Trao quyền kinh tế cho phụ nữ: Động lực giảm nghèo và phát triển bền vững

(Mặt trận) - Các nghiên cứu cho thấy, phụ nữ Việt Nam ít có khả năng tiếp cận các cơ hội kinh tế hơn nam giới và thường đảm nhiệm công việc có mức lương thấp hơn. Đặc biệt, phụ nữ trong cộng đồng dân tộc thiểu số gần như không có việc làm được trả lương, không có tiếng nói đối với việc ra quyết định trong gia đình và ngoài cộng đồng. Trong bối cảnh đó, trao quyền kinh tế cho phụ nữ là con đường trực tiếp hướng tới bình đẳng giới, giúp xóa nghèo và tăng trưởng kinh tế bền bững.

Trao quyền kinh tế cho phụ nữ là con đường trực tiếp hướng tới bình đẳng giới, giúp xóa nghèo và tăng trưởng kinh tế bền bững. ẢNH: QUANG VINH 
Những rào cản và gánh nặng đối với phụ nữ dân tộc thiểu số

Rào cản đối với phụ nữ dân tộc thiểu số

Thực tế hiện nay cho thấy, phụ nữ dân tộc thiểu số vẫn phải đối mặt với các rào cản trong tiếp cận và thụ hưởng thành quả của sự phát triển. Lao động nữ dân tộc thiểu số làm các công việc không ổn định, dễ bị tổn thương nhiều hơn so với lao động nam dân tộc thiểu số và lao động nữ người Kinh.

Theo các nghiên cứu gần đây cho thấy, phụ nữ dân tộc thiểu số thường có xu hướng lao động sớm, hoạt động sinh kế của họ phụ thuộc nhiều vào đất đai, song lại rất thiếu cơ hội tiếp cận bình đẳng tới nguồn tài nguyên đất và vốn. Phụ nữ dân tộc thiểu số có rất ít cơ hội tự quyết định vấn đề có ảnh hưởng tới cuộc sống. Những định kiến truyền thống về vai trò nam - nữ khiến phụ nữ dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận thị trường và ra các quyết định liên quan đến sinh kế.

Đặc biệt, do rào cản về tri thức, phụ nữ dân tộc thiểu số thường ít thông tin về các quyền được tham gia và hưởng lợi từ các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất ở địa phương, ít được tham gia các khóa tập huấn nâng cao năng lực hay đứng tên vay vốn tín dụng ưu đãi.

Đánh giá về khó khăn của phụ nữ khi tham gia vào các hoạt động kinh tế, bà Hà Thị Khánh Nguyệt, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lào Cai cho rằng, chuyển đổi kỹ thuật số đang có vai trò quan trọng trong việc nâng cao quyền năng cho phụ nữ. Nhiều phụ nữ làm chủ các hộ kinh doanh đang phải đối mặt với các rào cản trong kinh doanh số, do không được tiếp cận với công nghệ phù hợp, hạn chế trình độ học vấn, ngôn ngữ và hiểu biết về kỹ thuật số, đặc biệt đối với phụ nữ dân tộc thiểu số. Theo bà Nguyệt, những rào cản này có thể được giải quyết thông qua tập huấn đào tạo và thiết kế các giải pháp kỹ thuật số để đáp ứng nhu cầu kinh doanh. Tăng cường chuyển đổi kỹ thuật số đã giúp các doanh nhân nữ ở Lào Cai thành công trong việc thành lập và mở rộng kinh doanh, đồng thời tạo ra cơ hội việc làm và kinh tế cho những người phụ nữ khác trong cộng đồng của họ.

Gánh nặng kép của lao động nữ

Không chỉ phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ làm việc trong khu vực phi chính thức cũng gặp phải những trở ngại từ sự bất bình đẳng, mà ngay cả lao động nữ đang làm việc tại khu vực chính thức cũng đang gặp phải những thách thức lớn khi khẳng định vị trí của mình trong nền kinh tế.

