|
Chăm sóc trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Ảnh minh họa: Dương Ngọc/TTXVN
|
Năm 2022, dân số Việt Nam đạt hơn 99 triệu người, chậm hơn 10 năm so với dự báo. Cơ cấu dân số chuyển dịch theo hướng tích cực (ở nông thôn giảm xuống, thành thị tăng lên, phân bố dân số hợp lý hơn, dân số trong độ tuổi lao động tăng nhanh). Chất lượng dân số ngày càng được cải thiện. Tuổi thọ trung bình đạt 73,6 tuổi; đạt và duy trì mức sinh thay thế 16 năm qua.
Tuy nhiên, công tác dân số còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Hoạt động cung ứng dịch vụ dân số bị gián đoạn, tỷ số giới tính khi sinh có dấu hiệu tăng. Nhiều địa phương tiếp tục kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy làm công tác dân số, gồm cả cộng tác viên dân số. Một số văn bản, hướng dẫn thực hiện công tác dân số ban hành chậm, không đồng bộ. Chất lượng thông tin, số liệu chuyên ngành dân số chưa đáp ứng yêu cầu.
Từ thực tiễn trên, năm 2023, ngành Dân số đặt mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế, thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có hai con, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, chú trọng giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số. Các chỉ tiêu cơ bản gồm: Tuổi thọ trung bình (tính từ lúc sinh) đạt 73,8 tuổi. Tỷ số giới tính khi sinh ở mức 111,2 bé trai/100 bé gái sinh ra sống; tổng tỷ suất sinh đạt 2,1 con/phụ nữ.
Phát biểu chỉ đạo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương chúc mừng, biểu dương những kết quả ngành Dân số đạt được trong năm 2022 và những năm qua.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, thời gian qua, nguồn lực ở cả Trung ương, địa phương đầu tư, bố trí cho các hoạt động của công tác dân số còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu để triển khai thực hiện các nhiệm vụ về dân số trong tình hình mới theo Nghị quyết số 21-NQ/TW. Bộ máy tổ chức của ngành dân số tại Trung ương cũng như địa phương có sự thay đổi là nguyên nhân dẫn đến 3/3 chỉ tiêu cơ bản theo Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ (tuổi thọ bình quân, tỷ số giới tính khi sinh, tổng tỷ suất sinh); 8/8 chỉ tiêu chuyên môn năm 2022 giao cho lĩnh vực dân số đều chưa đạt theo kế hoạch đề ra.
Để từng bước tìm ra các giải pháp quyết liệt cho năm 2023 và những năm tiếp theo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị các đơn vị chưa xây dựng Đề án được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 137/NQ-CP ngày 31/12/2017 khẩn trương xây dựng, hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền ban hành.
Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tập trung mọi nguồn lực hoàn thiện thể chế, cụ thể là: xây dựng Luật Dân số bảo đảm tiến độ, chất lượng, trình Chính phủ để trình Quốc hội vào năm 2024; chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc dự thảo, trình cấp có thẩm quyền ban hành các chương trình, đề án được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 37-NQ/CP. Bên cạnh đó, Tổng cục tập trung đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới.
Về phía địa phương, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy, cán bộ làm công tác dân số ở cấp tỉnh, huyện, xã đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với trọng tâm công tác dân số trong tình hình mới, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của cấp ủy, chính quyền; chú trọng công tác đào tạo tập huấn, động viên toàn thể đội ngũ cán bộ làm công tác dân số phát huy tinh thần vượt khó vươn lên, hoàn thành các nhiệm vụ của công tác dân số trong tình hình mới.
Theo M.H (TTXVN/Báo Tin tức)