Người dân chọn đi đường sắt Cát Linh - Hà Đông thay xe cá nhân?

Sau 2 ngày trải nghiệm đi thử đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, nhiều người dân Hà Nội cho biết sẽ chọn tàu sắt trên cao để di chuyển, thay vì sử dụng xe cá nhân như trước đây.
Hành khách chờ lên tàu. Ảnh Tiền phong 
Giá vé hợp lý, di chuyển an toàn

Tàu đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động, thu hút sự quan tâm của người dân Hà Nội. Trong 2 ngày 6 - 7/11, lượng khách thử nghiệm đi tàu đều tăng cao. Bình quân, đã có 109 chuyến tàu/ngày hoạt động, đón tiếp khoảng 26.000 luợt hành khách/ngày. Cảnh người Hà Nội xếp hàng dài cả trăm mét, háo hức mua vé đi tàu cho thấy sự quan tâm đặc biệt tới tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Việt Nam hoàn thành, đi vào khai thác.

Anh Nguyễn Duy Lợi (45 tuổi, nhà ở Phố Hàng Khoai, quận Hoàn Kiếm) cho biết, từ sáng sớm 7/11 đã đi xe buýt đến Ga Cát Linh để xếp hàng đi thử nghiệm. Đây là tuyến đường sắt đô thị trên cao đầu tiên ở Việt Nam và Hà Nội, nên anh Lợi háo hức tham gia.

Còn chị Nguyễn Thanh Vân (38 tuổi, nhà ở phố Thái Hà, quận Đống Đa) chia sẻ, sau khi đi thử nghiệm, thời gian tới sẽ đi tàu thay vì đi xe gắn máy như trước. Đi tàu an toàn, tiện lợi. Từ nhà cơ quan trong Hà Đông khoảng 4 km, đi xe gắn máy hay bị ùn tắc, chưa kể ô nhiễm bụi và tiếng ồn…

Theo ghi nhận của phóng viên, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông trong 2 ngày qua, đón lượng khách vượt dự kiến. Đối tượng khách đi tàu khá đa dạng, từ người già 70 - 80 tuổi đến thiếu niên, trẻ em. Phần lớn hành khách đều chủ yếu đi tham quan, trải nghiệm, kết hợp khảo sát, trước khi quyết định có đi làm hàng ngày bằng tàu đường sắt hay không.

Nhiều hành khách đều có chung cảm nhận, đi tàu nhanh gấp 3 – 4 lần đi ô tô, xe máy, không gian tàu sạch sẽ, thông thoáng. Nếu mua vé tháng cũng chỉ 200.000 đồng/tháng, vừa rẻ hơn nhiều so với xe cá nhân, vừa an toàn, tiện lợi.

Cụ thể, nếu lên tàu từ Ga Yên Nghĩa lúc 8 giờ, (giờ cao điểm), tàu chạy toàn tuyến hết khoảng 23 phút, thời gian di chuyển giữa hai ga trung bình khoảng 1 phút 40 giây. Ở mỗi điểm dừng tại ga giữa tuyến, thời gian dừng tàu khoảng 25 giây. Trong khi đó, nếu đi bằng xe máy từ điểm cuối Ga Yên Nghĩa - điểm đầu Ga Cát Linh (13,5 km) mất 31 phút di chuyển, do phải dừng chờ đèn đỏ, ùn ứ phương tiện.

Từ ngày 6/11, tuyến đường sắt này chở khách miễn phí trong 15 ngày đầu tiên. Việc Hà Nội đưa công trình này vào vận hành khai thác, đã mở ra một trang mới cho giao thông đô thị Thủ đô, tạo điều kiện cho cơ quan quản lý Nhà nước “vừa học vừa làm, vừa rút kinh nghiệm”. Đây là tuyến tàu đường sắt đô thị đầu tiên và duy nhất hiện nay, nên chưa thể kỳ vọng làm thay đổi phương thức đi lại của người dân Hà Nội, nhất là từ bài học kinh nghiệm của tuyến buýt nhanh BRT số 01 và trong bối cảnh mạng lưới vận tải hành khách công cộng chưa đồng bộ hiện nay.

Bổ sung các phương án dịch vụ tại các nhà ga

Theo Ban Quản lý dự án đường sắt (đại diện chủ đầu tư dự án), sau khi dự án được bàn giao cho Hà Nội để khai thác, vận hành, đơn vị tiếp tục theo dõi, phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý những vấn đề phát sinh. Trong 2 ngày đầu tiên vận hành, tuyến đường sắt đô thị vận hành an toàn, ổn định, không phát sinh vấn đề kỹ thuật. Tuy nhiên, bên trong các ga cần bổ sung thêm các dịch vụ tiện ích như bán hàng lưu niệm, mỹ phẩm, sách báo, cây rút tiền ATM, trưng bày giới thiệu sản phẩm… để thu hút điểm đến với hành khách.

Ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng ban Đô thị, HĐND TP Hà Nội cho hay, tuyến đường sắt này được kỳ vọng giải tỏa cảnh ùn tắc tại nhiều vị trí nơi có tuyến tàu chạy qua. Song, thời gian mỗi lần tàu dừng chỉ 25 - 50 giây, khoảng cách đến ga tiếp theo chỉ 1,1 km, lái tàu và hành khách liên tục lên xuống, dễ gây ảnh hưởng đến sự tập trung, cần có sự giám sát chặt chẽ quy trình vận hành, nhất là quy định cụ thể về cơ chế, trách nhiệm bảo đảm an ninh trật tự tại các ga.

Còn theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (Sở GTVT Hà Nội), việc bổ sung các dịch vụ tại nhà ga sẽ thu hút hành khách tham quan, trải nghiệm, sử dụng thường xuyên, từng bước làm thay đổi thói quen của người dân để giảm lượng phương tiện cá nhân.

Về vấn đề này, ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Metro Hà Nội cho biết, đơn vị đang lập dự án và tùy từng vị trí ga để có phương án khai thác dịch vụ phù hợp, hiệu quả. Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông cũng được hoạt động theo cơ chế trợ giá để phục vụ đi lại của người dân. Đơn vị sẽ nghiên cứu, bố trí các điểm trông giữ phương tiện, nhằm tạo sự tiện lợi nhất cho hành khách.

Hiện nay, tại Ga đầu Cát Linh - Ga cuối Yên Nghĩa đều được bố trí điểm trông giữ phương tiện cho hành khách đi tàu. Còn các ga khác đang được dùng cho giao thông công cộng bằng xe buýt.

Theo Đăng Sơn/Báo Tin tức

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều