La Ha là một trong những dân tộc rất ít người ở nước ta (Ảnh: Báo Nhân dân)
Dân tộc La Ha có khoảng dưới 10.000 người sinh sống ở các huyện Mười La, Quỳnh Nhai, Thuận Châu và Mộc Châu, tỉnh Sơn La, trong đó, huyện Mường La là nơi có đông đồng bào La Ha sinh sống nhất.
Cuộc sống của người La Ha chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp truyền thống, năng suất rất thấp, cũng như nhiều tộc người khác ở vùng miền núi phía Bắc , đại bộ phận người La Ha vốn lấy canh tác nương rẫy làm sản xuất chính (trồng lúa nếp, sắn, ngô và bông), chỉ bộ phận nhỏ làm ruộng nước kết hợp với làm nương rẫy. Nghề đánh bắt cá, hái lượm cũng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh tế của đồng bào. Thế nên, nhiều đời nay, cuộc sống của người dân La Ha thường xuyên thiếu thốn, kinh tế kém phát triển, xã hội còn lạc hậu. Những hủ tục như tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cùng với tình trạng thất học vẫn diễn ra thường xuyên.
Trước những khó khăn này, trong những năm qua, tỉnh Sơn la đã triển khai nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ đồng bào xóa đói, giảm nghèo. Đặc biệt, từ năm 2021 với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh tập trung đầu tư phát triển mọi mặt kinh tế - xã hội cho nhóm DTTS rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn, góp phần xóa đói, giảm nghèo nhanh, bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc.
Đời sống của người dân La Ha ngày càng được nâng cao (Ảnh: Báo Nhân dân)
Huyện Mường La nơi có đông đồng bào La Ha sinh sống nhất, đã xác định thúc đẩy phát triển kinh tế là giải pháp quan trọng giúp người dân La Ha thay đổi nhận thức, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, từ đó nâng cao thu nhập. Từ năm 2019 đến nay, với nguồn vốn được tỉnh, Trung ương phân bổ, huyện đã hỗ trợ trên 10,6 tỷ đồng mua con giống, máy móc nông cụ và kinh phí làm chuồng trại chăn nuôi cho 822 hộ dân. Tổ chức hàng chục lớp tập huấn về áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao, qua đó nâng cao kiến thức, năng lực sản xuất cho chủ hộ gia đình.
Đồng thời, huyện đã đầu tư xây dựng hai công trình đường giao thông và cầu dân sinh tại bản Nong Quài, Pá Kìm, xã Chiềng Muôn với tổng kinh phí 11,8 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Bên cạnh đó, huyện Mường La còn quan tâm công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào La Ha. Từ năm 2019 đến nay, huyện đã tổ chức 3 lớp bồi dưỡng cho 157 học viên là cán bộ dân tộc La Ha ở bản, xã về kiến thức quản lý nhà nước, nghiệp vụ hoạt động văn hóa, thông tin cơ sở; mở 4 lớp truyền khẩu dạy tiếng dân tộc La Ha cho 152 học viên tại bản Huổi Quảng, Huổi Tóng, xã Chiềng Lao và bản Lọng Bong, xã Hua Trai.
Để giúp người dân ổn định nơi ăn, chỗ ở nên thời gian qua, huyện Mường La đã có nhiều chính sách di dời bà con đến nơi ở ổn định, an toàn, có đường đi lại thuận tiện... như bản Huổi Tóng, xã Chiềng Lao, huyện Mường La trước kia ở ven suối, nguy cơ sạt lở cao, để bảo đảm an toàn cho bà con, chính quyền huyện Mường La đã vận động và hỗ trợ người dân chuyển lên tái định cư ở địa điểm mới.
Cũng như Mường La, Thuận Châu là huyện có đông đồng bào dân tộc La Ha sinh sống, tập trung tại các xã Nong Lay, Chiềng La và Liệp Tè, với gần 600 hộ dân, trong đó hơn 54% số hộ thuộc hộ nghèo. Huyện đã triển khai thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, như: Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn; chính sách với người có uy tín trong đồng bào DTTS; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt. Từ năm 2019 đến nay, huyện Thuận Châu đã hỗ trợ 100% hộ dân tộc La Ha di chuyển chuồng trại chăn nuôi ra xa nơi ở và xây dựng chuồng trại mới với tổng số tiền hơn 2,2 tỷ đồng; hỗ trợ hơn 1,8 tỷ đồng cho 460 hộ cải tạo ao nuôi thủy sản; mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho gần 600 người về kỹ thuật trồng cây, ghép mắt, ủ phân trâu, bò... Từ sự hỗ trợ của Nhà nước, đời sống đồng bào dân tộc La Ha có nhiều chuyển biến rõ rệt, người dân đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi được hình thành, cho hiệu quả kinh tế cao.
Có thể nói, những nội dung hỗ trợ của Chương trình đã và đang làm thay đổi đời sống của đồng bào La Ha, vừa bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống để phát triển bền vững. Các công trình cơ sở hạ tầng và hỗ trợ sản xuất được hỗ trợ, đầu tư thêm, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, góp phần giảm dần khoảng cách phát triển giữa các dân tộc trong tỉnh; tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc. Song, cuộc sống của đồng bào La Ha vẫn còn không ít khó khăn, thiếu thốn, nhiều hủ tục lạc hậu chưa được xóa bỏ, văn hóa truyền thống đang ngày bị mai một. Trong thời gian tới, việc thực hiện chính sách đối với đồng bào La Ha được tỉnh Sơn La lồng ghép vào các chương trình, đề án; rà soát lại toàn bộ từ cơ sở hạ tầng đến hỗ trợ sản xuất; những phong tục, tập quán, văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc La Ha đã bị mai một để khôi phục; đồng thời rà soát lại địa bàn sinh sống của đồng bào dân tộc La Ha để đưa ra các giải pháp thực hiện sao cho hiệu quả hơn.
Tuệ An