Thúc đẩy bình đẳng giới trong đồng bào dân tộc thiểu số tại Việt Nam

Trong nhiều năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, vấn đề bình đẳng giới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã đạt được những kết quả tích cực, được bạn bè quốc tế ghi nhận. Đây là cơ sở quan trọng để Việt Nam thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Phụ nữ dân tộc Dao tham gia dự án GREAT nhằm hướng tới sự phát triển kinh tế và bình đẳng giới. (Ảnh: Báo Nhân Dân)

Thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc

Việt Nam có 53 dân tộc thiểu số chiếm khoảng 14% dân số cả nước, cư trú đan xen ở 51 tỉnh, thành phố. Địa bàn cư trú chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và tây Duyên hải miền trung, chiếm 3/4 diện tích cả nước. Việc thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc trong nhiều năm qua đã góp phần quan trọng ổn định, cải thiện, nâng cao mọi mặt đời sống của đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới và sự phát triển đất nước.

Nổi bật là đến thời điểm hiện nay, 98,4% xã có đường ô-tô đến trung tâm; trên 98% hộ dân tộc thiểu số được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% xã có trường lớp mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở; 99,3% xã có trạm y tế; trên 90% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình; 100% xã có hạ tầng viễn thông và được phủ sóng di động đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân. Đời sống vật chất và tinh thần đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo của các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn giảm trung bình 3-4% năm. Tính đến hết tháng 8/2018, có 1.052 xã vùng dân tộc thiểu số, miền núi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 22,29%.

Đánh giá tổng thể số liệu được phân tích qua điều tra kinh tế-xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2019, có thể thấy những thành tựu đáng kể trong sự phát triển về phát triển kinh tế-xã hội đã tạo ra những tác động tích cực cho công tác bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số và cũng tạo ra những chuyển biến nhất định từ kết quả thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. Đặc biệt, chính sách giáo dục và y tế đã giúp cho phụ nữ dân tộc thiểu số được tiếp cận một cách bình đẳng và dễ dàng hơn.

Với chức năng là quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc trong phạm vi cả nước, thời gian qua, Ủy ban Dân tộc đã chủ động phối hợp các bộ, ban, ngành Trung ương phối hợp thực hiện nhiệm vụ liên quan chăm sóc, nâng cao chất lượng y tế, văn hóa, giáo dục đối với phụ nữ là đối tượng thuộc nhóm dễ bị tổn thương.

Bên cạnh đó, Ủy ban Dân tộc tiếp tục thực hiện tốt các chương trình, đề án, chính sách được giao quản lý hoặc chủ trì triển khai thực hiện có nội dung liên quan giới, bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số và miền núi như: Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025” (Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015); Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025” (Quyết định số 1898/QĐ-TTg ngày 28/11/2017).

Từ năm 2022, Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021-2025 được triển khai thực hiện. Chương trình gồm 10 dự án, trong đó có dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” và Tiểu dự án 9.2 “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.

Khen thưởng các cặp vợ chồng tiêu biểu tại cuộc thi tìm hiểu về bình đẳng giới tại huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai). (Ảnh: Báo Nhân Dân)

Những chuyển biến tích cực

Được sự quan tâm của các cấp, các ngành và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai đồng bộ nhiều chương trình, chính sách, đề án phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã góp phần thúc đẩy bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ đó góp phần nâng cao vai trò và vị thế của phụ nữ dân tộc thiểu số trong mọi mặt của đời sống xã hội, cụ thể như sau:

Lĩnh vực chính trị

Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị của cán bộ nữ toàn quốc. Số lượng cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số là Ủy viên Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội liên tục tăng qua các khóa gần đây. Nhiều cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số được tín nhiệm bầu, bổ nhiệm giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước.

Đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số ở cấp Trung ương hiện nay, tổng số cán bộ nữ ở các cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương là 7.521 người, trong đó có 17,5% giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ cấp vụ trở lên. Một số cơ quan có tỷ lệ cao như Thông tấn xã Việt Nam (41,8%), Đài Tiếng nói Việt Nam (25,2%), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (24,1%).

Ở cấp tỉnh, tổng số cán bộ nữ là 5.814 người, trong đó có 714 người, giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ cấp sở và tương đương trở lên (12,3%). Một số tỉnh, thành phố có tỷ lệ nữ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh đạt cao như: Lạng Sơn (24,4%), Lào Cai (19,1%), Hải Phòng (18,3%), Cần Thơ (18%).

Ở cấp huyện có 249 người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong 2.495 cán bộ nữ (10%); tương đương là 3.030/29.224 người ở cấp xã (tương đương 10,4% cán bộ nữ).

Lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm

Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2015-2020, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, Chương trình 135, Chương trình 30a,… Trong giai đoạn này, vai trò và tiếng nói của phụ nữ tham gia vào quá trình lập kế hoạch, thực hiện và giám sát các công trình đã được chú trọng, được bộ ngành lồng ghép vào các văn bản hướng dẫn thực hiện như quy định tỷ lệ nữ trong ban chỉ đạo, ban giám sát...

Về lao động và việc làm, đặc điểm nổi bật của người dân tộc thiểu số là tham gia làm việc từ độ tuổi rất trẻ. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên có việc làm năm 2015 đạt tới 87,55% (nam 91,81% và nữ 83,41%)[1], cao hơn đáng kể so tỷ lệ tương ứng của người Kinh là 74,92% (nam 79,10% và nữ 71,10%)[2]. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động qua đào tạo ở cả nam và nữ dân tộc thiểu số đều ở mức thấp (89,7% không có trình độ chuyên môn kỹ thuật)[3].

Khả năng tiếp cận thị trường giúp phụ nữ dân tộc thiểu số đóng góp vào kinh tế gia đình cũng là một trong những yếu tố tác động tích cực đến việc nâng cao vị thế của người phụ nữ dân tộc thiểu số trong gia đình và xã hội.

Lĩnh vực giáo dục và đào tạo

Chất lượng nguồn nhân lực nữ được nâng cao, từng bước bảo đảm sự tham gia bình đẳng giữa nam và nữ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Có được kết quả này là nhờ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong việc xây dựng và ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như: Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 quy định về chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn bản đặc biệt khó khăn; Nghị định 57/2017/NĐ-CP quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh, hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số rất ít người…

Hội LHPN huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang) tổ chức Tết sum vầy cho phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số. (Ảnh: Báo Nhân Dân)

Các chương trình, dự án, chính sách của nhà nước đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của con em đồng bào dân tộc thiểu số. Mạng lưới trường mầm non, trường phổ thông ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được củng cố, mở rộng, nhất là các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, dự bị đại học dân tộc; chất lượng giáo dục của các trường được nâng lên một bước.

Tuy nhiên, giáo dục và đào tạo tại vùng dân tộc thiểu số vẫn còn một số vấn đề bất cập như: tỷ lệ người dân tộc thiểu số biết đọc biết viết tiếng phổ thông là 81,5%, trong đó nam dân tộc thiểu số 87%, nữ dân tộc thiểu số 76%. Như vậy, nữ dân tộc thiểu số biết chữ và tiếng phổ thông ít hơn đáng kể so nam dân tộc thiểu số. Một số dân tộc thiểu số biết chữ và tiếng phổ thông thấp dưới 50% như: La Hủ, Lự, Mảng[4].

Tỷ lệ lao động người dân tộc thiểu số đã qua đào tạo thấp, trung bình đạt khoảng 10,3%, mới bằng gần 1/3 so tỷ lệ trung bình của lực lượng lao động cả nước. Một số dân tộc thiểu số có tỷ lệ lao động đã qua đào tạo ở mức rất thấp như: Brâu, Mảng, Xinh Mun, La Hủ[5]. Theo kết quả điều tra thực trạng kinh tế-xã hội 53 dân tộc thiểu số, năm 2019, toàn vùng dân tộc thiểu số có 1.709 thạc sĩ so tổng số khoảng trên 30.000 thạc sĩ tốt nghiệp hằng năm trên cả nước, tỷ lệ khoảng 5%, trong số liệu này chưa có phân tích giới.

Lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe

Y tế cũng là lĩnh vực được Chính phủ quan tâm đầu tư tại vùng dân tộc thiểu số, đến nay đã đạt được các kết quả quan trọng như: có gần 6 triệu người dân tộc thiểu số có thẻ bảo hiểm y tế, phần lớn nhờ chính sách cấp bảo hiểm y tế miễn phí cho người dân tộc thiểu số sinh sống tại những địa bàn khó khăn, trong đó tỷ lệ người dân tộc thiểu số có sử dụng thẻ bảo hiểm y tế đi khám chữa bệnh khoảng trên 90%.

Mặc dù vậy, tỷ lệ phụ nữ dân tộc thiểu số khám thai và sinh con tại cơ sở y tế vẫn thấp hơn so mặt bằng chung của cả nước: năm 2015 tỷ lệ khoảng 70%, đến năm 2019 được cải thiện với gần 90%[6] phụ nữ dân tộc thiểu số từ 15-49 tuổi có đến khám thai và sinh con tại cơ sở y tế.

Tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em dân tộc thiểu số còn cao, gần 1/3 trẻ em dân tộc thiểu số thiếu dinh dưỡng thể thấp còi, tỷ lệ này cao gấp 2 lần so trẻ em người Kinh; đồng thời tỷ lệ trẻ thiếu dinh dưỡng nhẹ cân ở trẻ em dân tộc thiểu số cũng lên đến 21%, cao hơn 2,5 lần so với nhóm trẻ người Kinh[7].

Lĩnh vực văn hóa và thông tin

Lĩnh vực thông tin, truyền thông vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có bước phát triển nhanh, cơ bản đáp ứng nhu cầu thông tin, liên lạc của nhân dân. Từ năm 2016 đến nay, đã chuyển phát 18 loại ấn phẩm báo, tạp chí với số lượng 51,2 triệu tờ; kênh VTV5 - Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất và phát sóng hầu hết các ngày trong tuần, gồm 22 thứ tiếng dân tộc thiểu số; có hơn 16.000 điểm giao dịch bưu chính viễn thông, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống.

Cùng sự phát triển chung của cả nước, tỷ lệ hộ gia đình người dân tộc thiểu số sử dụng điện thoại tăng lên đáng kể trong giai đoạn 2010-2018, tuy nhiên tỷ lệ hộ có điều kiện sử dụng điện thoại và các phương tiện nghe nhìn như tivi, đài phát thanh không đồng đều. Một số nhóm dân tộc có tỷ lệ hộ có điện thoại ở mức dưới 40%, thấp hơn nhiều so mức bình quân chung của cả nước[8].

Bình đẳng giới trong đời sống gia đình, từng bước xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới

Ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các hoạt động truyền thông dân số-kế hoạch hóa gia đình, các vấn đề về giới, bình đẳng giới, bất bình đẳng giới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội được triển khai với nhiều nội dung và hình thức đa dạng, phong phú thu hút sự quan tâm của nam và nữ giới trong việc thực hiện công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình. Nhiều hoạt động truyền thông, vận động được các bộ, ngành và địa phương linh hoạt, chủ động thực hiện bằng nhiều hình thức sáng tạo, tranh thủ lồng ghép vào các chương trình, dự án chính sách khác đang triển khai tại vùng dân tộc thiểu số, từ đó nâng cao hiệu quả, góp phần hoàn thành các mục tiêu về bình đẳng giới.

Tuyên truyền công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình vùng dân tộc thiểu số. (Ảnh: Báo Nhân Dân)

Những khó khăn, thách thức và nhiệm vụ đặt ra

Việt Nam là quốc gia có nhiều dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc lại có văn hóa, tiếng nói, chữ viết riêng, vì vậy việc xây dựng chính sách bình đẳng giới đồng bộ và phù hợp với tất cả các dân tộc, vùng miền có nhiều trở ngại. Mặt khác, đồng bào dân tộc thiểu số thường cư trú ở vùng sâu, vùng xa, vùng địa bàn đặc biệt khó khăn, đại bộ phận đời sống của các gia đình dân tộc thiểu số vẫn còn khó khăn, nhiều người không biết tiếng phổ thông. Bên cạnh đó, sự tồn tại của những phong tục tập quán, tín ngưỡng, hủ tục lâu đời trong đời sống đồng bào các dân tộc cũng là nguyên nhân gây khó khăn để đạt được các mục tiêu về bình đẳng giới.

Tại một số địa phương, nhận thức số cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên về bình đẳng giới chưa đầy đủ, chưa quan tâm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới.

Đội ngũ làm công tác bình đẳng giới ở cơ sở chủ yếu làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, phần lớn chưa được đào tạo bài bản, thiếu kỹ năng, trình độ, năng lực còn nhiều hạn chế, am hiểu chưa sâu về truyền thống văn hóa, phong tục tập quán và tiếng nói của đồng bào dân tộc thiểu số nên việc tổ chức triển khai thực hiện công tác bình đẳng giới ở địa phương gặp nhiều khó khăn.

Việc xây dựng, triển khai kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Chiến lược, chương trình quốc gia về bình đẳng giới của cơ quan chức năng có liên quan còn chậm, nguồn kinh phí hạn hẹp nên khó khăn trong việc triển khai thực hiện ở vùng dân tộc và miền núi.

Thực tiễn trên đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ cần thực hiện trong thời gian tới, đó là: Tập trung triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án, chính sách phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm cải thiện đời sống kinh tế-xã hội góp phần thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tiếp tục tăng cường, kiên trì đẩy mạnh truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức về bình đẳng giới tại vùng dân tộc thiểu số bằng nhiều hình thức sáng tạo, phù hợp với ngôn ngữ, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số. Cung cấp tài liệu, sản phẩm truyền thông về bình đẳng giới có chất lượng hướng tới đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số.

Chú trọng bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác dân tộc và bình đẳng giới ở cấp cơ sở. Áp dụng, nhân rộng những mô hình hay, hiệu quả tại cấp cơ sở để lan tỏa tới cộng đồng những thông điệp ý nghĩa về bình đẳng giới.

-------------

[1] Tổng cục Thống kê, Điều tra thực trạng kinh tế-xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2015.

[2] Tổng cục Thống kê, Điều tra thực trạng kinh tế-xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2015 và Điều tra Lao động-Việc làm miền núi năm 2015.

[3] Kết quả sơ bộ điều tra thực trạng kinh tế-xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2019.

[4] Điều tra thực trạng kinh tế-xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2019.

[5] Điều tra thực trạng kinh tế-xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2019.

[6] Theo kết quả điều tra thực trạng kinh tế-xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2015, và năm 2019.

[7] Theo Ngân hàng Thế giới, năm 2019.

[8] Báo cáo Đánh giá 3 năm thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế- xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi (Số 421/BC-CP ngày 23/9/2018 của Chính phủ).

Theo Báo Nhân Dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều