Lịch sử từng bị quên lãng
Người làng nghề vẫn truyền nhau rằng, nghề gốm Kim Lan còn có trước cả gốm Bát Tràng và đã từng mang lại sự giàu có cho địa phương, tuy nhiên chưa có ai chứng thực điều này. Mãi đến tận năm 1996, nước sông Hồng dâng lên ngập làng, đất bãi lở, một số người dân phát hiện được chum đựng tiền cổ chôn ở bờ sông.
Tiếp đó đến năm 1999, bờ sông tiếp tục lở, người ta lại phát hiện thêm những vò, chum, hũ đựng tiền cổ và cả những mảnh bát vỡ, bát nung quá lửa, đĩa, lọ… Ngay sau đó, chính quyền địa phương đã gửi văn bản và mẫu vật tới Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội, Viện Khảo cổ học để nhờ tra cứu lịch sử nghề gốm của Kim Lan.
Tháng 4/2000, Viện Khảo cổ học đã về nơi đây để tìm hiểu, khảo sát. Sau khi tiến hành khai quật khu bờ sông (thuộc xóm Đình, thôn 2), tiếp cận những cổ vật tìm được, các chuyên gia khảo cổ đã xác định gốm Kim Lan xuất hiện từ khoảng thế kỷ thứ IX đến hết thế kỷ thứ XVII và hưng thịnh nhất là khoảng thế kỷ XIII-XIV. Đến thế kỷ thứ XVIII, nghề gốm Kim Lan bị mai một do khó tiêu thụ, nên người dân đành chuyển sang trồng dâu nuôi tằm để mưu sinh...
Tuy vẫn có một số gia đình làm nghề từ trước khi các cổ vật được biết tới, song quy mô nhỏ, sản lượng ít, mẫu mã đơn giản nên ít tiếng tăm. Sau khi kết quả nghiên cứu được công bố, nhiều cuộc họp của chính quyền với các bậc cao niên và dân làng đã diễn ra, với mong muốn gây dựng lại nghề tổ, lúc đó, gốm Kim Lan mới thực sự được hồi sinh. Từ năm 2002 - 2009 là khoảng thời gian phát triển khá hưng thịnh của gốm sứ Kim Lan. Các sản phẩm thời kỳ này được xuất khẩu sang thị trường chính là Hàn Quốc, ngoài ra còn có Mỹ và Nhật Bản.
Đồ gốm Kim Lan xưa giá trị là bởi được làm thủ công, với công thức chế tác đơn giản với nguyên liệu tự nhiên, gồm: Tro trấu, vôi bột, bột đá nghiền; hoặc tro trấu, vôi bột, đất trắng, trộn rồi lọc lấy nước hỗn hợp. Bình hoa, bát, đĩa, ấm chén… sau khi nặn vuốt xong sẽ được nhúng vào nước hỗn hợp ấy rồi đem nung, sẽ cho ra sản phẩm có nước men trắng bóng, độ bền cao; nếu muốn có men rạn, thì giảm lượng tro trấu…
Anh Đào Văn Thịnh ở xóm 7 Kim Lan cho biết, trước đây không có vốn, cả làng có tới hơn 300 lò gốm bằng than, ngày nắng nóng cả làng như một cái “lò bát quái”, khói bụi mù mịt. Sản phẩm bị hỏng khá nhiều, chi phí công sản xuất cũng tăng cao. Nhưng từ khi chuyển sang lò nung bằng gas, đời sống của nhân dân ở đây khá lên rất nhiều, sản phẩm làm ra đạt chất lượng cao, vừa tiết kiệm năng lượng, vừa bảo vệ môi trường.
Thành quả này có sự giúp đỡ tích cực của Đại sứ quán Đan Mạch. Năm 2013, thông qua khoản vốn tài trợ 6,5 triệu USD thuộc chương trình Hỗ trợ đầu tư xanh, Đại sứ quán Đan Mạch đã tạo điều kiện giúp cho 30 gia đình làm nghề ở Kim Lan chuyển từ lò hộp sang lò gas. Cụ thể, 50 % số vốn cho các hộ gia đình chuyển đổi sẽ được tài trợ.
Ngay sau khi đã hoàn thành công nghệ, mỗi hộ xây dựng đạt tiêu chuẩn 100% được nhận ngay số tiền từ 130 - 200 triệu. Giai đoạn từ năm 2014 - 2017, tại đây nở rộ một phong trào thi đua xây dựng lò mới, chuyển đổi công nghệ. Bà con ai nấy cũng đều rất phấn khởi, tích cực mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đến nay hầu hết các hộ đều đã dùng lò gas thay cho lò đốt truyền thống.
Với 50 chuyến lò gas mỗi năm, đạt doanh thu trên 2 tỷ đồng, gia đình anh Nguyễn Đắc Dũng, thôn 5 xã Kim Lan cho ra thị trường hàng vạn sản phẩm chậu và ang đất đỏ, tạo việc làm và thu nhập cao cho hàng chục lao động nông thôn. Tương tự, tại các hộ sản xuất khác, thu nhập từ việc kinh doanh gốm Kim Lan khá ổn định, tạo sinh kế cho nhiều lao động trong và ngoài khu vực.
Nếu Bát Tràng tập trung vào sản xuất đồ mỹ nghệ tinh xảo, thì sản phẩm gốm Kim Lan giai đoạn này lại không quá cầu kỳ, chủ yếu phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày như chậu hoa, tranh gốm và các đồ trang trí vật liệu xây dựng như con tiện, lan can cầu thang, xiên hoa cửa… Mỗi gia đình ở Kim Lan chọn cho mình một sản phẩm thế mạnh, nhà làm chậu cảnh thì chuyên chậu cảnh, nhà nào làm xiên hoa thì chuyên xiên hoa…
Gìn giữ nghề thủ công truyền thống
Giờ đây, có công nghệ hiện đại và các loại hóa chất, phụ gia hỗ trợ, người làm gốm Kim Lan không phải vất vả làm men thủ công nữa, nhưng về cơ bản vẫn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất để bảo đảm chất lượng và thẩm mỹ của sản phẩm gốm. Tuy nhiên, một số xưởng vẫn giữ cách làm thủ công, không dùng máy móc hay các khuôn mẫu. Với những sản phẩm tâm huyết như vậy, giá thành lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng, tùy nguyên liệu, kỹ thuật và công chế tác.
Anh Phạm Văn Nguyên, một nghệ nhân ở thôn 2 (chủ cơ sở gốm Nguyên Hằng) là một trong số rất ít những người còn giữ gìn phương pháp vuốt nặn thủ công. Ở xưởng của anh phát triển cả 2 dòng sản phẩm, một mặt sản xuất các sản phẩm rót, đổ theo khuôn mẫu hàng loạt để đáp ứng nhu cầu của thị trường, một mặt anh vẫn tự làm các sản phẩm thủ công để “cho thỏa đam mê với gốm”. Mỗi sản phẩm được tạo ra từ bàn tay nghệ nhân tài hoa này đều mang một hình dáng độc đáo riêng có.
Tham quan khu vực xưởng sản xuất thủ công của anh Nguyên, rất dễ nhận ra những sản phẩm bị móp méo, bị nứt vỡ sau khi nung đã rất nhiều năm nhưng không bị bỏ đi mà để riêng một góc. Anh bảo, mình phải tốn nhiều công sức để làm ra, mặc dù nó bị hỏng nhưng bỏ đi thì tiếc quá. Với anh, nghề gốm mặc dù đã làm rất nhiều năm nhưng để kiểm soát rủi ro đối với hàng thủ công là rất khó. Khâu đầu tiên quyết định một sản phẩm có thành công hay không chính là khâu vuốt gốm, nếu vuốt không kỹ, độ dày mỏng không đều nhau, quá trình nung sẽ bị xé do độ co ngót không đều…
Không chỉ vuốt nặn, mỗi sản phẩm tùy theo lớn nhỏ, hoa văn đơn giản hay cầu kỳ cũng đều tốn không ít thời gian, công sức. Có những sản phẩm phải vẽ hàng tháng trời mới xong. Không giống như sản phẩm công nghiệp, hoa văn chỉ việc dán decal vào rồi đem nung. Ở các sản phẩm thủ công này lại khác, các họa tiết trang trí phải được vẽ bằng tay, có nét đậm, nét nhạt, nét thô, nét mảnh thì hình vẽ mới có chiều sâu, có hồn, sản phẩm mới có sức sống.
“Việc nung gốm vuốt thủ công cũng không giống với nung các sản phẩm công nghiệp do chất đất và do men trang trí. Đối với các sản phẩm vuốt nặn thủ công, nhiệt độ lò nung bao giờ cũng phải lớn, khoảng từ 1250 độ C trở lên, gọi là đốt khử. Sản phẩm công nghiệp dán decal thì chỉ được sử dụng nhiệt độ 700-800 độ C, khi nung xong cũng phải để vài ngày cho lò thật nguội rồi mới đưa sản phẩm ra ngoài, nếu không sẽ bị nứt”, anh Nguyên cho biết.
Anh còn tâm sự: Khó khăn là vậy, nhưng nếu chỉ sản xuất hàng công nghiệp thì Kim Lan sẽ không có bản sắc riêng, không có chỗ đứng trong làng gốm, sản phẩm truyền thống cũng vì thế mà mai một. “Trước đây, khi sản xuất đồ mỹ nghệ không ai dám gắn nhãn mác Kim Lan, vì sợ khó bán ra thị trường. Bởi nghĩ, nếu cứ thế này mãi thì sẽ không ai biết đến gốm sứ Kim Lan là gì, vậy nên tôi mạnh dạn gắn nhãn mác cho sản phẩm của mình”. Đến nay, “Gốm sứ Kim Lan” đã là thương hiệu chung cho các cơ sở sản xuất ở địa phương và được nhiều đại lý phân phối trong nước cũng như khách hàng Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước khác tìm đến đây đặt hàng.
Từ việc đứng trước nguy cơ bị thất truyền, đến nay, Kim Lan đã khôi phục và thành công trong việc gìn giữ nghề tổ, không chỉ xuất hàng đi các tỉnh/thành trong cả nước mà đã có nhiều đơn hàng đi nước ngoài, thu về hàng chục tỷ đồng, đặc biệt dịp cận tết Nguyên Đán. Trong thời gian tới, bằng những nỗ lực của chính quyền và nhân dân địa phương, hy vọng gốm sứ Kim Lan sẽ ngày càng phát triển, ghi dấu nhiều hơn nữa vào thị trường, góp phần nâng cao giá trị một vùng nguồn cội của nghề gốm.
Theo Cao Tiến/Lao động Thủ đô