Hãy hành động, gọi tổng đài 111 khi thấy trẻ em bị bạo hành

Liên quan đến nhiều vụ việc bạo hành trẻ em gần đây, cơ quan chức năng đề nghị mọi người lên tiếng từ những hành vi bạo lực đầu tiên đến cơ quan có thẩm quyền.

Nhân viên Tổng đài 111 nói gì khi tiếp nhận cuộc gọi

Chia sẻ tại tọa đàm "Bạo hành trẻ em: Vấn nạn nóng cần chung tay xóa bỏ" chiều 21/1, bà Hoàng Lê Thủy, cán bộ Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 cho biết: "Hai ngày hôm nay, bản thân tôi nhận được nhiều cuộc gọi quan tâm từ khắp cả nước về việc Tổng đài 111 đã biết về vụ bé gái 3 tuổi ở Thạch Thất (Hà Nội) bị bạo hành chưa? Tổng đài đã hỗ trợ thế nào trong vụ việc này?".

Theo bà Thuỷ, trước đó, ngày 18/1, ông nội của bé gái có gọi tới Tổng đài và cho biết thông tin, hồi tháng 10/2021, cháu bé bị ngộ độc. Đến tháng 11/2021, cháu có đinh ở dạ dày. Tiếp đó, ngày 17/1, cháu có vật thể giống đinh ở đầu.

Ông nội chỉ cho biết, cháu đang được cấp cứu ở Bệnh viện Xanh Pôn. Sau đó, ông mong muốn được tìm hiểu tình trạng sức khỏe của cháu hiện tại của cháu.

"Ngay sau đó, cán bộ Tổng đài 111 đã đưa ra đánh giá đây là trường hợp nghiêm trọng. Bởi vì, dù cháu bé mới chỉ 3 tuổi nhưng đã liên tục chịu tổn thương cơ thể trong một thời gian ngắn, hiện đang cấp cứu nên ngay lập tức đã kết nối với trung tâm cung cấp dịch vụ xã hội của Hà Nội; đề nghị trung tâm xác minh thông tin và can thiệp hỗ trợ nếu tình trạng này xảy ra", bà Hoàng Lê Thuỷ nói.

Liên tiếp những vụ bạo hành trẻ em xảy ra, với cùng mô típ "bố hờ", "mẹ kế". Vụ bạo hành bé gái 8 tuổi khiến nạn nhân tử vong ở TP Hồ Chí Minh chưa kịp lắng xuống thì vài ngày nay, dư luận thêm bàng hoàng về chuyện cô bé 3 tuổi ở Thạch Thất, Hà Nội bị đóng đinh vào đầu, hiện đang nguy kịch. Nghi phạm gây ra hành vi khó tưởng tượng này là người tình của mẹ em.

Mô típ trẻ bị bạo hành bởi "bố hờ", "mẹ kế" một lần nữa lặp lại, thường xảy ra ở những gia đình khiếm khuyết. Những đứa trẻ không có khả năng tự vệ, vừa chịu sang chấn khi bố mẹ vừa ly hôn, gia đình đổ vỡ, anh chị em "tan đàn xẻ nghé", lại đối mặt với hiểm nguy khi sống cùng người tình của bố mẹ.

Đau lòng là những vụ bạo hành trẻ nghiêm trọng như vậy không phải là chuyện hi hữu mà đã từng nhiều lần xảy ra, khiến dư luận bàng hoàng nhưng cũng lại nhanh chóng trôi qua, chìm đi, bị quên lãng cho đến khi một vụ việc khác, mức độ chấn động thậm chí còn cao hơn, lại nổ ra.

Bạo hành trẻ em phần lớn đến từ người thân

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: Để giải quyết vấn nạn này, chúng tôi cho rằng phải nỗ lực từ hai phía, từ phía cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội như Unicef, tổ chức cứu trợ trẻ em... Nhưng các nỗ lực đó sẽ không có hiệu quả nếu sự quan tâm, nhận thức cộng đồng, gia đình không được nâng cao.

Ông Đặng Hoa Nam chia sẻ: "Câu chuyện đáng buồn khác chúng tôi xin được chia sẻ là hầu hết các vụ bạo lực gây ra bởi những người có trách nhiệm pháp lý phải chăm sóc, bảo vệ trẻ. Các vụ bạo hành cũng thường diễn ra âm thầm, trong thời gian dài".

"Chúng ta vẫn quay trở lại với câu nói là giá như khi mà đứa trẻ ấy sống trong sợ hãi, chà đạp một cách vô cớ, thảm thương. Giá như đó là rất muộn, đã đến lúc chúng ta cần lên tiếng", ông Nam nói.

Theo ông Đặng Hoa Nam, có thể thấy thủ phạm xâm hại trẻ em chính là người thân trong gia đình. Vì vậy, những người thân còn lại không biết để tố cáo ở đâu. Có trường hợp họ e ngại, lo sợ bị trả thù nên họ không dám lên tiếng, tố cáo.

"Chúng tôi khẳng định, với quy định pháp lý, với dịch vụ như 111 và trách nhiệm của cơ quan công an hiện nay, hoàn toàn chúng ta cần có niềm tin, người tố cáo sẽ được bảo vệ, bảo mật thông tin", ông Nam nói.

Cục trưởng Cục Trẻ em kêu gọi mọi người lên tiếng từ những hành vi bạo lực đầu tiên, từ những tiếng kêu, tiếng khóc thấy nghi ngờ lên cơ quan chức năng và Tổng đài 111.

Về chế tài xử lý, ông Nam cho hay, việc xử lý đã được Luật định là Luật Trẻ em, Nghị định 56 và gần đây là Nghị định 130. Hiện nay, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em quy định người biết hành vi xâm hại mà không tố cáo, không tố giác cũng bị trách nhiệm hành chính.

Bà Lê Hồng Loan, Trưởng Chương trình Bảo vệ Trẻ em, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (Unicef) cũng cho rằng, để xóa bỏ vấn nạn bạo lực với trẻ em đúng là cần sự chung tay của cả xã hội. Mỗi người cần nhìn nhận để thấy xung quanh nhà mình, môi trường sống của mình có trẻ em nào đang bị bạo hành với những hình thức khác nhau, có tiếng khóc âm thầm hay tiếng kêu cứu thảm thiết nào không.

“Về khía cạnh nhà nước, Việt Nam mới đầu tư được khoảng 2% mức chi cho an sinh xã hội là dành cho bảo vệ trẻ em. Nhưng con số đã được chứng minh là bạo hành, xâm hại trẻ em gây thiệt hại 2% tổng thu nhập xã hội. Vậy là đủ để so sánh, để thấy chúng ta cần đầu tư xứng đáng hơn cho việc phòng ngừa bạo hành trẻ em. Kinh nghiệm của các nước phát triển là tập trung vào các dịch vụ chuyên nghiệp để bảo vệ trẻ em, có sự phối kết hợp chặt chẽ của các cơ quan, từ cơ quan lao động xã hội tới cơ quan tư pháp, hành pháp”, bà Lê Hồng Loan cho biết.

Theo ông Đặng Hoa Nam, địa chỉ phản ánh bạo hành trẻ em theo quy định pháp luật là công an, UBND cấp xã, cơ quan bảo vệ trẻ em là Tổng đài 111. Pháp luật cũng quy định đầu mối này phải tiếp nhận, phối hợp, xác minh triển khai kịp thời để trợ giúp, xử lý kịp thời như vậy. Tốt nhất, nếu có vấn đề liên quan đến trẻ em có thể gọi đến Tổng đài 111.

Tổng đài 111 là dịch vụ công được quy định trong Luật Trẻ em, hoạt động 24/7, tất cả các ngày, giờ, tuần, các quý vị có thể gọi đến bất kỳ lúc nào. Cũng có câu hỏi đặt ra là Tổng đài có hoạt động hiệu quả hay không, thì có các con số chúng tôi thấy là. Những vụ xâm hại trẻ em như vừa rồi là phần nổi của tảng băng, một trong những phần chìm của tảng băng ấy, các cơ quan như công an, địa phương và Tổng đài 111 đã can thiệp, kịp thời.

Giai đoạn trung bình, Tổng đài 111 tiếp nhận 400.000 cuộc gọi/năm, giai đoạn cuối 2020 - 2021, giãn cách xã hội và đại dịch COVID-19, nguy cơ bạo hành gia tăng thì số cuộc gọi đến Tổng đài 111 đã tăng lên 500.000 cuộc gọi/năm. Trung bình cứ hơn 1 phút là có một cuộc gọi đến Tổng đài, có nhiều cuộc gọi khác nhau. Tổng đài cùng các cơ quan liên quan đã can thiệp hàng nghìn sự việc, hỗ trợ, ngăn chặn và cứu sống hàng chục, hàng trăm trẻ/năm.

Theo XM/Báo Tin tức

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều