|
Nét đẹp truyền thống của Tết cổ truyền Việt Nam |
Ngày Tết, người dân khắp mọi miền đất nước tổ chức vui Xuân đón Tết với những phong tục vừa mang nét chung của người Việt, vừa có những nét riêng, mang bản sắc văn hóa từng vùng miền.
Cùng một nguồn gốc, cùng một ngôn ngữ giống nhau, nhưng cách đón Tết ở hai miền Nam - Bắc lại có sự khác biệt. Khi những cành đào ở phía Bắc hé sắc đỏ báo hiệu Xuân về, thì cũng là lúc những cánh mai vàng mang Tết về với miền đất phương Nam. Người dân phương Nam đón Tết với nhiều phong tục, tập quán mang đậm hương sắc vùng miền. Nhưng dù mỗi vùng quê có những phong tục, truyền thống khác nhau, thì ngày Tết, tất cả đều mong một năm mới mạnh khỏe, may mắn và thịnh vượng.
Khi Tết đến, xuân về thì hình ảnh đầu tiên không thể thiếu đó là biểu tượng của hoa mai vàng. Những cánh hoa mai bắt đầu khoe sắc màu rực rỡ, rồi cái không khí se se lạnh chuẩn bị đón mùa Noel, ngoài đường ngập tràn sắc Xuân thì trong lòng mỗi người đều nôn nao đón Tết, một cảm giác bồn chồn không thể tả. Tết là một trong những sự kiện lớn nhất trong năm, Tết mang lại cảm giác ấm yên dưới mái nhà sau tháng ngày bôn ba lo cho cuộc sống. Tết là cơ hội để mọi người sum vầy, chăm sóc cho những người mình yêu thương, gặp gỡ những người bạn, đồng chí, đồng nghiệp, những người tri kỉ,… Tết đến mang theo cái tưng bừng, náo nhiệt của con người và vạn vật, cái đầm ấm của những lễ hội, xua tan đi cái không khí mệt mỏi đã qua để tìm đến một sự may mắn, điều tốt đẹp nhất sắp tới.
Trong dịp Tết, mọi người dù đi đâu, làm gì cũng đều không quên trở về đoàn tụ với gia đình sau những tháng ngày làm việc vất vả. Cái không khí nhộn nhịp chào đón mọi người, con người ai ai cũng căng tràn sức sống và hạnh phúc. Tất cả, tất cả tô đậm lên chữ Tết một cách đẹp đẽ, rạo rực trong tâm hồn Việt. Rồi họ tự tay chăm sóc gia đình nhỏ bé của mình, dọn dẹp lại nhà cửa, hì hụi lau chùi, quét mạng nhện, chơi với mấy đứa cháu nhỏ líu lo, tự tay vào bếp nấu những món ăn mình thích thật ngon cho gia đình cùng thưởng thức... Hạnh phúc ấy bình dị vô ngần, và ai cũng có thể có được.
Thật tuyệt vời khi được hưởng không khí náo nhiệt của những ngày giáp Tết. Đường phố, nhà cửa như sống lại, một nhịp sống hối hả, những lễ hội Tết chuẩn bị ráo riết, phố ông đồ hân hoan xuân mới, rồi chợ hoa tràn ngập cả con phố. Ngày xưa, mỗi khi Tết đến thì nhà nhà xúm xích, quây quần gói bánh tét, làm các món bánh mứt truyền thống như bánh kẹp, bánh bông lan, mứt dừa,… tự tay chuẩn bị những món ăn đậm sắc văn hóa người Việt như thịt kho hột vịt, khổ qua dồn thịt,… để chuẩn bị cho ngày Tết với hy vọng cho cuộc sống năm mới được vui tươi, no đủ và mang đến những điều tốt lành nhất. Ngày nay, con người hầu như làm việc xa nhà, công việc tất bật nên không còn nhiều thời gian cho việc làm bánh mứt nữa, thay vào đó họ sẽ lựa chọn bánh mứt mua sẵn tại các siêu thị, trung tâm thương mại, thậm chí đặt hàng qua mạng.
Và rồi công việc không thể bỏ quên trong dịp Tết, đó là mọi người sẽ chuẩn bị và trang trí cho ngôi nhà thật xinh đẹp và lộng lẫy, rồi chưng mâm trái cây, bánh mứt thật nhiều để thể hiện không khí vui tươi, đầy đủ.
Bên cạnh sự tất bật đón Tết, còn có những cảm giác lắng lại trong chiều cuối năm cùng ông bà, tổ tiên. Thắp nén nhang thơm, đứng giữa đất trời, nhắm mắt cảm nhận từ trong tiềm thức bao la, mơ hồ như có rất nhiều lời rì rầm vọng lại, gửi gắm lòng tin, khích lệ, động viên cho những hành trình mang hình hài của nhân nghĩa và yêu thương mà mình đã và đang tiếp bước.
Rồi ngày cuối cùng trong năm cũng đến, nhà nhà làm mâm cơm rước ông bà, cả gia đình sum họp. Ngày xưa, nhà nhà treo pháo trước cổng đốt đêm 30, tiếng pháo nổ giòn giã cứ thế vang khắp xóm làng, trẻ con đua nhau chạy đến lượm lặt xác pháo chưa nổ để đốt tiếp. Ngày nay, thay vào đó là tổ chức bắn pháo hoa tập trung tại các địa điểm lớn, các con đường đông nghẹt xe, người người chen chúc nhau. Và đêm giao thừa lại đến, nhà nhà mong chờ và đón giây phút thiêng liêng giữa năm cũ và năm mới, một cảm giác vui tươi và hạnh phúc nhất trong năm, đây cũng là phút giây được quây quần bên gia đình yêu thương của mình.
Đến Mồng Một Tết, cả nhà sum họp, ăn bữa cơm thân mật và tiếp đến là rút phong bao lì xì đỏ hồng hai tay trao tặng tới những người đã có công sinh thành, dưỡng dục nên ta với ý nghĩa thay cho lời cảm ơn và mong ước những đều tốt đẹp nhất sẽ đến với họ. Ngày xưa, để gửi lời chúc Xuân đến người thân, bạn bè,… mọi người đến tận nhà chúc Tết, ăn uống và trò chuyện bên nhau, rồi đón những người họ hàng đầu tiên ghé thăm nhà, cười cười nói nói, ánh mắt ai cũng rạng ngời như màu áo mới trẻ thơ. Ngày nay, họ chỉ chúc Tết qua mạng, gửi nhau những bản nhạc, thiệp chúc Tết nhộn nhịp và đẹp mắt.
Trong dịp Tết, mọi người còn chia ra các ngày Tết để thăm viếng họ hàng thân thuộc như Mồng Một tết cha, Mồng Hai tết mẹ, Mồng Ba tết thầy mang ý nghĩa ngày Mồng Một là thăm viếng ông bà, cô bác bên nội, Mồng Hai bên ngoại và Mồng Ba là chúc tết thầy cô. Tất cả các ngày Tết đều mang một ý nghĩa thật tuyệt vời và thú vị.
Tết đơn giản chỉ là phút giây sum vầy cho gia đình, cho mọi người tịnh tâm nhìn lại những gì đã qua trong năm, nhìn lại để biết trân quý chính bản thân mình, và tri ân những người đã gắn bó, thậm chí đôi khi chỉ thoảng ngang cuộc đời, nhưng ít nhiều đã góp công thành tựu nên mình của ngày hôm nay. Tết cũng là khởi đầu cho điều mới mẻ và tốt đẹp nhất, cho sự gợi nhớ về gia đình, về quê hương để còn quay về sau những tháng ngày vắng bóng.
Châu Tấn Phát - Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long,
Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.