Bắc Kạn: Thực hiện xuất cấp gạo cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chăm sóc và bảo vệ rừng

(Mặt trận) - Nhằm triển khai có hiệu quả các biện pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, ngày 5/5/2023 UBND tỉnh Bắc Kạn ban hành Quyết định số 772/QĐ-UBND, quy định trợ cấp gạo bảo vệ và phát triển rừng cho đồng bào DTTS và miền núi thuộc Tiểu dự án 1, dự án 3 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030 giai đoạn I: từ năm 2021-2025 trên địa bàn.

Bắc Kạn có độ che phủ rừng cao nhất cả nước (Ảnh minh họa)

Căn cứ Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT ngày 20/9/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hướng dẫn một số hoạt động về lâm nghiệp thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030 giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình), UBND tỉnh Bắc Kạn quy định trợ cấp gạo cho đối tượng thuộc Chương trình như sau.

Mức trợ cấp gạo cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng thuộc Tiểu dự án 1, dự án 3 của Chương trình trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn là 15 kg gạo/khẩu/tháng hoặc bằng tiền tương ứng với giá trị 15 kg gạo/khẩu/tháng tại thời điểm trợ cấp (theo giá công bố của địa phương). Việc trợ cấp được thực hiện đối với các nhiệm vụ: Bảo vệ rừng tự nhiên, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung, trồng rừng phòng hộ, trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ với diện tích tối thiểu từ 0,3 ha trở lên.

Căn cứ thực tế số khẩu có mặt của các hộ gia đình tại thời điểm trợ cấp và được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận. Số lần trợ cấp không quá 04 lần/năm (theo số tháng thực tế của hộ gia đình trong thời gian chưa tự túc được lương thực), nhưng tối đa không quá 03 tháng/lần.

Các đối tượng được trợ cấp gồm các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình, cá nhân người dân tộc Kinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo sinh sống ở xã, thôn đặc biệt khó khăn có tham gia bảo vệ rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung, trồng rừng phòng hộ, trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ trên diện tích đất lâm nghiệp được giao trong thời gian chưa tự túc được lương thực. Thời gian nhận trợ cấp không quá 07 năm.

Nâng cao mức đầu tư hỗ trợ các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng, đồng thời quan tâm đến việc đảm bảo lương thực cho người dân nghèo tham gia các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng thông qua việc triển khai chính sách trợ cấp gạo, tạo điều kiện, cơ hội giúp người dân ổn định cuộc sống, đây cũng là chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội được Đảng và Nhà nước ưu tiên triển khai thực hiện.

Đỗ Thụy

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều