìn giữ nét đẹp truyền thống, nhưng vẫn phải hội nhập để tồn tại và phát triển bền vững.
Để giữ được chữ hiếu, con người phải có đạo đức, có bản lĩnh để vượt lên những cám dỗ thấp hèn, tránh xa cái xấu, cái ác và phải có đạo đức đó là tấm lòng hiếu thảo. Đạo đức hiếu thảo là nền tảng đạo lý con người. Người xưa đã dạy “Trăm hạnh hiếu là gốc/Muôn đức hiếu là nguồn”. Con người không có hiếu, có nghĩa thì sẽ không đạt được những đạo lý khác. Người không có hiếu là người sống vô ơn bội nghĩa. Sự bất hiếu, bất trung ngày xưa được coi là phạm tội. Một con người nếu vô cảm trước sự yêu thương, dạy dỗ và chăm sóc ân cần chu đáo của cha mẹ thì dễ sa vào những cái xấu, cái ác, làm khổ gia đình và gây nên những bất an cho xã hội. Để đạt được lòng hiếu thảo, con cái phải thấu hiểu được những ân đức mênh mông của cha mẹ như núi cao, biển rộng, sông dài dành cho các con.
Công cha nghĩa mẹ như núi cao biển rộng, bởi vậy mỗi chúng ta phải cảm nhận được sự yêu thương vô bờ bến, sự tận tụy hy sinh của cha mẹ dành cho chúng ta. Nếu như nhận thức được như vậy, chúng ta sẽ tránh được những lỗi lầm dễ gây ra đau khổ cho cha mẹ, tổn thương đến gia đình, ngược lại nếu không nhận thức được những điều này, chúng ta dễ có những sai lầm dẫn đến những hành động vô thức làm khổ đau, tổn thương cho cha mẹ, phá vỡ hạnh phúc và nền tảng đạo đức gia đình.
Cần phải làm gì để giữ gìn “hiếu hạnh” cho gia đình phát triển bền vững
Gia đình là tế bào của xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt; nhiều gia đình tốt cộng lại xã hội càng tốt hơn. Bởi vậy, trong gia đình của xã hội hiện đại, nếu con cái không có chữ hiếu, không biết sống hiếu thảo lễ nghĩa thì gia đình không thể có hạnh phúc, xã hội không thể bình yên vì gia đình có liên quan đến cộng đồng, quốc gia và dân tộc. Ngược lại, nếu như con cái giữ được chữ hiếu, sống hiếu thuận thì dù có khó khăn về vật chất, gia đình vẫn vượt qua sống bình yên trong hạnh phúc. Bởi chính gia đình là bến đỗ bình yên để ta đi về chia sẻ niềm vui và hạnh phúc trong may mắn, đồng thời cũng là nơi nương tựa, cậy nhờ những lúc ta gặp khó khăn, rủi ro, cơ nhỡ… Do vậy, cần giữ gìn và duy trì chữ hiếu để xây dựng văn hóa gia đình, củng cố gia đình phát triển bền vững.
Xây dựng văn hóa gia đình để gia đình phát triển bền vững trong xã hội hiện đại và trước xu hướng hội nhập toàn cầu, việc duy trì và giữ gìn chữ hiếu có vai trò quan trọng trong đời sống gia đình. Những năm qua nhiều phong trào quần chúng được phát động rộng rãi như phong trào xây dựng gia đình văn hóa. Từ phong trào xây dựng gia đình văn hóa, các giá trị mới về tư tưởng, văn hóa, đạo đức, lối sống phù hợp với đời sống thực tiễn được khẳng định: Những giá trị chuẩn mực văn hóa mới trong nhân cách con người Việt Nam từng bước được hình thành; những chuẩn mực tư tưởng, đạo đức, lối sống văn hóa mới văn minh, tiến bộ hướng tới một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh được mọi người thực hiện. Những cử chỉ đẹp, lối sống đẹp, lòng nhân ái ngày càng lan tỏa trở thành ý thức tự giác trong xã hội. Nhiều gia đình đã phát huy được mô hình gia đình hiếu thuận “Ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”, “Người lớn gương mẫu, trẻ em chăm ngoan”, “Gia đình hiếu học”... Không chỉ chăm lo cho cuộc sống gia đình, các gia đình văn hóa còn sống có tình có nghĩa với bà con lối xóm, thể hiện trách nhiệm và nghĩa vụ với xã hội và cộng đồng: tương thân tương ái, biết chia sẻ khó khăn, cảm thông nâng đỡ người nghèo khó, tích cực tham gia các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Xóa đói giảm nghèo”, “Lá lành đùm lá rách”… và các chương trình từ thiện nhân đạo tại cộng đồng như hiến máu nhân đạo, hỗ trợ người già neo đơn, trẻ em mồ côi khuyết tật, nạn nhân nhiễm chất độc da cam, những người cơ nhỡ gặp rủi ro bất hạnh…
Các phong trào “Tuổi trẻ sống đẹp”, “Con trung hiếu, cháu thảo hiền”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” góp phần tích cực tuyên truyền, cổ vũ về ý nghĩa đạo đức, lối sống, cách ứng xử tốt đẹp trong gia đình; các mối quan hệ ứng xử giữa: ông bà - cha mẹ, quan hệ vợ - chồng, bố mẹ - con cái, anh - chị - em, mối quan hệ gia đình với xã hội, tuyên truyền bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình.
Nhiều tấm gương “Người tốt, việc tốt”, những điển hình tiên tiến được hình thành từ trong gia đình và xã hội góp phần tích cực thực hiện nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới với những phẩm chất cao quý có sức thuyết phục và lan tỏa, cổ vũ mọi người nêu gương thực hiện.
Xã hội văn minh sẽ không có người tốt, người có đạo đức, nếu mỗi con người không ý thức được chữ hiếu - đạo đức hiếu thảo của chính mình. Vì vậy, giáo dục chữ hiếu - đạo đức hiếu thảo là bước đầu xây dựng nhân cách cao quý của con người, xây dựng gia đình văn minh, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững. Xác định được tầm quan trọng của gia đình, năm 1983 tổ chức UNESCO của Liên hợp quốc đã ra Nghị quyết về “Thập kỷ phát triển văn hoá thế giới” (giai đoạn 1988 - 1997), phát động lấy năm 1994 là “Năm quốc tế gia đình” với biểu tượng mái nhà và trái tim bên trong và đưa ra thông điệp về gia đình “Gia đình, những nguồn lực và trách nhiệm cho một thế giới đang đổi thay”. Thông điệp có tính định hướng, củng cố nhận thức đúng về vai trò quan trọng của gia đình đối với sự phát triển của nhân loại, đặc biệt thể hiện tính nhân văn và gía trị văn hóa của gia đình.
Với thông điệp năm quốc tế gia đình năm 1994, đồng thời nhân loại đã tự cảnh tỉnh, giữ gìn cái gốc tạo nên văn minh của loài người để duy trì sự bất tử của nó là gia đình. Với ý nghĩa vô cùng quan trọng đó, ngày 4/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg về Ngày Gia đình Việt Nam. Quyết định nêu rõ: lấy ngày 28/6 hàng năm là ngày Gia đình Việt Nam. Đây là ngày tôn vinh truyền thống gia đình, ngày mọi người trong gia đình quan tâm đến nhau, hướng về gia đình, xã hội quan tâm đến trẻ nhỏ, các cặp vợ chồng thấu hiểu giá trị của mái ấm gia đình và cùng nhau xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc, Ngày Gia đình Việt Nam đang dần dần trở thành ngày hội gia đình hàng năm được tổ chức với nhiều chương trình hoạt động phong phú, sinh động nhằm tôn vinh những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Ngày 29/5/2012, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 629/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược xây dựng gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 với quan điểm: Gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chiến lược đề ra mục tiêu chung: Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội. Năm 2013 được chọn là Năm Gia đình của Việt Nam với thông điệp “Phát huy truyền thống văn hoá, kết nối yêu thương, xây dựng gia đình hạnh phúc”. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, với mục tiêu “Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam” đã đề ra nhiệm vụ “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hóa Việt Nam; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ. Từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam, xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá truyền thống và giá trị hiện đại”1. Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá XIII) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới, đề cao vai trò của gia đình: “Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, môi trường lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc cho các thành viên trong gia đình. Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, là vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc ta. Công tác xây dựng gia đình vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước”.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ: Xây dựng, hoàn thiện chuẩn mực nhân cách con người trong xã hội phát triển phải bắt nguồn từ những giá trị đạo đức trong gia đình, trong đó chữ “hiếu” giữ vai trò nền tảng đạo đức. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa là tinh hoa của nền văn hóa mới; môi trường giáo dục hiệu quả trong xây dựng con người mới; pháo đài vững chắc phòng chống các loại tệ nạn xã hội làm băng hoại, tổn thương đến gia đình và đạo đức gia đình. Gia đình và giá trị văn hóa của thời đại mới trong xã hội phát triển cần được tôn vinh, tuyên truyền, quảng bá sâu rộng. Do đó, nên định kỳ tổ chức tuyên dương, nhân rộng các điển hình tiêu biểu xuất sắc trên diện rộng làm nòng cốt cho mọi nơi. Hơn nữa, để cuộc vận động phong trào xây dựng gia đình văn hóa có kết quả, phải chú trọng tổ chức thực hiện đẩy mạnh xây dựng mô hình gia đình Việt Nam hiện đại trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập phát triển, tiếp tục kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình truyền thống được cha ông ta bảo lưu, trao truyền tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Nội dung xây dựng gia đình cần hướng tới: Gia đình có kỷ cương, nền nếp, kính trên, nhường dưới, tôn trọng nhau, anh em hòa thuận, cha mẹ nuôi con khỏe, dạy con ngoan, tạo điều kiện cho con rèn luyện sức khoẻ, đạo đức, học tập, đáp ứng nhu cầu xã hội. Chăm sóc cha mẹ già chu đáo, đối xử bình đẳng với các con. Gia đình Việt Nam cần phát triển theo xu hướng tiến bộ của nhân loại, do đó rất cần phải hạn chế được những tiêu cực đang nảy sinh xâm hại đến gia đình, phát huy các giá trị vốn có tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Từ đó, nêu cao trách nhiệm của mỗi gia đình trong việc xây dựng và bồi dưỡng nhân cách cho mỗi thành viên trong gia đình, làm cho gia đình thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội.
Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, tr.143.
Tài liệu tham khảo
1. Ban Chỉ đạo Trung ương Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (2018), Tài liệu Hội nghị toàn quốc Tổng kết 18 năm thực hiện Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (2000 - 2018), Hà Nội.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2005), Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21/2/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá IX) về xây dựng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Hà Nội.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá XIII) về xây dựng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Hà Nội.
5. Thủ tướng Chính phủ (2001), Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg ngày 4/6/2001 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Gia đình Việt Nam, Hà Nội.
6. Thủ tướng Chính phủ (2005), Quyết định số 106/2005/QĐ-TTg ngày 16/5/2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược xây dựng gia đình Việt Nam giai đoạn 2005-2010, Hà Nội.
7. Thủ tướng Chính phủ (2012), Quyết định số 629/QĐ-TTg ngày 29/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược xây dựng gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Hà Nội.
Trần Thị Tuyết Mai
TS, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội