Quốc thể - Sự kết tinh và đỉnh cao phát triển của văn hóa Việt Nam

Vị thế, hình ảnh, sức mạnh, danh dự, uy tín và ảnh hưởng của quốc gia một cách toàn vẹn, đa diện và thống nhất, thể hiện ở từng công dân ngay từ bên trong và trên tất cả các mối bang giao giữa nước ta với các nước khác, đó chính là chính trị, cũng chính là văn hóa. Tất cả làm nên Quốc thể Việt Nam từ trong nước và trên trường quốc tế.
Ảnh minh họa 
Mỗi quốc gia, dân tộc với tư cách là một quốc gia hay quốc gia dân tộc, trong thế giới ngày nay, đều mang thể diện của riêng mình. Ấy là quốc thể hay thể diện quốc gia.

Một nước, khi đã thành lập, khi đã có tổ chức, được coi như một thực thể chính trị có đủ tư cách, đứng độc lập, có quyền thống trị trong giang sơn, cai quản trong cương vực quốc gia. Đối với nội trị, nghĩa là đối với người trong nước, thì quyền thống trị là quyền sống của nước đứng trên quyền sống của mọi người trong nước. Về đối ngoại, nghĩa là đối với các nước khác, thì nước ấy có quyền sống, quyền độc lập và tự chủ và được các quốc gia, dân tộc khác tôn trọng, công nhận và thiết lập mối bang giao quốc tế. Ấy chính vì lẽ ấy, mà mỗi nước mang một quốc thể. Đó chính là chính trị. 

Theo đó, dù quyền thống trị thu cả vào trong tay một người, nghĩa là một nước quân chủ hay quyền ấy ở trong tay một giai cấp ít người, đó là một nước theo chính thể quyền quý hoặc khi quyền thống trị ở trong tay cả toàn thể dân chúng, tức là một nước dân chủ... thì mỗi nước đều có quốc thể của riêng mình. Không có quốc thể hay không xứng quốc thể thì quốc gia đó vị thế không cao, uy thế rất thấp, kém hay không giữ vai trò gì trên trường quốc tế; dĩ nhiên thường không được các quốc gia, dân tộc khác tôn trọng và khó khăn trong bang giao quốc tế. Đó chính lại là những vấn đề của văn hóa chính trị.

Việt Nam không nằm ngoài tính quy luật ấy!

QUỐC THỂ VIỆT NAM VÀ VĂN HÓA

Quốc thể là danh dự, uy tín của quốc gia trên mọi phương diện, nhất là trong quan hệ với các nước khác. Bất kể ai, hễ là người Việt Nam ở trong nước hay ở nước ngoài, nhất là những người đại diện của một quốc gia không được phép làm một điều gì đó có thể làm mất thể diện, danh dự hay làm phương hại uy tín của quốc gia. Mọi hành vi gây nguy hại cho độc lập, chủ quyển, toàn vẹn lãnh thổ cho một quốc gia do công dân của một nước thực hiện như làm gián điệp cho nước ngoài, kêu gọi dùng vũ lực lật để chính quyển hợp hiến ở nước mình đểu bị xem là phản bội Tổ quốc và bị trừng trị nghiêm khắc.

Đó là chính trị, là văn hóa. Và, đó cũng chính là mối quan hệ giữa chính trị và văn hóa, xét tới cùng là mối quan hệ giữa công dân với quốc gia, dưới góc nhìn văn hóa. Nhìn sâu hơn, đó không chỉ đòi hỏi một triết lý chính trị, một triết lý xã hội mà còn là triết lý nhân sinh, triết lý về con người.

Về phương diện chính trị, Quốc thể là chế độ nhà nước của chúng ta, được quy định ngay trong Hiến pháp. Theo Hiến pháp năm 2013, Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; bộ máy cơ quan nhà nước Việt Nam ở cấp trung ương bao gồm: Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Trong Chính phủ có các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan trực thuộc Chính phủ, bộ máy nhà nước ở địa phương được tổ chức ba cấp: tỉnh (thành phố), huyện (quận), xã (phường), bao gồm Uỷ ban nhân dân, Hội đồng nhân dân và các cơ quan chuyên môn của các cơ quan này. 

Trên phương diện xã hội, đó là phẩm giá, uy tín và danh dự cá nhân trong tất cả cộng đồng người Việt Nam dù ở trong nước hay ở nước ngoài; sống và hành xử, vì danh dự và uy tín Việt Nam trước cộng đồng quốc tế.

Trên bình diện quốc tế, không chỉ được các nước công nhận là quốc gia độc lập, thống nhất, có chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ mà vinh dự là thành viên chủ động, tích cực và có uy tín trong các tổ chức quốc tế; đặt mối bang giao bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, cùng nhay xây dựng và phát triển một thế giới hòa binh, văn minh và tiến bộ xã hội.

Tối thiểu toàn bộ điều đó hợp thành và làm nên Quốc thể Việt Nam.

Nhìn tổng thể,vị thế, hình ảnh, sức mạnh, danh dự, uy tín và ảnh hưởng của quốc gia một cách toàn vẹn, đa diện và thống nhất, thể hiện ở từng công dân ngay từ bên trong và trên tất cả các mối bang giao giữa nước ta với các nước khác, đó chính là chính trị, cũng chính là văn hóa. Tất cả làm nên Quốc thể Việt Nam từ trong nước và trên trường quốc tế.

Không có tất cả điều đó không có gương mặt và tư chất Quốc thể Việt Nam.

Nhưng, không có Quốc thể chung chung, càng không có văn hóa trừu tượng. Cả hai, xét cho đến cùng, chúng đồng thời biểu hiện ở mỗi một con người và sư tự biểu hiện của chính mỗi một con người - tế bào làm nên văn hóa cộng đồng, văn hóa dân tộc. Tổng hòa lại, tất cả làm nên gương mặt và tư chất Quốc thể, làm nên gương mặt và tư chất văn hóa Việt Nam.

Do đó, một cách tự nhiên, quốc thể và thể diện cá nhân, có thể nói vừa là sự sở hữu của cộng đồng, của quốc gia vừa là tài sản của cá nhân. Một mặt, quốc thể là hình ảnh, vị thế, danh dự và uy tín của quốc gia cao nhất thể hiện ở chỗ đứng, tầm vóc và sự ảnh hưởng của quốc gia trên trường quốc tế; và mặt khác, nó thể hiện ở mỗi cá nhân, thông qua mỗi con người, nhất là những người giữ vị thế đại diện cộng đồng, đại diện quốc gia. Đồng thời, thể diện cá nhân vừa bao hàm hình ảnh xã hội của cá nhân thể hiện những đặc điểm phẩm chất và vai trò xã hội mà cá nhân đảm trách được người khác thẩm nhận lại vừa bao gồm những đặc tính của cộng đồng, phẩm chất của quốc gia mà cá nhân đó sở hữu và thể hiện, thậm chí đây là yếu tố quyết định sự tồn tại của thể diện cá nhân được cộng đồng, dư luận xã hội, quốc tế công nhận và qua đó khẳng định giá trị cộng đồng, phẩm giá của quốc gia, thông qua thể diện của mỗi cá nhân, nhất là các yếu nhân.

Đó là sự thống nhất sự thống nhất giữa cái tôi cá nhân và cái tôi cộng đồng; giữa cái riêng thể diện cá nhân với cái chung thể diện quốc gia, dân tộc. Tương ứng với cái tôi hài hòa giữa hai mặt nội tại và quan hệ cá nhân và xã hội, thể diện cá nhân luôn được hiểu như là sự thống nhất giữa hai mặt xã hội và cá nhân. Vì thế, thể diện cá nhân, ở góc độ này, còn bao gồm vai trò xã hội của một cá nhân và những đặc điểm do vai trò đó quy định. Hơn nữa, nói cách khác, một người thì khó có thể mất thể diện với chính mình mà thường là mất thể diện với người khác, với cộng đồng khác, quốc gia, dân tộc khác. Thể diện cá nhân không thể tự thân tồn tại độc lập mà chỉ được duy trì và phát triển với sự thừa nhận của dư luận, của cộng đồng…

Dù thể diện cá nhân về cơ bản được tạo lập bởi những yếu tố khá bền vững và cả thiên tư như phẩm chất, khả năng, vai trò xã hội của cá nhân và đặc tính của cộng đồng, của quốc gia mà cá nhân thể hiện và gắn bó. Nhưng sự tồn tại của thể diện cá nhân lại phụ thuộc vào sự thừa nhận hay không, thậm chí phản đối của người khác, của cộng đồng, của quốc gia khác và độc lập với chủ thể, cho nên thể diện cá nhân phải luôn vận động và thích ứng.

Vì thế, thể diện cá nhân càng là yếu tố khả biến và phải biến đổi rất nhanh để thích ứng với dư luận, với thời cuộc và xu hướng phát triển của các quốc gia, dân tộc khác so với sự vận động chậm hơn của phẩm giá cộng đồng, phẩm giá quốc gia - một nhân tố chủ thể làm nền tảng giá trị của Quốc thể, dưới góc nhìn văn hóa. Thể diện cá nhân là cái đi tiên phong, trước hết và trực tiếp trong việc góp phần khẳng định, làm phong phú và sinh động Quốc thể; thậm chí nó có thể hy sinh vì Quốc thể hoặc có thể làm phương hại Quốc thể. Và, đến lượt Quốc thể, nó là nền tảng bảo đảm, nâng tầm và tôn vinh thể diện cá nhân, hoặc ngược lại.

Đó chính là gương mặt và tư chất làm nên văn hóa Việt Nam bao gồm văn hóa dựng nước và văn hóa giữ nước; và ở tầng sâu hơn, đa dạng và và cụ thể, là văn hóa chính trị, văn hóa kinh tế, văn hóa ngoại giao, văn hóa xã hội làm nên Quốc thể vậy!

VĂN HÓA VUN ĐẮP NỀN MÓNG, VỊ THẾ, SỨC MẠNH, UY TÍN VÀ SOI ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN QUỐC THỂ VIỆT NAM

 Gìn giữ nghề truyền thống_Ảnh: Tư liệu
Diễn đạt một cách hình ảnh, nếu Quốc thể được tạo thành từ toàn bộ những tư chất chung và riêng, phổ quát và đặc thù kiến lập nên dung mạo, hồn phách quốc gia Việt Nam; làm nên thần thái, vị thế, sức mạnh, khí phách đất nước Việt Nam; tỏa ra sức mạnh hiện hữu và tương lai dân tộc Việt Nam, nhìn bên trong qua suốt ngàn năm vẻ vang cương vực lãnh thổ, trông ra và xét bên ngoài thời đại nào cũng rạng rỡ khắp bốn bể năm châu khắp hoàn cầu, thì đó chính là sự trầm tích, kết tinh và thể hiện sức sống và tỏa sáng của văn hóa Việt Nam, của con người và dân tộc Việt Nam, kể từ khi lập quốc, bền bỉ và quật cường suốt mấy ngàn năm qua.

Đó là gì, nếu không phải chính là văn hóa?!

Theo đó, hiện nay có thể hình dung, nhận diện và phát triển mấy tư chất căn bản và phương diện trọng yếu nổi bật, trong chức năng “soi  đường cho quốc dân đi” của văn hóa, nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh: 

Quốc hồn Việt Nam: Văn hóa Việt Nam - nền móng và xuyên thấm trong chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh

“Chủ nghĩa cộng sản, coi như chủ nghĩa tự nhiên hoàn bị = chủ nghĩa nhân đạo”! Đó là ý tưởng của C. Mác. Và, đó chính là Văn hóa được viết hoa!

Việt Nam đi từ chủ nghĩa yêu nước, là văn hóa, trên nền tảng chính trị chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nghĩa là văn hóa, tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội, dưới ngọn cờ của Đảng, để vươn tới Văn hóa theo nghĩa viết hoa.  Đó là lô-gic phát triển Việt Nam từ năm 1930 trong tầm nhìn tới năm 2030 - một trăm năm Đảng Cộng sản Việt Nam! Đó là con đường xã hội chủ nghĩa hiện thực Việt Nam từ năm 1945 tới năm năm 2045 - một trăm năm Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam!

Trên con đường ấy, cần nắm lấy những gì?

Phải chăng là kiến tạo tầm nhìn, định vị chiến lược, phát triển Đất nước phồn vinh, bền vững; bảo vệ độc lập, tự chủ, thống nhất Quốc gia; hòa mục, hội nhập quốc tế; xây dựng, chỉnh đốn Đảng dẫn dắt Dân tộc tiến cùng nhân loại?

Phải chăng cần một triết lý Văn hóa của sự phát triển mạnh mẽ và bền vững, để Quốc gia Tự tôn - Mỗi người Tự trọng - Dân tộc Tự cường - Tổ quốc Phồn vinh?  

Và, phải chăng, tất cả nhằm xây dựng nước Việt Nam độc lập, thống nhất, công nghiệp, hiện đại, phồn thịnh, hùng cường, văn hiến, giữ vị thế xứng đáng trên trường quốc tế?   

Nghĩa là nhìn lại và trông tới từ cội nguồn chủ nghĩa yêu nước, những bước xuyên qua kinh tế thị trường định, bằng chính trị xã hội chủ nghĩa, thông qua công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ, để tới Văn hóa tức là chủ nghĩa xã hội, và đó là con đường phát triển tự nhiên của đất nước, phù hợp với xu thế phát triển tương lai của loài người. Nghĩa là, đối với chúng ta, trên nền tảng văn hóa mấy nghìn năm, triết lý phát triển “chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hòa bình, hạnh phúc...”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói.

Đó cũng chính là mục tiêu phát triển mang tầm chiến lược của văn hóa Việt Nam.

Quốc khí Việt Nam: Độc lập dân tộc và chủ  nghĩa xã hội - thống nhất, dân chủ, hùng cường

Không một quốc gia, dân tộc nào phát triển và thịnh vượng không có, không gìn giữ và không nối đời vun đắp quốc khí. Ấy là vận khí và khí vận của quốc gia. Việt Nam không nằm ngoài quy luật muôn đời ấy.

Nhưng, sinh ra, phát triển và trường tồn ở một vị trí mang tầm vóc địa chính trị, địa kinh tế án ngữ ngã ba con đường giao lưu từ Á sang Âu, cũng là địa quân sự hiểm yếu nhìn ra Biển Đông, nối khắp những biển lớn: từ Thái Bình Dương tới Ấn Độ Dương, đồng thời là nơi hợp lưu tiếp biến và thâu hóa những dòng văn hóa lớn lên mặt Bắc, xuống phương Nam, ra phía Đông… nên Việt Nam không chỉ đơn thuần bồi tụ và phát triển quốc khí, mà bước theo tiến trình lịch sử dựng nước, giữ nước và giao lưu quốc tế của mình, còn chăm lo quốc khí ấy thành nguyên khí quốc gia.

Nguyên khí là cái gốc cũng là cái đỉnh cao phát triển của quốc khí, làm nên Quốc thể.

Nói về nguyên khí, khi xét quốc khí, tức cái khí vận và vận khí của quốc gia,    thì nguyên khí là chỉ cái khí đầu tiên, khi trời đất hỗn độn chưa phân chia, vũ trụ chưa định hình. Vì thế, nên nguyên khí là khởi đầu của trời đất, là tổ của vạn vật, cũng là khí của tự nhiên, của giang san, cho nên nguyên khí là thiên khí nghĩa là vậy. Nguyên khí cũng là tinh thần, tinh khí một mặt của chính con người ; đồng thời chỉnh là lực lượng vật chất, tinh thần của quốc gia. Bởi thế, cổ nhân ta nói: “Đạo trị nước, trước tiên là bồi dưỡng nguyên khí” (Trị quốc chi đạo, tiên tại dưỡng kỳ nguyên khí). Cổ nhân ta lại nói: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” là vậy. Nói xác đáng, từ lịch sử mấy ngàn năm, nguyên khí  tinh thần, tinh khí, là lực lượng tinh thần (và cả lực lượng vật chất) của quốc gia dân tộc Việt Nam. Đó chính là văn hóa.

Nhìn lại lịch sử Việt Nam, có thể nói, dường như đất nước Việt Nam sinh ra cùng với lịch sử chiến tranh vệ quốc vĩ đại nhưng đầy máu và nước mắt của mình cùng sự tận cùng khó khăn như sinh tử của việc bảo vệ và thống nhất giang san. Chỉ tính trong 2020 năm sau Công nguyên, dân tộc Việt Nam bước qua và kết liễu 11 cuộc đại chiến tranh vệ quốc, đánh bại đủ loại giặc ngoại xâm hung bạo nhất của mọi thời đại đến từ phương Bắc, phương Đông tới phương Tây và giữa những cuộc vệ quốc vĩ đại ấy là gần 500 cuộc khởi đủ quy mô, trải khắp Bắc Trung Nam, vì Tổ quốc Việt Nam độc lập và thống nhất. Từ “Nam quốc sơn hà” (năm 1077) qua “Bình Ngô đại cáo” (năm 1428) tới “Tuyên ngôn độc lập” (năm 1945) đều khẳng định cái khí ấy, cái vận khí và khí vận quốc gia độc lập và thống nhất ấy, với tư cách là những tuyên ngôn bất hủ. Trong 2020 năm ấy, dân tộc Việt Nam đã phải đối mặt và trải qua tối thiểu gần 1.500 năm chiến tranh giữ nước, vì độc lập và thống nhất quốc gia. Quốc thể thăng trầm ở đó và văn hóa cũng hiện diện chính là ở đó.

Nhìn lại như thế để càng thấy và càng khắc thêm cái vô giá được trả bằng máu của nền độc lập, của hòa bình và thống nhất của dân tộc Việt Nam từ suốt trường kỳ lịch sử dựng nước và giữ nước. Vì thế, hơn hết bao giờ, chúng ta càng phải tự mình gây dựng và bảo vệ nền độc lập, sự thống nhất quốc gia và trở nên hùng mạnh. Nước không độc lập, thống nhất tất biệt phái, phân ly và mất tự do, không hùng mạnh thì khó lòng độc lập và thống nhất. Và, rốt cuộc, hậu quả Nhân dân sẽ bị làm nô lệ, dù hình thức này hay khác, ở mức độ này hay kia.

Tất cả hun đúc và làm nên văn hóa dựng nước  văn hóa giữ nước thấm sâu, thống nhất và hiện diện qua mấy chục triều đại độc lập, trải suốt mấy ngàn năm qua là như vậy.

Chiến tranh chống ngoại xâm, dù kẻ thù tàn bạo thế nào, dù hung hiểm bao nhiêu suốt mấy nghìn năm qua, như đã thấy, cũng không thể khuất phục và tiêu diệt được dân tộc Việt Nam độc lập và thống nhất. Nhưng, chính lúc này đây, lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đang vang vọng, rằng: “Còn non, còn nước, còn người…”; rằng: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”; và rằng: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Đó chính là dân chủ và thước đo phát triển dân chủ và dân chủ phát triển trên nền móng quốc gia Việt Nam độc lập và thống nhất. 

Đó chính là Quốc thể Việt Nam hiện nay, là liêm sỉ của mỗi một người Việt Nam lúc này. Nếu không biết giữ lấy, đau đáu và chăm lo vun đắp Quốc khí ấy và liêm sỉ và Quốc sỉ ấy để đất nước ngày càng tự mình độc lập, thống nhất, dân chủ và hùng cường, thì họa đất nước suy vong, lệ thuộc mới sẽ tới và theo đó, thân phận mỗi người lâm vào vòng vong quốc nô mới, sẽ cận kề! Gần 100 triệu người Việt Nam, dù ở khắp hoàn cầu, cần một chữ Đồng, vì vị thế, sức mạnh, danh dự và uy tín Việt Nam trước hoàn cầu! Vì, tất cả người Việt Nam chúng ta là đồng bào, đều sinh ra từ một bọc trứng của Mẹ Âu Cơ vĩ đại!

Đó là ý chí, lương tri, là nhân phẩm và đạo lý đồng bào suốt mấy ngàn năm dồn tụ, kết tinh và làm nên khát vọng Quốc khí - nguyên khí của Quốc thể Việt Nam! 

Quốc chính Việt Nam: Cộng hòa xã hội chủ nghĩa

Đó là chính thể nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.       

Với tư cách là hình thức tổ chức các cơ quan quyền lực tối cao, Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp được lập ra với cơ cấu, trình tự và mối liên hệ của chúng với nhau bằng sự tham gia và quyết định của Nhân dân trong việc thiết lập các cơ quan này, thông qua nguyên tắc bầu cử bình đẳng, phổ thông, trực tiếp và bỏ phiếu kín, Nhân dân bỏ phiếu bầu ra cơ quan đại diện của mình, lập nên chính thể Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quyền lực nhà nước tối cao thuộc về Quốc hội: có quyền lập pháp, quyền giám sát tối cao đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước, quyết định những vấn đề quan trọng của quốc gia. Và, với tư cách là một thực thể chính trị có đủ tư cách, đứng độc lập, có quyền duy nhất thống lĩnh giang sơn xã tắc, cai quản trong cương vực quốc gia, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là "Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa", theo Điều 2, Hiến pháp 2013. Đây là sự kết hợp giữa hai kiểu nhà nước: Nhà nước xã hội chủ nghĩa và Nhà nước pháp quyền. 

Chính thể Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Hiến pháp khẳng định việc tổ chức quyền lực nhà nước phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

 Đua ghe Ngo - lễ hội dân gian mang đậm nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Khmer ở đồng bằng Sông Cửu Long, tổ chức định kỳ hai năm/lần tại tỉnh Sóc Trăng_Ảnh: phuhunglife.com
Đảng Cộng sản Việt Nam trong hệ thống chính trị Việt Nam giữ vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Điều 4 Hiến pháp 2013 nêu rõ: “Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.

Quốc chính ấy đòi hỏi văn hóa chính trị tương dung. Mối quan hệ giữa đạo đức và pháp quyền trở thành mối quan hệ căn bản và nóng bỏng. Và, văn hóa lấy đó làm mục tiêu và động lực phát triển của mình.

Hành động cao nhất lúc này là, Đảng phải xứng đáng “vừa là người lãnh đạo vừa là người đày tớ thật trung thành của Nhân dân”, “là đạo đức, là văn minh, là thống nhất, độc lập, là hòa bình ấm no”, vì “Đảng ta là một Đảng cầm quyền”, “Đảng cũng ở trong xã hội”, như Hồ Chí Minh mong mỏi. "Phải đưa chính trị vào giữa dân gian". Trước kia, việc gì cũng từ "trên dội xuống". Từ nay việc gì cũng phải từ "dưới nhoi lên", “Dân là gốc”, “Dân làm gốc”. Phải tổ chức, xây dựng một Nhà nước Việt Nam pháp quyền khoa học, phù hợp, mạnh mẽ và sáng suốt với đội ngũ cán bộ, công chức thực lòng là công bộc của dân. Phải kiểm soát, đẩy lùi những sự tha hóa, thoái hóa quyền lực của một bộ phận không nhỏ người được giao quyền lực - cội nguồn đẻ ra những hủ bại làm băng hoại thể chế quốc gia: “Miệng thì nói dân chủ, nhưng việc làm thì họ theo lối “quan” chủ. Miệng thì nói “phụng sự quần chúng”, nhưng họ làm trái ngược với lợi ích của quần chúng, trái ngược với phương châm và chính sách của Đảng và Chính phủ”. Phải trừng phạt nghiêm minh các tệ: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu, dù cố ý hay không,… làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí khắc khổ cán bộ ta. Nó phá hoại đạo đức cách mạng của ta là cần, kiệm, liêm, chính... Tội lỗi ấy cũng nặng như tội lỗi Việt gian, mật thám”. Pháp luật phải là “bà đỡ” của dân chủ, của tự do. Và, tự do đối với chúng ta, vừa là mục đích vừa là con đường để giải phóng Nhân dân và nhân dân tự giải phóng mình. Mọi quyền dân chủ của Nhân dân phải được thể chế hóa bằng Hiến pháp và pháp luật, đồng thời hệ thống pháp luật phải bảo đảm cho quyền tự do dân chủ của Nhân dân được tôn trọng và bảo vệ. Đó là mục tiêu chính trị của dân chủ, của văn hóa pháp luật, của đạo đức hành động chính trị lúc này… mà chúng ta cần và dứt khoát kiên định thực thi. 

Hành động cao nhất lúc này là, dưới ngọn cờ của Đảng, Chính phủ “phải có chính trị trước rồi có chuyên môn; chính trị là đức, chuyên môn là tài”, Chính phủ phải đem “tài dân, sức dân, của dân để làm lợi cho dân”. Chúng ta đang hướng tới xây dựng một Chính phủ hành động, phục vụ nhân dân với tầm nhìn dù là trung hạn, quyết sách quản trị quốc gia vĩ mô và con đường thực thi dù là chiến lược. Xin nhấn mạnh, Chính phủ phải có chính trị trước. Vì, nền chính trị Việt Nam là một nền chính trị đạo đức hay nền chính trị nhân bản, với hạt nhân “Nước lấy dân làm gốc”; “sao cho được lòng dân”; rằng, “Chính phủ là công bộc của dân”, “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”; rằng, “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân”, và rằng, “Dân làm chủ thì chủ tịch, bộ trưởng, thứ trưởng, ủy viên này khác là làm gì? Làm đày tớ. Làm đày tớ cho Nhân dân, chứ không phải là làm quan cách mạng”, “Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh cảnh báo. Chúng ta phải bảo đảm sao cho pháp quyền là sự cai trị của pháp luật chứ không dừng ở pháp trị là sự cai trị bằng pháp luật. Và, theo đó, mấu chốt quan trọng là, Nhân dân cũng như Nhà nước, tất cả đều bình đẳng và tự do trước pháp luật.

Quốc lực Việt Nam: Công nghiệp hiện đại phát triển mạnh mẽ, bền vững và nhân văn

Bất kể quốc gia nào cũng phải hết sức coi trọng xu thế phát triển của thời đại, những giá trị phổ quát của nhân loại thì chính giá trị chung phổ quát ấy và là xu thế phát triển của thời đại đó; và các mục tiêu cơ bản có tính bản chất và có tính nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội là nhất trí hay gần đồng nhất với nhau. Bởi các nước càng phát triển lên văn minh và hiện đại thì càng gần với chủ nghĩa xã hội văn minh, hiện đại, nhân văn và phát triển bền vững. Định hướng xã hội chủ nghĩa làm cho nó phù hợp với tính phổ quát và xu thế nhân văn, tất yếu ấy chứ không phải chủ nghĩa xã hội là khác, ngược với xu thế ấy. 

Sức mạnh của quốc gia từ nền móng sức mạnh của kinh tế.

Lịch sử thế giới xác tín, một quốc gia chỉ cần ba, bốn thập kỷ để trở thành một cường quốc kinh tế nhưng phải cần hành trăm năm, thậm chí nhiều trăm năm mới có thể trở thành cường quốc văn hóa.

Việt Nam khát vọng trở thành cường quốc kinh tế một cách văn hóa!

Chính vì vậy, chúng ta phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa một cách đặc thù, nhưng cần tránh rơi vào vũng bùn của căn bệnh đặc thù (chủ nghĩa ngoại lệ). Hơn nữa, cần thấy rằng, cái đặc thù là trên cơ sở cái chung, mang tính bản chất cụ thể, (có thể chưa) toàn vẹn, chứ không phải nằm ngoài cái chung. Mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa, đạo đức và thị trường trở thành vấn đề chiến lược nhưng nóng bỏng trong phát triển kinh tế. Đó là tầm nhìn của chính trị và của chính văn hóa về phát triển kinh tế đất nước.

Xét về xu hướng và tính phổ quát, giá trị chung nói trên thì, nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa không phải là cái ngoại lệ nào đó. Bởi vì tính xã hội chủ nghĩa nảy sinh trên nền tảng kinh tế - xã hội hiện đại thông qua biến đổi có tính cách mạng gạt bỏ hình thức kinh tế xã hội lỗi thời của nó - chủ nghĩa tư bản mà thôi. Do đó, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội là một nấc thang, một giai đoạn phát triển của nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa hiện đại, hoàn bị, dưới chủ nghĩa xã hội, chứ không phải là thứ gì khác. Nó là công cụ dưới chủ nghĩa xã hội, để tạo nên thực lực và sức mạnh Việt Nam, tôn vinh vị thế và uy tín  Quốc thể Việt Nam.

Cần thiết phải thấy rằng, mỗi quyết sách về kinh tế cần bắt đầu từ nền móng trước hết là một quyết sách về chính trị, văn hóa và nhân văn, để tránh rơi vào quyết định luận kinh tế đơn thuần, nhất là khắc chế cái quy luật tàn khốc “cá lớn nuốt cá bé”, “kinh tế vị kinh tế”, “tiền vị tiền”, cổ xúy vô hình cho thói “tiề trao cháo múc”, “trả tiền ngay, lạnh lùng không tình nghĩa”… của thị trường mà không ít quốc gia mắc phải khi cùng xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường. Đó chính là tính nhân văn, tính đạo đức làm nên bản chất nhân văn của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vì Nhân dân và cho Nhân dân, vì sự hùng mạnh của quốc gia, mà chúng ta đang quyết tâm xây dựng và phát triển mang tầm chiến lược. Đó cũng là bản chất ưu việt của chế độ ta, nhân tố làm nên sức mạnh và tôn vinh Quốc thể Việt Nam.

Do đó, công việc mấu chốt cần kíp tập trung đổi mới ở đây đối với chúng ta là vấn đề thể chế. Nói đến thể chế, trước hết và trung tâm là nói đến vai trò của Nhà nước trong và đối với nền kinh tế đất nước hiện nay, thông qua các việc chế định và định chế các cơ chế, chính sách vĩ mô và đòn bẩy đối với nền kinh tế, theo chủ kiến của Nhà nước. Nói xác đáng đó là mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường, xét ở mọi chiều cạnh cả chính trị lẫn kinh tế và văn hóa. 

Cần nhấn mạnh, trong mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường, thì Nhà nước tập trung làm tốt các công việc: đẩy mạnh hội nhập quốc tế đưa kinh tế Việt Nam vận động theo quỹ đạo kinh tế thị trường hiện đại; đổi mới thể chế bảo đảm tôn trọng và củng cố các nền tảng cơ bản của kinh tế thị trường; ổn định kinh tế vĩ mô, xây dựng, bảo vệ các nền tảng về kinh tế và pháp lý của kinh tế thị trường; khắc phục, sửa chữa các khiếm khuyết và dự báo những chấn động, những “cú sốc”, “cú co giật” của thị trường; xây dựng đội ngũ điều hành nền kinh tế một cách ngang tầm... nhằm chủ động phân bổ đúng, trúng và kiểm soát hiệu quả các nguồn lực phục vụ phát triển bền vững; đồng thời, song hành thực hiện tốt các chức năng xã hội nhằm bảo đảm công bằng, văn minh và tiến bộ xã hội. Nói gọn lại, Nhà nước làm nhiệm vụ kiến tạo phát triển, dẫn lối và chuẩn bị những điều kiện cần và đủ để kiểm soát, điều tiết nền kinh tế thị trường một cách dân chủ và nhân văn.

Chính vì thế, khi chúng ta vượt qua và thoát khỏi vòng kiềm tỏa về văn hóa trên phương diện phát triển kinh tế, thì đồng thời thoát khỏi vòng kiềm tỏa về kinh tế một cách văn hóa, để phát triển mạnh mẽ và bền vững của chính kinh tế quốc gia. Nhà nước cần có chính sách giảm thiểu nhập siêu, khuyến khích người trong nước sản xuất kinh doanh. Người Việt phải xây dựng được một nền kinh tế độc lập, phải mở được những lối đi riêng, tạo dựng được những mô hình phát triển khác các nước khác. Phải phấn đấu trở thành hội điểm đầu tư và thương mại toàn cầu. Việc này nói thì dễ mà làm thì rất khó. Nhưng không vì thế mà không gắng sức, vì tương lai dân tộc phụ thuộc phần nhiều vào chính chỗ văn hóa này. “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói. Đó là bẳn chất văn hóa của nền kinh tế quốc gia hiện nay và tương lai.

Điều cần cảnh báo là, tư duy chộp giật, “sống chết mặc bay tiền thày bỏ túi” của nhiều người có trách nhiệm đã và đang dung túng tình trạng này, gây hại lâu dài cho nền kinh tế, nhưng đáng lo hơn là, làm tổn thương văn hóa và chính trị. Chúng ta phải trách mình trước hết, vì nếu không non kém, không tiếp tay thì làm sao ai có thể tác oai tác quái. Dung túng, tiếp tay cho những tệ nạn đó, giữa thời buổi cạnh tranh của thị trường, thử hỏi có khác nào mua dây để tự trói chân mình, tự mình làm băng hại mình. Mà khi mua dây để tự trói chân mình, thậm chí tự buộc mình một cách khiếm khuyết văn hóa như thế, thì làm sao có thể đi nhanh, đi xa vfa bền vững cho được?

Những thói hư tật xấu nảy sinh trong nền kinh tế thị trường đang tác oai tác quái làm suy đồi văn hóa và đạo đức của chúng ta. Bệnh hình thức hư danh, tật khoe khoang thành tích, thói nịnh trên lừa dưới, tệ chạy chức chạy quyền… đã thành phổ biến, nên không còn cách nào khác là phải dứt bỏ để học những giá trị tiến bộ của một thế giới mới như dân chủ, tự do, bình đẳng, bác ái, thực học thực nghiệp… thì mới có thể tiến kịp người. Nạn chuộng bằng cấp hư danh, tệ mua quan bán chức, thói tầm chương trích cú, ếch ngồi đáy giếng, ngông nghênh coi thường chân lý, bệnh phụ mẫu quan phương, thậm chí xem nhẹ kinh tế… phải bị loại trừ, để dân tộc Việt Nam ngẩng đầu đồng hành tiến cùng nhân loại.

Vấn đề phát triển mạnh mẽ và bền vững của kinh tế Việt Nam hiện nay dường như cho thấy cần phải giải quyết ở tầm nhìn, sâu hơn là tầm chủ thuyết phát triển kinh tế trong mối quan hệ tổng thể, toàn diện và đồng thời về phát triển kinh tế với chính trị và văn hóa, chứ không phải đơn thuần chỉ dừng lại xem xét những chính sách kinh tế thành công biệt lập hay sai lầm yếu kém đơn lẻ, dù là vô cùng cần thiết, và vô hình tự bó mình vào đó. Và, nếu trái thế, chắc chắn thất bại là điều được báo trước, cũng “lạnh lùng vô tình vô nghĩa”! 

Quốc bảo Việt Nam: Dân là gốc Nước

Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời. Trên con đường phát triển, mỗi quốc gia, dân tộc, tất cả đều phải lựa chọn quốc sách và phương thức hành xử riêng, tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của mình và thời đại. Và, chúng ta thấy, những sự lựa chọn khác nhau đã đưa các quốc gia, dân tộc phát triển rất khác nhau, thậm chí khoảng cách rất xa nhau. Nói một cách hình ảnh, đối với chúng ta, khi công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ bước sang nhịp sóng thứ hai, khi cuộc Cách mạng Công nghệ 4.0 bùng nổ, càng không thể chấp nhận bộ máy 1.0, lại càng không thể thừa nhận một thể chế trình độ 0.4. 

Vì thế, muốn trở nên hùng mạnh và đi xa, nhất định phải lấy con người làm mục tiêu, chủ thể, động lực và là nhân tố quyết định phát triển Việt Nam, dù ở bất cứ phương diện này hay thời kỳ kia. Nói cách khác, con người phải là trung tâm của mọi sự phát triển, và mọi sự phát triển phải xoay quanh con người, vì và cho con người, chứ không phải ngược lại; với một thể chế tương dung. Đó là yêu cầu khách quan và nhu cầu của chính khâu đột phá của công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ vì quốc gia phát triển mạnh mẽ và bền vững sẽ bàn định và xác quyết tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng.          

Chính trị, nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh, là đạo đức! Đạo đức, lúc này, là hành động. Do đó, hành động lúc này đó chính là tôn vinh quyền lực của Nhân dân trong việc cử ra, tổ chức nên bộ máy nhà nước cũng như toàn bộ hệ thống chính trị nước ta. Nó là “sự tự quy định của Nhân dân”, “là sự nghiệp của bản thân Nhân dân” (K.Marx); đòi hỏi “sự bình đẳng giữa những người công dân..., mọi người ngang nhau trong việc xác định cơ cấu nhà nước và quản lý nhà nước” (V.I.Lenin). Nó càng cho thấy, không phải Nhà nước tạo ra Nhân dân mà Nhân dân tạo ra chế độ nhà nước, phù hợp với nguyện vọng và ý chí của nhân dân. Đó là nhà nước do dân và nó có nhiệm vụ hướng tới phục vụ Nhân dân, vì nhân dân, là sự nghiệp của bản thân Nhân dân. “Chính quyền từ xã đến chính phủ trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ trung ương đến xã do dân tổ chức nên… quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. “Nhân dân là ông chủ nắm chính quyền. Nhân dân bầu ra đại biểu thay mặt mình thi hành chính quyền ấy” (Hồ Chí Minh).  

Hành động cao nhất lúc này là bảo vệ lợi ích của Nhân dân là tối cao, quyền lợi của dân tộc là tối thượng! Xin nhắc lại: “Sông phía Bắc, biển phía Đông. Nếu không dân cũng là không có gì”. Lòng tin của Nhân dân là nền móng vững bền của thể chế, là quốc bảo của chế độ, là tài sản vô giá của Đảng!  

Nếu xem thời cơ là lực lượng hiện thực thì cuộc cách mạng công nghiệp mới này là lực lượng cho cả trăm năm. Không thể do dự, phải chủ động nắm lấy và thực thi một cách quyết liệt, với những đột phá, tạo những “cú nhảy” bứt phá trên con đường phát triển, nếu coi nhẹ con người; và như thế nhất định tụt hậu và vô phương cứu vãn. Hơn hết bao giờ, do đó, phải cấp bách lựa chọn ưu tiên và quyết liệt xây dựng, thực thi Chiến lược Phát triển Nhân tài quốc gia - rường cột của khâu đột phá chiến lược phát triển con người. Đây chính là động lực căn bản mang tầm đột phá chiến lược để nắm lấy, làm chủ thời cơ với chủ thể phát triển chiến lược trong tầm nhìn 2045. 

Nói gọn lại, phải xác lập tầm viễn kiến, xây dựng và thực thi Chiến lược Phát triển Nhân tài quốc gia và đây chính là Quốc sách phát triển quốc gia hiện nay và tương lai.

Lòng Dân, sức Dân -  Quốc bảo phát triển Việt Nam nằm ở chính đây! Đây chính là nhân tố bất biến chiến lược để ứng với mọi khả biến trên con đường Việt Nam phát triển.    

Quốc tín Việt Nam: Thủy chung, hòa mục, tín nghĩa, nhân văn

Bất kỳ quốc gia nào cũng đều có nét đặc trưng rất riêng và đáng được tôn trọng, mọi so sánh đều không công bằng và khó tránh có sự thiên vị. Một dân tộc được định hình chính bởi cái gì? Có phải là bởi đất đai, tài nguyên của dân tộc đó hay không? Chắc hẳn là không. Người ta phân biệt dân tộc này với dân tộc khác bởi chính văn hóa của nó. Không có và không thể so sánh, đánh giá về nền văn hóa cao này cao hay nền văn hóa kia thấp, chí có những nền văn hóa khác nhau.  Càng tới lúc chúng ta và bất cứ ai đó cần hiểu rõ hơn về cả hai sự thật đó và tìm kiếm những liên kết mạnh mẽ, sâu sắc kết nối các nền văn hóa của các quốc gia dân tộc trên thế giới. Lịch sử có từ lâu đời thường đọng lại trong tim của người đương thời.  

Càng ra biển lớn càng cần có những phẩm chất cốt lõi riêng, những sức mạnh nội tại để tạọ nên giá trị từ chính sự khác biệt. Những giá trị này không chỉ là thái độ sống mà còn định vị thương hiệu của một quốc gia trong xu hướng hội nhập toàn cầu.     

Vào những lúc này, mắt ta phải nhìn xa trông rộng, phải tìm cách kết thân với những người có cùng mối lo âu để đồng tâm đối phó. Muốn vậy, chúng ta phải thiện chí thành tâm, đặt lợi ích quốc gia, vận mệnh Tổ quốc lên trước hết, trên hết.

Trong hội nhập toàn cầu, dân tộc ta khác, phong hóa, đất đai, vị thế của nước ta cũng rất khác. Vậy hà cớ gì chúng ta phải bắt chước theo ai, phải lệ thuộc ai. Tham vọng bá quyền của thiên hạ gắn liền với âm mưu mở rộng biên giới quốc gia. Giờ việc chúng ta cần làm là hãy tự mình trở nên hùng mạnh mới có thể giữ được vẹn toàn cương thổ.

Vì, “một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói. Hơn nữa, hiện nay, thế thời đã đổi, thế giới đã mở rộng muôn phương. Đoàn thuyền ra biển lớn phần đông đều đi theo một hướng. Và hướng đi ấy phù hợp với quy luật phát triển của một thế giới mới với những tư duy mới. Phải dũng cảm buông bỏ mọi sự chuyển dịch vu vơ hay áp đặt vô lối để củng cố và phát triển bản sắc của mình, phải vứt bỏ sợi dây vô hình hay hữu hình đang trói buộc mình thì bàn tay khối óc mới được giải phóng, sự độc lập và sáng tạo mới được thành tựu vẻ vang. Đó là tầm nhìn, là tư duy, là quyết sách…và đó chính là văn hóa.

Nếu như chỉ mê muội sùng kính những thứ người ta đã phải vứt bỏ đi, thì mãi lếch thếch lôi thôi theo sau người khác thì cũng là điều sẽ không tránh khỏi!

Quốc sỉ Việt Nam:  Quốc gia tự tôn - Mỗi người tự trọng - Dân tộc đại đoàn kết -  Tổ quốc tự cường

Mọi dân tộc đều có lòng yêu nước mãnh liệt, chỉ với một ngày kỷ niệm hằng năm, khi đối đầu với một quốc gia thù địch lâu đời, hoặc chỉ đơn giản là một câu nhận xét vu vơ, lòng tự tôn ấy lại trỗi dậy.

Nếu không bắt đầu từ lịch sử và triết học thì mối quan hệ của con dân với Tổ quốc, lòng yêu nước, rất khó để cắt nghĩa. Đó chính là sự vận động của văn hóa. Mối liên kết của mỗi người đối với tinh thần dân tộc cũng như văn hóa của nước nhà đều rất sâu sắc và độc đáo. Lòng yêu nước vẫn luôn tồn tại trong mỗi người.  Mọi người ai cũng muốn có lòng tự tôn cao – nhưng trau dồi nó là một điều khó khăn hơn chúng ta nghĩ. Nhiều người trong chúng ta nhận ra tầm quan trọng của việc nâng cao cảm thụ của mình về giá trị của bản thân. Khi lòng tự tôn của chúng ta cao hơn, chúng ta không những cảm thấy tốt hơn về mình, mà chúng ta còn trở nên kiên cường hơn nữa.  Rất hiếm thấy dân tộc nào như dân tộc Việt, vì dù bị hơn ngàn năm đô hộ bởi phong kiến phương Bắc, rồi một thế kỷ thực dân cũ, mới… nhưng vẫn không “đồng hóa” được dân tộc này bởi lòng tự hào, tự tôn dân tộc đã trở thành bộ gen di truyền của người Việt Nam

Tuy lòng tự tôn cao là một điều tuyệt vời, nhưng việc nâng cao nó không phải là điều đơn giản. Sự tự tin thái quá - như những người ái kỷ - thì lại trở nên mong manh, rất dễ bị tổn thương. Đó chính là sự cân bằng của văn hóa.

Ý thức tự tôn dân tộc là ý thức về sự tồn tại vững bền, sức sống mãnh liệt của dân tộc, bảo vệ cội nguồn, đề cao những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, trước hết là những giá trị về lòng yêu nước, cần cù, sáng tạo, về lòng nhân ái, khoan dung, hiếu học; tự hào về truyền thống lịch sử, đấu tranh dựng nước, giữ nước và đấu tranh cách mạng của dân tộc; tinh thần sẵn sàng bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tinh thần tự giác trong đề phòng, ngăn chặn, đẩy lùi và làm thất bại hoàn toàn mọi âm mưu, hành động xâm phạm tới lợi ích của quốc gia dân tộc.... Ý thức tự tôn dân tộc còn thể hiện ở sự tự giác sống và làm việc theo hiến pháp, pháp luật, theo các chuẩn mực đạo đức, phong tục, tập quán của cộng đồng dân tộc, biết tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới có chọn lọc, giữ gìn và quảng bá hình ảnh và nét đẹp của dân tộc, tạo hình ảnh đẹp và tin cậy với bạn bè quốc tế trong giao lưu, hội nhập.

Sự kiện dân tộc Việt Nam không bị đồng hóa và giành lại được độc lập sau gần một nghìn năm Bắc thuộc là một sự kiện hy hữu trên thế giới. Sau khi giành được độc lập, quá trình này được tiếp nối không chỉ ở các cuộc kháng chiến vệ quốc, mà còn ở các nỗ lực giữ gìn ngôn ngữ, văn hóa ở các triều đại sau này. Cũng cần lưu ý rằng, chủ nghĩa dân tộc, nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh, như “ là động lực lớn của đất nước... Phát động chủ nghĩa dân tộc bản xứ nhân danh Quốc tế Cộng sản... Khi chủ nghĩa dân tộc của họ thắng lợi... nhất định chủ nghĩa dân tộc ấy sẽ biến thành chủ nghĩa quốc tế” đóng vai trò như một chất keo quan trọng kết dính khối đoàn kết quốc gia.

Việt Nam sẽ không tồn tại mà thiếu đại đoàn kết dân tộc, và cho dù có phép màu kinh tế để năm 2045 trở thành nước công nghiệp có thu nhập cao cũng sẽ không thành hiện thực nếu thiếu lòng tự hào dân tộc, lòng yêu nước nồng nàn của hai thế hệ thứ năm, thứ sáu, thứ bảy tương lai, trên nền móng bốn thế hệ kể từ khi lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1945. Chúng ta phải tự mình trở nên hùng cường!

Đó là nền móng để dân tộc Việt Nam tự tin trên hành trình phát triển cùng nhân loại.

Đó cũng chính là chiều sâu, là sức mạnh tiềm ẩn và hiện hữu của văn hóa tô thắm Quốc thể Việt Nam!

QUỐC THỂ TỎA SÁNG BẮT ĐẦU TỪ SỰ TỎA SÁNG CỦA VĂN HÓA MỖI CON NGƯỜI

Thể diện cá nhân chính là danh dự, sự tự hào của cá nhân về những giá trị cá nhân và xã hội mà cá nhân hàm chứa và thể hiện dù trong nước hay ở ngoài nước. Khi một người đã có thể diện cá nhân tức là tư cách và danh dự, cái làm cho người khác qua đó và từ đó coi trọng bản thân họ, khi sống và giao tiếp ở trên đời, trực tiếp làm nên Quốc thể Việt Nam.

Dó đó, hơn lúc nào hết, mỗi người cần thiết tự mình:

Giữ lấy liêm sỉ cá nhân. Nếu mỗi người không có liêm sỉ, nói như cổ nhân, thì không thành người được. Không nuôi dưỡng liêm sỉ, lương tri, nó sẽ chết dần chết mòn. Khi đó, những thứ khác - những thứ trong lòng người khi không còn bị đạo đức luân lý trói buộc - chúng sẽ khuynh đảo và có thể nuốt chửng con người. Nếu bản thân mỗi người vứt bỏ cái tự tôn (mà hiện nay không ít người cho rằng nó “không đáng một xu kia”(!) để mưu chiếm đoạt lợi ích kinh tế đơn thuần, chức quyền chính trị bằng mọi giá), nhưng với những người có liêm sỉ không thể và không bao giờ làm được. Họ không thể cúi đầu, không thể khom lưng, không thể quỳ gối trong giao tiếp hay bang giao ở ngoài lãnh thổ, vì sự liêm sỉ hay lòng tự trọng ở họ rất lớn, lớn đến mức buộc họ phải thẳng lưng, ngẩng cao đầu sống và khẳng định cá nhân mình và không làm nhục Quốc thể. Nếu không còn lòng tự trọng, không còn lương tri, không còn liêm sỉ, thử hỏi chúng ta sẽ còn gì nữa?

Giữ thể diện cho người cũng chính là tăng thể diện cho chính mình. Rất nhiều người cứ thích tự tôn mình thái quá, thậm chí ái kỷ, rồi hạ thấp, thậm chí công kích, cho mình cái quyền xỉ vả người khác, từ chỗ khiến họ mất mặt rồi tới vạch trần nhau, đối địch nhau thành kẻ thù… Người thông minh không nói lời kết luận chắc chắn, không nói những lời đoạn tuyệt, cũng không nói đến mức khiến đối phương không còn đường lui, thậm chí “bẽ mặt”, rồi “mất mặt”. Làm như thế nhất định gây tổn hại rất lớn đến lòng tự tôn, làm mất đi thể diện – một điều tối kỵ, nhất là đối với người nước ngoài trong giao lưu hợp tác kinh tế hay chính trị hay các trong các mối bang giao quốc tế. Là con người, ai cũng có lòng tự trọng. Ngay người hành khất trên đường cũng không muốn bị ai dè bỉu, xem khinh, hạ thấp, khi họ xin ăn. Người có tầm nhìn xa sẽ không chỉ giao tiếp có mực thước, gìn giữ các mối quan hệ tốt đẹp, mà còn biết suy nghĩ cho người khác, biết giữ gìn cho người khác, thậm chí cả đối phương một khoảng không gian riêng, một thể diện cá nhân riêng. Nghĩa là thấm đẫm văn hóa.   

Giữ thể diện cho người cũng là nâng cao bản thân mình. Giữ thể diện cho người là yếu tố quan trọng trong giao tiếp, nhưng tiếc rằng chỉ có rất ít người suy nghĩ thận trọng về vấn đề này. Nhiều người thường thích ra vẻ ta đây, muốn gì làm nấy, bắt bẻ, doạ nạt… Trước mặt nhiều người, họ thường chỉ trích và hạ thấp người khác, không quan tâm rằng điều ấy có gây thương tổn lòng tự trọng của họ hay không. Thực ra, họ vô tình hoặc không biết rằng, thử đặt mình vào vị trí của đối phương, nói như cổ nhân: “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” (nghĩa là: Điều gì bản thân mình không muốn thì chớ làm cho người khác) thì có thể câu chuyện về thể diện của mình và tất nhiên cả của người khác lại rất khác rồi.

Tựu trung lại, "thể diện" là gì? Nó là bộ mặt, là diện mạo, là gương mặt con người. Hình dung một cách hình ảnh, chung quanh thể diện, rất nhiều góc nhìn. Do đó, nếu hình dung cái "mặt" ấy sẽ có một đường ranh giới. Nếu rơi xuống phía dưới đường ấy tức là mất thể diện, cũng gọi là "bẽ mặt". Kẻ nào không sợ "bẽ mặt", tức là "muối mặt", mà cái nghĩa "bẽ mặt" thì lại tùy người, rất không giống nhau. Trái lại, nếu làm được việc gì vượt lên trên đường ấy, thì là "có thể diện", hơn nữa là "mở mặt". Quốc thể hay không nằm ở chính làn ranh rất mỏng manh này trong việc thực thi ngang tầm sứ mệnh văn hóa cá nhân hay không của mỗi một con người!

Vì, trên đời, cái điều luật “mở mặt” hay "bẽ mặt" lại càng có ý nghĩa to lớn, nhất là đối với những người thân mang trọng trách, nắm giữ vận mệnh quốc gia, trực tiếp tác động và tạo hiệu ứng tức thời tới thể diện quốc gia xã tắc: Nếu không làm vẻ vang quốc gia, rạng rỡ dân tộc thì cũng không được phép làm hổ thẹn quốc gia, làm nhục Quốc thể!

Đó chính là gương mặt văn hóa cá nhân – nhân tố làm nền văn hóa cộng đồng, văn hóa dân tộc và cũng là công việc trọng đại của văn hóa hiện nay!

*

*        *

Tổng hòa lại, đó chính chức năng thiên khải của “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, là sức mạnh nội sinh, là mục tiêu và là động lực để Việt Nam phát triển mạnh mẽ, bền vững và trở nên hùng cường trên nền móng văn hóa mấy nghìn năm của dân tộc, trong tầm nhìn năm 2045: Rạng rỡ vị thế và danh dự Việt Nam!

Quốc thể Việt Nam bắt đầu từ văn hóa và trở về với văn hóa, trong sứ mệnh của mỗi một con người, nhưng ở tầm vóc mới, rộng hơn và cao hơn.

Sự phát triển cao nhất của Quốc thể Việt Nam chạm tới đỉnh cao nhất của chính trị và cũng đồng thời chạm tới tầng sâu nhất của văn hóa gắn với sứ mệnh của mỗi một con người. Và, Quốc thể Việt Nam trở về với văn hóa, với mỗi người, như một lẽ tự nhiên. Vì, chính trị chính là văn hóa lúc này và cũng như của mọi thời đã qua và nhất định là sự bền vững của tương lai Việt Nam.

Và, Việt Nam không ngừng tỏa sáng!

Theo TS. Nhị Lê/Tạp chí Tuyên giáo

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều