|
Truyền thông chính sách đến người dân thông qua các ấn phẩm báo, tạp chí. (Ảnh minh họa) |
Trong bối cảnh hiện nay đất nước ta đang tập trung xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa thì truyền thông chính sách ngày càng quan trọng. Đảng và Nhà nước ta rất coi trọng công tác truyền thông chính sách, truyền thông chính sách là phần quan trọng trong hoạt động truyền thông của Đảng, Nhà nước. Công tác truyền thông phải làm sao để người dân hiểu được chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước; người dân tự giác tham gia tổ chức thực hiện cùng với các cơ quan quản lý Nhà nước; đồng thời cũng qua truyền thông chính sách, người dân phản hồi lại việc thực thi các chính sách tại địa phương, qua đó, các cơ quan chức năng xem xét bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với thực tế, thúc đẩy sự phát triển của địa phương.
Đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số và vấn đề truyền thông chính sách trên địa bàn
Đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số
Nhờ có sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng và chính sách của Nhà nước cùng với sự nỗ lực, cố gắng vươn lên của người dân, kinh tế ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có bước phát triển rõ rệt, cơ cấu kinh tế của các địa phương có sự chuyển dịch tích cực, sinh kế của người dân ngày càng đa dạng, thu nhập được nâng lên, đời sống không ngừng cải thiện, hộ nghèo giảm khá nhanh. Tuy nhiên, đời sống đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn, trong 53 dân tộc thiểu số hiện nay, có 32 dân tộc còn gặp nhiều khó khăn và 14 dân tộc có khó khăn đặc thù.
Sinh kế của người dân vùng đồng bào các dân tộc thiểu số hiện nay chủ yếu vẫn là sản xuất nông, lâm nghiệp, nhưng tình trạng không có hoặc thiếu đất sản xuất đang diễn ra phổ biến đối với người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Có đến 68,5% hộ dân tộc thiểu số có nhu cầu cần thêm đất để sản xuất. Trong đó có nhiều nhóm dân tộc ở Tây Nguyên có trên 80% số hộ thiếu đất sản xuất.
Về giáo dục - đào tạo, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng và ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hầu hết trẻ em trong độ tuổi đến trường, học sinh dân tộc thiểu số được học tiếng phổ thông, học văn hóa, được giao lưu và tiếp cận thông tin, khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên, chất lượng giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu, tỷ lệ người chưa biết đọc, biết viết tiếng phổ thông trong cộng đồng các dân tộc thiểu số còn cao, chất lượng nguồn nhân lực thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Một trong những rào cản lớn của giáo dục ở vùng cao chính là khoảng cách địa lý. Nhiều học sinh người dân tộc thiểu số phải đi một quãng đường xa để tới trường phổ thông, thường rơi vào khoảng từ 9 km, thậm chí lên tới 70 km, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn khá phổ biến ở đồng bào dân tộc thiểu số.
Hiện nay, hầu hết các thôn, xóm, ấp, bản thuộc xã vùng dân tộc thiểu số đã được tiếp cận điện, đặc biệt là điện lưới quốc gia. Tuy nhiên, tình trạng không có điện vẫn diễn ra ở 1,4% số thôn, chủ yếu tập trung tại vùng trung du và miền núi phía Bắc, đặc biệt là các tỉnh Điện Biên, Cao Bằng, Hà Giang và Sơn La. Các thôn không có điện nằm rải rác tại 319 xã của 17 tỉnh thuộc trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên.
Mặc dù, tình trạng du canh du cư đã giảm mạnh nhưng đến nay, cả nước vẫn còn 1.296 hộ dân tộc thiểu số du canh du cư. Tây Nguyên là vùng có nhiều hộ du canh, du cư nhất trong cả nước với hơn 40% hộ du canh du cư tập trung ở vùng này. Tình trạng du canh du cư xảy ra nhiều nhất ở vùng Tây Nguyên (568 hộ, tương ứng với 2.233 người), chiếm hơn 40% tổng số hộ dân tộc thiểu số du canh du cư của toàn quốc. Du canh du cư diễn ra ở một số hộ dân tộc thiểu số tại các tỉnh, trong đó 5 tỉnh có số hộ du canh du cư nhiều nhất (từ 100 hộ trở lên) là: Đắk Nông, Lâm Đồng, Đồng Nai, Đắk Lắk, Quảng Ngãi.
Đặc tính tiếp nhận thông tin và vấn đề truyền thông chính sách trên địa bàn
Với mục tiêu đưa các chủ trương, chính sách phát triển chính trị - kinh tế - xã hội đến được với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, từ nhiều năm trước, công tác thông tin, tuyên truyền đã được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Bên cạnh các hình thức thông tin phổ biến ở vùng cao như: loa phát thanh, truyền thanh; bảng tin công cộng; họp thôn, bản; tuyên truyền miệng thông qua các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, các chức sắc tôn giáo…,
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số nước ta, tuy còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng vẫn lưu truyền văn hóa, tri thức bản địa phong phú, đa dạng. Đặc biệt, tính gắn kết cộng đồng cao, sự hiếu khách, yêu văn nghệ là đặc tính nổi trội, phổ biến ở nhiều cộng đồng thiểu số; cùng với đó là vai trò dẫn dắt, then chốt của những người tiên phong, người có uy tín… Do đó, trong công tác truyền thông nói chung và truyền thông chính sách nói riêng cần hiểu và nắm bắt được văn hóa của cộng đồng với đặc trưng là tính gắn kết cộng đồng cao, trên cơ sở đó tạo nên một mạng lưới truyền thông được coi là một trong những biện pháp quan trọng tác động đến chất lượng công tác truyền thông.
Theo điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2019, gần 2/3 số xã và hơn 3/4 số thôn vùng dân tộc thiểu số đã có nhà văn hóa/sinh hoạt cộng đồng. Tỷ lệ có nhà văn hóa ở khu vực biên giới thấp hơn các khu vực khác, ở khu vực thành thị thấp hơn khu vực nông thôn. Nhà văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Đây là nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động sinh hoạt cộng đồng như văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, phổ biến thông tin của cộng đồng người dân tộc thiểu số, qua đó góp phần lưu giữ và bảo tồn văn hóa của các dân tộc cũng như củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân. Do đặc thù các xã vùng dân tộc thiểu số thường tập trung ở khu vực vùng sâu, vùng xa, hạn chế trong việc tiếp cận và trao đổi thông tin nên vai trò của nhà văn hóa cơ sở rất quan trọng đối với đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong quá trình truyền thông, bên cạnh chủ thể truyền thông là vai trò của chính quyền thì phải hết sức lưu ý đến vai trò của người tiên phong, người có uy tín trong cộng đồng người dân tộc thiểu số. Đồng thời, cũng cần hiểu biết văn hóa mỗi cộng đồng dân tộc thiểu số để biết người có uy tín ở vùng người Dao là thầy cúng, ở vùng người Mông là ông trưởng dòng họ…
Tìm hiểu kỹ các cộng đồng dân tộc thiểu số để xây dựng phương pháp truyền thông phù hợp là rất quan trọng. Đối với đồng bào chưa đọc thông, viết thạo, không thể tổ chức hoạt động truyền thông chủ yếu bằng tờ rơi; đối với đồng bào chỉ biết tiếng dân tộc mình, thì cán bộ truyền thông bắt buộc phải biết tiếng dân tộc; ngôn ngữ và thông điệp truyền thông phải dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện; dùng câu đơn, đi thẳng vào vấn đề, tránh hoa mỹ, đa nghĩa, gây khó cho đồng bào dân tộc và làm giảm hiệu quả truyền thông.
Hiện nay với sự phát triển nhanh của công nghệ thông tin, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nước ta đã được đầu tư hạ tầng mạng cáp quang đến hầu hết các thôn bản, miền núi xa xôi, hải đảo. Có thể nói, thông tin số đã thuận tiện hóa phương tiện truyền thông, với điện thoại thông minh, người dân tộc thiểu số đã kết nối được với thế giới bên ngoài để hiểu biết mọi mặt, bên cạnh những tri thức có được thì không loại trừ cả thông tin xấu, độc. Đây vừa là thuận lợi, vừa là khó khăn, thách thức đối với công tác truyền thông chính sách.
Tăng cường cơ chế chính sách và giải pháp truyền thông chính sách nhằm nâng cao hiểu biết và chăm lo tốt hơn cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Hiện nay, 53 dân tộc thiểu số là 14,1 triệu người, chiếm 14,7% tổng dân số cả nước1. Đồng bào dân tộc thiểu số nước ta sinh sống trên địa bàn khu vực miền núi và biên giới rộng lớn, chiếm ¾ diện tích cả nước2. Đây là địa bàn có vị trí chiến lược về chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng... của đất nước. Đẩy mạnh phát triển bền vững toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số cùng với sự nghiệp phát triển chung của đất nước đã được nêu rõ trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Đây cũng là mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Để triển khai thực hiện chương trình, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, khung hành động đổi mới cơ chế, chính sách hỗ trợ chương trình. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021, có nội dung cơ bản được tích hợp từ hơn 100 chính sách cụ thể của giai đoạn 2016 - 2020 kết hợp với một số chính sách mới được thiết kế thành tổng cộng 10 dự án, 14 tiểu dự án với 36 nội dung chính sách thành phần do 23 bộ, ngành tham gia quản lý và tổ chức triển khai thực hiện. Tính đến hết tháng 8/2022 có 231 văn bản khác nhau đã được ban hành để quy định, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các nội dung về cơ chế, chính sách và hướng dẫn, tổ chức triển khai thực Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi từ Trung ương đến địa phương.
Với khối lượng chính sách lớn và phát triển toàn diện mọi mặt đời sống của đồng bào, truyền thông chính sách cần trở thành “cầu nối” tới đồng bào dân tộc thiểu số, đưa chính sách vào thực tiễn cuộc sống và cũng từ thực tiễn phản ánh tiếng nói của đồng bào về những mặt được và chưa được để cơ quan chức năng có những điều chỉnh kịp thời. Bên cạnh đó, công tác truyền thông cần phải đấu tranh với các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, xuyên tạc thành quả cách mạng mà Đảng và Nhân dân ta dày công vun đắp, chia rẽ đoàn kết các dân tộc.
Phát huy lợi thế các kênh thông tin cơ sở, làm tốt công tác tuyên truyền trực tiếp với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi bằng hình ảnh trực quan sinh động, bằng uy tín của các thầy mo, già làng, trưởng bản... những người giàu kinh nghiệm cuộc sống, được bà con, tộc người yêu mến, kính trọng. Chính quyền địa phương cần làm tốt hơn nữa công tác chăm lo người có uy tín trong đồng bào dân tộc, tập huấn đưa các nội dung truyền thông chính sách để người uy tín hiểu biết, trên cơ sở đó vận động đồng bào nghe và làm theo.
Khai thác tối đa các nét văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số và vận động truyền thông chính sách. Phải làm sao để bà con thấy chính sách gần gũi với cuộc sống, chính sách không phải đâu xa lạ, mà chính là những vấn đề đời sống thực tại hàng ngày bà con vẫn được tiếp xúc như vấn đề chăm lo sức khỏe, bảo vệ phụ nữ và trẻ em, vấn đề việc làm, đất đai để canh tác, bảo vệ văn hóa truyền thống dân tộc, hay vấn đề đi học của con cái mình,...
Tăng cường truyền thông số trên nền tảng internet, định hướng, dẫn dắt đồng bào dân tộc thiểu số bằng nội dung thông tin cập nhật kịp thời, hấp dẫn, sinh động, tăng cường củng cố xây dựng niềm tin của đồng bào với Đảng, với đất nước, từ đó tạo đồng thuận xã hội trong triển khai mọi nhiệm vụ. Hiện nay, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và nền tảng hạ tầng thông tin 5G, nội dung mạng ngày càng nhanh, hấp dẫn và đa dạng, truyền thông chính sách phải làm sao phát huy được lợi thế trên nền tảng đó.
Cùng với đó, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng dân tộc thiểu số thực hiện “Cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn” (Quyết định số 45/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) 19 cơ quan báo, tạp chí tham gia và Công ty Phát hành báo chí Trung ương. Đối tượng thụ hưởng chủ yếu là các Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân ở các thôn, bản đặc biệt khó khăn, thôn bản biên giới, xã đặc biệt khó khăn, chùa Khmer thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Các báo ngày càng được cải tiến về nội dung và hình thức ấn phẩm đẹp, ngắn gọn, rõ ràng, phù hợp với tập quán, tâm lý, bản sắc văn hóa và nhu cầu của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Có thể nói, công tác truyền thông tại địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi ngày càng đồng bộ. Để đáp ứng nhu cầu của người dân, công tác tuyên truyền được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở với 3 kênh chính là truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông trên hệ thống thông tin điện tử, mạng xã hội và truyền thông cơ sở. Đặc biệt, các cơ quan truyền thông đã chú trọng tuyên truyền bằng tiếng dân tộc, từng bước phủ sóng toàn bộ vùng, đưa các chính sách của Đảng đến với đồng bào dân tộc. Khi đồng bào hiểu biết nâng cao khả năng nhận thức và làm chủ cuộc sống của mình, khi đó mới phát triển bền vững vùng. Và đó cũng chính là trách nhiệm cao cả của truyền thông chính sách.
Chú thích:
1. Tổng cục Thống kê: Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số. Nxb. Hà Nội, 2019.
2. Báo cáo của Tổng cục thống kê về điều tra dân số và nhà ở năm 2019.
Đặng Hồng Vân
Tạp chí Mặt trận, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam