|
Đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy sản xuất, nâng cao đời sống trong vùng đồng bào dân tộc Khmer tại Bạc Liêu. Ảnh: TTXVN
|
Tỉnh Bạc Liêu có 3 dân tộc chính: Kinh - Khmer và Hoa, trong đó dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm hơn 10% dân số toàn tỉnh. Sống tập trung ở các huyện Vĩnh Lợi, Hòa Bình và Hồng Dân.
Triển khai thực hiện Dự án 1 hỗ trợ đất ở, nhà ở, hỗ trợ chuyển đổi nghề và nước sinh hoạt thuộc Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo, tổ chức rà soát, phê duyệt danh sách đồng bào DTTS đủ điều kiện nhận hỗ trợ đất ở, nhà ở, chuyển đổi nghề và nước sinh hoạt tại các địa phương đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, ngày 25/5/2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 191/QĐ-UBND về việc quy định Quy trình rà soát, phê duyệt danh sách đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ thuộc Dự án 1, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
Trong đó nội dung Quyết định về việc rà soát, lựa chọn đối tượng thụ hưởng phải đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ từ cơ sở, đúng đối tượng, đúng định mức, không chồng chéo, có sự tham gia, ý kiến thống nhất của người dân và cộng đồng nơi bình xét. Ưu tiên lựa chọn các đối tượng khó khăn hơn như: Hộ dân tộc thiểu số có khó khăn đặc thù (dân tộc Khmer); đối tượng là nữ dân tộc thiểu số; đối tượng thuộc nhóm bị ảnh hưởng bởi thiên tai trên địa bàn.
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu được triển khai tại 14 xã, phường, thị trấn vùng đồng bào DTTS với nguồn vốn được Trung ương phân bổ là 58,4 tỷ đồng và hơn 8,7 tỷ đồng nguồn đối ứng của tỉnh. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư của Chương trình đã đạt khoảng 76%.
Huyện Hồng Dân là một trong những huyện của tỉnh Bạc Liêu có nhiều hộ dân trong đối tượng đã được tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị định 28 của Chính phủ để sửa chữa và xây mới nhà ở. Riêng tại xã Lộc Ninh hiện có 9 hộ vay vốn theo Nghị định này để ổn định về nơi ở nâng dần chất lượng cuộc sống.
Cụ thể Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS & MN kết hợp lồng ghép với Nghị định 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi cho đồng bào DTTS (chính sách cho vay 40 triệu đồng/hộ thông qua Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Bạc Liêu; ngân sách Trung ương hỗ trợ 50 triệu đồng để cất nhà). Người vay được hưởng nhiều ưu đãi như thời gian vay khá dài 15 năm; lãi suất 3%/năm và thời hạn vay vốn tối đa 15 năm, 5 năm đầu chưa phải trả nợ gốc. Số tiền vay cao hơn so với các chương trình trước đây điều này đã giúp các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh có nguồn lực để phát triển sản xuất, xóa nhà tạm, từng bước vươn lên thoát nghèo.
Tại huyện Vĩnh Lợi giai đoạn 2021 - 2024, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi đã giúp 39 hộ có nhà mới. Tại xã Hưng Hội có 9 hộ dân tộc Khmer được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Vĩnh Lợi cho vay theo Nghị định 28 với số tiền 540 triệu đồng mỗi hộ 50 triệu trong đó 40 triệu sửa chữa nhà ở và 10 triệu chuyển đổi ngành nghề như trồng các loại rau màu, mua con giống để phát triển chăn nuôi. Có thể thấy nhờ có Chương trình MTQG 1719 cùng với Nghị định 28 có ý nghĩa thiết thực và mang đậm tính nhân văn sâu sắc giúp các hộ nghèo DTTS vượt qua giai đoạn khó khăn, thể hiện sự quan tâm của chính quyền các cấp tới đồng bào.
Xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân là xã đông đồng bào DTTS được hưởng chính sách vay vốn theo Nghị định 28 sau khi được Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt danh sách có 50 hộ đủ tiêu chuẩn. Đến thời điểm hiện tại, xã cũng đã xây dựng được nhà ở cho 38 hộ (việc vay vốn chỉ được có 5 hộ) nguyên nhân vì vấn đề vay vốn, người dân có nhu cầu vay nhưng do nguồn vốn của Trung ương chuyển về không đúng thời điểm với thời gian địa phương triển khai phân bổ vốn để thực hiện song song về nhà ở.
Trên địa bàn huyện Hòa Bình và xã Giá Rai nhờ Chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện triển khai Dự án 1 đã hoàn thiện xây mới 233 căn nhà ở đảm bảo “3 cứng” diện tích sàn sử dụng tối thiểu; hỗ trợ nước sinh hoạt cho 121 hộ, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 524 hộ thiếu đất sản xuất… Nhìn chung, các đơn vị đã ban hành, kiện toàn Ban chỉ đạo, Ban quản lý các Chương trình mục tiêu quốc gia; kế hoạch thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 và hằng năm theo đúng quy định; kế hoạch kiểm tra, giám sát thực tế phù hợp, thường xuyên, tỷ lệ giải ngân trên 90%.
Việc triển khai hiệu quả Dự án 1 hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất mang ý nghĩa rất lớn đối với đồng bào DTTS đặc biệt với những hộ nghèo đang gặp nhiều khó khăn được sự quan tâm của Đảng nhà nước giúp người dân có căn nhà mơ ước, yên tâm phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, vẫn còn một số khó khăn như địa phương chưa phân bổ đủ vốn 50 triệu đồng để hỗ trợ nhà ở cho xã thực hiện; một số xã chưa mạnh dạn áp dụng cơ chế đặc thù theo Nghị định 23 năm 2023 của Chính phủ trong xây dựng nhà ở từ nguồn vốn đầu tư phát triển, nên đến năm 2024 vẫn chưa thực hiện hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở cho 2 hộ theo nguồn vốn đã phân bổ. Công tác lưu trữ hồ sơ còn nhiều hạn chế, chưa thành lập Ban quản lý xã để quản lý công tác xây dựng nhà ở.
Trong thời gian tới, để đẩy nhanh tiến độ Dự án 1 tỉnh Bạc Liêu cần tiếp tục công tác tuyên truyền, vận động người dân tiếp nhận chính sách vay vốn ổn định nhà ở, đất ở từ đó yên tâm chuyển đổi nghề, tự lực phát triển cuộc sống, thoát nghèo bền vững. Cơ quan các cấp chính quyền địa bàn tỉnh tập trung triển khai xây dựng kế hoạch, kiểm tra, giám sát, đánh giá, đôn đốc việc tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch từ đó kịp thời giải quyết các vướng mắc đảm bảo tiến độ; có biện pháp thúc đẩy việc giải ngân nguồn vốn Trung ương và nguồn vốn địa phương.
Tuyết Mai