Phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu
Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới về các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (BĐKH) như: lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn do mực nước biển dâng cao, sạt lở bờ sông, nước dâng do bão và các rủi ro liên quan đến khí hậu khác.
Trước tình trạng đó, ngày 17/11/2017, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu với nội dung: “Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương vùng đồng bằng sông Cửu Long xây dựng Chương trình truyền thông về phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Ngày 10.1.2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Chương trình hành động của Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1.1.2018 của Chính phủ tại Quyết định số 68/QĐ-BTNMT. Trong đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng và triển khai chương trình truyền thông về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu và giao Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường (Trung tâm) thực hiện nhiệm vụ trọng tâm nêu trên.
Từ năm 2018 đến nay, Trung tâm đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, năng lực và thể chế về ứng phó với biến đổi khí hậu; triển khai hiệu quả Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu và nhận được sự quan tâm, chỉ đạo nhiệt tình của Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cục, vụ liên quan, các sở ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội và đặc biệt là cộng đồng tại 13 địa phương thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Tuyên truyền, lan toả Nghị quyết 120
Trung tâm đã tập trung tuyên truyền vào các vấn đề liên quan đến công tác quản lý, nâng cao kiến thức cộng đồng với nhiều hình thức đa dạng, gắn liền với thực tiễn tại từng địa phương và đã ghi nhận nhiều thành tựu đáng chú ý như nâng cao nhận thức của người dân về BĐKH, bước đầu đã đề xuất các nhóm giải pháp và ứng dụng mô hình chuyển đổi sản xuất ứng phó với BĐKH vào đời sống; Xây dựng và phát hành bộ tài liệu tuyên truyền (gồm 04 cuốn) về nâng cao kiến thức, thái độ, thực hành của cộng đồng đối với phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với BĐKH; Thực hiện thành công nhiều chương trình truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng như Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các báo điện tử uy tín…; Tổ chức các Hội nghị, toạ đàm đối thoại và đặc biệt đã tổ chức rất thành công cuộc thi “Hành động vì Mekong” nhằm tìm kiếm những sáng kiến, cách làm hiệu quả, giải pháp hay về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đáng nói là, sau 4 năm thực hiện tuyên truyền, Nghị quyết 120 đã có được sự chú ý không chỉ ở phạm vi các địa phương thuộc đồng bằng sông Cửu Long, mà trên công cụ tìm kiếm Google, cụm từ khoá: “biến đổi khí hậu tại Việt Nam” đã cho ra 53.400 kết quả chỉ trong 0,35 giây. Điều này chứng tỏ sự quan tâm, nhận thức về BĐKH của nhân dân cả nước ngày càng tăng lên.
Trong phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV ngày 28.10, ĐBQH Võ Thị Minh Sinh (Nghệ An) đã bày tỏ lo lắng với dự báo về rủi ro từ BĐKH và thời tiết cực đoan càng ngày càng gay gắt, phức tạp và nhấn mạnh cần giải pháp chiến lược, căn cơ để sống chung với thiên tai, BĐKH.
Có thể thấy, việc tuyên truyền và lan toả Nghị quyết 120 đã thu lại được nhiều chuyển biến tích cực. Đây cũng là kết quả ban đầu để các Bộ, ngành, đia phương có thể tiếp tục nỗ lực, khắc phục các khó khăn, hạn chế cũng như tiếp tục triển khai công tác truyền thông về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh, thành phố, chiếm 12% diện tích, 19% dân số của cả nước, có mạng lưới sông, kênh, rạch dày đặc; có lợi thế về phát triển nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, du lịch, năng lượng tái tạo; là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam: đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây của cả nước; 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu; có vị trí thuận tiện trong giao thương với các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mê Kông.
Theo Minh Anh/Báo Đại biểu Nhân dân