|
Cán bộ Công an tỉnh Tuyên Quang giúp làm nhà cho hộ nghèo. |
Trong căn nhà mới, chị Nông Thị Hoa ở tổ 3, thị trấn Na Hang (huyện Na Hang) kể, chồng chị mất sớm để lại vợ cùng hai con nhỏ. Cả nhà chỉ trông vào mấy sào ruộng, quanh năm tất bật mà mãi vẫn thuộc diện hộ nghèo. Căn nhà đã cũ ngày càng xập xệ.
Năm 2022, chị được hỗ trợ căn nhà nhân ái (từ nguồn hỗ trợ của Bộ Công an và tỉnh Tuyên Quang), nhà lợp mái tôn, nền láng xi-măng do cán bộ Công an huyện giúp công xây dựng, trị giá hơn 50 triệu đồng. Trong căn nhà mới khang trang, sạch sẽ chị Hoa xúc động bảo, giờ đã yên tâm làm ăn để sớm thoát nghèo.
Tháng 6/2021, tỉnh Tuyên Quang tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng hộ nghèo trên địa bàn, xác định có 3.820 hộ nghèo có nhà ở tạm, dột nát cần được làm mới và sửa chữa. Trong đó, huyện Sơn Dương: 1.015 hộ, huyện Lâm Bình: 726 hộ; huyện Yên Sơn: 662 hộ; huyện Na Hang: 358 hộ; huyện Chiêm Hóa: 539 hộ; huyện Hàm Yên: 499 hộ và thành phố Tuyên Quang: 21 hộ.
Từ đó, tỉnh đã xây dựng Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo để đến năm 2025, hoàn thành hỗ trợ cho tất cả hộ nghèo trong danh sách theo Đề án và số phát sinh mới không quá 5%, có nhà mới, từng bước nâng cao mức sống, giảm nghèo bền vững.
Đề án cũng đề ra đối tượng cụ thể được hỗ trợ làm mới và sửa chữa nhà ở phải là hộ nghèo trong danh sách hộ nghèo của xã, đang ở nhà tạm, dột nát; tự nguyện tham gia sửa chữa và làm mới nhà ở. Dựa trên nguyên tắc "Hộ nghèo tự làm, Nhà nước hỗ trợ"; cộng đồng, dòng họ giúp đỡ; hộ nghèo làm mới nhà ở được hỗ trợ 50 triệu đồng; hộ nghèo sửa chữa nhà ở được hỗ trợ tối đa 25 triệu đồng.
Các hộ gia đình nhận hỗ trợ phải xây dựng được nhà ở mới hoặc sửa chữa, nâng cấp nhà ở đang có, bảo đảm diện tích tối thiểu 12m2 sàn/người. Nhà ở phải bảo đảm tiêu chuẩn: Nền cứng, khung cứng, mái cứng và không cứng nhắc theo một khuôn mẫu để bảo đảm phù hợp với phong tục, tập quán của các dân tộc, vùng miền, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.
Bà Đặng Thị Hồng, ở xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang được nhận nhà mới do Công an hỗ trợ.
Nhà ở phải bảo đảm an toàn khi xảy ra bão, lũ. Các bộ phận nền, khung, mái của căn nhà phải được làm từ các vật liệu có chất lượng tốt, không làm từ các vật liệu tạm, mau hỏng, dễ cháy.
Các tổ chức đoàn thể tăng cường tuyên truyền, vận động để khơi dậy tinh thần và nâng cao ý thức trách nhiệm của các hộ nghèo nỗ lực tự xây dựng nhà ở; đồng thời đa dạng các hình thức huy động nguồn lực và hỗ trợ bằng tiền, nguyên liệu, công lao động... của cộng đồng dân cư, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và sự hỗ trợ của ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương.
Tỉnh cũng chỉ đạo giải quyết kịp thời đất ở đối với hộ nghèo chưa có đất ở, nhà ở, trên cơ sở quy định của pháp luật để hộ nghèo có đất xây dựng nhà ở; giải quyết việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các hộ chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật, bảo đảm hộ nghèo có đất ở, nhà ở ổn định, yên tâm lao động, sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững; tập trung giải quyết tạo quỹ đất ở cho các hộ gia đình đang ở trong rừng đặc dụng, phòng hộ, sản xuất, nằm trong hành lang công trình công cộng.
Hưởng ứng phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau", Bộ Công an đã phối hợp tỉnh Tuyên Quang thực hiện chương trình hỗ trợ làm nhà ở cho 1.400 hộ nghèo, với tổng kinh phí 70 tỷ đồng. Mỗi ngôi nhà đều bảo đảm tiêu chuẩn theo mẫu thiết kế của Bộ Công an.
Công an tỉnh Tuyên Quang huy động hơn 700 cán bộ, chiến sĩ, với hơn 14 nghìn ngày công cùng người dân trong thôn, xóm giúp san ủi mặt bằng, vận chuyển vật liệu phục vụ thi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo.
Hưởng ứng phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau", Bộ Công an đã phối hợp tỉnh Tuyên Quang thực hiện chương trình hỗ trợ làm nhà ở cho 1.400 hộ nghèo, với tổng kinh phí 70 tỷ đồng. Mỗi ngôi nhà đều bảo đảm tiêu chuẩn theo mẫu thiết kế của Bộ Công an.
Đại tá Phạm Kim Đĩnh, Giám đốc Công an tỉnh Tuyên Quang cho biết, đây là chủ trương lớn, hợp ý Đảng, lòng dân và mang tính nhân văn sâu sắc. Lãnh đạo Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an các địa phương chủ động phối hợp các đơn vị chức năng rà soát, lựa chọn, lập danh sách các hộ gia đình khó khăn về nhà ở trong diện được hỗ trợ, bảo đảm đúng đối tượng, đúng tiêu chuẩn.
Công an tỉnh sẽ tiếp tục chung tay giúp các hộ nghèo có được ngôi nhà vững chắc, tạo động lực vươn lên thoát nghèo bền vững; đồng thời cũng là dịp để lực lượng Công an các cấp được tiếp xúc, lắng nghe, đối thoại với nhân dân, từ đó tiếp tục xây dựng, củng cố phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Đồng chí Nguyễn Hưng Vượng, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Tuyên Quang cho biết, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh chủ trì, phối hợp các tổ chức thành viên tiếp tục thực hiện hiệu quả năm nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo, bảo đảm tính đồng bộ, tập trung, thống nhất.
Trong đó, phát huy vai trò của các thành viên mặt trận nhằm tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự đồng tâm, hiệp lực của toàn xã hội trong triển khai thực hiện xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo, giúp hộ nghèo ổn định cuộc sống; chủ động, tập trung huy động nguồn lực để hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở; trong đó sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ, nguồn vốn vay tín dụng và nguồn lực hỗ trợ từ cộng đồng...
Theo HẢI CHUNG/Báo Nhân dân