Sứ Dứu Hạ Thái - Bí mật của cặp song sinh (Bài 5)

(Mặt trận) - Sứ Thanh Hoa vào đời Nguyên Chí Chính đã được sản xuất thành công đầu tiên tại trấn Cảnh Đức. Nó cũng là một trong các loại sứ được xếp vào dòng sứ Dứu Hạ Thái, do được vẽ hoa văn màu xanh dưới men.

Tuy nhiên, các thông tin về dòng sứ hoa xanh này ít được ghi chép lại trong các cổ văn. Hơn nữa, những sản phẩm sứ Thanh Hoa làm ra ở giai đoạn này không có ghi niên đại, nên dẫn đến việc không thể xác định rõ được trong những hiện vật sứ Thanh Hoa hiện có, cái nào thuộc về thời Nguyên Chí Chính, cái nào thuộc giai đoạn khác. Chính vì vậy, mà sự hiểu biết của hậu thế về loại sứ này cũng bị khiếm khuyết trong mấy trăm năm lịch sử. Thậm chí, hơn nửa thế kỷ trước đây, người ta vẫn chưa có căn cứ để xác định được: Thật ra có sứ Thanh Hoa đời Nguyên Chí Chính hay không?

 

Bức màn bí mật dần được hé lộ, khi vào những năm 1920-1930, một người Anh tên là Hobson tiết lộ rằng: có một đôi bình sứ Thanh Hoa, có ghi rõ niên đại đời Nguyên, đã “lưu lạc” đến Anh quốc, và quỹ Percival David của Anh đã sưu tầm được. Đó là một đôi bình sứ Thanh Hoa quai tai voi, cao 63,6cm, giống hệt nhau. Trên thân bình có hoa văn rồng phượng, cùng các họa tiết hoa cúc, hoa sen, hoa đỗ quyên uốn cong, cùng với lá chuối, lá sen biến hình.

Đời Nguyên trở về trước, các nghệ nhân chế tác sứ Trung Hoa chưa hình thành thói quen viết niên đại chế tác lên vật phẩm. Vì vậy việc phát hiện ra một hiện vật sứ Thanh Hoa có ghi rõ niên đại chế tác có một ý nghĩa vô cùng quan trọng. Vì những thông tin bằng văn tự ghi trên hiện vật tiết lộ cho thấy: Nó được sản xuất tại trấn Cảnh Đức vào đời Nguyên Chí Chính. Tuy nhiên, có một việc thật đáng buồn là: Do báo cáo của Hobson quá sơ lược, lại chưa có những tư liệu để đối chứng, nên thiếu đi sức thuyết phục. Vì vậy mà sự kiện này chưa gây được sự chú ý, coi trọng của giới nghiên cứu nghệ thuật đương thời.

Sự việc dần chìm vào quên lãng. Cho mãi đến năm 1950, khi một tiến sĩ người Mỹ tên là Popper, đã lấy chính cặp bình sứ Thanh Hoa mà trước đây Hobson phát hiện ra để làm tiêu chuẩn cho việc tiến hành cuộc nghiên cứu, nhằm loại trừ đối với các sàn phẩm sứ Thanh Hoa khác do Trung Hoa sản xuất trong bộ sưu tập của Viện bảo tàng Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Nhà nghiên cứu này đã xếp các sàn phẩm sứ Thanh Hoa mà hai bảo tàng này hiện có, cái nào có cùng đặc trưng phong cách với sản phẩm tiêu chuẩn nêu trên, thì được xếp vào loại sứ Thanh Hoa Chí Chính hình.
Sự khẳng định của nhiều nhà nghiên cứu đối với cặp bình làm sản phẩm tiêu chuẩn này, cộng với những phát hiện mới của nghành khảo cổ, mà sứ Thanh Hoa đời Nguyên Chí Chính mới dần dần được mọi người biết đến.

Có một nghịch lý là: Tuy sứ Thanh Hoa đời Nguyên được làm ra ở Trung Hoa, nhưng ngày nay phần nhiều lại đang hiện diện trong các viện bảo tàng ở nước ngoài. Còn các viện bảo tàng ở Trung Quốc lại lưu giữ không tới 100 món. Đó là một hiện tượng văn hoá rất đặc biệt, mà tôi sẽ trình bày trong phần kế tiếp.

Mời Quý độc giả cùng chiêm ngưỡng một số hình ảnh về dòng sứ này:

 
 
 
 
 

 

 
 
 
 
 

 

 
 

Nhà sưu tầm, nghiên cứu về gốm sứ cổ Thanh Quang

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều