|
Nhà văn Lê Lựu. Nguồn ảnh: vietnamplus.vn |
Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn Lê Lựu đau ốm đã lâu. Hơn 1 năm trở lại đây, ông nằm liệt một chỗ, được con gái đưa về quê ở Hưng Yên chăm sóc.
Nhà văn Lê Lựu sinh năm 1942 tại Hưng Yên, là thành viên của Hội nhà văn Việt Nam từ năm 1974. Ông có nhiều truyện ngắn và tiểu thuyết nổi tiếng như: “Mở rừng”, “Đại tá không biết đùa”, “Sóng ở đáy sông”, “Chuyện làng Cuội”, “Một thời lầm lạc”, “Thời xa vắng”... Ông từng đoạt giải Nhì báo Văn nghệ năm 1968 cho truyện ngắn “Người cầm súng”, giải A Hội nhà văn Việt Nam 1990 cho tiểu thuyết “Thời xa vắng”...
Đặc biệt, hai tác phẩm của ông được chuyển thể thành phim truyền hình và điện ảnh vô cùng thành công, được khán giả biết đến rộng rãi là “Sóng ở đáy sông” và “Thời xa vắng”. Ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt đầu tiên và từng đảm nhiệm chức Giám đốc Trung tâm Văn hóa Doanh nhân tại Hà Nội.
Tiểu thuyết “Thời xa vắng” là một trong những tác phẩm lớn, ghi đậm dấu ấn của nhà văn Lê Lựu trên văn đàn. Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, với “Thời xa vắng”, Lê Lựu đã thay đổi đời sống văn học Việt Nam trong những năm 80 của thế kỷ trước. Tư tưởng của “Thời xa vắng” đã đánh dấu một bước ngoặt của văn học Việt Nam kể từ 1954 và ông đã sáng tạo ra những nhân vật còn sống mãi với người đọc Việt Nam như Giang Minh Sài.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng cho biết, hiện tại, Hội Nhà văn Việt Nam đang phối hợp với Tạp chí Văn nghệ Quân đội để tổ chức tang lễ cho nhà văn Lê Lựu.
TTXVN