Theo một nghiên cứu của ILO được công bố vào năm 2021, đại dịch Covid-19 không chỉ làm trầm trọng hơn những bất bình đẳng giới vốn có, chẳng hạn như “gánh nặng kép” lên phụ nữ do vừa phải đi làm với số giờ gần tương đương nam giới, vừa phải dành hơn gấp đôi thời gian để làm việc nhà so với đàn ông, mà còn tạo thêm những bất bình đẳng giới mới, trong đó bao gồm tỷ lệ thất nghiệp.

Tiến sỹ Khuất Thu Hồng, Giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) đánh giá, Việt Nam dù đã có những bước tiến dài trong thu hẹp khoảng cách giới, như Luật Bảo hiểm xã hội có thêm chế độ thai sản cho nam giới, nghỉ khi vợ sinh con. Bộ luật Lao động 2019 giảm khoảng cách nghỉ hưu giữa nam và nữ từ 5 năm xuống còn 2 năm vào năm 2035..., song khoảng cách giới còn tồn tại dai dẳng. Theo bà Hồng, Covid-19 đang làm trầm trọng hơn bất bình đẳng về khả năng tham gia vào nền kinh tế của phụ nữ, gây nên những hệ lụy chưa có tiền lệ, làm tăng tỷ lệ thất nghiệp ở lao động nữ trẻ tuổi, khiến họ phải làm thêm nhiều hơn nam giới khi mở cửa trở lại.

Nghiên cứu năm 2021 cho thấy đại dịch làm giảm 9% tổng số giờ làm việc của các ngành gia công, sản xuất, ảnh hưởng khoảng 5,1 triệu phụ nữ làm việc trong lĩnh vực này. Lao động nữ ngành dệt may chịu tác động nặng nề nhất khi tổng số giờ làm việc giảm 14% so với trước dịch, nhiều người bị chuyển việc, tạm hoãn hợp đồng. Trong khi đó với các ngành tập trung nhiều nam giới như xây dựng, giao thông và hậu cần kho bãi, hành chính công, quốc phòng, tổng số giờ làm chỉ giảm nhẹ, thậm chí còn tăng lên.

Theo bà Hồng, phụ nữ đang gặp nhiều định kiến, rào cản khiến họ khó phát huy năng lực để đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội. Lương bình quân của lao động nữ thấp hơn nam giới gần 30% và tại nhiều nhà máy, họ cần đối diện với nguy cơ bị quấy rối tình dục.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, quý 1/2022, thu nhập bình quân tháng của lao động nam (7,3 triệu đồng) cao gấp 1,36 lần thu nhập bình quân tháng của lao động nữ (5,4 triệu đồng). Theo Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, hiện có khoảng 8.000 doanh nghiệp dệt may, da giày đang sử dụng 4,3 triệu lao động, trong đó có tới 75% là nữ giới nên việc giải quyết các vấn đề về bất bình đẳng giới trong hai ngành này phải đối mặt với nhiều thách thức hơn cả. Lao động nữ đang phải chịu gánh nặng kép khi ngoài công việc còn phải gánh thêm việc nhà, chăm sóc con cái. Trong khi đó, công nhân ngành dệt may, da giày tuổi đời dao động 25-40, trong độ tuổi sinh đẻ và nuôi con nhỏ. Phụ nữ tuổi này có sức bền, sức trẻ là ưu thế nhưng cũng là thách thức, khi trình độ lao động phổ thông và dưới phổ thông chiếm trên 80%, chủ yếu qua đào tạo sơ cấp, ngắn hạn dưới 3 tháng. Cơ hội thăng tiến, thu nhập của họ không bằng nam giới.

Nghiên cứu Giới và thị trường lao động ở Việt Nam do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam cũng chỉ ra, phụ nữ dành trung bình 20,2 giờ mỗi tuần để dọn dẹp nhà cửa, giặt quần áo, nấu ăn và đi chợ, chăm sóc gia đình và con cái, trong khi nam giới chỉ dành 10,7 giờ cho những công việc này. Điều này là trở ngại không hề nhỏ với phụ nữ khi tham gia vào các hoạt động kinh tế so với nam giới.

