Phát triển công nghiệp dược liệu trên địa bàn tỉnh Lào Cai

(Mặt trận) - Thực hiện chiến lược phát triển dược liệu thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngày 30/6/2023, UBND tỉnh Lào Cai ban hành Quyết định 1605/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phụ nữ Dao ở Lào Cai  lên rừng lá hái thuốc (Ảnh minh họa Nguồn TTXVN)
Những năm qua, xác định cây dược liệu là loại cây trồng chủ lực, tỉnh Lào Cai đã đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý. Đến nay, tổng diện tích cây dược liệu chính trên địa bàn tỉnh đạt trên 3.550 ha, từng bước hình thành vùng sản xuất dược liệu tập trung, gắn với ứng dụng các biện pháp kỹ thuật. Hiện có 210 ha (13 loại cây) cây dược liệu trồng đã được Bộ Y tế đánh giá công nhận đạt các nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu và các nguyên tắc, tiêu chuẩn khai thác dược liệu tự nhiên GACP.

Theo đó Chương trình xác định mục tiêu phát triển công nghiệp dược liệu trên địa bàn:  Bố trí diện tích phù hợp để xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, chuyên canh và trồng dược liệu theo hình thức liên kết chuỗi giá trị bền vững, gắn với phát triển công nghiệp chế biến dược liệu, phát triển các sản phẩm dược liệu có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc. Ưu tiên phát triển các loài dược liệu có lợi thế và giá trị kinh tế, có thị trường tiêu thụ, phù hợp với các vùng sinh thái của tỉnh.

 Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, duy trì và phát triển diện tích dược liệu đạt 4.000 ha, và đến năm 2030 đạt 5.000 ha. Phát triển tối thiểu đạt 02 cơ sở sơ chế, chế biến dược liệu tại các địa phương trọng điểm phát triển dược liệu của tỉnh. Xây dựng thương hiệu 02 - 03 sản phẩm dược liệu và có thêm 03 - 05 sản phẩm dược liệu được tạo ra gắn với Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) của tỉnh.

Hình thành tối thiểu đạt 04 cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống dược liệu để cung cấp cây giống chất lượng cao, đảm bảo cung ứng trên 70% nhu cầu cây giống cho các tổ chức, cá nhân tham gia trồng dược liệu. Thu hút đầu tư tối thiểu được 01 nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Ưu tiên phát triển hoạt động chế biến vị thuốc và bào chế thuốc từ dược liệu địa phương trong cơ sở có khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Thành lập Trung tâm sản xuất, bào chế thuốc thuộc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh để thực hiện sơ chế, bào chế vị thuốc, sản phẩm dược liệu địa phương cung ứng cho các cơ sở y tế trong tỉnh và thị trường.

Để thực hiện được các mục tiêu trên, nhiệm vụ cần làm trước mắt là bảo tồn và phát triển nguồn gen dược liệu đặc hữu, quý hiếm, nhất là các huyện trọng điểm như Bát Xát, Sa Pa, Bắc Hà… để có kế hoạch khai thác bền vững nguồn dược liệu từ tự nhiên có trữ lượng lớn. Tăng cường bảo tồn tại chỗ các loài cây dược liệu quý tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên, Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát, Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên, Văn Bàn. Xây dựng vườn giống các loài cây dược liệu đặc hữu, quý hiếm như tam thất hoang, thất diệp nhất chi mai, hoàng liên ô rô, các loại cây thuốc tắm người Dao…

 Phát triển sản xuất cây dược liệu hàng hóa: Phát triển nguồn giống cây dược liệu: Xây dựng các cơ sở ươm và nhân giống cây dược liệu tại một số khu vực trồng dược liệu tập trung, đầu tư cơ sở vật chất, khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất giống (nuôi cấy mô tế bào, ứng dụng CNC…) để đảm bảo nhân nhanh các giống cây dược liệu đáp ứng nhu cầu sản xuất.

Thu hút nhà đầu tư chiến lược chế biến sâu: Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở chế biến bảo quản, nhà máy chế biến đạt tiêu chuẩn GMP tại vùng sản xuất cây dược liệu tập trung như Bát Xát, Bắc Hà, Sa Pa… tạo ra các sản phẩm chế biến sâu như thuốc dược liệu, thuốc y học cổ truyền, trà túi lọc, cao đặc, cao lỏng, cao khô… phù hợp với nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng và hướng tới xuất khẩu.

Xây dựng cơ chế hỗ trợ về giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất, nhằm thu hút các dự án đầu tư xây dựng nhà máy, cơ sở chế biến sâu dược liệu trên địa bàn tỉnh. Thu hút các dự án đầu tư phát triển công nghiệp dược liệu tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó là các giải pháp cụ thể về thể chế, pháp luật; thông tin, truyền thông; đất đai; tổ chức sản xuất, đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh; khoa học công nghệ, nhân lực và đào tạo; về kiểm soát thị trường thuốc, dược liệu; nguồn vốn.

Hoàng Nhung

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục