Ảnh minh họa
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 21/11/2007, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2008. Luật PCBLGĐ nhằm phòng ngừa, ngăn chặn hành vi BLGĐ, góp phần quan trọng để xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc theo chủ trương, đường lối của Đảng đã đề ra. Mặt khác, điều này cũng thể hiện tinh thần tiên phong của Đảng và Nhà nước ta trong thực hiện những vấn đề cơ bản trong hiến chương của Liên hợp quốc về quyền con người và các điều ước, công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Nhiều việc vụ BLGĐ đã được xử lý nghiêm minh và trách nhiệm PCBLGĐ đến nay không còn chỉ là nhiệm vụ riêng của một ngành, một cấp mà thuộc trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, BLGĐ vẫn còn là một vấn đề nhức nhối, nan giải ở Việt Nam. Nhiều vụ việc xuất hiện những hành vi BLGĐ có mức độ gây hại nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, tinh vi, khó lường và khó xử lý bằng các quy định pháp luật hiện hành. Dữ liệu thống kê, nghiên cứu về BLGĐ do các cơ quan, tổ chức thực hiện cho thấy những bức tranh hết sức phức tạp, thậm chí còn mâu thuẫn với nhau. Vấn nạn BLGĐ có xu hướng trầm trọng hơn, đa dạng hơn, phức tạp hơn đã và đang để lại những hậu quả thương tâm, đau xót cho nhiều gia đình, gây ra nhiều hệ lụy. Nếu không được giải quyết kịp thời, BLGĐ sẽ đe doạ đến sự phát triển bền vững của gia đình, làm xói mòn các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc, làm suy yếu động lực phát triển và là một rào cản đối với tiến trình xây dựng xã hội văn minh, phát triển lành mạnh.
Một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng nêu trên là do các quy định, chính sách trong Luật PCBLGĐ hiện hành còn tồn tại nhiều bất cập, không phù hợp với thực tiễn phát triển của xã hội Việt Nam giai đoạn hiện nay. Quá trình thi hành Luật cũng xuất hiện nhiều hạn chế, đặc biệt là vấn đề trách nhiệm và công tác phối hợp liên ngành trong PCBLGĐ.
Trong bối cảnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành nghiên cứu, đánh giá thực trạng việc thực hiện Luật PCBLGĐ tại tỉnh Hưng Yên và Kiên Giang. Kết quả cho thấy có những bất cập trong quá trình thực thi Luật PCBLGĐ và những phát sinh mới từ thực tiễn đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung Luật PCBLGĐ cho phù hợp.
|
Ảnh minh họa.
|
CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT VỀ PCBLGĐ
Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống BLGĐ là một trong những giải pháp quan trọng giúp tăng cường nhận thức cho người dân, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể về công tác phòng, chống bạo lực gia đình.
|
Tỷ lệ người dân tiếp cận nội dung thông tin, phổ biến, tuyên truyền luật pháp về phòng, chống bạo lực gia đình (%)
|
Tuy nhiên, kết quả khảo sát cho thấy gần 40% người trả lời cho rằng họ không tiếp cận được (30%) hoặc không nhớ (8%) về các thông tin, tuyền truyền về phòng, chống BLGĐ trong 12 tháng qua. Những người cho biết không tiếp cận được thông tin, tuyên truyền phổ biến pháp luật về phòng, chống BLGĐ là do chủ yếu bận rộn công việc không để ý (59,1%), một số người khác do không thấy thông báo trên loa phát thanh và trên các phương tiện truyền thông đại chúng (28,8%). Điều đáng nói là có một bộ phận người dân cho biết không quan tâm đến vấn đề này (16,6%).
Mặc dù đã có nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến thông tin, song hiệu quả còn chưa cao. Một bộ phận người dân tiếp cận được các thông tin về PCBLGĐ, tuy nhiên phần lớn chỉ hiểu biết một chút (45,8%) và thậm chí có một bộ phận không hiểu gì (13,5%) về quyền và nghĩa vụ đối với việc thực hiện Luật PCBLGĐ.
Điều này gợi ý rằng cần phải linh hoạt hơn trong công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về pháp luật PCBLGĐ theo hướng vừa trao đổi, vừa hỏi đáp, tức là cần có sự tương tác giữa người tuyên truyền và người dân và tổ chức truyên truyền ở quy mô nhỏ trong từng cộng đồng dân cư cũng như chú trọng vào các nội dung, quy định trong Luật PCBLGĐ.
CÔNG TÁC CAN THIỆP VÀ XỬ LÝ VỤ VIỆC BLGĐ
Hiện nay, các thủ tục hành chính và điều kiện để xử lý vụ việc bạo lực gia đình trong Luật hiện hành còn khá phức tạp. Nhiều người bị BLGĐ ngại tiếp xúc với chính quyền vì không biết phải trình bày thế nào và bị người gây bạo lực đe dọa nếu viết đơn hoặc tố cáo. Luật hiện hành quy định khi áp dụng biện pháp cấm tiếp tục thì phải có đơn đề nghị. Việc quy định viết đơn trong áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc là thủ tục hành chính không cần thiết gây khó khăn cho chính người bị bạo lực cũng như các cơ quan chức năng. Luật cũng không quy định rõ ai là người phải ra khỏi nhà khi xảy ra bạo lực gia đình, trong khi đó, hầu hết các vụ bạo lực gia đình, người phải ra khỏi nhà lại là người bị bạo lực.
Luật hiện hành có quy định các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ được áp dụng kịp thời để bảo vệ người bị bạo lực gia đình, chấm dứt hành vi bạo lực gia đình, giảm thiểu hậu quả do hành vi bạo lực gây ra. Tuy nhiên, các biện pháp này thiếu khả thi trong thực tiễn, đặc biệt là các biện pháp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 19. Việc phát hiện, báo tin về bạo lực gia đình quy định tại Điều 18 Luật hiện hành cũng chưa làm rõ nội dung về trách nhiệm xác minh, xử lý tin báo về vụ việc bạo lực gia đình. Thực tiễn cho thấy đây là một bước rất quan trọng, ảnh hưởng tới tính kịp thời và hiệu quả của việc ngăn chặn, xử lý vụ việc bạo lực gia đình.
Kết quả khảo sát cho thấy công tác can thiệp và xử lý vụ việc BLGĐ còn nhiều hạn chế, trong đó nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ bất cập của những quy định nói trên. Mặt khác, việc can thiệp và xử lý vụ việc BLGĐ ở địa phương hiện nay cũng chưa có sự thống nhất rõ ràng giữa các cơ quan, ban, ngành, tổ chức đoàn thể.
Khi được hỏi về việc tham gia hoặc chứng kiến những người tham gia vào việc can thiệp và xử lý vụ việc BLGĐ ở địa phương, một bộ phận lớn người dân cho biết họ chưa từng tham gia hoặc chứng kiến việc can thiệp và xử lý vụ việc BLGĐ. Còn đối với những người cho biết đã tham gia hoặc chứng kiến việc can thiệp và xử lý vụ việc BLGĐ thì chủ yếu cho biết là bạn bè, hàng xóm và các tổ chức đoàn thể, tổ hòa giải can thiệp và xử lý vụ việc BLGĐ, còn vai trò của công an tham gia can thiệp và xử lý vụ việc BLGĐ còn chưa được thể hiện rõ (Hình 3).
|
Tỷ lệ người dân tham gia hoặc chứng kiến người can thiệp và xử lý vụ việc BLGĐ (%)
|
BẢO VỆ, HỖ TRỢ NGƯỜI BỊ BLGĐ
Luật hiện hành quy định các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân BLGĐ tại Chương III về Bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân BLGĐ. Tuy nhiên, khi đưa vào triển khai thực hiện các quy định này đã bộc lộ nhiều bất cập. Thứ nhất, các thủ tục hành chính và điều kiện để xử lý vụ việc BLGĐ còn phức tạp. Kết quả nhiều nghiên cứu, khảo sát cho thấy người bị BLGĐ không tố cáo hành vi BLGĐ bởi không biết phải trình bày thế nào, phải viết đơn, thậm chí bị người gây bạo lực đe dọa nếu viết đơn hoặc tố cáo. Kết quả Điều tra quốc gia về Bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy 90,4% phụ nữ từng bị chồng/bạn tình bạo lực không tìm kiếm bất cứ sự giúp đỡ nào.
Hình thức phạt tiền đối với người có hành vi BLGĐ chưa được quy định cụ thể. Trong nhiều trường hợp, người bị bạo lực là người đứng ra nộp phạt và số tiền nộp phạt lấy từ tài sản chung của gia đình. Điều này khiến cho nạn nhân không muốn tố cáo hành vi BLGĐ trong lần tiếp theo và cũng không giúp cho việc răn đe, giáo dục với thủ phạm. Nhiều quốc gia trên thế giới quy định tiền nộp phạt vi phạm BLGĐ phải lấy từ tiền riêng của thủ phạm và hạn chế việc sử dụng các biện pháp phạt bằng tiền thay cho việc kết án. Hơn nữa, việc phạt tiền chỉ là một phần của hình phạt dành cho các hành vi BLGĐ.
|
Ảnh minh họa.
|
Bạo lực gia đình có nguyên nhân sâu xa từ bất bình đẳng giới trong gia đình. Các yếu tố lạm dụng rượu, bia và xử lý hành vi vi phạm không nghiêm minh là những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ bạo lực gia đình ngày càng gia tăng về số lượng, mức độ nghiêm trọng hơn và nhiều vụ việc không được xử lý thích đáng, hoặc bị lãng quên, bỏ mặc đằng sau cánh cửa gia đình. Việc hỗ trợ, giúp đỡ người có hành vi bạo lực gia đình sau khi bị xử lý theo quy định của pháp luật để họ không tái diễn cũng là một biện pháp phòng ngừa bền vững song chưa được quy định trong Luật hiện hành. Các địa điểm như nhà tạm lánh, địa chỉ tin cậy chưa phát huy được hết hiệu quả. Kết quả khảo sát tại Hưng Yên và Kiên Giang cho thấy có 78,8% người được hỏi không biết đến nhà tạm lánh hoặc địa chỉ tin cậy ở cộng đồng.
CÔNG TÁC PHỐI HỢP LIÊN NGÀNH TRONG PCBLGĐ
Luật hiện hành có 12 điều để quy định trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, sự liên kết giữa các cơ quan, tổ chức chưa được đề cập dẫn đến công tác phòng, chống bạo lực gia đình còn thiếu đồng bộ, nhất là trong việc báo tin, xử lý vụ việc BLGĐ. Hiện nay, tại cấp tỉnh, huyện, xã có ban chỉ đạo công tác gia đình, trong đó có thực hiện việc phòng, chống bạo lực gia đình nhưng ở trung ương lại chưa có ban chỉ đạo, khiến các địa phương thiếu sự hướng dẫn, chỉ đạo theo ngành dọc từ trung ương. Luật hiện hành cũng chưa quy định rõ vai trò điều phối về phòng, chống bạo lực gia đình của cơ quan quản lý nhà nước.
Nghiên cứu tại Hưng Yên và Kiên Giang cho thấy công tác báo tin và nơi nhận tin về vụ việc BLGĐ ở địa phương hiện nay còn chồng chéo, chưa thống nhất và chưa phát huy tính hiệu quả. Nhiều ý kiến cho rằng, để can thiệp, xử lý kịp thời vụ việc BLGĐ và giảm thiểu các thủ tục hành chính thì cần quy định rõ về nơi tiếp nhận tin về vụ việc BLGĐ. Theo đó, công an xã/phường là nơi tiếp nhận thông tin về các vụ việc BLGĐ được cho là phù hợp và trách nhiệm của công an là sẽ báo cáo và giải trình cho chủ tịch UBND xã/phường về các vụ việc đã tiếp nhận, phát hiện và can thiệp, xử lý.
Việc thực hiện tốt công tác phòng, chống BLGĐ ở mỗi địa phương còn phụ thuộc vào người đứng đầu cơ quan, tổ chức. Những địa phương có người đứng đầu cơ quan, tổ chức quan tâm nhiều đến công tác phòng, chống bạo lực gia đình thì các hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình được triển khai và đem lại những hiệu quả tích cực. Nghiên cứu của Viện Gia đình và Giới năm 2020 cũng chỉ ra rằng những địa bàn có triển khai Mô hình Phòng, chống bạo lực gia đình thì số vụ bạo lực gia đình giảm hơn so với những địa bàn không triển khai Mô hình.
KẾT LUẬN VÀ ĐỊNH HƯỚNG GIẢI PHÁP
Thứ nhất, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống BLGĐ đã được đẩy mạnh nhưng vẫn còn một bộ phận người dân chưa tiếp cận được. Bên cạnh đó, nội dung tuyên truyền, phổ biến thông tin chưa tập trung nhiều vào pháp luật về phòng, chống BLGĐ. Nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng chuyên sâu về pháp luật phòng, chống BLGĐ còn chưa được huy động tối đa trong công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin cho người dân. Do đó, cần đổi mới hình thức, nội dung và huy động tối đa sự tham gia của nhân lực có kiến thức, kỹ năng về pháp luật phòng, chống BLGĐ trong hoạt động này.
Thứ hai, quy trình và các quy định xử lý vụ việc BLGĐ còn nhiều bất cập và gây trở ngại lớn đối với các cơ quan liên quan trong việc phát hiện, báo tin và xử lý vụ việc BLGĐ. Công tác phát hiện và báo tin các vụ việc BLGĐ còn chậm, chồng chéo và chưa thống nhất nơi phụ trách nhận tin, do đó dẫn đến việc xử lý các vụ việc BLGĐ chậm trễ. Do đó, cần phải quy định rõ ràng nơi nhận tin và người chịu trách nhiệm can thiệp và xử lý vụ việc BLGĐ và việc tố giác người có hành vi BLGĐ được chấp nhận với nhiều hình thức khác nhau.
Thứ ba, cần có những quy định, chương trình, kế hoạch cụ thể về bảo vệ, hỗ trợ người bị BLGĐ, bổ sung quy định về bảo vệ, hỗ trợ người tham gia công tác PCBLGĐ; quy định rõ về biện pháp cấm tiếp xúc dựa trên quan điểm lấy người bị BLGĐ làm trung tâm. Việc xử phạt hành chính (xử phạt tiền) đối với người có hành vi BLGĐ chưa thực sự khả thi trong thực tiễn bởi các hộ gia đình ở Việt Nam. Việc nghiên cứu, bổ sung các biện pháp xã hội để xử lý hành vi BLGĐ là hết sức cần thiết.
Thứ tư, cần kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về lĩnh vực gia đình ở cả trung ương và địa phương theo hướng tăng cường nguồn lực, tính chủ động trong quản lý nhà nước về gia đình, PCBLGĐ cũng như đẩy mạnh xã hội hóa công tác PCBLGĐ. Các tỉnh, thành cần tăng cường chỉ đạo, kiểm tra giám sát việc triển khai thực hiện các nội dung về PCBLGĐ, công tác gia đình. Đưa các chỉ tiêu về PCBLGĐ vào trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương, gắn việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về công tác gia đình với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm minh các vi phạm pháp luật về gia đình. Ngoài ra, cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về PCBLGĐ cho đội ngũ làm công tác gia đình trong các cơ quan Trung ương và địa phương./.
Trần Tuyết Ánh
TS, Vụ trưởng Vụ Gia đình - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Nguyễn Hoài Sơn
ThS, Chuyên viên Vụ Gia đình - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Theo Tạp chí Tuyên giáo