|
Tuyên truyền về các chính sách của Nhà nước cho đồng bào dân tộc thiểu số |
Phú Thọ là tỉnh miền núi trung du Bắc bộ, có 10/13 huyện, thành thị với 218/277 xã là miền núi, trong đó có 41 xã đặc biệt khó khăn, an toàn khu. Dân số cả tỉnh trên 1,46 triệu người với 50 dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn; trong đó đồng bào DTTS gần 250.000 người (chiếm 17%), chủ yếu là đồng bào dân tộc Mường, Dao, Cao Lan, H’Mông… Vùng đồng bào DTTS đã và đang là “lõi nghèo” của tỉnh do thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, điều kiện đất đai canh tác khó canh tác, trình độ dân trí phát triển không đồng đều, việc tiếp thu chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất còn hạn chế, mật độ dân cư thưa thớt…
Những năm qua, tỉnh Phú Thọ đã cụ thể hóa công tác giảm nghèo bằng nhiều giải pháp thiết thực, giúp đồng bào sống vùng DTTS và MN có thêm điều kiện vươn lên thoát nghèo. Cơ sở hạ tầng được tăng cường; hệ thống chính trị, trình độ đội ngũ cán bộ không ngừng được củng cố; bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc được gìn giữ và phát huy; bộ mặt nông thôn miền núi có nhiều đổi mới và khởi sắc. Trong đó, sự vào cuộc trách nhiệm, đồng bộ của MTTQ các cấp trong phối hợp thực hiện và giám sát thực hiện các chính sách dân tộc đã đạt nhiều hiệu quả tích cực.
Để triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành Kế hoạch số 3036/KH-UBND ngày 05/8/2022 với các mục tiêu cụ thể về giảm nghèo (tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm 2%/năm), tăng thu nhập bình quân của người DTTS gấp 2 lần so với năm 2020, phát triển hệ thống y tế - giáo dục, hỗ trợ đào tạo nghề, sinh kế cho người dân, ổn định chỗ ở, định canh định cư… Theo đó, MTTQ Việt Nam tỉnh Phú Thọ có trách nhiệm phối hợp tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên nhất là đồng bào DTTS phát huy truyền thống đoàn kết các dân tộc, ý thức tự lực tự cường, tinh thần tự lực vươn lên, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; tăng cường công tác phản biện trong xây dựng cơ chế, chính sách triển khai Chương trình; giám sát việc triển khai thực hiện Chương trình và các chính sách dân tộc tại địa phương. Đồng thời, tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện hiệu quả cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững".
|
Kinh tế vùng dân tộc thiểu số và miền núi của Phú Thọ ngày càng phát triển. |
Trong quá trình thực hiện và giám sát chính sách dân tộc của MTTQ các cấp còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế: Việc ban hành các chính sách, chế tài, quy định còn mang tính chất định hướng, chưa rõ ràng nên kết quả thực hiện còn hạn chế; công tác kiểm tra giám sát thực hiện các chính sách dân tộc chưa được thường xuyên; quá trình thực hiện chính sách chưa gắn với cân đối, bố trí nguồn lực, chưa bám sát thực trạng và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; Phần lớn các chính sách đều mang tính hỗ trợ, chưa bám sát thực trạng và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, định mức đầu tư thấp, dẫn đến tình trạng manh mún; chính sách huy động, thu hút nguồn lực đầu tư, khai thác tiềm năng lợi thế vùng DTTS và MN chưa hấp dẫn, hiệu quả thấp, nguồn lực đầu tư còn dàn trải; công tác quản lý, khai thác và sử dụng công trình sau đầu tư (đặc biệt là công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt) ở một số nơi còn kém nên công trình nhanh bị hư hỏng, xuống cấp.
Hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu chưa đảm bảo, phần lớn quy mô sản xuất ở vùng chính sách vẫn còn nhỏ lẻ, nhiều nơi vẫn còn duy trì tập quán canh tác cũ, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ vào sản xuất còn hạn chế nên chất lượng sản phẩm chưa cao. Sản xuất nông - lâm nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của vùng. Sản phẩm tiểu thủ công nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm thị trường tiêu thụ, chưa khai thác tốt tiềm năng về nguồn nguyên liệu và nhân công tại địa phương.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và sử dụng cán bộ làm công tác dân tộc chưa thực sự được quan tâm; tỷ lệ lao động người DTTS có trình độ đại học, cao đẳng chưa có việc làm ổn định còn cao; công tác xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở vùng DTTS chưa tạo được chuyển biến mạnh mẽ. Một bộ phận người dân có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa có ý thức tự vươn lên thoát nghèo.
Việc tham gia giám sát của MTTQ các cấp trong xây dựng, triển khai thực hiện, đánh giá hiệu quả chính sách dân tộc chưa được thực hiện thường xuyên, có nơi, có lúc chưa thực sự quan tâm, tạo điều kiện đảm bảo cho hoạt động giám sát của MTTQ.
Giải pháp cụ thể phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025:
Cần có các biện pháp đồng bộ để đạt các mục tiêu để ra, hướng tới hoàn thành mục tiêu của cả giai đoạn 2021-205. Phát huy vai trò là cơ quan chủ trì, bám sát nhiệm vụ được phân công để hướng dẫn, đôn đốc triển khai các dự án thành phần thuộc chương trình. Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến các Nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và MN. Qua đó, thu hút và tạo được sự đồng thuận trong nhân dân khi triển khai thực hiện các dự án thuộc Chương trình.
Mặt khác, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, ý thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong triển khai thực hiện các dự án thuộc Chương trình trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên nắm bắt, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri tại kỳ họp HĐND các cấp, chủ động phối hợp với cấp uỷ, chính quyền và các ngành chức năng tổ chức kiểm tra, giám sát theo chuyên đề.
Bên cạnh đó, các cấp MTTQ trong tỉnh tiếp tục tăng cường công tác phản biện trong xây dựng cơ chế, chính sách triển khai Chương trình. Cùng với đó, phát huy vai trò của Ban giám sát cộng đồng, của nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện; công khai, minh bạch về kế hoạch, nội dung đầu tư, hỗ trợ và nguồn vốn để người dân được biết và theo dõi, kiểm tra, giám sát theo quy định. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế, nguồn lực đảm bảo triển khai, tổ chức thực hiện các hoạt động giám sát thường xuyên.
MTTQ các cấp trong tỉnh cũng cần chú trọng sơ kết, tổng kết, nhân rộng những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến, các mô hình sản xuất kinh doanh, giảm nghèo có hiệu quả trong đồng bào dân tộc. Phát huy hơn nữa vai trò của người có uy tín trong cộng đồng DTTS để củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, thúc đẩy tinh thần tự lực tự cường và ý chí vươn lên của đồng bào các dân tộc.
Hải Yến - HQ