Bà Valentina Barcucci, chuyên gia kinh tế lao động của ILO Việt Nam khẳng định: “Bất bình đẳng đối với phụ nữ về chất lượng việc làm và phát triển nghề nghiệp cũng bắt nguồn từ trách nhiệm kép mà họ phải gánh vác. Phụ nữ phải dành thời gian làm việc nhà nhiều hơn gấp đôi so với nam giới”.

Chính sách ngày càng chú trọng trao quyền kinh tế cho phụ nữ

Bà Hà Thị Nga, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khoá XIII phát biểu tại Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022-2027. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN) 
Sự tham gia và tăng cường năng lực kinh tế cho phụ nữ là nền tảng cho việc nâng cao quyền phụ nữ, cho phép họ tự quyết định cuộc sống và khẳng định vị thế của mình trong xã hội. Trao quyền để phụ nữ tham gia tích cực vào nền kinh tế sẽ đóng vai trò quan trọng trong công tác giảm nghèo và xây dựng nền kinh tế bền vững.

Ông Dan Rees, Giám đốc chương trình Better Work toàn cầu của ILO nhấn mạnh: “Những minh chứng rõ ràng cho thấy việc trao quyền cho lao động nữ thúc đẩy và đảm bảo tuân thủ pháp luật, gia tăng năng suất lao động, tăng lợi nhuận, thúc đẩy đối thoại, cải thiện sức khỏe và mục tiêu học tập, đào tạo cho người lao động và gia đình của họ”. Trong quá trình phục hồi và phát triển sau đại dịch, nhiệm vụ cải thiện bình đẳng giới tại nơi làm việc có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết. Điều này cũng phù hợp với Lời kêu gọi Hành động Toàn cầu của ILO vì một công cuộc phục hồi từ khủng hoảng Covid-19 lấy con người làm trung tâm.

 Trước nguy cơ đại dịch Covid-19 đang đe dọa những thành tựu về bình đẳng giới của Việt Nam, Chính phủ đã kịp thời lồng ghép giới vào hầu hết các các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội. Ông Lê Khánh Lương, quyền Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết trước tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành và triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; trong đó phụ nữ, lao động nữ được hỗ trợ chiếm tỷ lệ lớn như nhóm chính sách về bảo hiểm xã hội, nhóm chính sách hỗ trợ bằng tiền, nhóm chính sách cho vay vốn... “Đặc biệt, người lao động mang thai, đang nuôi con dưới 6 tuổi; trẻ em dưới 6 tuổi là con của người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19; trẻ em là F0, F1; trẻ em mồ côi mất cha, mẹ do Covid-19 và trẻ em sơ sinh là con của sản phụ bị nhiễm Covid-19 nhận được hỗ trợ bổ sung ở mức cao hơn với các thủ tục nhanh chóng, đơn giản”, ông Lê Khánh Lương cho hay.

Trong năm 2022, Chính phủ đã ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với mục tiêu phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Trong quá trình triển khai, vấn đề về bình đẳng giới đều được lồng ghép khi xây dựng các chính sách hỗ trợ.

Việc xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện các chính sách bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã được lồng ghép vấn đề bình đẳng giới một cách cụ thể với các giải pháp thiết thực nhằm bảo đảm các quyền lợi và tính đến nhu cầu của mỗi giới, góp phần rút ngắn khoảng cách về giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 đã đặt mục tiêu tổng quát là “tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước”. Chiến lược đưa ra các chỉ tiêu cụ thể nhằm tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực: chính trị; kinh tế, lao động; trong đời sống gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; y tế; giáo dục, đào tạo; thông tin, truyền thông.

Nâng cao vai trò của phụ nữ trong nền kinh tế là một phần giải pháp cho khủng hoảng tài chính và kinh tế, bởi phụ nữ thu nhập nhiều hơn cũng có nghĩa là đầu tư nhiều hơn vào y tế, giáo dục và dinh dưỡng cho trẻ em. Điều này dẫn đến tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững trong dài hạn. Trao quyền cho phụ nữ về kinh tế còn là một trong những động lực quan trọng sau tăng trưởng kinh tế và chống đói nghèo.

HỒNG KIỀU - PV

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều