Nét đặc sắc văn hoá của người Lô Lô
Dân tộc Lô Lô sinh sống gắn bó mật thiết với đời sống nông nghiệp cho nên tín ngưỡng của người Lô Lô thiên về vạn vật hữu linh, họ tin rằng các vị thần linh chi phối mọi hoạt động trong đời sống hằng ngày. Một trong các vị thần đó là thần mưa, do đó, các nghi lễ đến nay vẫn được người Lô Lô lưu giữ, trong đó có lễ cầu mưa. Lễ Cầu mưa (lễ cúng thần rừng) là một trong những nghi lễ quan trọng gắn với phong tục, tập quán, lao động, sản xuất được người Lô Lô lưu giữ và bảo tồn từ đời này qua đời khác.
|
Lễ Cầu mưa (lễ cúng thần rừng) của người Lô Lô. (Ảnh minh hoạ)
|
Việc tổ chức cầu mưa không phải năm nào cũng tổ chức mà chỉ vào những năm thời tiết khắc nghiệt, khô hạn kéo dài, người dân trong vùng mới tập trung lại, mời người cao tuổi có uy tín trong bản làm chủ lễ. Người Lô Lô thường tổ chức lễ cầu mưa vào tháng ba âm lịch vào các ngày lẻ. Để làm lễ cầu mưa, người Lô Lô tìm đến nhà thầy cúng xem ngày lành để tổ chức và mời thầy cúng về làm lễ cầu mưa. Sau khi thầy cúng chọn được ngày giờ đẹp sẽ báo để mọi người chuẩn bị. Lễ cầu mưa của người Lô Lô gồm 2 phần là phần lễ và phần hội. Phần lễ là những nghi lễ do thầy cúng tiến hành dưới sự tham gia hỗ trợ và chứng kiến của người dân tại nơi làm lễ. Bài khấn bằng tiếng Lô Lô, cầu cho mùa màng tốt tươi, mưa thuận gió hoà, làng bản no ấm. Sau khi khấn xong, thầy cúng sẽ đốt giấy bản ở bốn góc bàn, vẩy rượu ra bốn phương tạ ơn trời đất. Phần hội diễn ra sau khi các nghi lễ hoàn thành, dân bản tập trung quây quần uống rượu, múa hát xung quanh bàn lễ. Những làn điệu dân ca độc đáo của người Lô Lô được cất lên ca ngợi tình yêu quê hương, tình yêu lứa đôi.
Lễ cầu không chỉ cầu mong cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt bội thu mà còn là dịp gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ và tăng thêm tình đoàn kết cộng đồng. Tuy các nghi lễ cũng không cầu kỳ nhưng lễ cầu mưa của người Lô Lô luôn được tiến hành chu đáo, tôn nghiêm, mang đậm bản sắc văn hóa rất riêng. Qua buổi lễ cho thấy quan niệm thế giới tâm linh, mối quan hệ xã hội, cộng đồng, làng xóm gắn kết của người Lô Lô.
Bên cạnh đó, phong tục đón Tết và các nghi lễ chào đón năm mới là một trong những giá trị văn hóa đặc sắc của người Lô Lô đen tạo nên bản sắc văn hóa của các dân tộc ở Cao Bằng. Trong quan niệm của người Lô Lô, khi bước sang năm mới trong nhà không chỉ có ngô, gạo mà phải chuẩn bị nhiều củi lớn và nước, đây là thành quả của một năm làm ăn bội thu, sung túc. Đặc biệt, người Lô Lô còn chuẩn bị một khúc củi to, dài đủ nhằm giữ lửa trong những ngày Tết. Bếp lửa trong nhà luôn phải có lửa cháy từ chiều 30 tháng Chạp đến hết Tết với hy vọng cả năm được ấm áp như lửa, ngoài ra còn có tác dụng đuổi tà ma trong dịp đầu năm mới, tránh xui xẻo cho cả năm.
Sau giao thừa, dân tộc Lô Lô có tục đi lấy nước mới đầu năm từ đầu nguồn đem về đun pha trà dâng cúng tổ tiên, sau đó cả nhà rửa mặt, ngâm chân bằng nước mới để lấy may mắn cho cả năm. Đối với người, nước mới đầu năm ngoài việc đun sôi pha trà dâng cúng tổ tiên, rửa mặt, rửa tay chân giúp họ tỉnh táo, mạnh khỏe, trẻ con thông minh hơn, phần nước còn lại đem cho vật nuôi uống để béo, khỏe. Trong sáng sớm ngày đầu năm mới, họ gọi vật nuôi thức dậy, coi chúng như người bạn, giúp họ công việc đồng áng hằng ngày. Tập tục này có từ ngàn đời, trở thành nét đẹp văn hóa của dân tộc Lô Lô.
Cùng với đó, các lễ cúng thần rừng (cầu mưa), nghi lễ đám cưới, trò chơi dân gian của dân tộc Lô Lô đã được nghiên cứu, phục dựng, bảo tồn. Các nghề thủ công truyền thống của người Lô Lô: dệt vải (nhuộm chàm, thêu hoa văn), đan lát được hỗ trợ khung dệt dải vải và nguyên vật liệu để mở rộng sản xuất các sản phẩm phục vụ du khách. Các món ăn truyền thống của người Lô Lô: thịt lợn chua, bánh chưng đen, thịt treo gác bếp… cũng được xây dựng thành menu, phục vụ khách du lịch.
Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa
Việc giữ gìn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc Lô Lô luôn được chú trọng quan tâm thông qua các chương trình, dự án: Tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Lô Lô và Lễ mừng cơm mới; tổ chức hội thi hát dân ca, trình diễn trang phục dân tộc; thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học “Nghi lễ đám cưới của người Lô Lô trên địa bàn tỉnh Cao Bằng”, "Nghiên cứu, bảo tồn phát huy giá trị văn hóa người Lô Lô Đen tỉnh Cao Bằng"; tổ chức lớp tập huấn tuyên truyền nâng cao năng lực bảo tồn trang phục truyền thống; tổ chức lớp tập huấn công tác tuyên truyền, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bài trừ hủ tục lạc hậu trong đồng bào DTTS cho cán bộ làm công tác văn hóa và nghệ nhân, già làng, trưởng xóm vùng đồng bào DTTS, vùng biên giới trên địa bàn tỉnh.
Phát triển du lịch cộng đồng người Lô Lô đen. Ảnh: vnbusiness
Tại Tuần văn hóa du lịch Việt Bắc với Hà Nội trong khuôn khổ Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ XIII - Hà Giang năm 2022, thực hiện trưng bày, giới thiệu các nội dung: Giới thiệu và trưng bày văn hóa Lô Lô: tái hiện công đoạn quay sợi và thêu tay, trưng bày trống đồng, trang phục, các sản phẩm thêu tay của dân tộc Lô Lô. Mở lớp truyền dạy, khôi phục lại các nghề thủ công truyền thống, ẩm thực, trò chơi dân gian; thành lập đội văn nghệ quần chúng; triển khai Dự án “Bảo tồn bản văn hóa truyền thống dân tộc Lô Lô xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc, Cao Bằng” gắn với phát triển du lịch.
Song song với đó, quan tâm phát triển du lịch cộng đồng người Lô Lô đen, xây dựng đội văn nghệ cộng đồng, động viên nghệ nhân bồi dưỡng thế hệ trẻ bảo tồn văn hóa gốc về ngôn ngữ, văn hóa dân gian, dân ca, dân vũ, dân nhạc, nghề truyền thống, ẩm thực… phục vụ du lịch cộng đồng, góp phần thúc đẩy văn hóa, du lịch phát triển. gười dân cũng được đào tạo, tập huấn kiến thức, kinh nghiệm về phát triển bền vững du lịch cộng đồng; nâng cao chất lượng phục vụ của các homestay. Đồng thời hướng dẫn xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng phù hợp với xu thế thời đại, đáp ứng nhu cầu khám phá của đông đảo du khách muốn tìm hiểu văn hóa dân tộc đặc sắc.
Hà My