|
Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội - đơn vị quản lý tòa nhà đã cho lắp hệ thống giàn giáo thép nhằm gia cố, chống đỡ tạm thời tại khu tập thể A7 Tân Mai. Ảnh: Vĩnh Hoàng
|
Sống trong lo âu, bất an
Hơn chục năm qua, người dân sống tại khu tập thể A7, phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội luôn sống trong bất an vì khu nhà này ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Có mặt tại khu chung cư cũ này, phóng viên Báo Lao Động nhận thấy bất cứ chỗ nào ở đây đều có hiện tượng nứt gãy nghiêm trọng, đặc biệt có nhiều vết nứt lên đến 10cm.
Như căn hộ của gia đình ông T.H.V. (55 tuổi), ngay cả mùa khô ráo như thời điểm này nhưng vẫn thường xuyên ẩm ướt. Ông V. cho biết, suốt nhiều năm qua, cứ đến mùa mưa bão gia đình ông đều phải dùng xô nhựa để hứng nước do trần nhà bị thấm. Bởi thấm nước mà các bức tường trong căn phòng của ông bị bục và bong tróc, loang lổ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống.
"Đến vài năm gần đây, các hộ ở khu tập thể phải bỏ tiền quỹ để lợp lại một cái mái tôn khác thì mới đỡ bị thấm nước như bây giờ”, ông V. nói.
Theo ghi nhận, bất cứ đâu ở tập thể này đều xảy ra tình trạng nứt gãy nghiêm trọng, nhiều dây điện cũ kỹ chằng chịt như mạng nhện. Bà Đ.T.N. sống tại căn hộ tầng 2 nói, người dân luôn cảm thấy tính mạng bị đe dọa vì công trình đã xuống cấp nghiêm trọng.
"Với những người trẻ ít khi ở nhà thì còn đỡ lo ngại nhưng đối với chúng tôi là những người đã về hưu thường xuyên ở nhà thì lo lắng luôn thường trực", bà N. chia sẻ.
Ông Nguyễn Quang Gắng - Tổ trưởng Tổ dân phố 20, phường Tân Mai cho biết, người dân đã nhiều lần kiến nghị tại các cuộc họp tiếp xúc cử tri và kiến nghị bằng văn bản lên cơ quan có thẩm quyền.
"Trong khi chờ triển khai dự án mới, người dân kiến nghị cho gia cố những vị trí xung yếu và lợp lại phần mái để đảm bảo an toàn trước mắt. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại gần 200 nhân khẩu vẫn chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào về phương án xử lý từ cơ quan chức năng", ông Gắng nói.
Để đẩy nhanh tiến độ, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh (Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng, cải tạo chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội) yêu cầu các cơ quan chuyên môn của thành phố và cấp ủy, chính quyền địa phương cần tập trung kiểm định, đánh giá chất lượng và nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ làm cơ sở triển khai quy trình tiếp theo.
Đốc thúc triển khai
Trước tình trạng cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ ỳ ạch, mới đây Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi các tỉnh thành phố để đốc thúc việc này.
Bộ Xây dựng đánh giá hiện nay vẫn còn nhiều địa phương, nhất là tại Hà Nội và TPHCM, việc triển khai thực hiện các quy định vẫn chậm, như: Chưa tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết khu vực có nhà chung cư cần cải tạo, xây dựng lại, chưa ban hành tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư, chưa ban hành hệ số K bồi thường để làm cơ sở lập phương án bồi thường.
Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương bố trí ngân sách và chỉ đạo Sở Xây dựng tổ chức rà soát kiểm định, đánh giá chất lượng nhà chung cư, làm cơ sở để sớm xác định các nhà chung cư thuộc diện cải tạo, xây dựng lại trên cơ sở đó lập kế hoạch hoặc điều chỉnh kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo quy định.
Khẩn trương lập, phê duyệt hoặc điều chỉnh quy hoạch chi tiết các khu vực có nhà chung cư cần cải tạo, xây dựng lại và công bố công khai thông tin về quy hoạch này theo quy định của pháp luật để các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư cũng như người liên quan biết và thực hiện.
Sớm ban hành hệ số K bồi thường làm cơ sở để các nhà đầu tư lập phương án bồi thường khi tham gia đăng ký làm chủ đầu tư dự án; khẩn trương ban hành các tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư và tổ chức thực hiện lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án theo quy định của Nghị định số 69/2021/NĐ- CP.
TSKH. Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam nhận định, công tác cải tạo chung cư tại Hà Nội đang gặp phải một số vướng mắc, tồn tại, khó khăn.
Cụ thể, đa phần các khu chung cư cũ tập trung ở trung tâm thành phố, trong khi đó đây lại là nơi có mật độ dân số cao cần giảm tải áp lực về hạ tầng và giảm dân số, cần diện mạo đô thị mới hài hòa phát triển với bảo tồn.
Theo V.Hoàng - C.Nguyên/Báo Lao động